Khu di tích Miếu thờ Thủy tổ Vũ Hồn ở Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương là một khu di tích được xây dựng công phu vừa được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Lễ đón nhận di tích năm nay đúng vào dịp kỷ niệm 1206 năm ngày sinh Thuỷ tổ Vũ Hồn - Thành hoàng làng Mộ Trạch. Kinh lược sứ Vũ Hồn được coi là người mở đầu cho dòng khoa bảng ở Mộ Trạch.
|
Miếu thờ Thủy tổ Vũ Hồn
Mộ Trạch là một làng tiến sĩ “độc nhất vô nhị” ở nước ta, với 36 tiến sĩ đại khoa, kể từ thế kỷ XII (thời nhà Trần) đến thế kỷ XVIII (nhà Lê). Theo tư liệu lưu giữ, trải qua nhiều thế kỷ, từ triều Trần qua triều Lê, Mạc đến thời Vua Lê, Chúa Trịnh, luôn luôn có các bậc anh tài làng Mộ Trạch mà trong đó đa phần là dòng họ Vũ. Tiếng tăm khoa bảng Mộ Trạch, dân gian đã lưu truyền qua câu phương ngôn: “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm” (Làng Chằm là tên cũ của làng Mộ Trạch bây giờ. Còn gọi theo cách nói chữ thì Mộ Trạch là “tiến sĩ sào”, sào có nghĩa là tổ chim, ý nói: làng Mộ Trạch như một tổ chim ủ trứng ấp, nở ra nhiều người học giỏi, đạt được học vị cao quý là trạng nguyên, tiến sĩ, hoàng giáp... Trong một lần đọc sách Đăng Khoa Lục, vua Tự Đức thấy tại Khoa thi Bính Thân (1657), niên hiệu Thịnh Đức 4 đời vua Lê Thần Tông, toàn quốc có 6 người đỗ Tiến sĩ, riêng làng Mộ Trạch đã có 3 người mà lại đều là họ Vũ. Vì thế vua Tự Đức mới hạ bút khen về sự học của làng Mộ Trạch: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ”, nghĩa là: Một làng Mộ Trạch tài bằng nửa cả nước.
Theo tư liệu lưu giữ, thì trong 36 người đỗ tiến sĩ, 1 trạng nguyên của làng Mộ Trạch thì họ Vũ có 29 tiến sĩ, họ Lê có 1 trạng nguyên, 4 tiến sĩ, còn lại là họ khác. Trong đó nổi lên những tên tuổi như: Tiến sĩ Vũ Hữu, đỗ năm 1463, đã làm quan thượng thư 6 bộ, trải qua 7 đời vua triều Lê. Ông là người hệ thống hóa toán học, hình học, số học... Có công thiết kế xây dựng các cổng kinh thành Thăng Long. Ông được vua Lê Thánh Tông phong là “Trạng Toán”. Tiến sĩ Vũ Hữu có 5 người con và cháu ruột đỗ tiến sĩ, cùng được khắc tên ở Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) và Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Trạng nguyên Lê Nại đỗ năm 1505, giữ chức Hữu Thị Lang. Đặc biệt, vào thời chúa Trịnh Tráng, làng Mộ Trạch có 17 người đỗ đạt làm quan trong triều, nên có câu: “Mộ Trạch họp việc làng giữa kinh đô”. Tiến sĩ làng Mộ Trạch làm quan có những người rất giỏi ngoại giao, đã có công giúp nước như: Vũ Huy Tấn - triều Tây Sơn, Vũ Duy Đoán - triều Lê... Lại có những tiến sĩ thơ văn có nhiều sách để lại như Vũ Quỳnh, Vũ Cán, Vũ Trọng Trình... Trong làng còn lưu giữ một bia đá khắc bài thơ “Khuyên con cháu học” từ năm 1679, lược dịch như sau: “Học hành tạc dạ, tấm lòng son/ Đọc sách cho thông chữ cái con/ Bữa đến muối, dưa nên chớ quản/ Văn làm khoái trá mới hầu ngon/ Bảng vàng ta đó, danh bằng sấm/ Của báu vua ban, giá ngự non/ Cha dạy con, con nên dạy cháu/ Trời còn, nhà ắt thế khoa còn”. Kế thừa truyền thống, ông Vũ Huy Ái - Chi hội Phó Hội Khuyến học của làng Mộ Trạch cho biết: Làng Mộ Trạch hiện nay có hơn 700 hộ với 2.850 nhân khẩu. Thế nhưng, tính từ năm 1960 đến nay đã có trên ba trăm người đỗ đại học, cao đẳng. Kể từ năm 2005, Chi hội Khuyến học làng Mộ Trạch được thành lập đã tích cực vận động tuyên truyền khuyến học và xây dựng quỹ khuyến học đi vào hoạt động có nền nếp, có nội dung và hình thức phong phú. Hàng năm, Hội đều có biểu dương khen thưởng kịp thời các em học sinh đỗ đạt và có thành tích cao trong học tập. Nguyễn Quốc Việt |
Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012
Đền thờ làng tiến sĩ Mộ Trạch
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét