Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Dựng tóc gáy hòn đá chặt đầu người ở Bình Định

(VTC News) - Quân lính đặt hòn đá ngay trước cổng thành, lôi từng người trong gia tộc, thân cận với nhà Tây Sơn, kê đầu họ lên rồi vung đao chém.



Cách ngôi chùa Hương Quang (Tây Sơn, Bình Định), nơi có hòn đá kê đầu người cho voi dẫm, khoảng 10km, có một ngôi chùa cổ, hiện đang lưu giữ một phiến đá lớn, mà theo truyền thuyết, là nơi chúa Nguyễn Ánh cho quân lính kê đầu người xử chém. 

Hòn đá ấy chất chứa oan hồn khủng khiếp, từng khiến quân lính trong thành một thời hoang mang tột độ. 

Cho đến nay, chỉ duy nhất một người biết rằng, hòn đá ấy chính là một viên ngọc khổng lồ, cực kỳ quý hiếm. 

Hiện hòn đá chất chứa oan hồn đó ở chùa Thập Tháp Di Đà (thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, Bình Định).

Khối bạch ngọc khổng lồ


Sau khi VTC News đăng bài về hòn đá kê đầu cho voi dẫm đạp ở chùa Hương Quang (Tây Sơn, Bình Định), thì nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Hảo tiết lộ còn hòn đá nữa, mà Nguyễn Ánh dùng làm vật kê đầu chém nhà Tây Sơn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Hảo là Giám đốc Bảo tàng Gò sành của người Chăm cổ, là bảo tàng tư nhân, và cũng là nhà sưu tầm đồ cổ hàng đầu ở đất Bình Định. 

Theo anh Vĩnh Hảo, từ lâu, giới săn lùng đồ cổ đã để ý tới hòn đá ở chùa Thập Tháp và những kẻ tinh quái đều biết hòn đá đó là một vật quý. 
Dựng tóc gáy hòn đá chặt đầu người ở Bình Định
PV bên hòn đá chặt đầu người ở chùa Thập Tháp 
Từ cách nay 20 năm, Nguyễn Vĩnh Hảo đã biết hòn đá đó là viên bạch ngọc khổng lồ, cực kỳ quý hiếm. Hòn đá ấy, theo truyền thuyết, thì chất chứa biết bao oan hồn. Nhiều người kinh sợ không đám đến gần hòn đá ấy, nhưng Nguyễn Vĩnh Hảo thì bị hòn đá hút hồn suốt nhiều năm. 

Thi thoảng, như có điều gì đó thôi thúc, anh lại phóng xe máy vượt quãng đường hơn 20 cây số từ Quy Nhơn về chùa Thập Tháp để chiêm ngưỡng hòn đá. Từng đường nét, đặt biệt là cái màu trắng mịn tinh khôi, không có dấu vết thời gian, như thôi miên Nguyễn Vĩnh Hảo. Anh ngắm hòn đá cả ngày không biết chán. 

Giới săn lùng cổ vật đều có mơ ước khênh được viên bạch ngọc khổng lồ với truyền thuyết rùng rợn ấy về nhà mình. Nhưng, nó là thứ của nhà chùa, lại vô cùng linh thiêng, nên chẳng ai dám đụng đến.

Là người có 20 năm nghiên cứu, tìm hiểu về hòn đá, nên ở đất Bình Định này, không ai hiểu hòn đá hơn Nguyễn Vĩnh Hảo. 

Xưa kia, vùng thị xã An Nhơn bây giờ, là thành Đồ Bàn, trung tâm của vương triều Vijaya của người Chăm. Vương triều Vijaya sụp đổ, nhà Tây Sơn đã cho xây dựng thành Hoàng Đế tại địa điểm này. 
Dựng tóc gáy hòn đá chặt đầu người ở Bình Định
Tháp mộ trong chùa Thập Tháp 
Phía bắc thành Đồ Bàn có ngôi chùa tên là Thập Tháp Di Đà, thường gọi tắt là chùa Thập Tháp, vẫn tồn tại đến ngày nay. 

Cách nay 200 năm, chúa Nguyễn Ánh đã đánh chiếm thành Hoàng Đế, tiêu diệt nhà Tây Sơn. Chúa Nguyễn Ánh đã mở cuộc trả thù vô cùng hèn hạ và tàn khốc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Hảo được các cụ già ở An Nhơn kể lại rằng, Nguyễn Ánh đã phát lời chiêu dụ, kêu gọi những người họ hàng, thân tộc nhà Tây Sơn, cả quân lính theo nhà Tây Sơn ra đầu thú, sẽ được khoan hồng, trọng dụng. Những người có tội nặng cũng được tha mạng, nhưng sẽ phải vào miền Nam khai khẩn ruộng đất, mở mang bờ cõi. 

Nguyễn Ánh cũng tuyên bố rằng, nếu ai cố tình trốn tránh, hoặc có ý định tìm cách báo thù sẽ giết không tha, tru di cửu tộc. 

Tin lời Nguyễn Ánh, những người thân nhà Tây Sơn, những người trung thành với nhà Tây Sơn đã kéo nhau ra trình diện, số lượng đến cả ngàn. Thế nhưng, khi đã bắt hết được những người thân cận nhà Tây Sơn, thì Nguyễn Ánh trở mặt nuốt lời. 
Dựng tóc gáy hòn đá chặt đầu người ở Bình Định
Hòn đá chặt đầu người là khối bạch ngọc khổng lồ 
Chúa Nguyễn sai quân lính kiếm một hòn đá thật cứng, bền, đẹp, chất liệu quý để làm giá kê đầu xử chém. Chúa Nguyễn muốn hòn đá đó phải tồn tại mãi với thời gian, để người đời sau đều biết hình phạt nghiêm khắc cho kẻ mà Nguyễn Ánh cho là phản bội. 

Quân lính đã dùng voi kéo về một hòn đá khổng lồ, với chất liệu là ngọc quý đó về cổng thành. Dao kiếm chém vào hòn đá đó chỉ mẻ lưỡi, chứ hòn đá tuyệt nhiên không sứt mẻ. 

Quân lính đặt hòn đá ngay trước cổng thành, lôi từng người trong gia tộc, thân cận với nhà Tây Sơn, kê đầu họ lên rồi vung đao chém. Bất kẻ già, trẻ, trai, gái, đều đầu lìa khỏi cổ trên hòn đá ấy. 

Hàng ngàn người vô tội, mang cái án “kẻ thù xưa” đã phải chết một cách oan uổng. Nỗi oán hờn của họ với vị bạo chúa này ám vào hòn đá không thể nào thoát ra được.

“Oan hồn” trong khối ngọc

Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi chém đầu xong cả ngàn người, quân lính đã khênh hòn đá ra khỏi cổng thành Hoàng Đế. Thế nhưng, điều kinh hãi là cả trăm quân lính xúm vào khiêng, hòn đá không hề dịch chuyển, như thể có chân bám sâu vào đất. 

Lời đồn oan hồn ẩn trong hòn đá, khiến những người làm nhiệm vụ chặt đầu người thân nhà Tây Sơn vô cùng sợ hãi. Nhiều người phát điên. Có người chết bất đắc kỳ tử. Có người bỏ xứ đi đâu không rõ. 

Không tin hòn đá có oan hồn, chúa Nguyễn Ánh đã dùng voi kéo hòn đá đi. Thế nhưng, dù cả chục con voi cột vào dây thừng, vẫn không sao kéo hòn đá ra khỏi chỗ đã giết những người vô tội. Có trường hợp, con voi bỗng nổi điên, dứt dây thừng bỏ chạy, dẫm đạp chết cả người.
Dựng tóc gáy hòn đá chặt đầu người ở Bình Định
Một góc chùa Thập Tháp 
Điều kinh dị, là đêm đêm, từ hòn đá vang ra những tiếng khóc ai oán của những người trước lúc bị chặt đầu, như thể hòn đá ấy ghi lại tiếng khóc, rồi phát ra đêm đêm. 

Người ta còn đồn rằng, về khuya, có một cái đầu lâu chui ra từ hòn đá. Cái đầu lâu ấy cứ lăn lóc đến từng nhà viên quan có chức sắc ở trong thành và đập vào cửa bình bịch, phát ra lời đòi mạng thống thiết. 

Vậy nên, cứ đêm xuống, cửa rả nhà dân, nhà quan đều đóng kín. Ban đêm không ai dám đi qua khu vực cổng thành. Quan lại, dân chúng trong vùng sợ hãi, nhiều lần lập đàn cầu siêu cho các oan hồn, nhưng chẳng ăn thua gì. Các oan hồn vẫn không siêu thoát được khỏi hòn đá. 

Không còn cách nào khác, quan quân đều bỏ thành Hoàng Đế, chuyển đi nơi khác. Thành Hoàng Đế trở nên hoang tàn, lạnh lẽo, nơi chỉ có ma quỷ, oan hồn vất vưởng ở đó.

Lời đồn về tiếng than khóc vọng ra từ khối bạch ngọc khổng lồ


(VTC News) - Đêm đêm, người ta vẫn nghe thấy tiếng than khóc vọng ra từ hòn đá, lan ra chùa và khu vực xung quanh.
 Đưa khối ngọc về chùa

Như đã nói ở kỳ trước, sau khi chặt đầu nhà Tây Sơn trên hòn bạch ngọc khổng lồ, một loạt hiện tượng kỳ bí diễn ra. Không chỉ cuộc sống của quan quân, mà cuộc sống của dân chúng quanh thành Hoàng Đế cũng đều xáo trộn, kinh sợ bởi hòn đá.

Để người dân yên ổn sinh sống, làm ăn, một vị cao tăng chùa Thập Tháp đã lập đàn cầu siêu để giải nỗi oan khuất, lấy lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đàn giải oan rất lớn được dựng ngay cổng thành, bên hòn đá. 

Suốt 3 ngày 3 đêm, các nhà sư đã tụng kinh niệm Phật. Các “oan hồn” được nghe tiếng kinh sám hối, đã rời khỏi hòn đá, siêu thoát về nơi cực lạc, không còn giận dữ với thế gian nữa. 

Vị cao tăng chùa Thập Tháp đã xin được mang hòn đá về chùa. Quan quân trong triều vô cùng mừng rỡ, đòi mang voi, ngựa đến đưa khối đá đi giúp vị cao tăng, thế nhưng, vị này xua tay từ chối. 
Lời đồn về tiếng than khóc vọng ra từ khối bạch ngọc khổng lồ
Hòn đá chặt đầu ở chùa Thập Tháp 
Mọi người kinh ngạc khi thấy chỉ cần 4 nhà sư bám vào 4 góc, nhấc hòn đá nhẹ tênh, đi như bay về phía ngôi chùa Thập Tháp ở phía bắc thành Hoàng Đế. Họ khênh hòn đá đi nhanh đến nỗi, quan quân đuổi theo không kịp.

Nhà sư Mật Hạnh kể rằng, sau khi đưa hòn đá về chùa Thập Tháp, các nhà sư đặt hòn đá ở gốc cây thị cổ thụ 300 tuổi trong khuôn viên, phía nam ngôi chùa. Khi đó, mọi người gọi là Hòn Đá Chém. 

Thế nhưng, dù đã về cửa Phật, mà nỗi oan khiên chất chứa trong Hòn Đá Chém vẫn chưa hết. Đêm đêm, người ta vẫn nghe thấy tiếng than khóc vọng ra từ hòn đá, lan ra chùa và khu vực xung quanh. 

Dù ngôi chùa Thập Tháp rất rộng, chiếm diện tích ngót triệu mét vuông, nhưng cư dân trong vùng vẫn nghe thấy tiếng than khóc. 

Thậm chí, vào những đêm trăng thanh, người ta thấy một người phụ nữ mặc áo trắng, quần đen bước ra từ hòn đá, cứ đi lang thang trong chùa. Chỉ khi tiếng chó sủa nhiều, thì người phụ nữ ấy mới biến mất.
Lời đồn về tiếng than khóc vọng ra từ khối bạch ngọc khổng lồ
Trải qua 200 năm, làm nơi dẫm chân cho du khách, nhưng khối bạch ngọc vẫn sáng bóng 
Nhà sư Mật Hạnh dẫn tôi qua những khu tháp mộ uy nghi, xuyên qua mấy tòa ngang dãy dọc rất lớn, thì đến một khoảnh sân nhỏ. Tôi khá ngạc nhiên khi Hòn Đá Chém không nằm trên bệ thờ, hay một gian phòng trưng bày cất giữ trang trọng nào đó, mà lại là bậc kê chân để bước vào nhà Phương Trượng. 

Nhà sư Mật Hạnh bảo rằng, Hòn Đá Chém đã nằm đó hàng trăm năm qua rồi. 

Điều nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Hảo khẳng định, đây không phải hòn đá bình thường, mà là viên bạch ngọc quả không sai. 

Trong khi những chân tảng, những vật liệu đá xung quanh rêu mốc, phong hóa theo thời gian, thậm chí những tấm bia trong mộ tháp đã mờ nét chữ, thì hòn đá kê chân đi, phơi nắng dầm mưa, vẫn giữ màu trắng tinh khôi, sáng lóa trong ánh nắng chiều. 

Mỗi ngày, có không ít người dẫm chân lên, nhưng hòn đá vẫn sáng bóng, mịn màng, không hề bị bào mòn, không có một tì vết. Chỉ có chất liệu của ngọc, với độ cứng cấp 7, chỉ kém kim cương một chút, mới có thể vững bền với thời gian và sự tác động của con người đến như vậy. 
Lời đồn về tiếng than khóc vọng ra từ khối bạch ngọc khổng lồ
Khối bạch ngọc làm vật kê chân vào chánh điện 
Khối bạch ngọc này khá lớn, có chiều cao 0,4m, dài 1,5m và rộng 1,3m. Cứ theo con số đó nhân lên, thì hòn đá này nặng khoảng 3 tấn. 

Theo nhà sư Mật Hạnh, vì nỗi oan khiên trong Hòn Đá Chém vẫn còn quá lớn, nên đến thời hòa thượng Phước Huệ làm trụ trì, ông đã chuyển hòn đá đến trước khu Phương Trượng, ngay sau lưng chánh điện của chùa. 

Theo hòa thượng Phước Huệ, ông chuyển hòn đá đến đây, để ngày đêm các oan hồn trong hòn đá được nghe tiếng kinh kệ, giải tỏa oan khiên. 

Đệ tử của hòa thượng Phước Huệ, là nhà sư Mật Hạnh kể rằng, những đêm nhà chùa tổ chức lễ cúng vào lúc giao thừa tết Nguyên đán hàng năm, thì thường xuyên có một thứ ánh sáng mờ ảo, trông như dải lụa trắng bay ra từ hòn đá. 

Khi “dải lụa” đó bay lên chánh điện, thì tỏa ra ánh hào quang sáng rực. “Dải lụa” như ánh sáng lạ đó bay lơ lửng chậm rãi như đám mây quanh chánh điện đúng một vòng thì biến mất.
Lời đồn về tiếng than khóc vọng ra từ khối bạch ngọc khổng lồ
Tháp mộ trong chùa Thập Tháp 
Ai đến chùa Thập Tháp, cũng thường đến viếng Hòn Đá Chém và ai cũng ngạc nhiên khi hòn đá kỳ lạ, là chứng tích lịch sử đó không được thờ cúng ở nơi trang trọng, mà lại làm bậc thềm để mọi người dẫm chân lên. 

Nhà sư Mật Hạnh giải thích rằng, xưa kia, hòa thượng trụ trì đưa hòn đá về chùa với mục đích làm dịu đi nỗi oan khuất của những người bị chết chém, chứ không có ý định thờ cúng hòn đá. 

Khi nỗi oan khuất đã được giải tỏa, thì hòn đá ấy lại trở về với công dụng bình thường của nó, để ngày ngày du khách bước chân qua. 

Ngoài ra, trụ trì chùa Thập Tháp cũng mong muốn du khách khi bước qua hòn đá này sẽ nhớ lại bài học ngày xưa chúa Nguyễn Ánh vì nuốt lời hứa, ra tay tàn độc với người vô tội mà vương triều lụn bại, phải nhận cái chết tức tưởi và bị lịch sử lên án, rủa là đối tượng rước voi về giày mả tổ. 

Ngoài ra, hòa thượng trụ trì cũng mong muốn biến hòn đá ác nghiệt ngày xưa thành hòn đá hiền hòa, đẹp đẽ, nâng niu bước chân du khách. 

Hàng năm, vào ngày giỗ của hòa thượng Phước Huệ, vào ngày 18 tháng giêng âm lịch, hàng vạn Phật tử đến chùa, đều chiêm ngưỡng Hòn Đá Chém. Nhiều người quỳ lạy, ôm hòn đá khóc lóc. Không ít người rơi nước mắt khi quỳ lại hòn đá mà nhớ đến những anh hùng hào kiệt thời Tây Sơn

 Ngôi chùa của những chuyện lạ

Như đã nói ở kỳ trước, chùa Thập Tháp là nơi lưu giữ Hòn Đá Chém mang lời đồn chất chứa oan hồn rùng rợn. Đây là ngôi chùa lớn, mang trong mình nhiều chuyện kỳ bí.

Chùa Thập Tháp được xây dựng vào năm 1683, bởi thiền sư Nguyên Thiều (1648 - 1728). Thiền sư Nguyên Thiều là người Trung Quốc, theo thuyền buôn di cư sang Bình Định vào năm 30 tuổi. 

Xây dựng xong chùa Thập Tháp, ông di cư ra đất Thuận Hóa dựng chùa Hà Trung, chùa Quốc Ân, tháp Phổ Đông và mất tại đó. 

Sở dĩ ngôi chùa có tên khá lạ, là Thập Tháp bởi nguyên do trước đây trên khu đồi xây dựng chùa có 10 ngôi tháp Chăm đã sụp đổ và thiền sư Nguyên Thiều sử dụng gạch từ những ngôi tháp đổ sụp này để xây dựng.
Những chuyện kỳ bí ở ngôi chùa có hòn bạch ngọc khổng lồ
Vườn tháp mộ khổng lồ trong chùa Thập Tháp 
Chùa Thập Tháp là di tích kiến trúc nghệ thuật đa dạng và điển hình của thế kỷ 19. Chùa được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1990. Ngôi chùa rộng mênh mông này lưu giữ nhiều quần thể kiến trúc rất độc đáo, như ngôi chánh điện do thiền sư Thiệt Kiến Liễu Triệt trùng kiến vào năm 1749, nhà Phương Trượng (nơi có Hòn Đá Chém) do Quốc sư Phước Huệ xây vào năm 1924.

Trong khuôn viên chùa có 20 tháp mộ rất lớn, của các đời trụ trì với kiến trúc rất độc đáo. Theo lời đồn, sau khi biết mình không thể tiếp tục sống, các trụ trì đã tự nhốt mình vào tháp xây sẵn và qua đời. 

Điều khá đặc biệt là có một ngôi tháp chứa rất nhiều xương cốt. Năm 1876, trong lúc tổ chức khai khẩn vùng đất hoang sau chùa, gặp rất nhiều hài cốt của lính Tây Sơn và nhà Nguyễn chết trong trận chiến ở thành Hoàng Đế, hòa thượng Minh Lý cho gom lại, xây một tháp để thờ cúng, ngày nay gọi là tháp Hội đồng.

Ở chùa Thập Tháp, có một tháp mộ rất đặc biệt, luôn giữ màu trắng, dù đã có tuổi đời cả trăm năm. Tháp mộ ấy liên quan đến oan tình của vị trụ trì ở ngôi chùa này. 
Những chuyện kỳ bí ở ngôi chùa có hòn bạch ngọc khổng lồ
Khuôn viên rộng mênh mông của chùa Thập Tháp 
Chuyện rằng, sau khi sư phụ là hòa thượng Minh Giác mất, hòa thượng Thiệt Kiến Liễu Triệt đang làm trụ trì chùa Thiên Mụ (ở Huế) được gọi về làm trụ trì chùa Thập Tháp. 

Thời gian sau, đêm mưa gió, có người mẹ ôm con nằm trước cửa chùa. Người mẹ bị câm nên không nói được. Hòa thượng Liễu Triệt thương tình cho xây một cái am nhỏ gần chùa để mẹ con tá túc. 

Cũng vì thế, mà người dân trong vùng đồn rằng, trong thời gian làm trụ trì ở Huế, hòa thượng Liễu Triệt thường được vua vời vào cung và ông đã tơ tình với một cung nữ. Kết quả của mối tình ấy là có một đứa con. Hòa thượng Liễu Triệt không có lời giải thích nào.
Những chuyện kỳ bí ở ngôi chùa có hòn bạch ngọc khổng lồ
Hòn Đá Chém làm bậc kê chân 
Điều kỳ lạ, là từ khi xây am nhỏ cho mẹ con người lạ tá túc, thì đêm nào cũng có một con Bạch Hổ đến trước chánh điện, chỗ Hòn Đá Chém ngồi nghe tụng kinh, khiến ai nấy đều sợ hãi. Hòa thượng Liễu Triệt bảo mọi người đừng sợ vì con cọp này không hại ai. 

Một ngày, không thấy Bạch Hổ đến nghe kinh, hòa thượng biết nó đã thoát kiếp, nên sai đệ tử đi tìm và đã phát hiện xác cọp ở vườn sau chùa. Hòa thượng Liễu Triệt cho xây dựng tháp mộ, mai táng con cọp vào tháp. 

Ban đầu, tháp Bạch Hổ được xây dựng bằng gạch Chăm nhưng đã bị sụp đổ, hiện đã được xây dựng lại, còn bộ xương thì bị kẻ gian lấy mất trong những năm kháng chiến chống Pháp. 

Trước khi viên tịch, hòa thượng Liễu Triệt gọi đệ tử tập trung lại và bảo: “Người đời nói oan cho ta dính án tình với phụ nữ. Ta một đời tu hành thanh tịnh, sau khi xả bỏ báo thân này, tháp của ta cũng sẽ luôn luôn tinh bạch”. 
Những chuyện kỳ bí ở ngôi chùa có hòn bạch ngọc khổng lồ
Tháp Trắng 
Quả nhiên, cho đến ngày nay, tháp của hòa thượng Liễu Triệt vẫn luôn giữ màu trắng và mọi người quen gọi đó là Tháp Trắng.

Tại ngôi chùa này, còn có truyền thuyết kỳ lạ về hạt lúa khổng lồ. Theo sư Mật Hạnh, khi dừng chân ở đây, thiền sư Nguyên Thiều dựng ngôi lều cỏ đơn sơ trú ngụ. 

Thiền sư Nguyên Thiều huy động đệ tử, nhân dân dùng gạch đá của 10 ngôi tháp đổ của người Chăm dựng ngôi chùa Thập Tháp. Khi xây dựng chùa, Thiền sư Nguyên Thiều ngày càng thu nhận nhiều đệ tử quy y cửa Phật. 

Công việc thì nhiều, đệ tử thì đông, mà lương thực khan hiếm, nên thiền sư Nguyên Thiều đã mang từ phương xa về hạt lúa khổng lồ, to bằng chiếc trống cái. 
Những chuyện kỳ bí ở ngôi chùa có hòn bạch ngọc khổng lồ
Theo lời đồn tháp mộ này giữ nhiều xương người 
Mùa xuân, khi các đệ tử đang cày ruộng, thì hạt lúa giống khổng lồ từ trong chùa bỗng tự lăn ra đồng. Không cần bón phân, thời gian trôi qua, hạt giống tự nẩy mầm rồi lớn lên vùn vụt. Mùa hạ thì lúa chín. 

Điều đáng ngạc nhiên là những hạt lúa to như hạt giống ban đầu, nhưng năng suất thấp, chỉ đủ cho nhà chùa dùng, và bố thí một ít ra ngoài. Mỗi nhà sư chỉ cần 1 hạt lúa là ăn cả tháng. Hạt lúa trắng tinh, dẻo, thơm như gạo nếp. 

Chuyện như huyền thoại nữa, là đến mùa thu hoạch, các nhà sư không phải vất vả gặt hái, mà chỉ cần quét dọn sân chùa sạch sẽ, những hạt lúa sẽ tự động lăn về.

Nhiều kẻ tham lam, đã ăn trộm hạt lúa ấy về, nhưng hạt lúa đều mất đi tính tự lăn ra đồng, tự sinh trưởng. Nhiều kẻ khênh hạt lúa ra gieo, nhưng hạt lúa trơ như đá, không chịu nảy mầm. Đục hạt lúa ra, thì thấy gạo bên trong đã thối rữa. Có kẻ, vừa mang hạt lúa về, thì hạt lúa bỗng tan thành khói bụi. Vì thế, hạt lúa này chỉ trồng được ở trong chùa, không phổ biến ra ngoài được.

Trong một vụ lúa, một nhà sư trẻ tắc trách, quét sân chùa không sạch. Khi các hạt lúa lăn về, thấy sân chùa bẩn, đã dỗi hờn tan biến hết. 

Thiền sư Nguyên Thiều không một lời quở trách nhà sư trẻ mà lại nhẹ nhàng thuyết giảng sâu sắc với nụ cười độ lượng về lẽ sinh diệt, chân tướng và giả tướng: “Không phải lỗi tại con. Vạn vật hễ duyên mãn thì sanh, duyên tán thì diệt. Những gì mình thấy ở trước mặt không phải là thực thể mà là giả tướng. Thấy đó không phải là thật có, không còn thấy đó không phải là thật không”. 

Từ ấy giống lúa mất. Nhà chùa giữ lại một số vỏ lúa để làm kỷ niệm. Lâu dần, các vỏ lúa ấy mục hết, chỉ còn một vỏ to như chiếc trống chầu, vàng án. Nhà chùa lưu giữ vỏ lúa này rất trân trọng.

Nhà sư Mật Hạnh kể: “Năm 11 tuổi, khi tôi mới vào quy y tại chùa Thập Tháp đã được nghe ngài Huệ Chiếu kể cho nghe chuyện hạt lúa khổng lồ. Khi Pháp chiếm đóng Bình Định, nghe dân gian truyền tụng tại chùa Thập Tháp có một vỏ lúa to lớn lạ thường liền rủ nhau đến xem. 

Không tin vào mắt mình, các quan Pháp ngỡ ngàng thán phục rồi nổi máu chiếm đoạt. Nhưng khi các quan Pháp lấy tay đụng đến, vỏ lúa lập tức tan tành thành bụi trấu bay vung vãi vào mặt bọn thực dân rồi bay về trời. Từ đó, hạt lúa khổng lồ ở chùa Thập Tháp chỉ còn trong những chuyện kể”.


Dương Phạm Ngọc
Ly kỳ : Chuyện ông Hổ trắng đi tu tại chùa Thập Tháp.

Xem hình
Chùa Thập Tháp (ở P.Nhơn Thành, TX.An Nhơn, Bình Định) có nhiều câu chuyện truyền miệng hoang đường, nghe đến không ít người phải rùng mình.

 Những di tích kỳ bí - Kỳ 3: Chuyện liêu trai trong ngôi chùa cổ 1
Cổng chùa Thập Tháp
Quần thể di tích Phật giáo
Nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch khẳng định chùa Thập Tháp (tên đầy đủ là Thập Tháp Di Đà Tự) do thiền sư Nguyên Thiều (1648 - 1728) kiến tạo rồi làm lễ khai sơn vào năm 1683.
Thiền sư họ Tạ, tự Hoán Bích (người Trung Quốc), theo thuyền buôn đến phủ Quy Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Định) năm 30 tuổi. Sau chùa Thập Tháp, thiền sư Nguyên Thiều ra đất Thuận Hóa lập chùa Hà Trung, chùa Quốc Ân, tháp Phổ Đồng rồi mất tại đó. Tên chùa Thập Tháp là do nguyên trước đây trên khu đồi xây dựng chùa có 10 ngôi tháp Chăm đã sụp đổ. Ban đầu, chùa Thập Tháp được xây dựng từ gạch của 10 ngôi tháp cổ này.
Chùa Thập Tháp là di tích kiến trúc nghệ thuật thế kỷ 19 đã được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1990. Hiện chùa còn lưu giữ quần thể kiến trúc rất độc đáo, như ngôi chánh điện do thiền sư Thiệt Kiến Liễu Triệt cho trùng kiến vào năm 1749, nhà phương trượng do Quốc sư Phước Huệ xây vào năm 1924... Thời hòa thượng Minh Lý trụ trì chùa Thập Tháp (1871 - 1889) cũng đã tạo lập rất nhiều tượng Phật đến nay vẫn còn.
Trong khuôn viên chùa có khoảng hơn 20 tháp mộ của các đời trụ trì với kiến trúc rất độc đáo. Năm 1876, trong lúc tổ chức khai khẩn vùng đất hoang sau chùa, gặp rất nhiều hài cốt của lính Tây Sơn và nhà Nguyễn chết trong trận chiến ở thành Hoàng Đế, hòa thượng Minh Lý cho gom lại, xây một tháp để thờ cúng, ngày nay gọi là tháp Hội đồng.
Trụ trì dính nghi án oan tình

 
Hòn Đá Chém - Ảnh: Hoàng Trọng
Đến nay, các hòa thượng và người dân trong vùng vẫn còn lưu truyền câu chuyện về ông Bạch Hổ đi tu tại chùa Thập Tháp. Sau khi sư phụ là hòa thượng Minh Giác mất, hòa thượng Thiệt Kiến Liễu Triệt đang làm trụ trì chùa Thiên Mụ (ở Huế) được gọi về làm trụ trì chùa Thập Tháp.

 

Không những là quần thể kiến trúc độc đáo, chùa Thập Tháp còn lưu giữ nhiều bộ kinh kệ rất quý, như: 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú... và bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường, bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly và bộ Đại Tạng Kinh Đài Loan.

Một thời gian sau, trong đêm mưa gió, có hai mẹ con nằm trước cổng chùa Thập Tháp. Người mẹ bị câm nên không ai hỏi được gì. Hòa thượng Liễu Triệt cho xây một cái am gần chùa cho hai mẹ con nương náu. Từ đó, người dân trong vùng đồn đoán rằng trong thời gian làm trụ trì chùa Thiên Mụ, hòa thượng Liễu Triệt thường được chúa Nguyễn Phúc Khoát mời vào cung và đã có tơ tình với một phi tần. Kết quả mối tơ tình này chính là đứa con, còn phi tần kia là người mẹ bị câm. Hòa thượng Liễu Triệt không một lời giải thích.
Cũng trong thời gian này, đêm nào chùa Thập Tháp cũng có một con Bạch Hổ đến ngồi trước chánh điện nghe kinh khiến ai cũng sợ hãi. Hòa thượng Liễu Triệt bảo mọi người đừng sợ vì con cọp này không hại ai rồi ra ngoài nói với con cọp: “Hỡi Bạch Hổ! Vì nghiệp nặng phải làm thân súc sinh, hãy cố gắng nghe kinh tu hành có ngày sẽ được thoát kiếp”.
Thời gian sau, chúa Nguyễn triệu hòa thượng Liễu Triệt ra Huế để giảng dạy Phật pháp. Đêm trước khi đi, hòa thượng nằm mơ thấy một ông lão đến nói: “Xin thầy ở lại vài hôm để làm lễ cho con, tuổi thọ của con còn ngắn, con ở sau chùa”. Vài hôm sau, không thấy Bạch Hổ đến nghe kinh, hòa thượng biết cọp đã thoát kiếp nên sai đệ tử đi tìm và phát hiện được xác cọp sau vườn chùa. Hòa thượng cho mai táng con cọp tại chỗ, xây tháp và làm lễ đúng 49 ngày. Ban đầu, tháp Bạch Hổ được xây dựng bằng gạch Chăm nhưng đã bị sụp đổ, hiện đã được xây dựng lại, còn bộ xương thì bị kẻ gian lấy mất trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Trước khi viên tịch, hòa thượng Liễu Triệt tập trung đệ tử lại dạy dỗ lần cuối và đưa ra lời bảo chứng: “Người đời nói oan cho ta dính án tình với cung phi. Ta một đời tu hành thanh tịnh, sau khi xả bỏ báo thân này, tháp của ta cũng sẽ luôn luôn tinh bạch”. Quả nhiên, cho đến ngày nay, tháp của hòa thượng Liễu Triệt vẫn còn trắng và mọi người quen gọi đó là Tháp Trắng.
Hòn đá chém oán hờn
Tương truyền rằng, sau khi chúa Nguyễn Ánh chiếm được thành Hoàng Đế, liền chiêu dụ những người trong hoàng tộc nhà Tây Sơn ra đầu thú với lời hứa hẹn sẽ không trả thù. Nhiều người ra trình diện thì Nguyễn Ánh nuốt lời, mang ra chém sạch. Tảng đá dùng để kê đầu tôn thất nhà Tây Sơn lên chém được đặt ngay cổng thành Hoàng Đế. Từ đó, hằng đêm trong tảng đá vẳng ra tiếng than khóc ai oán, đòi mạng thống thiết, người dân và quan quân nhà Nguyễn không ai dám đi ngang qua cổng thành.
Để cứu chúng sinh, một vị trụ trì chùa Thập Tháp xin được lập đàn cầu siêu để giải nỗi oan khuất. Sau 3 ngày đêm kinh kệ, nhà sư cho người mang hòn đá kia về chùa Thập Tháp. Hòn đá được đặt cạnh cây thị cổ thụ 300 năm tuổi nằm phía nam tường thành của nhà chùa và được đặt tên là Hòn Đá Chém. Nhưng nỗi oan khiên trong Hòn Đá Chém vẫn còn vất vưởng. Vào những đêm mưa gió, người ta thường thấy một phụ nữ mặc áo cụt trắng, quần đen bước ra từ Hòn Đá Chém. Khi chó trong chùa sủa là bóng người phụ nữ kia biến mất.
Đến thời hòa thượng Phước Huệ làm trụ trì, Hòn Đá Chém được chuyển vào để ngay bậc tam cấp trước khu Phương Trượng, sau lưng Chánh điện của chùa để thường xuyên được nghe kinh kệ, giải tỏa những oan khiên. Theo nhà sư Mật Hạnh, đệ tử của nhà sư Phước Huệ, cách đây vài chục năm, những đêm nhà chùa tổ chức cúng hành binh, hành khiến hằng năm vào lúc giao thừa trước Tết Nguyên đán, đến khi đổ 3 hồi trống chiêng là tự nhiên có một dải lụa trắng, tỏa ra ánh hào quang sáng rực xuất hiện bay lượn ngang chánh điện một lần rồi mất.
Ngày nay, Hòn Đá Chém vẫn còn đặt tại cửa khu phương trượng của chùa Thập Tháp (cao khoảng 40 cm, dài 1,5 m, rộng 1,3 m) nhưng chuyện ma quái không còn xuất hiện. Hằng năm, đến ngày giỗ hòa thượng Phước Huệ (18 tháng giêng âm lịch), hàng ngàn phật tử đến dự, nhìn Hòn Đá Chém, không ít người rơi nước mắt nhớ đến những anh hùng, hào kiệt thời Tây Sơn.
Hoàng Trọng


NGUỒN ĐỌC THÊM:http://www.phatgiaovnn.com/upload1/modules.php?name=News&op=viewst&sid=10231#ixzz3mjdClNXP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét