Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Lên đỉnh non Sam gặp "tiên ông"

Trong tâm trí mọi người đó là những "ông đạo" xa lánh cõi trần, võ nghệ cao cường, luyện được thần thông có thể hàng phục thú dữ...


Khám phá non cao


Miền đất của những đạo sĩ Bia Vĩnh Tế Sơn chép: "Từ ngày dẹp cỏ gai trở đi, rành rành chân núi trắng phau, trọi trọi ngọn tre xanh ngắt, cảnh núi trở nên tươi đẹp, sừng sững vọt lên. Ngắm dòng nước biếc bên bờ cao, ruộng vườn vây quanh chân núi, hơi lam tuôn cuốn lẫn khói nấu cơm, chùa chiền trên chót hương tỏa mây lồng, thật không kém gì phong cảnh trung châu vậy".

Con đường chạy lên tận đỉnh núi Sam được làm khá rộng, có thể lên bằng xe máy. Bên triền núi rải rác những am, cốc lẩn khuất trong hốc đá lưa thưa mấy cụm hoàng mai, phượng vĩ. Từ chân núi đến đỉnh núi dọc hai bên đường là những hàng quán bán bún riêu khá rẻ và ngon.

Qua Bạch Vân tịnh xá mát mẻ, từ đỉnh núi có thể phóng tầm mắt ra khắp thị xã Châu Đốc, Thất Sơn, tỉnh Tà Keo của Campuchia, đồng lúa thẳng cánh cò bay hai bên bờ kênh Vĩnh Tế... Người dân cho hay, vào mùa nước nổi hằng năm, nhiều khi cả vùng đồng lúa bao la bị nhấn chìm trong nước bạc, núi Sam như một hòn đảo lơ lửng giữa mênh mông.


Tượng Bà Chúa Xứ.

Trên đỉnh núi còn thấy dấu tích bệ đá tượng Bà Chúa Xứ ngự trước khi được đem về miếu, dấu tích của tháp Pháo Đài canh giữ Châu Đốc ngày trước... Đây cũng là nơi mà ông nghè yêu nước Trương Gia Mô gieo mình xuống vực sâu tự vẫn trong một đêm cuối năm 1929 vì bế tắc trong con đường cứu dân cứu nước.

Miền đất của những đạo sĩ 

Lâu nay, danh tiếng "đạo sĩ Thất Sơn" vang xa, lan rộng. Trong tâm trí mọi người đó là những "ông đạo" xa lánh cõi trần, võ nghệ cao cường, thậm chí luyện được thần thông, có thể hàng phục thú dữ, trừ dịch bệnh...


Ông đạo Trần Ngãi.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám đốc Đài PT-TH Châu Đốc cho hay, những người tu hành trong hàng trăm am, miếu ở núi Sam và Bảy Núi đều theo Phật giáo pha trộn tín ngưỡng dân gian. Những đạo giáo thuần túy Nam Bộ nơi đây từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo đến những đạo đặc biệt khác như đạo Dừa, đạo Trần, đạo Ớt, đạo Nằm, đạo Tịnh... đều ra đời và phát triển trên cơ sở nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Những đạo sĩ Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Và dấu tích Phật thầy Tây An

Ngôi chùa Tây An cổ tự dưới chân núi Sam chính là nơi hành đạo đến những ngày cuối đời của Phật thầy Tây An - người sáng lập ra đạo phái yêu nước Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông tên thật Ðoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh, sinh năm 1807 ở Tòng Sơn, tỉnh Sa Ðéc. Sinh ra trong một gia đình nông dân, từ nhỏ ông đã nuôi chí lớn, mê đọc kinh sách.

Năm 1849, mất mùa đói kém, dịch bệnh lan tràn, trộm cướp khắp nơi, Đoàn Minh Huyên đi khắp nơi vừa giảng đạo, vừa chữa bệnh bằng thuốc Nam và bùa chú, cứu chữa nhiều người đã khỏi bệnh. Dân chúng gọi ông là "Phật sống". Ông nhận đệ tử, phát "lòng phái" (như giấy nhập đạo), gọi đạo của ông là Bửu Sơn Kỳ Hương.

Ngoài việc truyền đạo, Đoàn Minh Huyên đưa đệ tử đến vùng đất phía tây Thất Sơn và Láng Linh dựng chùa, lập trại ruộng, khẩn hoang lập ấp. Nhà cầm quyền nghi ngờ Đoàn Minh Huyên hoạt động chính trị, tập hợp loạn đảng nên ông bị Tổng đốc An Giang bắt giam. Sau đó, ông được thả, nhưng bị bắt buộc phải chính thức xuất gia thọ giới theo nghi lễ của Phật giáo và tu tại Tây An cổ tự dưới núi Sam để dễ kiểm soát.

Ngày nay, dưới chân núi Sam, bên chùa Tây An còn lưu giữ mộ phần của Phật thầy. Ngôi mộ san bằng, không đắp nấm như lời dạy của ông trước khi viên tịch vào năm 1856 sau bảy năm giảng đạo.

Ảnh hưởng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương rất mạnh ở Nam Bộ. Khi triều đình Huế đầu hàng thực dân Pháp, hầu hết các tín đồ của đạo đều tham gia vào cuộc kháng chiến, trong đó có những nhân vật anh hùng như Bình Tây Ðại nguyên soái Trương Ðịnh, Nguyễn Trung Trực - người đốt cháy tàu chiến Espérance của thực dân Pháp trên sông Nhật Tảo, Trần Văn Thành - tức đức Cố quản, người lãnh đạo khởi nghĩa tại vùng Láng Linh - Bảy Thưa ở An Giang... Trừ đạo Cao Đài, những giáo phái sau này ở Nam Bộ đều chịu tác động của Bửu Sơn Kỳ Hương.

Thiên Tường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét