Nguyễn Công Trứ là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, tài trí hơn người nhưng có lối sống tự do và vô cùng ngang tàng, ngạo nghễ.
Nguyễn Công Trứ tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn, sinh ngày 1/11 năm Mậu Tuất (1788) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Theo một số tài liệu, ông sinh ở Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Sống trong cảnh nghèo khổ nhưng ngay từ bé, cậu bé Củng đã nuôi ý tưởng làm nên nghiệp lớn với tuyên bố: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”.
Năm 1819, Nguyễn Công Trứ thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan, bấy giờ đã 41 tuổi. Ông là người văn võ song toàn, làm tới chức Uy Viễn Tướng công Binh bộ Thượng thư nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, hạ tới ba bốn cấp.
Thông minh từ nhỏ
Theo một số giai thoại, ngay từ khi lọt lòng mẹ, Củng đã tỏ ngay sự ngông bướng bằng cách không chịu mở mắt hay khóc như những đứa trẻ sơ sinh khác dù người nhà đem hết nồi đồng, mâm thau khua gõ liên hồi. Đến khi cả đám người lớn đã mỏi rã rời, lắc đầu thì cậu mới cất tiếng khóc đầu tiên oang oang như tiếng chuông đồng.
Thuở nhỏ, cậu bé Củng học rất giỏi, thông minh lại tinh nghịch, lém lỉnh, nổi tiếng “thần đồng”. Tài cao trí sắc, đọc rộng nhớ nhiều, những câu đối đáp lỗi lạc của cậu bé Củng gây cho mọi người nỗi kinh ngạc và thú vị.
Chân dung Nguyễn Công Trứ. |
Khoảng 10 tuổi, Củng theo cha trở về Hà Tĩnh quê nội. Trong làng có ông Đồ Trung tốt bụng, đứng ra mời thầy đồ về nuôi trong nhà để trẻ con của làng tới học, trong đám học trò đó có Củng.
Một hôm, khi cả lớp đang ngồi học, ông chủ nhà chợt nổi hứng đi vào và xin thầy cho phép ra vế đối. Được thầy đồng ý, ông Đồ Trung nói: “Ta có câu đối này, trò nào đối hay và nhanh sẽ được thưởng một quan tiền”.
Rồi ông ta chỉ về phía cây đại đứng ngoài vườn, đọc vế đối: “Ngoài vườn cây đại nở hoa đại”.
Các học trò ngồi nhìn nhau, mặc dù rất thèm quan tiền nhưng không ai tìm được vế đối lại. Thấy cả lớp im lặng, thầy học lên tiếng giục, chỉ có cậu bé Củng ra vẻ ngập ngừng khó nói. Thầy hỏi: “Trò Củng, sao không đối đi?”. Củng khép nép thưa: “Thưa, con sợ bị quở phạt ạ”.
Ông chủ nhà khuyến khích ra vẻ rộng lượng: “Trò cứ đối, nếu hay thì ta sẽ thưởng cho, còn nếu có điều gì sơ suất thì ta và thầy cũng không bắt lỗi trò đâu”. Được lời, Củng nghiêm chỉnh đứng dậy đọc: “Trong buồng ông Trung ấp bà Trung” ạ.
Vế đối rất chuẩn, “trong” đối với “ngoài”, “Đại” đối với “Trung”, và “nở” thì đối với “ấp” khiến ông Đồ Trung đỏ mặt im lặng. Thầy trò cả lớp được một trận cười nghiêng ngả và tất nhiên Củng được nhận một quan tiền.
Lúc còn trẻ, Nguyễn Công Trứ là người rất tinh nghịch, thường hay lảng vảng vào các miếu long thần, thổ địa ở làng để chơi đùa, vẽ bậy. Có lần lại bê cả xôi, chuối, rượu, thịt ở bệ thờ về đánh chén, khiến thủ từ cứ nghi hoặc mà chẳng dám kêu ca.
Một buổi tối, Nguyễn Công Trứ lẻn vào miếu lấy rượu, thịt xuống nhắm say khướt, rồi lại nâng chén ghé mãi vào miệng long thần. Thấy pho tượng cứ ngồi yên không nhúc nhích, ông tức mình vật ngửa tượng ra đổ rượu vào mồm, đánh cho mấy bạt tai rồi mới đi về.
Sáng mai tỉnh dậy, không biết là ông hối hận hay nghĩ thế nào mà lại làm bài thơ rồi đem ra dán ở miếu để tạ long thần: "Hôm qua trời tối tới chơi đây / Ðánh phải long thần mấy cẳng tay / Khi tỉnh thời nào ai có dám / Say!"
Bấy giờ ông từ mới vỡ lẽ, nhưng thấy anh học trò có lời thơ sắc sảo, hài hước, cũng bật cười, chỉ răn đe qua loa chứ không đem ra bắt vạ.
Một lần khác, gần làng Uy Viễn của Nguyễn Công Trứ có một ngôi chùa, vị sư trụ trì ở đây là người tài cao học rộng nhưng rất kiêu ngạo, hiếu thắng. Ông này thường tự cho mình là nhất thiên hạ, xem thường cả Nho Củng vốn từ lâu đã nổi tiếng thần đồng khắp vùng. Biết vậy, ông cũng hiếu thắng tìm dịp gặp thử tài cao thấp.
Nhân một hôm rảnh học từ tỉnh thành về thăm nhà, Nho Củng bèn tìm tới chùa nọ chơi. Đến nơi, thấy ngoài sân trong điện không có ai, Củng lại đang khát nên đi thẳng vào bếp chùa để tìm nước uống, thì gặp sư trụ trì đang lúi húi bên bếp. Quay lại nhìn người lạ, vị sư buông ra một câu không mấy hiếu khách: "Khách khứa kể chi ông núc bếp".
Cậu Củng nhìn quanh, thấy một cái vại (đồ bằng sành dùng để muối cà hay dưa) ở góc bếp, liền ứng khẩu đối lại: "Trai chay mà có vại cà sư".
Câu này thực ra được nói lên rất vô tình, nhưng vị sư kia lại cho rằng Nho Củng thâm ý châm biếm mình có tư tình với bà vãi, nên chắp tay nhìn lên tượng Phật đọc một câu như thanh minh cho sự đứng đắn của mình: "Xin chứng minh cho, Nam mô A Di Đà Phật".
Nho Củng chỉ vào cái kiềng trên bếp và cất tiếng đối lại: "Có giám sát đó, Đông Trù Tư mệnh Táo quân".
Đông trù Tư mệnh Táo quân là thần coi bếp, cầm giữ bản mệnh của gia chủ. Bên mời "Phật", bên nhờ "thần" ra minh chứng, quả thực là hay, lại "Đông" đối với "Nam", "Quân" đối với "Phật" thì thật là tài.
Đến đây, vị sư vừa tức vừa hoảng, không ngờ gặp phải đối thủ trẻ tuổi mà cao cường đến vậy, liền hạ một chiêu cuối cùng, vừa vỗ ngực ta đây vừa hăm doạ đối thủ: "Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, chẳng thiên địa thánh thần nhưng khác tục".
Nho Củng cũng đáp ngay: "Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người". Vị sư đành nín thinh, chấp nhận thua cuộc, từ đó không dám cao ngạo nữa.
Lại có người kể, chuyện chưa dừng ở đấy. Nho Củng đắc thắng ra về, nhưng vừa bước đến giữa sân thì hai con chó nhà chùa xổ ra cắn. May có chú tiểu ngăn mãi mới được. Nho Củng dừng lại nhìn quanh chùa rồi ngâm hai câu như một lời nhắn gửi: "Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá / Còn hai con chó chửa từ bi".
Cao ngạo cả khi về già
Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: Denchuavietnam.net |
Gần 30 năm tận tâm lăn lộn chốn quan trường, Nguyễn Công Trứ mấy lần dâng sớ xin nghỉ hưu nhưng vua vẫn không cho. Khi đã qua tuổi thất thập, ông lại lần nữa dâng sớ lên vua Tự Đức vừa lên ngôi và lần này thì được phê duyệt về nghỉ với chức quan Phủ doãn Thừa Thiên.
Ngày “nhận sổ hưu” với 170 quan tiền, Nguyễn Công Trứ liền rầm rộ tổ chức một bữa tiệc chia tay bạn bè, đồng liêu trên dưới. Gia nhân tấp nập mượn nhà, mua sắm lễ vật, cơm rượu đề huề và thật nhiều chó, những 40 con chó đủ loại sắc thể.
Các quan khách kéo đến rất đông, ngửi mùi cầy chế biến thơm lừng, chỗ này chỗ kia dậy tiếng trầm trồ to nhỏ: “Ôi, thịt chó, chó, nhiều quá”. Dường như chỉ chờ có vậy, cụ Thượng hưu đứng dậy vuốt râu dõng dạc và chỉ quanh khắp lượt nói: “Dạ thưa, đúng như vậy đấy ạ. Đúng là trên dưới, trong ngoài, lớn bé, tất cả đều là chó hết cả ạ”.
Về hưu nhưng cụ Thượng Trứ không ở lại làng Uy Viễn, mà vào ở một cạnh ngôi chùa trên núi Cảm Sơn, thuộc xã Đại Nại gần tỉnh Hà Tĩnh bây giờ và thường cưỡi bò vàng đạc ngựa đi chơi đây đó.
Người đời truyền tụng, để diễu và răn dạy những kẻ hay đàm tiếu những chuyện thị phi ganh ghét, cụ viết thơ lên chiếc mo cau rồi buộc sau đít bò. Nhiều người còn nhớ hai câu “Miệng thế khó đem bưng nó lại / Lòng mình chưa dễ bóc ai coi”.
Thiên hạ thấy vậy lại đua nhau bàn tán, kẻ bảo cụ chán đời, người bảo cụ ngạo thế. Cụ chỉ ngất ngưởng cười, nghêu ngao thơ, bất tận chơi mà chẳng bận lòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét