Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Chợ phiên Lùng Khấu Nhin

Chợ phiên Lùng Khấu Nhin nằm cách trung tâm huyện lỵ Mường Khương 12 km, họp vào thứ 5 hàng tuần. Đây là nơi bà con các dân tộc trong vùng trao đổi, mua bán các loại nông sản như: Ngô, lúa gạo, đậu tương, lạc, rau, củ quả… và hàng thổ cẩm.
Từ sáng sớm, từng đoàn người với trang phục rực rỡ sắc màu, trên vai là những bao, gùi hàng hoá từ các ngả đường đổ về chợ.

Chợ phiên Lùng Khấu Nhin
Chợ phiên Lùng Khấu Nhin đậm nét văn hóa vùng cao.
Đến chợ lúc 8h sáng, điều đầu tiên làm chúng tôi bất ngờ đó là một đoàn dài hàng chục chiếc xe chở khách du lịch nước ngoài, điều này rất hiếm khi đi các chợ phiên vùng cao ở Mường Khương, điều đó đã nói lên sức hấp dẫn của phiên chợ này.
Trong dòng người đông đúc đi chợ không khó để nhận ra từng đoàn du khách say sưa chụp ảnh, quay phim cảnh bà con các dân tộc nơi đây mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản. Có du khách còn chọn cho mình một hai món ăn địa phương, như bánh rán, bánh cuốn tráng… để cảm nhận ẩm thực. Cảnh làm tôi ấn tượng nhất đó là một du khách người Pháp ngồi vào ghế của hàng cắt tóc thử tay nghề của thợ địa phương, sau 15 phút nhìn vào gương, người khách nước ngoài nở nụ cười mãn nguyện…

Chợ phiên Lùng Khấu Nhin
Nhiều loại nông sản...
Ở một góc chợ khác là một đoàn du khách đang chọn mua những chiếc áo, váy do chính tay những phụ nữ dân tộc làm ra, họ cũng bàn tán, trao đổi, tìm hiểu và mặc cả giá trước khi mua.

Chợ phiên Lùng Khấu Nhin
và vật nuôi địa phương được bày bán ... Đến chợ phiên Lùng Khấu Nhin sẽ thấy nhiều vật dụng, đồ vật gần gũi, quen thuộc, cần thiết trong mỗi gia đình được bày bán như: Chiếc bình phun thuốc sâu, cuốc, gùi, chổi quét nhà, bát, đĩa, ấm, chén… Rồi nhộn nhịp cảnh trao đổi, mua bán, thăm hỏi… tất cả làm nên sức hấp dẫn du khách riêng có của chợ phiên Lùng Khấu Nhin.
Theo Báo Lào Cai
Rực rỡ chợ phiên Cốc Ly
TTCT - Loay hoay ở Mường Nhé, quên mất ngày tháng. Đến Lào Cai hôm thứ hai mới biết mình vừa hụt chợ phiên chủ nhật Bắc Hà. Chưa kịp nuối tiếc, tiếp tân khách sạn Đoan Trang nhanh nhảu mách: “Mai anh đi Cốc Ly đi. Chợ phiên thứ ba ở đó vui lắm...”.
Thế là đi.
Phiên chợ trâu đặc biệt ở Cốc Ly - Ảnh: Thái Ngọc
Xã Cốc Ly thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Không xa Lào Cai lắm nhưng nằm heo hút nơi rừng rậm biên cương, lại bị “cái bóng” của Sa Pa kiều diễm, Bắc Hà nhiệt náo che khuất…
Cốc Ly trước đây ít được biết đến, giờ là điểm đến yêu thích của khách Tây, ta. Phiên chợ thứ ba hằng tuần nơi đây vẫn giữ được nhiều nét duyên xưa, đằm thắm hơn những phiên chợ Sa Pa, Bắc Hà đã ít nhiều phai phôi bởi sự thương mại hóa, cũng như hàng hóa đã bị “tàu hóa” nhiều.
Chợ quê bên sông
Chợ Cốc Ly cách Lào Cai khoảng 70km. Đường dễ đi vì có bảng hướng dẫn rõ. Ở Lào Cai có thể thuê xe gắn máy giá 150.000-200.000 đồng/ngày, tùy chất lượng xe. Có thể đến Cốc Ly bằng cách đi thuyền trên sông Chảy từ Bảo Nhai, cách Cốc Ly 20km. Ngoài chợ phiên ngày thứ ba, Cốc Ly rất vắng vẻ, lặng lẽ. Các hàng lưu niệm bằng thổ cẩm, vải vóc ở đây giá mềm hơn ở Sa Pa.
Tôi thuê xe gắn máy đi Cốc Ly mới thấy mình may mắn. Vì con đường đến Cốc Ly lúc đó đang làm dang dở, chỉ có xe máy chạy được đến gần chợ. Tuy nhiên, con đường bùn sình xe hơi không chạy được đó cũng không cản nổi chân hàng đoàn những du khách Âu - Mỹ hăm hở lội bước. Và cũng như các bạn, tôi tròn xoe mắt ồ òa khi thấy bên con sông Chảy xanh biếc một phiên chợ rực rỡ sắc màu - chợ phiên Cốc Ly đây rồi.
Họp thứ ba hằng tuần, chợ phiên Cốc Ly (Gốc Mận, theo tiếng địa phương) là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Dáy, Dao, Nùng... Không chỉ từ xã Cốc Ly, đồng bào còn lặn lội từ Bảo Nhai, Cốc Lầu của huyện Bắc Hà hay cả từ các huyện Si Ma Cai, Mường Khương... về đây họp chợ.
Chợ Cốc Ly rực sắc không chỉ vì những gian hàng vải vóc thổ cẩm nhiều màu mà còn vì xiêm y lung linh sắc màu của phụ nữ người Mông Hoa, người Dao... Nơi sắc màu rực rỡ nhất là các dãy bán vải vóc quần áo, nơi túm năm tụm ba các bà, các cô chỉ trỏ xôn xao. Không thua sắc kém màu là góc nhỏ “Ảnh viện”, nơi các cô gái trẻ rúc ra rúc rích vuốt lại áo váy, chải lại tóc, tô chút son... rồi bẽn lẽn chụp hình trước chiếc phông hình non nước thủy mặc xanh xanh đỏ đỏ, dập dìu chim bay bướm lượn...
Pha thêm sắc, tô thêm màu là những gian hàng bán các phẩm vật địa phương. Từ những loại cây trái đến thảo dược, đến các loại rau rừng lạ sắc, gạo nương đỏ màu, mèn mén vàng, ngô cũng vàng... Tất cả các sắc màu Cốc Ly quyện hòa vào nhau, bừng sáng cả góc núi rừng xanh thẫm màu chàm.
 Sông Chảy êm đềm ở Cốc Ly - Ảnh: Thái Ngọc
Đường lầy sình không cản bước chân hăm hở của mấy đoàn khách Tây đi chợ phiên Cốc Ly - Ảnh: Thái Ngọc
Nét duyên thôn dã
Cũng nhiều khu vực bán các mặt hàng theo nhóm như các chợ phiên, điểm đặc biệt của Cốc Ly là góc chợ bán trâu to rộng và nhiều trâu nhất trong các chợ phiên Tây Bắc tôi đã ngang qua. Các chú trâu, tài sản quý, cũng là người bạn thân thiết giúp việc cày cấy của đồng bào Bắc Hà, luôn nhận được nhiều sự quan tâm của các anh các chú. Việc buôn bán trâu ở đây cũng lạ. Thấm đẫm tình.
Lang thang qua những phiên chợ trâu hoành tráng Rantepao (Indonesia), phiên chợ gia súc lớn nhất vùng Trung Á, Karakol..., tôi chưa bao giờ thấy cảnh bán mua luyến lưu như ở Cốc Ly khi người bán cứ dùng dằng, lần lữa trong việc phải bán đi chú trâu, người bạn thân thiết của cả nhà.
Nhà phải có việc rất cần thiết đồng bào mới phải dắt trâu ra chợ, nhưng nếu không tìm được người chủ mới phù hợp với con vật thân thuộc với gia đình, họ lại dắt về. Có khi đến mấy phiên chợ mới bán được. Có chú trâu được bán, chủ mới dắt đi rồi vẫn cứ dùng dằng quay đầu tìm chủ cũ với đôi mắt ướt rượt ngác ngơ.
Tiếng nghé ọ vướng víu đâu đó trên những con đường về bản mới, giữa núi rừng sớm mai nghe sao nao lòng. 
Ngang qua rẻo đất của mấy cô hàng rượu, thấy cánh phụ nữ cắp chai đến mua còn đông hơn nam giới. “Không phải tao uống đâu, mua cho chồng mà!”. Nghe khách lạ đùa, cô gái Mông xinh xắn Thào Ly đỏ mặt lắc đầu quầy quậy trả lời.
Rực rỡ sắc màu chợ phiên Cốc Ly - Ảnh: Thái Ngọc
Theo mẹ đi chợ phiên - Ảnh: Thái Ngọc
“Không phải tao uống đâu, mua cho chồng mà!” - Ảnh: Thái Ngọc
THÁI NGỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét