TTO - Như một con bạch tuộc khổng lồ giữa núi rừng Phú Thọ, đầm Ao Châu là một tác phẩm phong cảnh tuyệt sắc mà thiên nhiên đã ban tặng, là điểm đến lý thú cho những du khách muốn tìm cảm giác mới mẻ ở vùng đất Tổ vua Hùng.
Một góc bến đò du lịch Ao Châu - Ảnh: HẢI DƯƠNG |
Từ Hà Nội, chạy xe máy theo quốc lộ 32 qua thị xã Sơn Tây, đến Cổ Tiết rồi rẽ vào quốc lộ 32C thẳng tiến lên vùng đất Tổ. Sau quãng đường khoảng 140km, du khách cũng đến được thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Từ chân đê sông Hồng rẽ phải khoảng 2km, đầm Ao Châu hoang sơ và kỳ ảo hiện ra trước mắt du khách.
Khám phá “bạch tuộc” khổng lồ
Trên bến đò chỉ có vài ba chiếc thuyền máy chở du khách đang lặng lẽ neo đậu sát mép nước. Cả ngày cuối tuần nhưng chỉ có chúng tôi tới thuê thuyền. Ông lái đò tên Hồng (khoảng 50 tuổi) mời mọi người lên thuyền với giá trọn gói 600.000 đồng.
Đầm nằm trên địa bàn của ba xã Ấm Hạ, Y Sơn, Phụ Khánh và thị trấn Hạ Hòa với diện tích mặt nước lên đến 280ha và có đến 99 lạch nước đâm ra các hướng từ đầm chính. Do đó, để đi tham quan và dừng chân ở vài nơi tiêu biểu cũng mất cả ngày.
Nhìn từ trên cao, đầm Ao Châu (độ sâu trung bình khoảng 4-5m, chỗ sâu nhất lên tới gần 30m) trông giống một con bạch tuộc khổng lồ có 99 cái chân (là những lạch nước) tỏa đi các hướng, len lỏi qua từng quả đồi, ngọn núi, rừng cây.
Theo ông Hồng, nước ở đầm Ao Châu luôn luôn giữ được sự trong xanh suốt bốn mùa và không bao giờ cạn. Các lạch nước quanh co uốn lượn ôm lấy các hòn đảo nhỏ khiến cảnh sắc càng đa dạng. Con thuyền nhẹ trôi êm đềm giữa trời mây non nước, mọi người thả lòng mình theo cơn gió mát, cảm thấy tâm hồn như miên man với gương hồ chốn tĩnh tại, thư thái.
Toàn bộ khu vực đầm Ao Châu có đến hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, hầu hết đều là những quả đồi, núi thấp không có người sinh sống. Một số hòn đảo lớn ở đây có thể kể đến như đảo Ông, đảo Vằn, đảo Buộm.
Với độ cao trung bình từ 50-200m so với mực nước biển, các hòn đảo ở đầm Ao Châu có một nét đẹp riêng đó là bạt ngàn những rừng cọ, đan xen vào đó người ta cũng trồng chè. Nước đầm Ao Châu luôn trong xanh vừa tạo cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc, vừa là nơi cung cấp nước tưới cho những nương chè.
Giữa mênh mang nước và đảo, con thuyền chúng tôi đang ngồi ngoạn cảnh y như một chiếc lá, rẽ làn nước đang in bóng hình mây núi tiến lên. Lòng người đang lãng du trên mảnh đất Tổ vua Hùng như có cảm giác lạc vào huyền tích xa xưa.
Người ta truyền nhau câu chuyện về 99 lạch nước đầm Ao Châu của vùng đất Hạ Hòa, nơi có đền Quốc Mẫu Âu Cơ. Những quả đồi tượng trưng hình dáng đàn voi chầu về đền Tổ.
Nhiều tiềm năng
phát triển du lịch
Sau gần hai giờ ngắm cảnh non xanh trời đất, con thuyền dần dần đưa chúng tôi tới một hòn đảo ở vị trí giữa đầm, nơi có một ngôi đền đài cổ kính ẩn hiện dưới những tán cây. Sau khi con thuyền neo đậu, mọi người cùng bước lên bậc thang để tới khu đền đài cổ. Chỉ mất khoảng 10 phút leo bộ qua gần 100 bậc gạch mọi người đã tới được điểm cao nhất của hòn đảo, nơi đặt khu đền đài.
Theo ông Hồng - người trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ, cho chúng tôi biết đây là đền thờ các bậc anh linh với tấm biển “Từ Hàng Quảng Tế”. Chúng ta có thể hiểu các bậc anh linh ở đây là những vĩ nhân lịch sử của dân tộc Việt, hẹp hơn ở vùng đất Tổ chính là các vị vua Hùng đã có công dựng nước.
Phía trước đảo là một dải núi phía xa và có năm lạch nước chảy về tụ lại sát hai bên là các quả đồi khác. Trên đảo, bao quanh khu đền đài là những hàng dừa cảnh, cây cọ tạo màu xanh và cảnh quan thâm nghiêm.
Rời hòn đảo có đền Từ Hàng Quảng Tế, chúng tôi tiếp tục đặt chân đến một hòn đảo khác với nhiều tòa nhà đã bị bỏ hoang, mà theo ông Hồng, đây từng là khu trại tạm giam tù nhân. Trung tâm hòn đảo này là khu nhà quản lý của trại tạm giam với quy mô khá lớn, kiến trúc trông khá hiện đại.
Theo một số người dân, để thưởng thức các món đặc sản từ con ba ba được bắt ngay tại đầm Ao Châu là điều tuyệt vời, nhưng không phải lúc nào cũng có. Nhiều năm nay, vì tò mò nên các cần thủ từ nhiều nơi cũng tìm đến đầm Ao Châu để thử sức và thỉnh thoảng câu được con cá trắm đen nặng 10-15kg.
Dù tiềm năng du lịch sinh thái, dã ngoại ở vùng đầm Ao Châu là rất lớn, nhưng thắng cảnh vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng cách, đúng mức.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngành du lịch Phú Thọ, việc phát triển du lịch sinh thái trên vùng đầm Ao Châu cũng bắt đầu được chú trọng hơn. Những công trình nhà cửa trên đảo dự kiến sẽ được chuyển đổi, nâng cấp, xây mới để phục vụ mục đích du lịch.
Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch, có lẽ Ao Châu không chỉ cần nơi ăn chốn nghỉ cho du khách mà cả những dịch vụ, những thứ còn rất thiếu ở Ao Châu.
Từ Hà Nội đến đầm Ao Châu hết sức dễ dàng với nhiều loại phương tiện. Du khách có thể đi theo đường tàu, đi ôtô đường cao tốc mới Hà Nội - Lào Cai hay đi ôtô, xe máy theo quốc lộ 32 và 32C hoặc quốc lộ 2. Khi tới trung tâm thị trấn Hạ Hòa, bến đò Ao Châu nằm ngay bên đường rất dễ tìm.
Sau khi vãn cảnh đầm Ao Châu, mọi người có thể tới thăm các di tích lịch sử như đền Mẫu Âu Cơ, đền Chu Hưng, thăm các làng nghề, khám phá Ao Trời - Suối Tiên trong bán kính 20km.
Ở khu vực thị trấn Hạ Hòa có nhiều loại phòng trọ, khách sạn bình dân và các món ăn dân dã cho khách lựa chọn.
|
Hệ động - thực vật phong phú
Do tích nước suốt bốn mùa và với các lạch nước thông nhau quanh co qua các quả núi, hệ động thực vật tại vùng đầm Ao Châu rất phong phú.
Theo cơ quan chức năng, có đến 702 loài thực vật có giá trị về gỗ và nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh, có 22 loài thú, 71 loài chim và 29 loài cá. Các loài cá chép, cá trắm, cá măng, cá ngạnh, rùa, ba ba... rất sẵn trên đầm Ao Châu.
Theo một số người cao tuổi tại vùng này, vào năm 1974, người dân đã bắt được một con giải (họ nhà rùa) nặng đến 220kg. Sau đó đê sông Hồng từng nhiều lần bị vỡ, đầm Ao Châu lại gần sông Hồng nên người ta cho rằng giải đã theo dòng nước ra hết sông Hồng.
Từ đó đến nay không còn ai bắt được giải khổng lồ trên đầm Ao Châu nữa. Con giải giờ đây chỉ là huyền thoại được kể lại trong các câu chuyện bên đầm.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét