Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013
Hoang sơ Cồn Nổi
Nằm trong vùng sinh thái liên tỉnh đồng bằng sông Hồng, lại có đường giao thông ven biển chạy qua, Cồn Nổi sẵn có tiềm năng, hoàn toàn khả thi thành một bãi tắm lý tưởng trong tương lai không xa.
< Ngư dân kéo lưới tại bãi Ngang Kim Sơn.
Kim Sơn có 18 km bờ biển nằm giữa hai cửa sông lớn là sông Đáy và sông Càn với những biến đổi kiến tạo địa chất diễn ra mạnh mẽ. Toàn bộ khu vực bãi ngang gồm thị trấn Bình Minh, các xã: Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, đảo Cồn nổi và vùng biển Ninh Bình đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tại đây thiên nhiên, sự sống còn đa dạng và hoang sơ, thuận lợi phát triển loại hình du lịch sinh thái đồng quê. Thắng cảnh khu vực ven biển Kim Sơn nằm trong quy hoạch du lịch của tỉnh Ninh Bình bao gồm bãi biển, rừng phòng hộ, các đảo Cồn Nổi, cồn Mờ, cửa sông Đáy, cảnh quan đê biển, khu vực nuôi trồng và khai thác thủy hải sản...
Vùng bãi ngang Kim Sơn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái đồng quê, tham quan và tìm hiểu về thế giới tự nhiên.
Là nơi cư trú của những loài chim, có khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc,...
Sinh cảnh đặc sắc nơi đây là những cánh rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha, đầm lầy mặn, bãi bồi ven biển và cửa sông. Những cánh rừng này được ví như bức tường xanh bảo vệ đê biển, làng xóm khỏi bị tàn phá bởi gió bão, nước biển dâng, và cả thảm hoạ sóng thần nếu xảy ra.
< Khảo sát cồn Nổi - Kim Sơn.
Cồn nổi Kim Sơn có diện tích gần 1000ha, nằm cách bờ biển Ninh Bình 8 km. Cồn được phát hiện năm 2003 bởi một thủy thủy tên Trần Văn Thông - người Ninh Bình, khi tàu của ông bị mắc cạn nơi đây. Ngay sau đó, ông đề xuất với địa phương xin được thực hiện dự án trồng phi lao chắn sóng và nuôi trồng thủy sản tại đây. Đảo Cồn Mờ cũng nằm trong hải phận tỉnh Ninh Bình, cách bờ biển Kim Sơn khoảng 5 km, về phía đông đông nam, có diện tích xấp xỉ 3 km2 đã và đang được khai thác để trồng rừng ngập mặn trên đảo và rừng chắn sóng xung quanh.
Hoang sơ, quyến rũ
Sẽ là không tưởng khi chúng ta chưa thực sự đặt chân đến Cồn Nổi. Để xóa đi hoài nghi của nhiều người rằng Cồn Nổi không thể trở thành một khu du lịch được, bởi dễ bị nước biển dâng ngập, các nhà nghiên cứu khoa học khẳng định, tại đây loài hoa muống biển sinh sống đồng nghĩa với sự kiến tạo địa chất, địa mạo đã hoàn toàn ổn định. Tuy nhiên, muốn đến được với Cồn Nổi hiện còn khá khó khăn, vì sự hoang sơ của nó.
< "Thử sức" đầu tiên, phải qua những thanh sắt vắt vẻo để xuống tàu.
Gần đây, nhờ sự giúp đỡ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chúng tôi gồm các nhà báo tỉnh may mắn có một chuyến thực mục sở thị về Cồn Nổi đầy thú vị. 8 giờ sáng, con tàu đưa chúng tôi rời cảng tàu tiến về phía Cồn Nổi.
< Cầu tàu đang được xây dựng; trong tương lai gần, những con tàu cập bến sẽ thuận lợi hơn.
Không gian khoáng đạt, hương vị mặn mòi của biển cả quyện chặt vào từng câu chuyện mỗi lúc thêm thân tình giữa chúng tôi và các chiến sỹ biên phòng.
< Đoàn tham quan nóng lòng được tới Cồn Nổi.
Ai cũng háo hức, chộn rộn vì lần đầu tiên đến với Cồn Nổi, một số dường như thấy tiếc bởi Cồn Nổi "tuy gần nhưng lại xa", sao mình lại không biết. Những tầm mắt đau đáu hướng về phía trước để nhìn thấy cồn từ xa.
Không mất nhiều thời gian đợi chờ, chỉ sau mấy chục phút đồng hồ, Cồn Nổi đã xa mờ, ẩn hiện trước mắt chúng tôi. Giữa mênh mông sóng nước, Cồn Nổi hiện lên ngút tầm mắt.
< Thời gian trên tàu, màn giới thiệu làm quen giúp mọi người thân thiết hơn. Tranh thủ thời gian, trên mạn tàu, các phóng viên tìm hiểu về biển và Cồn Nổi.
Vì triền cát bồi lắng, chúng tôi phải xuống tàu đi xuồng máy vào Cồn. Lại gần, cồn thật đẹp, lãng mạn đến nao lòng. Cồn có bờ bãi rộng, độ thoải nông, cát vàng sạch mịn. Từng đợt sóng nối đuôi nhau xô bờ. Nước biển trong xanh, môi trường, không khí trong lành ở Cồn thực sự đã làm cho tinh thần của chúng tôi thư thái, thoải mái.
< Do triền cát bồi lắng nên đoàn tham quan phải "tăng-bo" bằng xuồng máy.
Chúng tôi sải bước trên Cồn, ngỡ ngàng như nhà thám hiểm đặt những dấu chân đầu tiên trên cát, vừa trầm tư nghe biển gọi, nghe tiếng sóng vỗ về và chứng kiến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản của ngư dân. Loài sinh vật đặc trưng và chiếm ưu thế ở đây là muống biển.
Hành trình cho điểm đến
Du lịch trên miền đất bồi Kim Sơn, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng quần thể thánh đường độc nhất vô nhị - Nhà thờ đá Phát Diệm, với sự độc đáo, tinh tuý trong kiến trúc đình chùa phương Đông và kiến trúc gô tích phương Tây, mà còn được thưởng ngoạn thắng cảnh hữu tình do nhiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
< Thấp thoáng bóng ngư dân bắt ngao.
Kim Sơn có gần 18 km bờ biển, tạo nên một vùng ven sinh thái rộng lớn, trù phú, sinh động với diện tích trên 105 nghìn ha. Đây là nơi sinh sống của khoảng 500 loài động, thực vật thuỷ sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn trên các bãi bồi cửa sông, 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới, cú những cánh rừng ngập mặn trải ngút ngàn, rộng hàng nghìn ha, những đầm lầy mặn, bãi bồi, cửa sông…
< ... và đào sam đất.
Hệ sinh thái, đa dạng sinh học này đã đưa vùng ven biển Kim Sơn trở thành bộ phận quan trọng, là vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, đã được UNESCO công nhận, thuận lợi và phù hợp cho loại hình du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái. Cồn Nổi gắn kết chuỗi trong hệ sinh thái này, nếu được khai thác sẽ là một mắt xích và là điểm chốt trong quần thể du lịch, cùng với nuôi trồng thủy sản tạo thành thế mạnh kinh tế biển, kinh tế du lịch cho Kim Sơn, tiếp nối cái thủa doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đi mở cõi, khai hoang, lấn biển
< Bãi biển Cồn Nổi đẹp hoang sơ. Nơi đây sẽ là điểm du lịch trong tương lai.
Trong hoạch định chính sách cũng như tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, tỉnh đã rất quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, trong đó có Cồn Nổi và được cụ thể hóa ở Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX), ở chủ trương lập dự án đầu tư tại khu vực Cồn Nổi trong thời gian qua. Đối với Kim Sơn, huyện xác định phát triển kinh tế biển và kinh tế du lịch là trọng tâm, do vậy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với du lịch, trong đó phấn đấu đưa Cồn Nổi thành "điểm đến" của du khách.
Theo chủ trương đã được tỉnh đồng ý, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư đang xây dựng dự án khu du lịch sinh thái biển, kết hợp vui chơi, nghỉ dưỡng Cồn Nổi. Theo đó, khu vực bãi bồi, Cồn Nổi ven biển Kim Sơn sẽ được xây dựng thành một khu du lịch sinh thái biển có tầm cỡ quốc gia, quốc tế với tổng hợp tất cả các loại hình du lịch mà đặc trưng cơ bản là lịch sử, văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Dự án sẽ xây dựng đền thờ Lạc Long Quân tại Cồn Nổi và đền thờ Âu Cơ tại rừng Quốc gia Cúc Phương, thu hút khách thập phương tìm về cội nguồn lịch sử với truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân và khai thác các điểm du lịch lân cận để tạo sức hấp dẫn tổng thể vùng, đảm bảo cân bằng giữa việc bảo tồn và khai thác các giá trị của hệ thống tài nguyên du lịch, kết hợp lợi ích của dân cư địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch. Tổng diện tích của dự án trên 4.155 ha.
Tại bãi Cồn Nổi sẽ xây dựng các khách sạn, biệt thự cao cấp, khu vui chơi giải trí, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cây xanh; xây dựng khu tâm linh đền thờ thần biển; khu trồng rừng ngập mặn chắn sóng; khu bãi tắm, thể thao lướt ván, lượn dù, khu du thuyền, ngắm cảnh, vui chơi trên biển; hệ thống giao thông, điện, nước. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Ninh Bình, internet
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét