Đang xa quê, nhớ quê rồi thèm ăn món ngon quê nhà. Ngoài ra, bạn từng đến vùng đất lạ và trót yêu món ăn ở đó nhưng giờ không có dịp trở lại để thưởng thức cho thỏa cơn ghiền...
Nếu bạn sống ở Sài Gòn thì vấn đề “nan giải” đó thật dễ... giải quyết, vì ở thành phố này hầu như không thiếu món đặc biệt nào!
Thử thách cái lưỡi với bún bò cay xứ Công tử
Là người xứ công tử Bạc Liêu, không ai lại không biết đến món bún bò cay. Đã không ít lần món ăn này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Đây là món gia truyền và chỉ có gia đình chị Minh Nguyệt mới có thể chế biến thành công, đúng điệu.
Nếu trước đây bạn phải vượt qua 305 km từ Sài Gòn về đến Bạc Liêu mới có thể thưởng thức được hương vị cay đặc biệt của món bún này thì nay chỉ cần đi đến đường Ký Hòa, Q.5, TP.HCM là đã có thể thử thách trình độ ăn cay của mình rồi. Hỏi chuyện mới biết anh Đức - chủ quán này là em trai của chị Minh Nguyệt.
Tại quán bún bò cay ở đường Ký Hòa, nước lèo không chỉ được nấu đúng với bí quyết gia truyền mà bún cũng được mang từ Bạc Liêu lên. Nên chỉ cần ghé qua quán bún là thực khách đã có thể ngửi được hương vị chẳng thể nào lẫn lộn được - nếu như bạn đã từng nếm qua món ăn này ngay tại xứ công tử Bạc Liêu.
Theo chị Nguyệt, công thức nấu bún do cha chị truyền lại: “Cha tôi vốn là đầu bếp của Tỉnh trưởng Bạc Liêu. Thời đó, ông chế biến ra món bún bò cay nhằm giúp các ông lớn giải rượu. Ba tôi truyền nghề lại cho con cháu để mở quán”. Để tả cho hết cái ngon của bún bò cay thì không có cách nào ngoài việc phải nếm qua một lần.
Chỉ nhìn tô bún, ngoài màu vàng bắt mắt, không có hành lá hay bất cứ rau củ nào thêm để trông hấp dẫn hơn. Bún bò cay cũng chỉ được ăn kèm với một ít rau quế. Một tô bún chỉ có chừng bốn đến năm miếng thịt bò được cắt thành từng cục vuông, hình thức không đẹp nhưng nếu đã nếm thử thì chắc rằng bạn sẽ mê ngay. Tuy nhiên hãy nhớ rằng món này chỉ dành cho những tín đồ mê ăn cay, vì độ cay của nó khá “nặng”.
Bún Quậy vượt biển vào đất liền
Ai đã từng phải chen chân mới có thể “giành” được tô bún tại quán bún quậy Kiến Xây của cô Thu tại TT.Dương Đông, Phú Quốc, thì chắc hẳn sẽ mừng khi nghe tin ở Sài Gòn có bán món này. Quán bún quậy Saigon nằm ở đường Lê Văn Sỹ, Q.3 có thể giúp bạn đỡ nhớ món bún quậy ở đảo Phú Quốc. Tuy nhiên đường đến quán hơi khó tìm.
Nhiều người chưa từng nếm qua món này thường thắc mắc sao lại gọi là bún quậy. “Gọi là bún quậy bởi bún làm từ tôm, cá tươi xay nhuyễn chan với nước lèo nóng. Khi ăn phải quậy đều để tôm, cá chín và nước dùng ngọt thanh”, chị Loan, quê ở Phú Quốc cho biết.
Nếu ở Phú Quốc, bạn phải chen chân với nhiều thực khách mới có tô bún quậy thì ở Sài Gòn bạn chỉ cần ngồi ở bàn để được phục vụ. “Không khí thì không giống nhưng ăn tô bún cũng đỡ nhớ Phú Quốc”, chị Loan chia sẻ. Ngoài vị ngon của tôm, cá, tô bún quậy còn hấp dẫn người ăn bởi vị tươi ngon của bún.
Vì chỉ có món ăn này mới có cái kiểu phải làm bún ngay tại chỗ. Ngoài ra, gia vị làm nước chấm của món bún quậy rất được lòng thực khách bởi đó là sự hòa trộn giữa vị mặn của muối, vị cay của tiêu Phú Quốc cùng ớt và tắc. Do bún vừa làm vừa bán nên khi đến đây thực khách phải tập tính kiên nhẫn, biết chờ đợi. Một tô bún quậy Saigon có giá 35.000 đồng.
Hít hà bún cá miền Tây và bún nước lèo... nhiếp ảnh gia
Nếu bạn đang thèm ăn món bún cá miền Tây, hãy ghé ngang quán cà phê Công Đoàn nằm ở góc đường Bùi Thị Xuân - Cách Mạng Tháng Tám, Q.1. Khác với bún cá miền Trung với nước dùng thanh trong, bún cá lóc miền Tây ngọt đậm đà, béo ngậy.
Ăn bún cá miền Tây phải vừa ăn vừa thổi, vì món này chỉ ngon khi còn nóng xốt. “Nơi đây là quán cà phê chứ không phải quán ăn nhưng rất nhiều người miền Tây ghé qua chỉ để ăn bún cá. Bún cá ở đây rất ngon, được đựng trong cái nồi đất khá to nên khi ăn đến hết tô vẫn còn nóng hổi.
Ngoài cá lóc tươi và nước lèo, món bún càng thêm quyến rũ với chả cá được nêm nếm vừa ăn. Bún cá lóc phải được ăn chung với rau đắng để tăng thêm hương vị. Ngày còn ở quê, nhà tôi thường ăn với rau đắng đất, nhưng giờ ở đây rất khó tìm nơi nào bán bún ăn với loại rau này”, một thực khách chia sẻ.
Món bún nước lèo Sóc Trăng không lạ lẫm với người dân Sài Gòn. Nhưng thời gian gần đây, giới văn nghệ sĩ thường hay nhắc đến món ăn này và khoe nhau hình ảnh đang thưởng thức món ăn đến từ Sóc Trăng tại quán bún nước lèo của nhiếp ảnh gia Lý Võ Phú Hưng. Anh là một trong số ít nhiếp ảnh gia nổi tiếng chuyên chụp các sự kiện và nghệ sĩ Sài Gòn.
Là người Sóc Trăng, đã sống tại Sài Gòn gần 30 năm, thế nhưng tô bún nước lèo của anh vẫn mang đậm đà mùi vị Sóc Trăng quê nhà. Tâm sự về chuyện vì sao lại trực tiếp đứng nấu bún mà không để cho người khác làm, anh Lý Võ Phú Hưng nói: “Tôi phải tự tay chế biến thì mới nấu ra hương vị của quê nhà.
Nấu bún cũng là một cách để tôi trả ơn quê hương của mình”. Chia sẻ thêm về cách nấu bún, nhiếp ảnh gia này cho biết: “Muốn nấu cho ra được nước lèo thì phải dùng mắm sặt, mắm linh, pha chút mắm bò hóc của người Campuchia. Đặc biệt không thể thiếu được cây ngải bún”. Quán của nhiếp ảnh gia Lý Võ Phú Hưng mang tên Bún nước lèo Sóc Trăng Thanh Hương nằm tại đường Đặng Dung, Q.1.
Đào Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét