Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ xuân về tôi và Hạnh, một thầy giáo dạy sử
của trường THPT Nguyễn Du, mà chúng tôi thường tôn là "sử gia" lại về với kinh đô đầu tiên của nước
Việt bên lưng Ngàn Hống, bây giờ mang tên thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Tương truyền, vào đời Hùng
Vương thứ nhất, một lần nhà vua đi thuyền du ngoạn trên dòng Thanh Long (sau này gọi là sông Rum và
bây giờ là sông Lam), thấy nơi này có thế rồng phục, hổ chầu, nhà vua định chọn làm kinh đô. Đúng
lúc đó, có 100 con đại bàng bay đến tìm chỗ đậu, mà rú Ngàn Hống (Hồng Lĩnh) chỉ có 99 ngọn, một
con cất cánh bay đi làm cả đàn bay theo. Nhà vua cho đó là điềm trời, nên nơi này đành lỗi hẹn trở
thành kinh đô đầu tiên của nước Việt Thường.
Điểm hẹn du lịch
Khác với mọi lần, lần này, chúng tôi làm một "tour"du lịch bằng thuyền từ Bến Thủy ngược sông Lam để đến "kinh đô ". Trời chớm bình minh. Phía đông, một vừng sáng màu ngũ sắc hừng lên sau nhấp nhô trùng điệp các đỉnh núi Hồng, hệt như đàn rồng đang vờn nhau, uốn lượn. Trông lên, dáng núi hệt thế đàn hổ ngồi chầu. Quấn ngang lưng núi, cuồn cuộn một dòng sông mây trắng bồng bềnh, dăng mắc. Dưới chân núi, thị xã Hồng Lĩnh đang chìm trong sương mai bảng lảng. Hạnh tủm tỉm cười:
Tháp Lưu Đức, Thạch Sơn (Thiên Tượng). Ảnh: Trần
Chung
|
Nơi này sông núi lồng lộng khí thiêng, hèn chi ngày xưa Vua Hùng định chọn làm kinh đô của Việt Thường; hèn chi đến con sông La trên đường thiên lí tìm về với biển, đến đây, gặp được nơi non nước đằm thắm, hữu tình, cũng chảy chậm lại, uốn một vòng tuyệt đẹp như quyến luyến mãi mới chịu hòa vào dòng Lam. Sông nước mà còn mê mẩn trước cảnh, trước tình đến thế, làm sao chẳng nao lòng biết bao chính nhân quân tử, tao nhân mặc khách!
Với thế rồng cuộn, hổ chầu và nhiều danh lam
thắng cảnh đẹp, Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) xứng đáng trở thành điểm hẹn của du khách.
|
Mải mê ngắm núi, ngắm sông, con đò đã lặng lẽ cặp bến. Có dịp đến được với kinh đô huyền thoại nằm trên dãy núi danh thắng của cả nước, được vua Minh Mệnh khắc trên Anh Đỉnh của nhà Nguyễn năm 1886, kể cũng là điều may mắn. Chỉ nói riêng về du lịch, thị xã Hồng Lĩnh có nhiều thế mạnh lắm. Thị xã ở cái thế một bên là dòng sông Lam uốn khúc, một bên là núi Hồng Lĩnh điệp trùng với 146 lăng tẩm, chùa chiền. Quốc lộ 1A và 8A chạy qua giữa thị xã, tạo thành ngã ba Bãi Vọt, có người còn "tôn" lên gọi là Ngã Ba Đông Dương.
Gọi thế chẳng ngoa, bởi tất cả con đường vào Nam, ra Bắc hay đến với
nước bạn Lào - Thái Lan… đều qua ngã ba này. Ở một vị trí chiến lược như thế, nên thời chiến tranh
phá hoại của Đế quốc Mỹ, chúng dùng cả máy bay B52 chà đi xát lại, sự ác liệt nơi đây có khi ngang
với Ngã ba Đồng Lộc. Hồi sinh từ đống đổ nát, hoang tàn, thị xã Hồng Lĩnh đang được xây dựng trở
thành trung tâm thương mại - du lịch phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh, gắn với các điểm du lịch: Suối Tiên -
chùa Thiên Tượng, đền thờ Đô đài Bùi Cầm Hổ, làng nghề truyền thống Trung Lương - Văn Chàng… Từ
Hồng Lĩnh ngược lên phía Bắc, ta có thể đi xe theo quốc lộ 1A hay xuôi thuyền theo dòng sông Lam
tùy thích, non 10 cây số là Đền Củi nổi tiếng linh thiêng, là khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du,
Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Bãi tắm Xuân Thành. Đi về hướng Nam cũng gần 10 cây số là chùa
Hương Tích, là thành phố Hà Tĩnh. Xa thêm chút nữa là biển Thiên Cầm, Khu Kinh tế Vũng Áng…
Hướng Tây, đi xe theo quốc lộ 8A hay ngược thuyền dọc sông La,
khoảng 15 cây số là làng mộc Thái Yên, 20 cây số là cụm di tích Tổng Bí thư Trần Phú, khu di tích
Ngã ba Đồng Lộc, 50 cây số đến khu du lịch sinh thái Nước Sốt, rồi khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo…
Từ cái hoang vắng, trống trơn Bãi Vọt, bây giờ các con đường mòn của thú hoang, của tiều phu đã
biến thành hơn 200 km đường bê tông, đường nhựa trong thị xã, đến với những danh thắng đẹp như
những giấc mơ; biến những xóm thôn nghèo nàn, xơ xác, tan hoang vì bom đạn thành những phường, xã
sầm uất; thành thị xã Hồng Lĩnh đầy tiềm năng, xứng đáng là kinh đô huyền thoại đầu tiên của nước
Việt, thành điểm hẹn cho du khách tìm về...
Mơ về "bản sắc Hồng Lĩnh"
Thuê một chiếc xe du lịch nhỏ, chúng tôi bảo bác tài cho xe chạy chầm chậm lên trạm vi-ba - con mắt thị xã. Đường bê tông lên trạm như một dải lụa vắt hờ quanh sườn núi. Ngút ngàn thông "đứng giữa trời mà reo" ảo mờ trong bảng lảng sương bay. Lại có những ngọn suối trông xa như đổ từ lưng chừng trời xuống. Thi thoảng bên đường, dưới thung, hiện ra những túp lều cỏ nhỏ xíu của người canh rừng, hay những ngôi nhà trông như những hộp diêm của những chủ trại nuôi gà đồi, lợn ri, gợi cảm giác đó là những ngôi nhà của các chú lùn trong chuyện cổ tích. Lên đỉnh vi-ba mới thấy vẻ đẹp toàn cảnh thị xã Hồng Lĩnh, tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông. Đứng trên đỉnh vi-ba, phía Bắc nhìn rõ đảo Song Ngư chập chùng sóng trắng; nhìn rõ thành Vinh, Rú Dũng Quyết như với được trong tầm tay; phía Nam trông tới núi Thiên Cầm, Đèo Ngang; phía Tây trông thấu cả Trường Sơn…
Vòng vèo theo đường núi xe chúng tôi "rẽ mây" về với Long Đàm tự. Trước vẻ thâm nghiêm và u tịch, chúng tôi bâng khuâng hít đầy lồng ngực cái hơi núi hoang vút trước hồ Long Đàm nơi thuở nào rồng trời xuống tắm làm rơi vãi muôn hạt ngọc Minh Châu. Ngôi cổ tự thâm nghiêm ẩn mình dưới bóng lâm tuyền ngút ngát. Chúng tôi ngẩn ngơ, trước cửa chùa, nhìn ánh nắng ban mai dát vàng trên dốc núi cheo leo, bâng khuâng nghe róc rách tiếng suối nước, nghe ríu ran tiếng chim gọi bạn giữa ngàn thông vi vút, trong tiếng mõ đều đều, tiếng chuông trôi trôi trong thinh không kỳ ảo…
Dùng dằng mãi, chúng tôi mới rời được Long Đàm, đến một nơi mà ai
từng đến Hồng Lĩnh không thể không đến, ấy là đền Đô đài Bùi Cầm Hổ, Quan Ngự sử trung thừa suốt 3
triều, người nổi tiếng dám lấy đầu mình ra để can vua. Khi ông mất được phong là Bình quân Đại
vương thượng đẳng phúc thần, cùng 16 sắc phong của các triều vua; người nặng lòng với quê hương,
lúc đã hưu quan còn cùng dân làng xẻ núi đắp đập, nắn suối khe lấy nước cho dân cày cấy. Non trưa,
men theo đồng lúa xanh biếc, chúng tôi đến đền Song Trạng thờ hai cha con Trạng Nguyên Sử Hy Nhan
và Sử Đức Huy. Xưa nay, chuyện học hành, thi cử, cả hai cha con đều đỗ Trạng Nguyên thì ở nước Nam
mình đây là trường hợp duy nhất. Thời phong kiến, ai có công to với nước thường được vua ban cho
mang họ của mình. Hai cha con quan Trạng vốn họ Trần, được vua lấy môn Sử là môn mình học giỏi ban
cho làm họ, âu cũng là điều xưa nay ít thấy.
Buổi chiều, chúng tôi đến với Thiên Tượng, nơi voi trời xuống đây, thấy non nước hữu tình, ngẩn ngơ quên cả lối về, đến nỗi bị hóa đá ở lại với đất này. Đã đến đây bao lần mà tôi cứ như bị hút hồn trước uy nghi voi trời hóa đá, trầm mặc cổ tự với những ngọn tháp Lưu Đức, Thạch Sơn, đá Hộ Pháp hun hút màu thời gian. Hai chúng tôi thả bộ trên con đường ven hồ lá thông rụng trải dày như tấm đệm màu hổ phách, nghe thoang thoảng mùi hương núi. Bao mệt nhọc dường như tan biến, cứ ngỡ mình đang vân du trong Bồng Lai tiên cảnh khi nhìn mây trắng nhởn nhơ bay dưới đáy hồ, lung linh quấn quýt bóng ngàn thông xanh biếc. Hạnh trầm trồ:
- Kỳ vĩ quá! Chả trách người xưa từng tôn vinh Thiên Tượng cùng Hương Tích là đệ nhất danh thắng miền Hoan Diễn. Anh có hay, Hồng Lĩnh lại còn có "món" hát Sắc Bùa, hát Trò nữa. Tuyệt lắm! Không chừng cái thời cụ Nguyễn Du vượt Cổng Khánh, Kẻ Treo sang hát đối và tán con gái Trường Lưu, cụ cũng đã từng hát cái món này? Ở xã Đậu Liêu còn lưu truyền chuyện có 6 cột lim được chôn dưới đất không biết từ bao giờ, mà nay cứ đến ngày làng mở hội hát Trò là chúng trồi lên. Thấy tôi cứ gật gù mãi, anh bạn "sử gia" hớn hở:
- Tôi cứ nghĩ, khi cái cảng sông kia xây dựng xong, nếu thị xã cho đóng mấy chiếc thuyền rồng na ná như thuyền rồng sông Hương, lúc đó, hát Sắc Bùa, hát Trò Hồng Lĩnh sẽ không chỉ được biểu diễn trong các hội hè, hội trường mà sẽ được đưa lên thuyền phục vụ du khách xuôi sông Lam hay ngược sông La. Đi thuyền trên sông nghe hát, mà ngắm trời, ngắm núi của đất kinh đô huyền thoại, mà nghe chuông chùa Thiên Tượng, Long Đàm như vọng về từ trong cổ tích, truyền thuyết, kể cũng thú vị lắm. Cùng với vùng đất của chùa chiền, đền đài; vùng đất của kinh đô huyền thoại... hát Sắc Bùa, hát Trò sẽ tạo thêm một nét bản sắc Hồng Lĩnh. Lúc đó, thị xã này sẽ là điểm đến, là chốn đi về, là nỗi khát khao tìm về miền đất lạ của bao du khách…!
*
* *
Mãi xế chiều mới về Suối Tiên, vừa mê mải với thiên nhiên kỳ thú,
tôi và "sử gia" vừa leo lên hòn đá giữa suối buông câu. Kết quả chẳng đến nỗi nào: 3 con cá tràu
(cá quả) đen trũi to bằng cổ tay bị giật lên bờ giãy đành đạch. Chúng tôi nhóm lên một bếp lửa.Và
trời ơi là cái vị thơm ngon cá tràu nướng của khe Hồng Lĩnh! Nhẹ bóc lớp vảy cháy sém bên ngoài,
thịt cá trắng tinh, thơm phưng phức. Chiêu một ngụm rượu, chấm cá với muối ớt chỉ thiên, ăn miếng
nào người cứ rân rân, đê mê miếng đó. Bàn chân tôi đã lội gần khắp mặt đất dưới vòm trời này, đã
từng dự biết bao bữa tiệc lớn nhỏ, nhưng lạy trời, chưa bao giờ tôi được ăn "bữa tiệc cá nướng" nào
ngon đến thế! Hai chúng tôi đã "đánh" hết cả be rượu Đức Thọ, thứ rượu nổi tiếng như rượu Làng Vân.
Vậy mà tôi vẫn nghĩ, nếu nước Suối Tiên là rượu, chiều ấy, tôi dám uống cạn cả khúc suối bên
mình.
Hồng Lĩnh - Nghi Xuân Xuân 2013
Nguyễn Xuân Diệu
Theo Báo Tin tức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét