Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Chuyện ít biết về nơi có nhiều đình, chùa nhất Việt Nam

Từ cửa biển Cần Giờ, xuôi theo sông Nhà Bè một đoạn dòng sông này chia làm hai nhánh, khiến người ta chợt nhớ câu ca dao của thời cha ông đi mở cõi: “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.
Từ cái ngã ba sông ấy, ai muốn về Đồng Nai thì rẽ phải, ai về Gia Định thì rẽ trái. Đồng Nai khi ấy là vùng đất mới của xứ Đàng Trong, trong tiến trình mở cõi, Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chọn Cù Lao Phố làm nơi đặt đại bản doanh hành chính - “kinh đô” của xứ Đàng Trong. Trong suốt gần một thế kỷ sau đó, Cù Lao Phố trở thành thương cảng sầm uất nhất Phương Nam và cũng là nơi mà ngày nay được xem là có nhiều đình, chùa nhất Việt Nam?

Từ thác Trị An chảy ra Biển Đông, dòng chảy sông Đồng Nai tạo ra nhiều cù lao lớn nhỏ. Trong đó ở địa phận TP. Biên Hòa, dòng chảy bỗng chia làm hai nhánh ôm trọn một dải đất nằm giữa sông có hình dáng chiếc chuông chùa treo nghiên chính là Cù Lao Phố. Từ nhiều thế kỷ trước, địa danh này còn được biết đến với nhiều tên gọi: Nông Nại Đại Phố, Đông Phố, Giản Phố, Cù Châu.

Chuyen it biet ve noi co nhieu dinh chua nhat Viet Nam
Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai, nối liền với Cù Lao phố
Theo Địa chí Đồng Nai, Cù Lao Phố là bãi bồi phù sa nằm giữa dòng sông Đồng Nai hiền hòa, thơ mộng. Nơi đây có con đường sắt xuyên Việt và Quốc lộ 1 băng qua mỏm phía Tây Cù Lao bởi 2 chiếc cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh xây dựng năm 1903, nối đôi bờ sông Đồng Nai giúp cho người dân Cù Lao “giao lưu” với thế giới bên ngoài. Từ nhiều năm qua, nơi đây cũng đã được qui hoạch thành khu du lịch sinh thái của tỉnh.

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, năm 1679, Tổng binh Trần Thượng Xuyên, một tướng trung thành với triều Minh, không chấp nhận sống dưới triều Thanh đã làm một cuộc đào thoát từ Quảng Đông, dẫn theo đoàn tùy tùng 3.000 người cùng với 50 chiếc thuyền xin chúa Nguyễn cho tị nạn. Được chúa Nguyễn Phúc Tần đồng ý và cho họ vào làm ăn sinh sống ở Bàn Lân, xứ sở này lúc bấy giờ thuộc đất Đồng Nai.

Sau khi vào đến nơi, nhóm người Trần Thượng Xuyên tiến hành thành lập xã Thanh Hà, kéo dài từ Bàn Lân đến Bến Gỗ, trong đó Cù Lao Phố được xem là trung tâm. Cùng với những lưu dân người Việt đã định cư trước đó ra sức khẩn hoang, lập chợ, xây dựng phố xá, thương cảng. Không lâu sau, Cù Lao Phố trở thành thương cảng sầm uất nhất của Phương Nam trong suốt gần một thế kỷ (1679 – 1776). Sự danh tiếng của thương cảng Nông Nại Đại Phố thu hút các thương thuyền của những nhà buôn lớn trên thế giới từ Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai… vào ra tấp nập.

Tản mạn về những ngôi chùa mang nhiều cái tên 1 

Cảnh mua bán nhộn nhịp cũng được tác giả Trịnh Hoài Đức mô tả: Các thuyền ngoại quốc tới nơi này bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế khách, chủ điều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy hàng rất thuận lợi…

Nhưng tiếc thay, cuộc giao tranh được cho là khốc liệt của nhà Tây Sơn với Nguyễn Ánh vào năm 1776, đã biến nơi này thành xứ sở hoang tàn, đổ nát. Các thương gia phần lớn là Hoa Kiều rủ nhau xuống vùng Chợ Lớn sinh sống và lập ra những cơ sở thương mại khác. Kể từ đây, thương cảng Nông Nại Đại Phố mất dần vai trò trung tâm thương mại của xứ Đàng Trong, thay vào đó là vùng Chợ Lớn và Mỹ Tho.

Chuyen it biet ve noi co nhieu dinh chua nhat Viet Nam
Chùa Ông hay còn gọi là Thất phủ cổ miếu ở Cù Lao phố, một ngôi chùa Hoa sớm nhất ở Nam Bộ
Theo BQL Di tích Đồng Nai, năm 1836, địa bạ xứ Nam Kỳ được lập, lúc bấy Cù Lao Phố có 13 thôn, ước độ 2.000 dân. Đến năm 1867, thống đốc Nam kỳ chia Biên Hòa thành 5 hạt tham biện, Cù Lao Phố thuộc tổng Phước Vinh Thượng, huyện Phước Chánh, hạt tham biện Biên Hòa.

Đầu năm 1879, Pháp tiến hành tổ chức lại các làng xã. Cù Lao Phố từ 13 thôn gom lại thành 3 làng: Nhứt Hòa, Nhị Hòa và Tam Hòa. Đến khoảng 1928, ba làng trên được hợp nhất thành một làng là Hiệp Hòa, thuộc Tổng Phước Vinh Thượng, nhưng là quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa.

Sau năm 1975, Cù Lao Phố thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cù Lao Phố có diện tích 6, 6 km2, dân số vào khoảng 12.400 người. Với diện tích và dân số hiện thời chỉ tương đương với một xã/phường trung bình của tỉnh Đồng Nai. Song, nơi đây có có mật độ đình, chùa đậm đặc và được cho là xã có số lượng đình, chùa nhiều nhất Việt Nam: 11 ngôi đình, 6 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 3 ngôi miếu và một thánh thất cao đài. Trong đó có 3 di tích được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Lý giải về sự khác biệt này, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, trong công cuộc mở cõi Phương Nam, với tài kinh lược của Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ông đã nhìn thấy vùng đất Cù Lao Phố trù phú nên cùng với dân binh khai hoang, lập ấp từ rất sớm. Do vậy, hầu hết các đình, chùa ở đây có từ thời khai hoang mở cõi, tức vào thời kỳ đầu khi mới thành lập thôn, làng.

Từ nhiều năm qua, Cù Lao phố là một trong những điểm đến thu hút du khách trên tuyến du lịch sông Đồng Nai. Điều khiến du khách đến đây ngạc nhiên không phải là những câu chuyện huyền tích về những ngôi chùa cổ trên đất Cù Lao. Cái chính là thái độ ứng xử và lựa chọn của người dân đối với di tích.

Tại đình Bình Quan, ngoài thờ thần Thành hoàng, người ta còn thờ cúng liệt sĩ, những người tham gia chiến đấu bảo vệ cho vùng đất cù lao trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đó mới chính là sự cảm nhận các giá trị thật sự về tính cách lịch sử đặc thù, về văn hóa, phong cách sinh hoạt hồn nhiên và về nét sinh thái đang tràn ngập ở nơi đây.


 VietBao.vn (Theo Nhịp Sống Thời Đại >>>)
------------
Xem thêm: Chuyện ít biết về nơi có nhiều đình, chùa nhất Việt Nam, http://vietbao.vn/Du-lich/Chuyen-it-biet-ve-noi-co-nhieu-dinh-chua-nhat-Viet-Nam/2147533595/255/
Tin nhanh Việt Nam ra thế giới vietbao.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét