Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Bún cá chuồn miền Trung ngọt mặn, cay nồng

Đã biết bao lần thưởng thức bún cá chuồn cồ, nhưng cứ nhắc đến tôi vẫn thấy thèm. Đặc trưng bún cá chuồn quê tôi là vị ngọt mặn mà, cay nồng rất riêng của người miền Trung


    Được thưởng thức một tô bún cá chuồn cồ với nước dùng còn bốc khói, điểm màu đỏ của cà chua, màu trắng tươi của từng lát cá thì còn gì bằng.
    Mùa cá chuồn thường bắt đầu vào cữ tháng 3 âm lịch và kéo dài đến tháng 6, tháng 7. Cá có thân xanh biếc, ít thịt nhiều xương với hai vây lưng rất dài và to. Người vùng biển có kinh nghiệm dễ dàng phân biệt từng loại cá chuồn. Cá chuồn gành chỉ nhỉnh hơn 2 ngón tay, bình quân 1 kg cá cỡ vài chục con. Loại này dùng nướng, kho thì tuyệt.
    Khu vực gần bờ thỉnh thoảng xuất hiện loại cá chuồn nhỏ như ngón tay (còn gọi là cá mang giang), xương mềm, có thể ăn cả con mà không cần bỏ xương. Nồi canh chua với tô cá mang giang trở thành món khoái khẩu khó quên, nếu ai một lần thăm miền biển.
    Bún cá chuồn miền Trung ngọt mặn, cay nồng
    Đặc biệt, ngư dân đi biển xa bờ có thể mang về cả tấn cá chuồn cồ (cá lớn gần bằng bắp tay, mắt xanh mượt, có đôi cánh dài bay là là, thịt ngọt). Được thưởng thức một tô bún cá chuồn cồ với nước dùng còn bốc khói, điểm màu đỏ của cà chua, màu trắng tươi của từng lát cá thì còn gì bằng.
    Đã biết bao lần thưởng thức bún cá chuồn cồ, nhưng cứ nhắc đến tôi vẫn thấy thèm. Đặc trưng bún cá chuồn quê tôi là vị ngọt mặn mà, cay nồng rất riêng của người miền Trung. Một tô bún cá chuồn ngon phải có sự kết hợp hài hòa giữa cá, sợi bún, nước dùng và rau sống. Muốn làm được tô bún mà khi ăn ai cũng tấm tắc khen, người nấu có bí quyết riêng trong từng công đoạn.
    Đầu tiên là khâu chọn cá. Người ta chọn những con tươi nguyên, làm thật sạch, để ráo nước, cắt từng lát vừa ăn. Tiếp tục là khâu ướp cá. Bí quyết của các bà, các chị nội trợ bên cạnh nêm nếm vừa miệng cần phải cho thêm phần nén, hành giã nhỏ. Đặc biệt, tiêu ở đây phải là tiêu sọ để khi thưởng thức, người ăn sẽ cảm nhận được vị cay nồng nơi đầu lưỡi. Cho dầu ăn vào nồi, phi thơm hành tím, đổ nước vào nồi nấu sôi, trút cá đã ướp vào. Đợi nước sôi một lúc cho cá chín, thả cà chua, hành cắt khúc, ớt cắt lát vào. Điều đặc biệt hấp dẫn được người ăn từ tô bún cá chuồn là vị ngọt lịm của nước lèo được tiết ra từ xương cá.
    Ăn kèm với bún cá chuồn có khá nhiều loại nước chấm, nhưng thông dụng nhất vẫn là nước mắm chua ngọt. Nước mắm cá cơm hòa với chút đường và ớt tươi giã nhuyễn. Khi ăn, vắt thêm miếng chanh vào. Ăn bún cá chuồn đúng điệu phải có rau muống chẻ, bắp chuối bào cùng các loại rau như húng, quế, giá sống...
    Từ hàng trăm năm trước, cá chuồn là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, chế biến thành nhiều món ngon. Đặc biệt cá chuồn ở miền Trung quê tôi được xem như sản vật đặc trưng của miền biển đưa lên vùng cao làm thực phẩm trong các bữa ăn chính cho đồng bào nơi đây, chính vì vậy mới có câu ca quen thuộc “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”.
    Theo Dân Việt

    Gỏi cá chuồn.

    Cuối xuân - đầu hạ là khoảng thời gian cá chuồn cho thịt săn chắc và thơm ngon nhất. Ngoài những món quen thuộc như cá chuồn nấu canh lá giang, nướng mộc, chiên gập... mà các bà nội trợ hay làm, thanh niên làng biển thường hú nhau chế biến cá chuồn thành món gỏi độc đáo.
     Gỏi cá chuồn
    Ảnh: Trần Cao Duyên
    Chỉ cần một anh xách xâu cá tươi rói dưới bến đi vào xóm, vừa đi vừa hú “gỏi bây ơi” là lập tức nhóm bạn rật rật hưởng ứng.
    Xung quanh món gỏi cá chuồn có nhiều chuyện để “tám”. Món này có thể gọi là món “hú” vì nếu không gọi nhau cho đông vui, ngồi một mình (thậm chí hai mình) trước đĩa gỏi thì đúng là hổng giống ai. Có anh võ vẽ tiếng Anh, du khách nước ngoài chỉ món gỏi cá chuồn hỏi món gì, anh nói “gocachu”. Ông khách đọc gọn trơn, còn lấy sổ ra ghi chép nữa.
    Gỏi cá chuồn, khi đã tham gia thì chẳng ai “chuồn” cả, ngồi từ đầu đến lúc đáy đĩa sạch tưng mới chịu nơ bụng đi về. Có anh quả quyết nói chỉ có làm gỏi thì cá chuồn mới có... cá tính. Vì chỉ con dao thôi cũng phải nhiều kích cỡ. Chẳng hạn, để làm sạch mang, chặt vi thì dao phay. Để đánh vảy thì dùng dao nhỏ hơn một chút. Nhưng để lóc thịt, xắt mỏng từng lát cho sắc sảo thì phải là dao mỏng, nhỏ như lá tre, bén không thua dao lam.
    Gỏi cá chuồn nếu làm một mình thì cả tiếng mới xong. Còn khi đã “hú” thì chỉ mất khoảng mười lăm phút. Gian bếp rộn ràng tiếng nói cười vui vẻ. Các công đoạn làm cá, lóc thịt, xắt cá, vắt bớt nước, rồi cho cá ra đĩa, vắt chanh, rải hành, rang đậu phộng, nhặt rau, làm nước chấm... mỗi đứa mỗi tay chút xíu là xong. Mâm bát vừa bưng lên thì người mua bánh tráng và chai rượu cũng vừa về.
    Ăn gỏi cũng có “cẩm nang” nữa đấy. Trải bánh tráng ra, rải lên một lớp mỏng rau sống, cho năm sáu lát cá chuồn vào. Lại cho ít rau phủ lên lớp cá. Vừa quấn vừa tém hai đầu sao cho cái cuốn nhỏ nhắn, thon thả. Giờ thì chỉ việc chấm vào hỗn hợp tương ớt - xì dầu - đậu phộng giã nhuyễn để cảm nhận rất nhiều cái “đã”. Người ăn nghe miếng cá chuồn ngòn ngọt được ôm ấp trong các loại rau thoảng thơm hương vị đất lành. Thỉnh thoảng gặp lát hành kèm hạt đậu phộng giòn, nghe dậy mùi thơm, cay nồng, beo béo. Cùng với ít rượu quê nhà (rượu gạo) khiến từng miếng gỏi vốn đã đậm đà lại càng ý vị hơn.
    Mình đang viết bài này thì anh bạn điện thoại hú: “Có mớ cá chuồn tươi đây, ông đến ngay nhé”. Bài để mai tính, mình xách áo chạy ngay. Nhanh vậy mà tới nơi đã thấy ba bốn thằng bạn động dao động thớt rồi.
    Trần Cao Duyên

    Cá chuồn nấu với lá giang.

    Ảnh: Trần Cao Duyên 

    Giữa những ngày hè oi bức này, mâm cơm của nhiều gia đình ven biển miền Trung thường không thiếu món canh cá chuồn nấu với lá giang. Đây là món canh chua làm hạ nhiệt những trưa hanh, húp tới đâu mát lành tới đó.    

    Cây giang là loại cây mọc hoang, thuộc họ dây leo, mỏng mảnh bò ngang dọc quanh những gò mối hay bụi bờ rậm rạp. Lá giang có hình trái tim nhỏ nhắn, mọc từng đôi đối nhau dọc theo thân dây, mỗi cặp lá cách nhau khoảng hơn đốt ngón tay. Chỉ cần phát hiện một đoạn ngắn dây giang trong bụi rậm là có thể lần ra năm bảy mét rồi tha hồ mà tuốt lá.
    Dĩ nhiên, lá giang có thể nấu canh chua với rất nhiều loại hải sản, kể cả với thịt gia cầm. Cá chuồn cũng được chế biến thành nhiều món như làm chả, làm gỏi, kho gập, kho rim, chiên, nướng. Nhưng phải đợi đến khi lá giang - cá chuồn “gặp” nhau, chúng mới hòa hợp cùng nhau làm nên món canh giản dị mà hương vị khó quên. Một điều giản dị nữa: lá giang dễ kiếm, cá chuồn dễ mua. Hai “anh” này chưa bao giờ “chảnh” với túi tiền của người nhà quê. Và cách nấu cũng khá đơn giản.
    Cá chuồn làm sạch vảy, móc mang, chặt vi, cắt làm hai hoặc ba khúc tùy cá lớn hay nhỏ. Nước sôi, lần lượt cho cá và khoảng vài nắm lá giang vào, có thể thêm một ít tấm để tăng độ ngọt từ tinh bột gạo. Có nhiều cách nêm, nhưng theo kinh nghiệm của những bà mẹ quê, chỉ cần bỏ một nhúm muối hột rồi làm dịu lại bằng một ít mì chính. Trước khi bắc nồi canh xuống, nhớ bỏ vào trái ớt đã đập giập để kích hoạt những âm thanh “hít hà” cho bữa ăn thêm vui nhộn. 
    Món canh này nổi tiếng “sát cơm”, luôn “bắt” người ăn phải... cạo xoong. Cô gái vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) rất có lý khi ghẹo khách phương xa: “Cá chuồn nấu với lá giang/Nồi cơm không hết xin theo chàng về quê”. Đọng trên đầu lưỡi người thưởng thức là vị chua thanh thanh của nước canh lẫn vị chát nhẹ nhàng của lá giang, vị thơm dịu của cá chuồn chấm mắm tỏi, vị ngọt bùi của những hạt tấm và vị lăn tăn cay nồng của ớt. Người tinh tế, sành ăn có thể “nghe” ra chút biển khơi mặn mòi, chút hương đồng gió nội thoang thoảng trong từng muỗng canh, từng miếng cá.
    Người miền Trung dù mưu sinh ở góc trời nào cũng đều nhớ lắm món canh chua đậm chất duyên hải này. Bởi thế nên vào mùa nắng nóng, những bó lá giang và cá chuồn ướp đá thường nằm gọn trong những thùng xốp dập dìu theo những chuyến xe.
    Trần Cao Duyên

    Dư vị cá chuồn.

    Ảnh: flickr

    (TNTS) Cá chuồn rộ vào mùa nắng. Mỗi buổi sáng, đi chợ, hầu như hàng cá nào cũng bán cá chuồn. Những con cá thuôn đuột xếp đống trên sạp, hoặc nằm xếp hàng ngay ngắn trong dĩa chờ người mua luôn tạo được sự thích thú cho một đứa vốn... ham chuyện chợ búa như mình.

    Hồi học lớp 5, mình được má tin tưởng giao phó chuyện đi chợ. Tự đi một mình, tự quyết định sẽ mua gì cho cả nhà. Trẻ con ở quê, lớp hai, lớp ba đi chợ, nấu nướng là chuyện bình thường. Nhưng dẫu sao, lần đầu tiên tự mình mua lấy mọi thứ, rồi tập tành trả giá vẫn cứ... run.
    Ở quê, con gái luôn được mẹ dặn dò, mua cá chuồn phải chọn cá chuồn “biển ngang” - loại cá được đánh bắt vào buổi tối và mang lên chợ bán vào sáng sớm hôm sau. Vừa mới đánh bắt lên, con cá còn tươi xanh, vảy óng, mình mập và ngắn hơn cá chuồn đánh bắt dài ngày trên biển. Trước đây, thời vật giá chưa tăng cao như bây giờ, tới mùa đi chợ chỉ cần 3 tới 5 ngàn đồng là đã có thể mua được một chục cá chuồn mười hai con. Cách bán cá theo chục như vậy cũng là đặc điểm riêng của quê tôi. 
    Cá chuồn là món ăn bình dân, dễ chế biến và chế biến được nhiều món: để nguyên con chiên giòn chấm mắm chua ngọt, hoặc kho mặn với mít non đã luộc chín, hay xay cá ra ép thành từng miếng tròn chiên sốt cà chua, nướng, nấu canh chua ăn giải nhiệt mùa nóng, hoặc làm sạch phơi khô để dành mùa mưa... Trong ký ức của mình, món ngon nhất làm từ cá chuồn chính là món ram (nem, chả giò). Cá làm sạch, đánh vảy, cắt đầu, vây, lóc sạch da cho vô cối xay chung với tiêu, bột ngọt, củ hành và vài củ nén khử mùi tanh. Đợi cho cá thấm gia vị, lấy bánh tráng cắt nhỏ gói thành từng gói cỡ bằng ngón tay. Gói ram cá chuồn nhỏ, ít vị béo nên không gây ngấy như các loại ram làm từ thịt. Ram cá chuồn ngon nhất là khi ăn ngay lúc vừa vớt ra, kèm với rau sống và cọng giá dài (khác với giá búp), chấm mắm ớt thiệt cay.
    Với mình, cá chuồn còn là một... niềm mơ ước. Lần đầu tiên kéo rộng đôi vây giống hệt đôi cánh của chúng, và biết rằng cá biết bay, mình đã thấy yêu những con cá có cánh này. Đến giờ, mình vẫn ước mơ ngày nào đó sẽ được nhìn thấy cá chuồn bay.
    Vũ Linh Văn

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét