Cô gái nào dù vụng bếp núc đến mấy, thuộc vài bài ca dao cũng biết kho cá nấu canh thế nào cho ngon. Kiến thức ban đầu đã có đủ, còn lại là tay quen thôi. Mà không quen cũng không được...
Góc bếp. Ảnh: hoanggia/flickr
Ẩm thực là một trong những yếu tố làm nên văn hoá cho một đất nước, mà ẩm thực đi ra từ nhà bếp chứ không phải từ những nơi lung linh cao sang quý phái. Ẩm thực xưa đi vào ca dao, gợi tình gợi cảnh, gợi nhớ nhung, lại còn đưa ra những nền tảng hướng dẫn để một cô dâu mới về nhà chồng, chỉ cần thuộc ca dao là đã biết cách nấu ăn rồi!
Măng mai nấu với gà đồng
Chơi nhau một mẻ xem chồng về ai?
Chơi nhau một mẻ xem chồng về ai?
Hay chưa? Mùa mưa măng nhú lên vừa ngọt vừa mềm, ếch vừa béo vừa nhiều, đập tép tỏi cho thơm rồi xào với thịt ếch. Chân lý tình yêu đi qua bao tử chắc hình thành từ thời xưa nên người phụ nữ trong câu ca dao tràn trề tự tin khiêu chiến với tình địch bằng những món ăn dân dã:
Cá nục nấu với dưa hồng
Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi!
Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi!
Tôi thích cách dạy dỗ của người xưa, ý nhị mà nhẹ nhàng nên con gái cô nào cũng thuộc nằm lòng: “Gái không trang điểm bất thành nữ”, “ăn trông nồi”; vào bếp thì “con gà cục tác lá chanh” - món nào đi kèm gia vị nấy; chọn chồng thì bị nhắc nhở “như đôi đũa lệnh so sao cho bằng?” Ngột ngạt ghê không? Theo quan niệm xưa, một cô gái không giỏi bếp núc, chợ búa thì chưa phải là là một phụ nữ hoàn hảo. Trai khôn kiếm vợ chợ đông, không rõ chợ Đông là tên riêng? Chợ đông là đông đúc nhộn nhịp, nơi các cô gái chứng tỏ bản lĩnh bán buôn lanh lợi vén khéo? Hay chợ nằm hướng Đông, nơi ánh mặt trời đến sớm, không dành cho các cô hay ngủ ngày? Đi chợ sớm để mua những món ngon nhất vì “đắt như tôm tươi”, “nhất béo nhì bùi là cá rô câu” hay ra chợ sớm thì bán nhanh hết hàng vì người mua Thà ăn cơm với muối còn hơn ăn cá chuối ươn. Ngẫm mới thấy các cụ thật tài tình, đúc kết hết bao nhiêu kinh nghiệm từ bếp ra chợ trong vài câu ca dao, tục ngữ. Diễn giải thì dài dòng nhưng phổ thơ thì nhớ ngay! Ngày xưa tôi thường được dạy làm bếp bằng các bài ca dao, thuộc nằm lòng, chỉ đọc thôi là nhớ “Cần tái, cải nhừ, rau muống sột”, rau cần chín tái, rau cải chín nhừ, rau muống vừa ăn là ngon nhất, đứng luộc rau thì cứ lẩm bẩm là cấm có sai. Vô bữa ăn, lỡ tay nêm cá nhiều muối, bà nội chẳng nói chẳng rằng, chỉ đọc thơ:
Con tôm kho mặn càng bùi
Cá mà kho mặn bốc mùi không ngon
Cá mà kho mặn bốc mùi không ngon
Gỏi cá trích. Ảnh: Trung Dũng
Bà còn kể cho tôi nghe những câu chuyện, chẳng biết đúng sai nhưng nghe là nhớ đời: Có chàng trai đến xem mắt cô gái được cô đãi món canh cá rô nấu cải xanh. Đúng kiểu chọn vợ ngày xưa, chàng quan sát cô từ trong nhà bếp nhưng cô gái không hề hay biết. Lúc nhắc nồi canh ra, tìm mãi không thấy cái thớt đập gừng, cô cắn miếng gừng làm đôi rồi thả vô nồi canh, vô tình ngẩng lên thấy ánh mắt chàng trai chứng kiến. Vô mâm cơm, cô bèn nói:
Canh cải mà nấu với gừng
Không ăn thì chớ xin đừng mỉa mai
Không ăn thì chớ xin đừng mỉa mai
Khôn ngoan quá thể! Cô này chắc cỡ Hồ Xuân Hương chứ chẳng chơi!
Có thể nói mấy bài ca dao đều được đem đi hát ru, có vần có điệu, bởi thế lúc bói bụng mà nghe nhà hàng xóm hát ru là bụng sôi ùng ục:
Có thể nói mấy bài ca dao đều được đem đi hát ru, có vần có điệu, bởi thế lúc bói bụng mà nghe nhà hàng xóm hát ru là bụng sôi ùng ục:
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi
Bậu đi bậu lấy ông câu
Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu
Kho tiêu thêm mỡ thêm hành
Thêm ba lạng thịt để dành bậu ăn
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi
Bậu đi bậu lấy ông câu
Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu
Kho tiêu thêm mỡ thêm hành
Thêm ba lạng thịt để dành bậu ăn
Nhức nhối chưa? Nghe mà chỉ nghĩ đến tộ cá bống kho sôi xèo xèo trên bếp, thơm nức hành tiêu, béo rục thịt mỡ, rưới cơm nguội ăn chắc chết đời! Mà cô gái nào dù vụng bếp núc đến mấy, thuộc vài bài ca dao cũng biết kho cá nấu canh thế nào cho ngon. Kiến thức ban đầu đã có đủ, còn lại là tay quen thôi. Mà không quen cũng không được. Bị mắng vài lời rồi thôi, bị mắng bằng ca dao xấu hổ gấp đôi, nhẹ nhàng mà nhớ đời! Hồi nhỏ, tôi nhớ hoài những câu “… Luộc gà hai mề, nấu cơm thì khê, rang vừng thì cháy, con mắt nhấp nháy, ăn vụng thành thần, con gái thanh tân, là bồ sút cạp”… mà bác tôi hay đọc để nhắc nhở đám cháu trong nhà. Gà luộc ngon nhất cái mề, nước sôi, cái mề trào lên trào xuống, cô gái nhìn tưởng con gà có hai mề nên ăn vụng mất một cái, vào bữa, cả nhà truy quá, cô bèn nói: “Có hai cái, con ăn mất một, một cái còn trong nồi!” Chết chưa, đứa nào tính hay bốc bải nghe xong là chừa! Đứa nào trong nhà đoảng vụng thì chuyện cười truyền đời từ nhà này sang nhà kia. Cả nhà tôi nhắc tới nhắc lui những câu chuyện kiểu “con gái bà Ba cắt cổ con gà không đứt, buông ra con gà chạy lòng vòng, máu nhểu khắp nhà” hay “con đó hồi mới về nhà chồng, đập đầu con cá lóc không nên thân, con cá giãy phát té lăn quay ra nhà!” Và nếu muốn không là nhân vật chính trong các câu chuyện đó, tốt nhất là nên chú tâm vào chuyện bếp núc.
Công nhận thời xưa quá nghiệt ngã với phụ nữ, tư tưởng phong kiến ăn sâu khiến đàn bà phải tề gia nội trợ để giữ chồng, cứ như ông chồng nào cũng là một kho báu. Mấy bà mẹ chồng thì kén dâu chẳng khác gì… mua heo, “mua heo kén nái, mua gái chọn dòng”:
Những nàng thắt đáy lưng ong
Đã giỏi chiều chồng lại khéo nuôi con
Những cô béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp cấu con cả ngày
Đã giỏi chiều chồng lại khéo nuôi con
Những cô béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp cấu con cả ngày
Bây giờ, suy đi ngẫm lại mới thấy cái tinh tế của người xưa đã trao bếp lửa vào bàn tay phụ nữ. Bà chính là người quyết định khẩu vị của cả gia đình, xác lập văn hóa ẩm thực cho cả nhà rồi truyền từ đời này qua đời kia. Bởi thế, những đứa con luôn nghĩ về mẹ với cái nhìn ấm áp “một mẹ già bằng ba hàng dậu” để luôn bảo vệ, gìn giữ nếp nhà. Nếu không có cái bếp, Tết nhất, giỗ chạp cũng chẳng biết tụ tập để làm gì? Các cô gái rồi sẽ lớn lên, sẽ thành mẹ thành bà, nền giáo dục nghiêm khắc ngày xưa đã phôi phai ngày nay. May mà bây giờ, cá đã làm sẵn, gà vịt đã ra thịt, chỉ cần nhớ “ví dầu con cá nấu canh, bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm”, nêm đúng gia vị, thứ nào món nấy là đã giỏi rồi. Hay là, muốn nấu ngon thì hãy đọc nhiều ca dao?
Nguyễn Phạm Khánh Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét