Để có ngôi chợ bề thế, sầm uất và một Q.Thủ Đức (TP.HCM) trù phú hiện nay có công lớn của bậc Tiền hiền Tạ Huy - Thủ Đức - Tạ Dương Minh, người đã vinh dự được người xưa lấy tên hiệu để đặt cho vùng đất này. Tuy nhiên, “bí mật về ngôi mộ cổ” của ông vẫn ít được biết đến.
Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích (Sở VH-TT TP.HCM): Linh Chiểu tức Q.Thủ Đức ngày nay là vùng đất gò đồi tương đối cao, nối liền với những vùng sườn tích cổ Bến Gỗ - Ngãi Thắng - Long Bửu - Hội Sơn - Bến Đò - Gò Quéo - Giồng Ông Tố, thuộc nền văn hóa tiền sử lưu vực sông Đồng Nai.
“Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu rày”
Khoảng thời gian từ năm 1679 đến năm 1725, ông Tạ Huy, tên hiệu là Thủ Đức là một trong những người thuộc nhóm “phản Thanh phục Minh” từ Trung Quốc chạy sang xin được cư trú và được chúa Nguyễn cho phép định cư. Ông Tạ Huy đã cùng với cư dân địa phương hợp sức khẩn hoang, canh tác, chăn nuôi để tự nuôi sống và chống chọi với thú dữ, bệnh tật. Dần dần trung tâm cư trú Linh Chiểu được hình thành và phát triển. Đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, một số lò rèn được xây dựng để làm ra công cụ lao động như lưỡi cày, lưỡi cuốc, lưỡi liềm, rựa. Một số lò đúc đồng tạo ra đồ gia dụng như nồi chảo, bát đĩa, đồ thờ cúng. Các cơ sở mộc thủ công, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng nhà ở, đình chùa mồ mả lần lượt ra đời. Một số làng nghề như trồng dâu nuôi tằm dệt vải, trồng cói, dệt chiếu, làm nem, xe nhang, trồng nấm, chế biến trà… phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng “ăn nên làm ra”.
Hàng hóa dồi dào, giao thương buôn bán ngày càng tăng nên ông Tạ Huy đứng ra xây dựng chợ Thủ Đức, bên rạch Cầu Ngang nối liền với sông Sài Gòn, thuận tiện cho ghe thuyền vào bến, hình thành các vựa cá tôm cua, nấm khô đặc sản, hoạt động mua bán tại chợ diễn ra nhộn nhịp và sôi động. Sách Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của tác giả Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909 ca ngợi công lao của ông và việc người dân lập mộ: “Thuở xưa ông Tạ Dương Minh/Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu rày/Mả người cải táng mới đây/Bởi làng xin bạc đổi xây mộ phần/Quan trên niệm nghĩa thi ân/Cho ba trăm rưởi trùng tân giai thành/Hương chức ở rất hậu tình/Mỗi năm ngày kỵ xanh quanh tới đều”.
Ngôi mộ cổ sau khi trùng tu vẫn ít người biết đến
|
Kiến trúc nghệ thuật mộ cổ 126 năm
Ngôi mộ Tiền hiền Tạ Huy - Thủ Đức - Tạ Dương Minh thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật tọa lạc ở phía trước số nhà 19/1 đường số 10, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức (TP.HCM) trong một khu dân cư đông đúc chật hẹp. Ngôi mộ có tổng diện tích xây dựng 108 m2 gồm hai vòng tường bao xung quanh bình phong tiền, bình phong hậu và ngôi mộ ở giữa, được xây dựng bằng vật liệu đá ong và gạch, bên ngoài trát lớp hợp chất cổ. Gắn với vòng tường bao phía trong có hai trụ đá ong hình vuông cao 1,45 m, hiện còn phần búp sen ở trên. Phía ngoài của hai trụ là câu đối chữ Hán được viết lên lớp hợp chất cổ, hiện tại còn đọc được các chữ “Sinh tiền…” (lúc còn sống…), “Một hậu…” (khi đã mất). Phần chân của nấm mộ được xây dựng hình chữ nhật, bằng gạch thẻ. Tấm bia bằng đá xanh cao khắc 37 chữ Hán (chữ Nho), ghi nội dung: Nước Đại Nam. Mộ ông họ Tạ, tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức, là Tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông. Chết ngày 19 tháng 6. Hương chức thôn Linh Chiểu Đông lập bia mộ vào ngày tốt tháng 2 năm Canh Dần (1890). Mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh do hương chức thôn Linh Chiểu Đông cải táng và lập tồn tại ở ngoài trời trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt tới nay đã hơn 120 năm, không có hậu duệ chăm nom.
Mặc dù tiêu biểu cho loại hình mộ cổ còn sót lại trên địa bàn TP.HCM thời kỳ những năm cuối của thế kỷ thứ 19 với nấm mộ hình con trâu nằm ngủ, nhưng theo thời gian mộ đã bị xuống cấp. Ông Nguyễn Văn Tám (ở 19/2 đường số 10) cho biết: “Mấy năm trước nhiều chỗ trên mộ bằng gạch, vữa bể nát… người dân nóng ruột phải lấy hồ tráp đắp lại, quét vôi ngay dịp năm mới nhưng sau này chính quyền không cho làm để giữ nguyên trạng chờ ngày trùng tu”.
Trùng tu chỉ với 117 triệu đồng
Đầu năm 2016, ông Võ Thế Hưng - một doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn Thủ Đức, qua tìm hiểu đã biết được đây là mộ tiền hiền khai phá Thủ Đức, nên đã xin với chính quyền địa phương thực hiện tu sửa khu mộ. Tuy nhiên, vì đây là di tích cấp TP đã xếp hạng nên việc thực hiện phải do một cơ quan có chuyên môn khoa học về bảo tồn, tu bổ phụ trách và thành phố đã giao cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa do ông Hưng vận động cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm thương mại Vincom Plaza Thủ Đức, với tổng kinh phí hơn 117 triệu đồng cho cả dự án. Toàn bộ nguyên vật liệu đều sử dụng hợp chất (mật mía, vôi, cát và một số phụ gia thay thế) theo mẫu vật đã được phân tích qua các cuộc khai quật lăng mộ ở TP.HCM và Nam bộ.
Tại buổi báo cáo khoa học kết quả tu bổ, tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) cho biết: “Căn cứ vào những cấu kiện kiến trúc còn sót lại, bằng kinh nghiệm và những nghiên cứu khoa học, chúng tôi đã tu bổ mộ tiền hiền gần như với nguyên bản gốc cả về kết cấu và trang trí kiến trúc”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện ngôi mộ cổ vẫn còn thiếu những hạng mục phụ trợ như: bảng tóm tắt lịch sử cũng như tầm quan trọng của di tích, lối đi vào mộ còn chật hẹp, chưa có hướng dẫn cụ thể và cách thức quảng bá sinh động để thế hệ hậu sinh có điều kiện đến tham quan tìm hiểu về nhân vật đặc biệt này nên rất mong được nhà nước đầu tư thêm kinh phí hoặc các nhà hảo tâm quan tâm ủng hộ cho ngôi mộ ngày càng khang trang, xứng tầm hơn.
Lê Công Sơn
Cổ mộ hình 'ngưu miên' ở Sài Gòn
Ngôi mộ bằng đá hơn 120 tuổi của ông Thủ Đức - người lập chợ và được người dân suy tôn là tiền hiền, khai sinh vùng đất phía Đông Sài Gòn.
Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo đường số 10 (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), khu mộ đá của ông Tạ Dương Minh rộng hơn 110 m2 và đã hơn 120 năm tuổi. Nấm mộ có hình "ngưu miên" - tức trâu nằm ngủ (có người cho là voi phục). Đây là một trong ba cổ mộ ở Sài Gòn được công nhận di tích cấp thành phố.
Một số nghiên cứu về lăng mộ ở Việt Nam nói rằng, kiến trúc mộ hình trâu nằm ngủ hay voi phục đều gắn liền với người Việt gốc Hoa. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt các khu lăng mộ ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) hay ở Sài Gòn, Hà Tiên...
|
Khu mộ vừa được chỉnh trang của ông Thủ Đức. Ảnh: Sơn Hòa
|
Ông Tạ Dương Minh có tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức, người thôn Linh Chiểu Đông. Ông mất ngày 19/6 (chưa rõ năm), mộ bị thất lạc một thời gian. Đến năm Canh Dần (1890) hương chức làng Linh Chiểu Đông mới tìm được rồi trùng tu như hiện nay.
Ông là người lập ra ngôi chợ cách mộ 500 m, được người dân kính trọng như vị tiền hiền nên lấy tên Thủ Đức đặt cho vùng đất phía Đông của Sài Gòn. Hiện, ngôi chợ hơn 100 tuổi vẫn giữ được kiến trúc cổ, là nơi buôn bán có tiếng của thành phố.
Theo văn tự Hán Nôm trên bia mộ và từ đường, ông Tạ Dương Minh vốn là người Hoa nằm trong phong trào "phản Thanh phục Minh", bị truy đuổi phải di cư sang Việt Nam thần phục nhà Nguyễn, tự nguyện làm thần dân nước Việt.
Ông được thu nhận, được phân đi vùng Linh Chiểu Đông xưa để khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp. Tại đây ông cùng nhiều người miền Trung và người bản địa mở rộng canh tác, lập làng mở mang cơ nghiệp.
Để thuận tiện cho người dân buôn bán, ông cho xây ngôi chợ lớn nằm ở vị trí đẹp, thuận tiện giao thương ở khu vực này và gọi là chợ Thủ Đức – một trong những ngôi chợ lớn và sầm uất của Sài Gòn thời bấy giờ.
|
Chợ Thủ Đức do ông Tạ Dương Minh sáng lập. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên
|
Trong sách “Nam kỳ phong tục Nhơn vật diễn ca” của Nguyễn Liên Phong được nhà in Phát Toán xuất bản năm 1909 tại Sài Gòn viết về ông Tạ Dương Minh:
“Thuở xưa ông Tạ Dương Minh
Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu rày
Mả người cải táng mới đây
Bởi làng xin bạc đổi thay mộ phần
Quan trên niệm nghĩa thi ân
Cho ba trăm rưỡi trùng tân giai thành
Hương chất ở rất hậu tình
Mỗi năm ngày kỵ xanh quanh tới đều”
Trước đây, bên hông chợ Thủ Đức còn có ngôi nhà từ đường thờ ông Tạ Dương Minh. Sau năm 1975, khánh thờ được dời vào đình Linh Đông.
Theo nhiều ghi chép, vùng đất Thủ Đức 200 năm trước tương ứng với huyện Ngãi An của tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai nay). Theo dòng lịch sử, nơi này được cắt ra, sát nhập vào tỉnh Gia Định.
Năm 1868, lần đầu tiên cái tên Thủ Đức xuất hiện khi huyện Ngãi An tách ra, lập khu thanh tra Thủ Đức. Đến năm 1911, tỉnh Gia Định được người Pháp chia thành 4 huyện là Hóc Môn, Thủ Đức (gồm cả quận 2 và quận 9 ngày nay), Gò Vấp và Nhà Bè. Như vậy tên gọi Thủ Đức đã xuất hiện cách nay ít nhất 150 năm.
|
Mộ hình trâu miên trước khi cải tạo lại của ông Thủ Đức. Ảnh: Tư liệu.
|
Trải qua hơn trăm năm nắng mưa, ngôi mộ của ông Thủ Đức xuống cấp trầm trọng. Tuy người dân quanh vùng vẫn đều đặn hương khói nhưng không được phép tu sửa vì là di tích.
Mới đây chính quyền địa phương tổ chức quyên góp được gần 120 triệu đồng để trùng tu. Toàn bộ nguyên vật liệu đều sử dụng hợp chất (mật mía, vôi, cát và một số phụ gia thay thế) theo mẫu vật đã được phân tích qua các cuộc khai quật lăng mộ ở Nam bộ. Ngôi mộ khánh thành vào ngày 22/7.
Ngôi mộ có hình trâu ngủ của người khai sinh vùng đất phía Đông Sài Gòn hiện là di tích của thành phố.
|
Ngôi mộ của ông Tạ Dương Minh khi chưa được cải tạo.
|
|
Nấm mộ hình trâu miên của ông Thủ Đức.
|
|
Cổ mộ nhìn từ phía sau. Mộ hiện nằm lọt thỏm trong khu dân cư với nhiều nhà dân bao quanh.
|
|
Việc chăm sóc, hương khói cho người sáng lập chợ Thủ Đức đều phụ thuộc vào người dân quanh vùng.
|
|
Tấm bia đá ghi 37 chữ Nho nói về danh tính chủ nhân, ngày lập mộ.
|
|
Ngôi mộ sau khi được trùng tu.
|
|
Tổng kinh phí trùng tu hết gần 120 triệu do một số mạnh thường quân trên địa bàn quận Thủ Đức đóng góp.
|
Sơn Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét