(TNTT>) Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, dùng như vị thuốc nam chữa được nhiều loại bệnh khác nhau.
Đinh lăng kết hợp với cá là "tác phẩm" sáng tạo độc đáo của dân gian. Món ăn này thật dân dã không đòi hỏi nguyên liệu cầu kỳ mà lại rẻ tiền, dễ tìm.
Trước hết, bạn tìm mua cá lóc, cá điêu hồng tươi về làm sạch, cắt từng khúc ướp gia vị cho thấm. Cho nồi cá lên kho nhỏ lửa. Chọn đinh lăng loại lá nhỏ, rửa sạch, cắt ngắn, bỏ bớt cuống. Khi nồi cá sôi, cho lá đinh lăng vào, tiếp tục chỉnh nhỏ lửa cho cá thấm và cạn nước. Cá chín thoang thoảng mùi thơm, lá đinh lăng chín nhừ nhưng không nát, tạo hương vị rất riêng. Cá chín có màu hổ phách hòa lẫn những sợi lá xanh thẫm của đinh lăng thật bắt mắt.
Dẻo dai như đinh lăng
Không chỉ là cây cảnh thông dụng, cây rau được ưa dùng, đinh lăng còn là một vị thuốc nam có tính năng chống dị ứng, giải độc thức ăn, chống mệt mỏi và làm tăng sức dẻo dai của cơ thể. Lá đinh lăng được coi là loại cây cỏ nhiều dương tính, không bao giờ bị sâu phá hoại, rất dễ ăn, thơm, bùi.
Trong dân gian đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, tên khoa học là polyscias fruticosa harms thuộc họ ngũ gia bì. Rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch. Lá đinh lăng có vị nhân nhẩn, chua chua và bùi, có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ… Lá phơi khô nấu lên có mùi thơm đặc trưng. Lá đinh lăng còn được dùng để chống dị ứng mẩn ngứa, bồi bổ cho sản phụ, người già, người bệnh đau mới dậy.
Nhiều món ngon khác từ đinh lăng
Lá đinh lăng khi kết hợp với những nguyên liệu khác sẽ cho ra nhiều món ngon-vị thuốc hấp dẫn. Trong đó phải kể đến món cháo đinh lăng nấu tim heo. Để làm món này, bạn phải chọn 1 quả tim heo ngon, sau đó rửa sạch thái mỏng. Còn đinh lăng phải tuyển loại lá non, khoảng 60gr, rửa sạch cắt ngắn. Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm gạo tẻ 100gr. Bỏ chung gạo, lá đinh lăng vào nấu thành cháo, khi cháo chín cho tim heo vào, nấu lại cho chín đều, nêm gia vị, ăn nóng rất ngon.
Món này trị hoạt huyết, bổ âm, bệnh nhân có tiền sử đau thắt ngực. Lá đinh lăng còn làm nên nhiều món ăn bồi bổ cho cơ thể như: canh đinh lăng thịt nạc bằm cho thêm mướp có mùi thơm như thuốc bắc; đinh lăng kho cá trắm, kho cá điêu hồng, kho cá lóc; lá đinh lăng cuốn bánh xèo… trên thực tế, những võ sĩ đô vật thường dùng lá đinh lăng sắc uống để tăng sự dẻo dai khi thi đấu.
Ngoài ra, dân gian cũng hay dùng lá đinh lăng làm vị thuốc an thần cho trẻ con khỏi giật mình bằng cách: lá đinh lăng trụng nước sôi sơ qua rồi phơi khô dùng làm gối đầu cho trẻ. Bánh tráng phơi sương kẹp với lá đinh lăng, thịt heo, chà bông chấm mắm nêm, giòn, ngon đến nhức răng.
Thất Lang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét