Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Khám phá đảo đèn Hòn Dáu

Người ta nói rằng đến Đồ Sơn, phải đi Hòn Dáu - nơi được xem là mốc tọa độ chuẩn quốc gia. Hòn Dáu là một đảo nhỏ, nằm cách bến Nghiêng, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) chỉ khoảng 1 km, còn có ngọn hải đăng được ví như “mắt ngọc” của Tổ quốc.






Một chiều ở Đồ Sơn, sau gần 20 phút bắt tàu du lịch từ bến Nghiêng, lướt qua những ngọn sóng dập dồn, chúng tôi đặt chân lên Hòn Dáu...
Blog du lich, viet nam, chau a
Hải đăng Hòn Dáu - bất cứ du khách nào cũng muốn lưu lại ảnh kỷ niệm. 
Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi bước chân lên đảo là không khí rất trong lành, dễ chịu. Tuy chỉ cách bãi biển Đồ Sơn không xa nhưng Hòn Dáu vẫn giữ nguyên nét tự nhiên hoang sơ.
Du khách đến Hòn Dáu đều nóng lòng chinh phục ngọn hải đăng với đỉnh đèn cao 140 mét so với mặt nước biển. Theo con đường đá thoai thoải dẫn lên ngọn hải đăng, mọi người như lạc vào thế giới cổ tích khi đi giữa hàng cây cổ thụ thân vài người ôm không xuể; những tán cây và dây leo đan vào nhau tạo thành mái che rợp bóng mát cho con đường. Nhiều du khách nghịch ngợm đu những chiếc rễ si cổ thụ thả từ trên cao xuống để thử xem cây có chịu đựng được với sức người. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những tượng đá, vài cây nấm giả, bãi cỏ xanh mượt hay ghế đá ven đường điểm tô cho khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Những người có kinh nghiệm du lịch ở Hòn Dáu thường mang theo ít thức ăn nhẹ như hoa quả, bánh trái, nước uống... để làm một buổi tiệc nho nhỏ thật thú vị giữa biển rừng mênh mông. Điều đặc biệt là không ai bảo ai nhưng khi tiệc tàn thì du khách đều ý thức gom rác, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ.
Đường lên ngọn hải đăng vừa đủ dài để du khách cảm nhận được sự sảng khoái sau một chặng đường rèn luyện đôi chân. Ngọn hải đăng hơn trăm tuổi đã hiện ra sừng sững trước mắt. Hải đăng Hòn Dáu do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, được xây dựng từ năm 1892 và hoàn thành vào tháng 6 năm 1898. Đó là một tòa nhà 2 tầng (nay được dùng làm bảo tàng), chính giữa là tháp đèn như một pháo đài cổ vút lên giữa đảo. Bảo tàng vẫn còn lưu giữ những trái bom Mỹ trút xuống miền Bắc trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, những loại hải đăng, những đèn tín hiệu được sử dụng ở Việt Nam... Vượt qua 125 bậc cầu thang gỗ theo hình xoắn ốc, chúng tôi leo lên đến đỉnh tháp đèn. Đứng ở hành lang hẹp của tháp, gió biển lồng lộng, nhìn quanh đảo là núi non Đồ Sơn thấp thoáng giữa biển trời mênh mông. Hải đăng Hòn Dáu chiếu xa đến 40km, ngày ngày dẫn dắt tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngọn đèn biển này là một trong những mục tiêu oanh tạc của đế quốc Mỹ. Tháng 4-1967, hải đăng Hòn Dáu bị đánh sập hoàn toàn nhưng những công nhân trạm đèn vẫn anh dũng bám trụ, dựng cột đèn bằng sắt thay thế, đảm bảo hoạt động. Năm 1986, đèn được xây dựng lại trên nền móng cũ và năm 1995, tiếp tục được sửa chữa, trùng tu theo kiến trúc ban đầu.
Sau khi chinh phục hải đăng Hòn Dáu, chúng tôi trở ra viếng đền thờ Nam Hải Thần Vương nằm sát bờ biển, gần với bến tàu. Đền đơn sơ và nhỏ bé nhưng lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Theo truyền thuyết, sau một trận thủy chiến đánh tan giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, người dân thấy một tử thi mất đầu trôi vào đảo. Nhìn y phục, biết đó là một vị tướng nhà Trần tử trận, bà con trong vùng thành kính khói hương, đắp mộ, lập đền thờ.
Dân gian vẫn truyền lại nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của đền. Người xưa mỗi lần qua đây đều phải hạ buồm, vào đền thắp hương tế lễ. Vua Tự Đức trong một dịp kinh lý ra Bắc, ngang qua đền thì gặp sóng to gió lớn. Vua cho dừng thuyền, lên đền khấn vái. Liền ngay sau đó trời quang mây tạnh. Từ đó, vua phong nơi đây là đền thờ Nam Hải Thần Vương. Hàng năm vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, ở Đồ Sơn diễn ra lễ hội đảo Dáu cũng là lễ hội truyền thống của dân đi biển ở vùng duyên hải Bắc bộ. Ngày này, ngư dân khắp các vùng lân cận thường kéo về đảo Dáu tế lễ, cầu xin Nam Hải Thần Vương một năm làm nghề biển yên lành, đánh bắt được nhiều tôm cá. Người dân Đồ Sơn truyền miệng với nhau rằng thần Nam Hải rất linh thiêng, ai lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, dù chỉ là một chiếc lá cây, đều bị thần trừng phạt. Vì vậy, dù trên đảo có nhiều đá sỏi đẹp nhưng chẳng bao giờ du khách mang về.
Giã từ Hòn Dáu, trước khi rời khỏi bến Nghiêng, du khách đừng quên ghi lại hình ảnh kỷ niệm ở nơi những tên thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc vào ngày 13-5-1955. Đảo Hòn Dáu đã được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và bến Nghiêng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, dự án Hòn Dáu Resort đang được triển khai với nhiều hạng mục như: khu vui chơi giải trí, khu bãi tắm, khu ẩm thực... Đường sang đảo Dáu đang hình thành, rồi đây hàng trăm biệt thự nghỉ dưỡng sẽ mọc lên ngay trên đảo và số lượng du khách đến với đảo Dáu sẽ tăng lên. Chỉ mong rằng dù du lịch đảo Dáu có phát triển đến đâu chăng nữa thì đảo vẫn giữ được nét nguyên sơ tự nhiên.
NGUYỄN KHUÊ - Baocantho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét