Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Khám phá cung Nam Phương hoàng hậu


Tọa lạc trên một ngọn đồi, cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 3 km, cung Nam Phương hoàng hậu là điểm đến lý thú cho du khách trong và ngoài nước. 

Dinh thự này do điền chủ xứ Gò Công - Nguyễn Hữu Hào xây vào năm 1932, khi ông đến Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt) tậu đất lập đồn điền cà phê. Ban đầu dinh thự mang tên Nguyễn Hữu Hào, sau đó ông tặng cho con gái là Nam Phương nên được gọi là cung Nam Phương hoàng hậu. Nam Phương hoàng hậu tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan (sinh năm 1914), là vợ của vua Bảo Đại, vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Hiện dinh thự này do Bảo tàng Lâm Đồng quản lý.
Khám phá cung Nam Phương hoàng hậu
Cung Nam Phương hoàng hậu - Ảnh: Lâm Viên
Cung Nam Phương hoàng hậu gồm 2 tầng lầu, có diện tích khoảng 500 m2, chưa kể tầng hầm. Tổng thể của công trình kiến trúc theo phong cách tân cổ điển có hình khối làm chủ đạo, với các họa tiết trang trí vừa mang phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu, vừa mang dáng dấp kiến trúc của phương Đông. Mỗi căn phòng đều có lò sưởi với kiểu cách khác nhau. Trong quá trình phục dựng cung Nam Phương và trưng bày hiện vật, các nhân viên Bảo tàng Lâm Đồng phát hiện ngay dưới chân cầu thang tầng hầm có một đường hầm bí mật. Đường hầm này dẫn ra ngoài khuôn viên kéo dài khoảng 1 km đến Dinh I về hướng đông, một nhánh khác tiếp tục xuyên qua nhiều quả đồi để đến dinh II cách xa hơn 2 km về hướng tây. Nơi đây có một phòng trưng bày hình ảnh Nam Phương hoàng hậu từ tấm bé cho đến trước khi qua đời năm 1963, cùng hình ảnh ngày cưới của hoàng hậu và vua Bảo Đại và một số hình ảnh về 5 người con của họ, nhưng nhiều nhất là hình ảnh liên quan đến thái tử Bảo Long.
Đặc biệt hơn, khi đến đây du khách sẽ được “bật mí” về mối tình giữa nhà vua và hoàng hậu, được tận mắt xem những bức thư tình mà Nam Phương hoàng hậu viết cho vua Bảo Đại. Theo tư liệu của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, sau khi gặp nhau trên chuyến tàu thủy của hãng Messagerie Maritime từ Pháp về Việt Nam, Bảo Đại một lần nữa gặp lại nữ tú tài Nguyễn Hữu Thị Lan ở Đà Lạt. Từ đây, mối tình của họ đơm hoa kết trái bằng cuộc hôn nhân vào năm 1934. Khi trở thành con dâu của triều Nguyễn, Nam Phương hoàng hậu được người đời cảm phục bởi tính cách giản dị, hòa đồng và đức hạnh. Một trong những việc mà Nam Phương hoàng hậu đã cố gắng thực hiện, được người đời ghi nhận là mang lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Thiên chúa với hoàng tộc nhà Nguyễn vốn theo đạo Phật.
Lâm Viên

Đường hầm bí mật cung Nam Phương hoàng hậu.

(TNTS) Hàng chục năm qua, người dân Đà Lạt và cả du khách rất quan tâm đến hệ thống đường hầm bí mật lên Dinh I tại thành phố du lịch này. Tuy nhiên, đường hầm do ai đào, đào vào thời điểm nào thì vẫn còn nhiều bí ẩn.
Mới đây, ngày 6.3, tại một khu vườn vắng lặng bên hồ Tuyền Lâm Đà Lạt, TNTS may mắn gặp được ông Đào Văn Ơn, người chứng kiến việc đào đường hầm từ cung Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) đến Dinh I gần 70 năm trước.
Ông Ơn cho biết, cha ông là cụ Đào Thức (SN 1900), quê ở Đà Nẵng. Năm 1928, cụ Thức được người Pháp chiêu mộ vào Đà Lạt làm phu. Một thời gian dài cụ Thức làm bảo vệ tại nhiều biệt thự của các quan Pháp, sau này cụ học nấu ăn, làm bánh để phục vụ và bán cho người Pháp sống tại Đà Lạt. Cụ Thức có 14 người con, trong đó có 4 người con trai tham gia Việt minh; gia đình cụ có 2 liệt sĩ chống Pháp.
 
Cửa hầm tại lô đất số 5B Yên Thế 
Ông Ơn (SN 1936) là con thứ 11 của cụ Thức. Ông kể, trong thế chiến thứ 2,  Nhật Bản bắt được rất nhiều tù binh của quân đồng minh và đưa lên Đà Lạt giam giữ.
“Khoảng cuối năm 1944, khi tôi 8 tuổi, đứng từ nhà nhìn lên đồi cao gần khu vực cung Nam Phương, thấy nhiều người da trắng, da đen khiêng đất đổ ra cả triền đồi trắng xóa. Qua tìm hiểu, tôi biết đó là những tù binh bị lính Nhật bắt đào hầm xuyên núi. Lúc đó lính Nhật cứ kè kè bên mình khẩu súng giám sát tù binh đào hầm và vận chuyển đất. Việc đào hầm diễn ra khá nhanh, chỉ khoảng 6-7 tháng là chấm dứt. Họ đào hầm để tránh bom đạn của quân đồng minh, lính Nhật lái cả xe hơi chui vào cất trong hầm cho an toàn”, ông Ơn kể.
Thời điểm này ông Ơn cũng chứng kiến người Nhật cho đào hệ thống đường hầm dọc đường Trần Hưng Đạo chạy lên Dinh II, bên triền đồi đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn (ngày nay) có 3 cửa hầm xuyên ra để đổ đất đá xuống thung lũng. Khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, người Pháp tiếp tục chiếm đóng Đà Lạt. Thời gian này, nhiều lần ông Ơn và bạn bè cùng trang lứa đã thắp đuốc đi xuyên đường hầm từ đường Yên Thế qua tận Dinh I dài hơn 1 km, có những đoạn chui ngang dưới các biệt thự.
“Đường hầm khá rộng, được cừ bằng đá và gỗ kiên cố, xe hơi 4 bánh có thể chạy thông qua. Trong đường hầm có nhiều đường xương cá thông ra bên ngoài”, ông Ơn miêu tả và cho rằng đó là những cái ngõ để đổ đất đá, đồng thời để lấy không khí. Khi người Nhật bại trận, người dân quanh vùng đã chui vào đường hầm lấy gỗ về làm nhà ở. Đến nay, nhiều cửa hầm đã bị sạt lở và bít kín.
 
Đường hầm có những nhánh rẽ
Ông Phan Khoái, nguyên cán bộ của Bộ Lâm nghiệp, năm 1976 được đặc phái vào Ty Lâm nghiệp Lâm Đồng (đóng trên đường Yên Thế, Đà Lạt) cho biết, ông cùng bạn bè đã vài lần khám phá đường hầm bí mật này. Theo ông Khoái, cứ một đoạn đường hầm có một ngách lõm sâu vào khoảng 1m và được lót bằng đá chẻ. Lần khám phá đường hầm đầu tiên ông chỉ dám đi đoạn hầm rộng có lót đá bên dưới. Lần sau ông xuống miệng hầm đối diện nhà số 4 Yên Thế, đi sâu vào trong và xuyên ra được miệng hầm ở lô đất 5 bis hiện nay. Hai miệng hầm này cách nhau gần 200m, nhưng hiện do đất sập đã bít  lối thông.
Cụ Khoái cho biết, có ít nhất 2 miệng hầm đã bị người dân xây nhà bít kín, hiện tại lô đất số 5B Yên Thế vẫn còn một miệng hầm nguyên vẹn được xây bằng đá kiến cố.
Với 76 năm gắn bó với Đà Lạt, ông Đào Văn Ơn cho rằng, hệ thống đường hầm bí mật tại Đà Lạt do người Nhật khởi xướng có thể gọi là “Di tích chiến tranh”. Nếu được quan tâm đầu tư khôi phục lại hệ thống đường hầm này để phục vụ du lịch thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Đà Lạt.
Bài và ảnhLâm Viên

Trưng bày hiện vật về đời sống Nam Phương hoàng hậu.

Bảo tàng Lâm Đồng  đưa vào trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu 124 hiện vật, ảnh liên quan đến đời sống, sinh hoạt của gia đình hoàng hậu Nam Phương để phục vụ du khách...

Tọa lạc trên một ngọn đồi cao ở đường Hùng Vương (TP Đà Lạt), cung Nam Phương hoàng hậu (trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng) có vị trí rất đẹp, bao quát không gian của thành phố. Nơi đây trước kia là tòa dinh thự được quận công Nguyễn Hữu Hào xây dựng và sau đó tặng cho con gái Nguyễn Hữu Thị Lan (hoàng hậu Nam Phương - vợ vua Bảo Đại) vào những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước.

Bộ ấm trà và ly mạ bạc

Bàn học của thái tử Bảo Long
Dinh Nguyễn Hữu Hào là một trong những dinh thự cổ, có lối kiến trúc mang đậm phong cách Pháp, rất độc đáo và đẹp thuộc dạng bậc nhất ở TP Đà Lạt. Từ ngoài cổng, con đường uốn lượn chạy vòng quanh đồi thông tiếp nối những bậc tam cấp lát đá đi lên đã tạo cho ngôi biệt thự dáng vẻ vừa thơ mộng vừa uy nghiêm. Biệt thự có 2 lầu, được xây dựng khá kiên cố, cửa mở ra 4 hướng và trước cửa chính có mái hắt đưa ra. Mặc dù có kiến trúc hình khối, nhưng không gian bên trong rất thoáng đãng nhờ việc bố trí hành lang ở giữa và các phòng trổ cửa ra hành lang bên ngoài, cầu thang và tay vịn được làm bằng gỗ mang lại sự duyên dáng đặc biệt cho ngôi biệt thự. Đến nay tòa dinh thự này vẫn còn giữ nguyên đường nét kiến trúc cũ cùng một số vật dụng sinh hoạt.
Đến với tòa dinh thự này, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, du khách còn được xem một số vật dụng của gia đình Nam Phương hoàng hậu trong những năm 30-40 của thế kỷ trước. Sau mấy chục năm sưu tầm, lưu giữ, Bảo tàng Lâm Đồng đã chính thức trưng bày tại cung Nam Phương hoàng hậu 124 hiện vật, ảnh liên quan đến sinh hoạt của gia đình vua Bảo Đại: bộ ấm trà và ly mạ bạc, bát rửa tay của vua Bảo Đại dùng khi tiếp khách, hộp đựng xì gà, xô để ngâm rượu champagne trong các buổi tiệc, bộ đèn cồn để hâm thức ăn, bộ ly thủy tinh có khắc tên của vua Bảo Đại, chiếc bàn thêu mà hoàng hậu từng sử dụng.
Bên cạnh đó, còn có nhiều bức ảnh về hoàng hậu Nam Phương và những bức ảnh về 5 người con của bà, ảnh hoàng hậu và vua Bảo Đại trong ngày cưới, ảnh Bảo Đại đi săn... Ngoài ra còn có phòng trưng bày những hiện vật và ảnh liên quan đến thái tử Bảo Long như: bàn học, thanh kiếm, ảnh lúc nhỏ, ảnh mặc quân phục và ảnh Bảo Long khi về già. Ông Phạm Hữu Thọ - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết: "Chúng tôi hy vọng du khách khi đến tham quan sẽ có những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của gia đình quý tộc, thượng lưu đầu thế kỷ 20 và tìm hiểu về cuộc đời của hoàng hậu Nam Phương - hoàng hậu duy nhất của triều Nguyễn và là cuối cùng của triều đại phong kiến ở Việt Nam".                          
Gia Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét