Từ thành phố Ðồng Hới tỉnh Quảng Bình, đi theo nhánh đông đường Hồ Chí Minh về phía bắc khoảng 60km, du khách sẽ gặp ngã ba Khe Gát. Rẽ tiếp theo nhánh tây, đi thêm khoảng 5km, du khách sẽ đến với suối Nước Moọc.
Suối Nước Moọc thuộc địa bàn xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch. Nếu đi bằng đường bộ, du khách sẽ xuất phát từ Chày Lập, ngang qua trạm kiểm lâm để vào Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng theo con đường ôm vòng quanh chân núi. Cũng có thể xuống bến sông đi bằng thuyền kayak.
Sông Chày là một trong những phụ lưu của sông Son, có chiều dài khoảng hơn 10 km, là một trong năm tiểu khu hệ cá quan trọng nhất của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Hẳn có người nghĩ: kayak chủ yếu chỉ dành cho lữ khách ưa mạo hiểm, nhất là những người trẻ tuổi. Nhưng thật ra, kayak rất dễ tập luyện và sử dụng. Chèo thuyền kayak trên đoạn sông Chày thú vị này, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng, tiếp xúc thật gần với khung cảnh thiên nhiên đa dạng, phóng khoáng, nhiều biến đổi - như nhìn qua thấu kính vạn hoa, mỗi góc xoay lại có thêm những chi tiết mới lạ, hấp dẫn.
Giữa chặng hành trình, du khách có thể ghé thăm hang Tối. Cửa vào hang là một vòm cao, bên dưới chảy ngầm một động nước dài gần 6km với những phiến đá chất chồng ngổn ngang. Nước ở khoảng sông phía trước hang có màu biếc xanh thăm thẳm, sắc xanh đặc trưng của các loại khoáng chất hòa tan với nồng độ cao.
Con suối trải dài, uốn khúc quanh co, lúc ẩn lúc hiện, chảy xuyên qua khu rừng đá vôi rậm rạp. Đây là rừng nguyên sinh nhiệt đới đặc trưng hoang dã với vẻ sống động của các loài chim, màu sắc sặc sỡ của côn trùng và một quần thể thực vật đa tầng, rất nhiều giống cổ thụ, phong lan, dương xỉ, dây leo. Tuyến du lịch này cũng là chương trình du lịch sinh thái đầu tiên tại Quảng Bình; kết hợp du lịch với giáo dục môi trường, trong thế giới của hàng trăm loài động vật, thực vật trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Thật thú vị khi cùng nhau háo hức, len lỏi qua những tán rừng nguyên sinh, lắng nghe tiếng chim kêu vượn hú rộn ràng. Ngày đẹp trời, có thể quan sát giống voọc Hà Tĩnh giữa môi trường tự nhiên, hay đắm mình trong dòng nước mát, là nơi hợp lưu giữa suối Nước Moọc và sông Chày.
Suối Nước Moọc bao gồm nhiều dòng nước lớn nhỏ đan xen, nối kết vào nhau như mạng lưới. Hàng hàng lớp lớp những tảng cuội lớn bám rêu xanh, khuất dưới tàng cây la đà. Các nhà nghiên cứu phán đoán, suối Moọc chính là khởi nguồn cho dòng sông ngầm vĩ đại trong lòng động Phong Nha, vì lần theo từng nhánh nhỏ, bạn sẽ phát hiện chúng nhập với nhau thành ba dòng suối lớn rồi chui vào núi đá, mất dấu.
Đi ngược lên trên cao, những con nước xiết có vẻ dịu dàng hơn. Nơi thượng nguồn, nước ngưng tụ như mặt hồ lớn với nhiều phiến đá ẩn chìm, bờ cây xanh vây phủ xung quanh, núi lam mờ ở phía xa. Cuối cùng, du khách cũng sẽ tìm thấy câu trả lời cho thắc mắc về cái tên của suối. Thì ra, đây chính là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú: những cột nước thấp ùn ùn phun lên từ lòng đất, tuôn chảy miên man mãi không ngưng. Nước trào lên hay "nước mọc" từ đá, người địa phương đọc trại thành "Nước Moọc", gọi quen mà thành cái tên...
Theo Phụ nữ
Bí ẩn suối Nước Moọc
Ẩn dưới tán rừng già âm u, rậm rạp phủ kín những vách núi đá vôi cao vút, suối Nước Moọc như một viên ngọc bích trong vắt đầy bí ẩn mang đến hơi gió mát lành cho núi rừng Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) nắng cháy giữa những cơn gió Lào trong mùa hạ đổ lửa.
Lần đầu tiên chúng tôi đến suối Nước Moọc khi nơi này vẫn hoàn toàn hoang sơ. Sau một chuyến đi dài khám phá những hang động bí hiểm trong rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, suối Nước Moọc là điểm dừng nghỉ trên đường về. Dù đã mệt nhoài với cảnh ngủ rừng, dầm mưa, nhưng con suối với làn nước xanh ma mị quyến rũ khiến chúng tôi quyết định cắm lều ngủ bên suối thêm một đêm.
Vượt cầu qua suối Nước Moọc. |
Hai năm sau trở lại, Nước Moọc đã thành điểm du lịch có bán vé vào cổng. Nước Moọc đón ánh mắt hoài nghi và bước chân thiếu hào hứng của chúng tôi bằng một con đường nhỏ ngoằn ngoèo xuyên qua rừng già và chiếc cầu xinh xinh bắc ngang dòng suối róc rách.
Nơi này thật lạ, nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh tây, giữa đất miền Trung bỏng cháy gió Lào, vậy mà chỉ đi vài chục bước chân là không khí đã thay đổi hẳn. Không chỉ dưới tán rừng rậm che bóng mát, ngay cả khi đứng trên những tảng đá lớn giữa suối, nắng vẫn chói chang trên đầu, gió vẫn ràn rạt thổi sau lưng, nhưng vẫn rất mát mẻ dễ chịu, như thể chúng tôi vừa lạc vào một miền đất khác và mọi nỗi hoài nghi ban đầu đều tan biến.
Đường vào suối Nước Moọc lúc xuyên qua rừng nguyên sinh rậm rạp với những loại cây quý đã được gắn biển, đề tên và những nhánh dây leo chằng chịt, lúc lại cheo leo trên những tảng đá lớn nhỏ lô nhô giữa lòng suối, lúc vắt vẻo ngang những chiếc cầu gỗ, cầu tre nhỏ xinh soi bóng xuống làn nước xanh thẳm.
Dòng nước trong vắt lúc len lỏi luồn qua khe đá róc rách êm ả, lúc lững lờ chảy bên những bãi đá cuội mang tên bãi Đào Tiên, bãi Tam Hợp..., lúc cuộn xoáy tung bọt trắng xóa gầm gào trên những dải đá ngầm phủ đầy rêu. Có lúc dòng suối bỗng bí ẩn lặn mất hút vào các kẽ đá, chỉ còn lại tiếng nước chảy rì rào vọng lên từ lòng đất, rồi sau đó lại bất ngờ tuôn trào như mọc lên từ một khe đá khác.
Chính sự bí ẩn ấy mà người đời đã đặt cái tên “Nước Moọc” cho dòng suối. Cái tên lạ lùng này có nghĩa là dòng nước “mọc” lên từ lòng đất, theo phương ngữ của người dân miền tây Quảng Bình đọc thành “Nước Moọc”, bởi nó bắt nguồn từ hệ thống sông ngầm bí ẩn chảy trong lòng các dãy núi đá vôi và là hợp lưu của nhiều đụn nước nhỏ “mọc” lên từ lòng đất như thế.
Không chỉ có màu nước xanh trong vắt, Nước Moọc còn quyến rũ với những cánh bướm trắng rập rờn khắp nơi. Bướm vờn đuổi trên ngọn cây, quấn quýt bên những khóm hoa dại, dập dờn trên mặt nước xanh thăm thẳm và đuổi theo bước chân, đậu cả lên vai áo, mái tóc của du khách.
Cứ mải mê đùa giỡn với những cánh bướm trắng, chúng tôi đã đến bãi tắm chính của suối Nước Moọc khi nào chẳng hay. Giữa bốn bề vách núi cao vút và tán rừng rậm rạp hiện ra một vùng nước rộng phẳng lặng như một mặt gương khổng lồ biếc xanh màu ngọc bích. Bị màu xanh đẹp đến nao lòng ấy mê hoặc, chẳng ai trong chúng tôi có thể cưỡng lại ước muốn được lao xuống đắm mình trong dòng nước mát thăm thẳm không đáy. Xa xa, vài người trèo lên những tảng đá lô nhô rải rác quanh suối, vừa khỏa chân xuống làn nước mát lạnh, vừa buông cần câu cá.
Mặc dù đã là điểm du lịch, nhưng suối Nước Moọc không có nhiều hàng quán, chỉ đôi ba căn chòi gỗ lợp lá ẩn mình giữa rừng cây. Bữa trưa được dọn trên những tảng đá bên bờ suối, với cá cua vừa câu được nướng thơm lừng trên ánh lửa than nhảy nhót cùng những hạt nắng lọt qua vòm lá xanh biếc. Sau bữa trưa, chúng tôi đứa thả mình trên chiếc võng dù mắc dưới bóng cây mát rượi, đứa đung đưa ngay trên những thân dây leo đan bện vào nhau chẳng khác nào chiếc võng treo trên những thân cây to, vừa soi bóng mình in trên mặt nước xanh biếc, vừa nghe suối reo thì thầm cùng những cơn gió dưới tán rừng xào xạc, mơ màng như thể mình đang ở chốn thần tiên.
Nơi này thật lạ, nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh tây, giữa đất miền Trung bỏng cháy gió Lào, vậy mà chỉ đi vài chục bước chân là không khí đã thay đổi hẳn. Không chỉ dưới tán rừng rậm che bóng mát, ngay cả khi đứng trên những tảng đá lớn giữa suối, nắng vẫn chói chang trên đầu, gió vẫn ràn rạt thổi sau lưng, nhưng vẫn rất mát mẻ dễ chịu, như thể chúng tôi vừa lạc vào một miền đất khác và mọi nỗi hoài nghi ban đầu đều tan biến.
Đường vào suối Nước Moọc lúc xuyên qua rừng nguyên sinh rậm rạp với những loại cây quý đã được gắn biển, đề tên và những nhánh dây leo chằng chịt, lúc lại cheo leo trên những tảng đá lớn nhỏ lô nhô giữa lòng suối, lúc vắt vẻo ngang những chiếc cầu gỗ, cầu tre nhỏ xinh soi bóng xuống làn nước xanh thẳm.
Dòng nước trong vắt lúc len lỏi luồn qua khe đá róc rách êm ả, lúc lững lờ chảy bên những bãi đá cuội mang tên bãi Đào Tiên, bãi Tam Hợp..., lúc cuộn xoáy tung bọt trắng xóa gầm gào trên những dải đá ngầm phủ đầy rêu. Có lúc dòng suối bỗng bí ẩn lặn mất hút vào các kẽ đá, chỉ còn lại tiếng nước chảy rì rào vọng lên từ lòng đất, rồi sau đó lại bất ngờ tuôn trào như mọc lên từ một khe đá khác.
Chính sự bí ẩn ấy mà người đời đã đặt cái tên “Nước Moọc” cho dòng suối. Cái tên lạ lùng này có nghĩa là dòng nước “mọc” lên từ lòng đất, theo phương ngữ của người dân miền tây Quảng Bình đọc thành “Nước Moọc”, bởi nó bắt nguồn từ hệ thống sông ngầm bí ẩn chảy trong lòng các dãy núi đá vôi và là hợp lưu của nhiều đụn nước nhỏ “mọc” lên từ lòng đất như thế.
Không chỉ có màu nước xanh trong vắt, Nước Moọc còn quyến rũ với những cánh bướm trắng rập rờn khắp nơi. Bướm vờn đuổi trên ngọn cây, quấn quýt bên những khóm hoa dại, dập dờn trên mặt nước xanh thăm thẳm và đuổi theo bước chân, đậu cả lên vai áo, mái tóc của du khách.
Cứ mải mê đùa giỡn với những cánh bướm trắng, chúng tôi đã đến bãi tắm chính của suối Nước Moọc khi nào chẳng hay. Giữa bốn bề vách núi cao vút và tán rừng rậm rạp hiện ra một vùng nước rộng phẳng lặng như một mặt gương khổng lồ biếc xanh màu ngọc bích. Bị màu xanh đẹp đến nao lòng ấy mê hoặc, chẳng ai trong chúng tôi có thể cưỡng lại ước muốn được lao xuống đắm mình trong dòng nước mát thăm thẳm không đáy. Xa xa, vài người trèo lên những tảng đá lô nhô rải rác quanh suối, vừa khỏa chân xuống làn nước mát lạnh, vừa buông cần câu cá.
Mặc dù đã là điểm du lịch, nhưng suối Nước Moọc không có nhiều hàng quán, chỉ đôi ba căn chòi gỗ lợp lá ẩn mình giữa rừng cây. Bữa trưa được dọn trên những tảng đá bên bờ suối, với cá cua vừa câu được nướng thơm lừng trên ánh lửa than nhảy nhót cùng những hạt nắng lọt qua vòm lá xanh biếc. Sau bữa trưa, chúng tôi đứa thả mình trên chiếc võng dù mắc dưới bóng cây mát rượi, đứa đung đưa ngay trên những thân dây leo đan bện vào nhau chẳng khác nào chiếc võng treo trên những thân cây to, vừa soi bóng mình in trên mặt nước xanh biếc, vừa nghe suối reo thì thầm cùng những cơn gió dưới tán rừng xào xạc, mơ màng như thể mình đang ở chốn thần tiên.
Ngân Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét