Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Về miền Tây ăn cá cóc

SGTT.VN - Dân sành ăn hay về Vĩnh Long ghé tiệm cơm Tân Tân trên đường Trưng Nữ Vương, để thưởng thức món cá cóc nấu canh chua, lẩu cá cóc và đặc biệt cá cóc kho nước dừa.
Cá cóc kho nước dừa đơn sơ mà bắt... cơm.
Cá cóc kho nước dừa thường chọn con có trọng lượng trên dưới một ký là ngon nhất. Cá tươi rói, làm xong, ướp và kho lạt nước dừa xiêm; gia vị và phụ liệu làm cho hương vị cá thơm ngon đậm đà. Món này ăn với rau thái ghém như dưa bồn bồn, dưa chua, rau húng lũi… chấm nước cá kho lạt. Món ăn đơn sơ nhưng người chế biến sành điệu sẽ làm cho món ăn trở nên độc đáo nhờ tổng hợp những điều kiện: cá tươi, nước mắm Phú Quốc, dưa bồn bồn Cà Mau, hành thơm vùng ven sông Hậu, muối Bạc Liêu, rau ghém và húng lũi, tía tô trồng ở Vĩnh Long…
Ngoài món kho nước dừa, món lẩu và canh chua cá cóc hết sức hấp dẫn với những con nặng từ 2 – 3kg trở lên. Món lẩu có rau, cà chua… và ăn với bún. Lẩu cá sôi, nhúng rau xanh vào và ăn với nước mắm Phú Quốc hoặc ăn với muối ớt cũng tuyệt.
Theo tài liệu về sản vật Nam bộ, cá cóc có cùng loài với cá chép, dáng dấp cá cóc hình thoi kéo dài; trên lưng cá có kỳ nhọn và bén như răng cưa. Vì vậy, khi dân chài đánh dính cá cóc, cá có thể quẫy mạnh làm rách lưới để thoát thân. Cá cóc có nhiều ở sông nước Nam bộ, đặc biệt có nhiều trên sông Tiền và sông Hậu, nơi có vùng nước xoáy.
Cá cóc ngày nay hơi hiếm dù vẫn còn xuất hiện ở chợ Cần Thơ, Vĩnh Long vào những buổi chiều, do dân đi câu, thợ chài đánh được. Muốn câu được cá cóc phải thả câu đường dài gần mé bờ sông vì cá thường lội cách bờ 2 – 3m. Mồi câu cá cóc có mấy loại: cơm nhồi với hàn the để mồi dai, xuống nước không bị rã, cũng có thể dùng mồi tép. Nhiều người dùng “mồi thuốc đặc biệt” – bông gòn nhồi với mỡ chó, mỡ bò và thuốc bắc bởi những toa thuốc “bí truyền” cho từng loại cá. Cá cóc khi mắc câu, vùng vẫy và ghị dây câu rất quyết liệt, lên gần mặt nước phải dùng vợt vớt cá bỏ vào xuồng câu; nếu không cá dễ xổng mất. Cá cóc khi bị bắt thường kêu “cóc cóc, cóc…” liên tục. Có thể đây là một trong những loài hiếm hoi có thể tự phát ra âm thanh “đánh động” cho đồng loại trốn chạy.
BÀI VÀ ẢNH: VĂN KIM KHANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét