Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Mỹ Thanh Du Ký


Mênh mang Mỹ Thanh

Dòng Mỹ Thanh mênh mang, ôm trong lòng những truyền thuyết và huyền thoại về một thời mở đất. 

Con sông có dòng chảy ngược 

Từng giờ, từng phút, từng giây dòng Mỹ Thanh vẫn cần mẫn chở nặng phù sa đắp bồi cho đất mẹ vươn dần ra biển lớn. Không những vậy, với đặc thù địa lý của một vùng cửa sông đổ ra biển, Mỹ Thanh còn là dòng sông mang đến cho người dân vùng này biết bao sản vật của vùng đất rừng ngập nước, đem đến cho cư dân nơi đây một cuộc sống thật dễ chịu khi dưới tán rừng “ mùa nào thức nấy ”. Đây chính là điều cuốn hút chúng tôi quyết định phải thực hiện một chuyến phiêu du để khám phá vùng đất cửa sông này.

Sông Mỹ Thanh bắt đầu từ ngay Ngã tư rạch Cổ Cò (tên chữ là Lộ Cảnh), chảy theo hướng đông bắc và đổ ra biển Đông. Mỹ Thanh có chiều dài khoảng 25 km, là ranh giới tự nhiên của TX.Vĩnh Châu với huyện: Mỹ Xuyên và Trần Đề. Khi xưa, vùng đất bờ sông phía biển thuộc sứ Bạc Liêu, bờ phía trong này thuộc Ba Xuyên. Cách đây khoảng còn chưa lâu nếu so với chiều dài của dòng thời gian thì vùng đất hai bên bờ sông chủ yếu chỉ làm một vụ lúa nhờ nước trời nhưng ngày nay, những vuông tôm, những trại tôm đã ken dày suốt cả hai bờ. Vùng nào chuyên tôm thì cứ nuôi tôm, vùng nào làm lúa thì đã làm được cả 3 vụ. Thảm thực vật hai bên bờ sông là những loài đặc hữu của vùng đất, vùng rừng ngập nước như : Mấm trắng, mấm đen, dừa nước và bần. Thi thoảng, lại ken những đám rau mui, ô rô, cóc kèn dày đặc.

Nhìn trên bản đồ, quan sát dòng chảy của những con sông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đổ ra biển, chúng ta dễ dàng nhận thấy dòng chảy của Mỹ Thanh gần như vuông góc với những dòng sông khác. Ở đây, chỉ xét ở góc độ tương đối: Nếu Tiền Giang, Hậu Giang và 9 cửa đều chảy ra biển theo hướng từ Bắc xuống Nam thì dòng Mỹ Thanh lại đổ ra biển theo hướng từ Tây sang Đông.


< Ngã Tư Cổ Cò (tên chữ là Lộ Cảnh).

Với ảnh chụp từ vệ tinh mà Google cung cấp, ta dễ dàng nhận thấy - dòng chảy của sông Mỹ Thanh cắt gần như vuông góc với dòng Hậu Giang ở khu vực cửa Trần Đề. Có lẽ chính vì dòng hợp lưu này, cộng thêm với tác động của dòng hải lưu biển đông đã tạo nên những dải giồng cát đồng tâm với đường bờ biển, trải dài suốt dọc theo của đường bờ biển Vĩnh Châu, làm nên vùng rừng ngập mặn đặc thù của cửa sông này.

Anh Lý Hoà Khương - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX.Vĩnh Châu cho biết: Cùng với rừng bần ở đuôi Cù Lao Dung, dải rừng Bãi Giá và tuyến rừng đước, rừng mấm trải dài cả vùng cửa sông này đã làm nên một bãi sinh sản lý tưởng cho rất nhiều giống loài thuỷ sản như: tôm càng, cá bông lau, cá sủ, bãi nghêu giống, sò huyết... Mỹ Thanh còn là nguồn chính cấp nước cho các vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh nên có thể khẳng định rằng: nguồn tài nguyên thiên nhiên mà con sông này mang lại cho người dân Sóc Trăng là rất lớn và cần có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường trên cả tất cả lưu vực của con sông này.

Những cánh rừng mấm, bần, chà là, đước chạy dài từ cửa Mỹ Thanh suốt dọc theo ven biển Vĩnh Châu không chỉ có tác dụng giữ đất, lấn biển mà dưới tán rừng, nguồn sản vật đã đem đến cho cư dân nơi đây một nguồn thuỷ, hải sản thật phong phú. Dưới tán rừng đước, rừng mắm, rừng bần… đến mùa thì người dân nơi đây đi bắt ba khía, bắt cua, bắt ốc, cào nghêu, vớt cá bống kèo giống. Còn giăng lưới không chỉ là để kiếm thức ăn mà còn là một sinh kế thường ngày của không ít người chưa kể, cá thòi lòi, cá chốt nghệ luôn là những đặc sản được giá.


< Một hàng đáy thùng trên sông Mỹ Thanh.

Ngồi trên chiếc ghe cào chạy suốt từ ngã tư Cổ Cò xuôi ra cửa sông mới thấy hết cái đẹp, cái tình của con sông này. Dòng sông trước mặt lúc thì như hẹp lại, rồi lại mở ra một không gian mới rộng mênh mang, xanh ngắt ở mỗi khúc quanh của con sông...

Cửa sông và xóm chài của những nghĩa dũng !?

Sách Gia định thành thông chí của tác gia Trịnh Hoài Đức ghi chép về Mỹ Thanh hải môn xưa như sau: “rộng 10 dặm, khi nước lên sâu 12 thước ta, nước ròng sâu 4 thước ta. Bờ phía tây có thủ sở… thổ sản ở đây là thuốc lá, dưa quả và phơi tôm khô. Ngoài cảng về phía đông có cồn cát ngầm, dài chừng 5 dặm, ghe thuyền phải lo tránh”.

Theo mô tả của Trịnh Hoài Đức, cửa Mỹ Thanh ngày xưa chắc chắn rộng và sâu hơn hiện nay. Bởi cũng từ chính những đặc thù này mà hai bên bờ sông Mỹ Thanh, những làng chài, bến đáy, xóm lưới mọc lên san sát nhau. Chỉ riêng điều này cũng đã cho thấy sự giàu có về nguồn tài nguyên thuỷ sản mà dòng sông đã đem đến cho con người. Ở vùng cửa sông này giờ có 2 xóm chài, xóm lưới nổi tiếng là Mỹ Thanh thuộc TX.Vĩnh Châu và Mỏ Ó thuộc huyện Trần Đề.

Xóm chài Mỹ Thanh là xóm chài được xem là lâu đời nhất ở vùng cửa sông này. Và cũng chính xóm chài Mỹ Thanh là nơi Bác Tôn đã lần đầu tiên đặt chân lên đất liền sau những năm tháng Người bị thực dân Pháp đày ải ở địa ngục tràn gian Côn Đảo.


< Bầy cò trắng bình yên ven sông Mỹ Thanh.

Theo những bậc cao niên ở đây thì sau khi cuộc khởi nghĩa chống Pháp của lãnh tụ Trương Công Định thất bại, những nghĩa binh phải lưu tán xa quê hòng tránh sự truy nã của quân Pháp và tay sai. Sau nhiều ngày dong buồm xuôi về phương Nam, họ đã chọn nơi cửa sông này để định cư, lập nên xóm chài Mỹ Thanh ngày nay. Điều này cũng lý giải vì sao những người dân cố cựu ở đây phần lớn đều có gốc gác ở miệt Gò công, Tiền Giang...

Những cư dân ở đây thật hiền hoà, chất phác và cũng thật dễ gần. Trên đường ghé thăm Lăng ông Nam Hải Mỹ Thanh vào khoảng 13h30 một ngày giữa tháng 3/2012, thật may mắn cho chúng tôi là gặp được chú Sáu Tòng-Chánh bái hội Lăng ông Mỹ Thanh. Những câu chuyện kể gắn liền với những địa danh, những truyền thuyết mà chúng tôi được nghe, được thấy đã cho chúng tôi một cái nhìn mới về cái đẹp của những câu chuyện kể, về tốc độ bồi lắng của phù sa lấn biển, về nguồn tài nguyên phong phú nơi đây.

Những câu chuyện thú vị về tên cồn, bãi

Chú Sáu Tòng hào hứng kể cùng chúng tôi chuyện ngày xưa ở xứ này: Vùng Hồ Lạng ngày xưa tới mùa thì khỏi cần đi câu cũng bắt được cá Dứa (tức cá Bông Lau) để ăn. Cỡ tháng 7 tháng 8 âm lịch, khi trái mấm, trái bần chín rụng thì chỉ cần chờ nước lớn, xách cây dao yếm hay cây mác đứng canh đợi cá Dứa nhào lên mé hoặc len vô gốc mấm, gốc bần kiếm ăn mà chém rồi xách về. Con nào con nấy 4-5 ký là chuyện thường. Còn tại sao lại gọi là cồn Đầm hả? Nghe ông bà xưa nói lại thì đúng ra nó là cùng đường, vì ra tới đó là đụng biển rồi hết đường. Ở đó có cái cồn đẹp lắm. Hễ thứ 7, chủ nhựt là mấy ông tây, bà đầm đánh xe xuống đó tắm. Ở ngoài cũng cất luôn cái nhà mát cho mấy bà đầm nghỉ ngơi. Cái cồn này đầm xuống tắm hoài nên gọi luôn nó là Cồn Đầm cho tới bây giờ.


< Chú Sáu Tòng và tác giả trò chuyện ở Lăng ông Mỹ Thanh.

Đến đây cũng cần tìm hiểu thêm về hai địa danh Cồn Sỏ, Hồ bể. Theo chú Sáu Tòng thì địa danh Cồn Sỏ phải gọi là Cồn Sọ mới là đúng nhất vì ngày trước, vùng cửa sông này còn có bãi cá đường hội. Tới mùa cá đường hội, dân chài chỉ bắt cá mổ lấy bong bóng… còn cá gộc, cá dứa thì chỉ lấy mình làm khô còn đầu thì cắt bỏ. Đầu cá tấp vào cồn chất cả đống. Nhưng sau này đọc trại riết ra thành Cồn Sỏ.

Theo miêu tả và sự chỉ dẫn của chú Sáu Tòng, chúng tôi men theo giồng Mù U để đến Hồ Lạng. Trạm Kiểm lâm Hồ Lạng nằm ngay đầu một con rạch cho biết chúng tôi đã tìm đến nơi. Những cây đước, cây giá giờ đã ken dày thành rừng. Một con đường đê nhỏ dẫn chúng tôi ra vụng nước Hồ Lạng ngày xưa. Hồ lạng nay đã lạng hẳn và rừng mắm, đước đã mọc kín bãi... Tuy đã bồi lấp hẳn, kể như đã “lạng” mất, không còn cảnh cá dứa, cá ngát chen nhau ăn trái bần, trái mấm khi nước lớn, nhưng dưới tán rừng là nơi trú ngụ của lũ cá Thòi Lòi, một đặc sản của vùng rừng Sác. Chỉ cần một buổi sáng, một người cũng có thể kiếm được hơn 100.000 đồng từ việc đi thụt cá Thòi Lòi khi 1 kg cá hiện giờ bán cho vựa cũng đã là 60.000 đồng.

Đến vùng cửa sông này mà không đến chơi ở bãi biển Hồ Bể là một thiếu sót lớn. Cả một vùng cát chạy dài suốt gần 2 km theo bãi biển. Khi nước triều xuống, bãi cát cứ trải dài, dài mãi ra phía biển…

Vũng biển này được tạo thành chủ yếu là cát trắng và những đụn cát trắng này thay đổi theo mùa gió và sóng biển. Vào mùa nồm nam, những vành đai cát vươn ra phía biển và có xu hướng bồi lên những nổng cát mới.


< Bãi biển Hồ Bể.

Điều này được giải thích là do nguồn nước từ sông Hậu đổ xuống mang theo phù sa bồi đắp và sóng biển chạy dọc từ hướng bãi Trà Sết ngược lên tạo thành. Đến mùa chướng (tức là khi gió bấc về, bắt đầu khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch), lúc này sóng lớn đập vào bờ từ hướng bắc xuống, cộng với triều cường nên lấy đi những vành đai cát đã được thiên nhiên tạo lập trước đó. Mặt vũng lại mở rộng như trước. Có lẽ đây chính là điều làm nên địa danh Hồ Bể. Chúng tôi lại nhớ đến câu ca dao: “Dã tràng xe cát biển Đông”... Mới có đó nhưng rồi lại mất đi, để rồi đến mùa nồm Nam thì quay trở lại. Chỉ uổng công những chú còng gió (Dã tràng) vẫn miệt mài xe cát mỗi ngày trên bãi.

Đường đến Bồ Bể giờ đã dễ đi. Một con đường đã được mở để nối Hồ Bể với đường Nam Sông Hậu. Có thể thấy rằng, dù chưa được đầu tư để trở thành một khu du lịch sinh thái đúng nghĩa, nhưng cảnh quan của Hồ Bể cho thấy: đây là vùng đất có tiềm năng mở ra một khu du lịch trong tương lai khi hiện nay, đây đã là một điểm dã ngoại lý tưởng cho những hoạt động thể thao ngoài trời như: đá bóng hay bóng chuyền trên bãi biển. Nhưng rồi cũng gợn lại chút lo lắng… khi chợt nghĩ: du lịch thường đi kèm với… tàn phá môi trường, với bê tông hoá những khung cảnh nên thơ mà thiên nhiên đã phải trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm tạo lập. Thôi thì cứ xem đó là… lo xa vậy.

“Đi cho biết đó, biết đây.... ” ! Hãy đi để thấy quê hương mình đang đổi thay từng ngày. Hãy đi để thêm yêu những con người, những vùng đất mới đầu cứ tưởng như là xa lạ, nhưng nếu đã đến một lần thì lại thấy nhớ, thấy quen.

Te ruốc và phạ đáy trên cửa Mỹ Thanh

Chúng tôi ra biển khi trời vừa đâm mây ngang. Chuyến đi này, chiếc ghe te ruốc của Huy - một ngư dân trẻ ở ngay đầu giồng Đồn sẽ có chuyến đi hơi đặc biệt. 

< Tác giả và quay phim Tìa Lâm Huy trên cồn 15 vào sáng sớm.

Đầu tiên, Huy sẽ đưa chúng tôi đi tham quan những hàng đáy ruốc trong nắng sớm và ghé cồn 15, một cù lao giờ đã nổi cao và ngày càng mở rộng ở mé ngoài cửa biển Mỹ Thanh... “Tháng 3 bà già đi biển”. Biển êm cũng bắt đầu vô mùa Ruốc đến tận tháng 5 âm lịch. Có lẽ vì ở đoạn giữa của dòng Hải lưu Biển Đông, cùng với dòng chảy của sông Hậu đổ ra biển qua cửa Trần Đề, rồi dòng chảy của dòng Mỹ Thanh, tốc độ lấn biển của vùng cửa biển này thật nhanh...

Phải chăng đây cũng là lý do để hình thành nên dáng hình của những giồng cát ở Vĩnh Châu khi những giồng cát này luôn có hình dáng như một vòng cung lớn đồng phương với đường bờ biển.

Trước khi ghé vô đây Huy cũng cho chúng tôi biết một thông tin khá thú vị : “Cồn 15 giờ đã nối liền với cồn Trâu thành một giồng cát ngầm dài mút mắt. Ghe tàu đi không khéo mắc cạn như chơi. Còn luồng biển sâu nằm ở phía mặt trời mọc”.

< Một ghe te ruốc trước hàng đáy ruốc trên cửa Mỹ Thanh.

Có đặt chân lên cồn 15 mới thấy đuôi Cù Lao Dung thật gần, bãi biển Hồ Lạng, Hồ Bể cũng thật gần. Chợt nhớ câu “Thương Hải Tang Điền”. Tôi chợt nghĩ - chắc cũng chẳng còn mấy mà đuôi Cù Lao Dung sẽ vươn đến nơi đây!? Hoặc giả không chừng... chỉ cỡ chục năm nữa... người ta có thể đi bộ từ bãi Hồ bể ra đến chỗ này để ngắm biển?

Te ruốc và bữa cơm trưa trên biển

Nắng lên, chúng tôi bắt đầu cho chuyến te ruốc trên biển Hồ Bể. Quan sát 3 ngư dân hạ 2 càng te xuống và chuẩn bị cho một ngày làm việc trên biển mới hiểu, tại sao nghề biển dù mới chỉ loanh quanh gần bờ thôi nhưng đã rất cần một thể lực dẻo dai. Mỗi càng te bằng cây bạch đàn được nối lại dài khoảng 15-16 thước, đầu càng gắn một miếng sắt lớn uốn cong về phía trước như một bàn trượt. Cả 2 càng te gắn trước mũi ghe nằm trên một thanh gỗ lớn làm giá đỡ. Trước khi được đẩy xuống nước, 2 đầu càng te được gắn 2 trái bóng lớn bằng nhựa để tạo sức nâng lên để ngư phủ nhẹ bớt sức nặng. Đưa được 2 càng te xuống nước xong thì các ngư phủ còn phải nhảy xuống biển để gắn lưới, cân càng cho đồng hai bên… cuối cùng là tháo 2 trái bóng để bắt đầu công việc. Tất cả những công việc này đều cần đến thể lực và sự khéo léo…

Đi biển mỗi nghề có một cách ăn chia riêng. Te ruốc có hai kiểu chia: đi ngày và đi chuyến. Đi ngày thì bạn đi ghe sẽ nhận được một số tiền ấn định trước dù có chúng hay thất. Còn đi chuyến thì bạn ghe sẽ được theo tỷ lệ phần trăm đã xác định trên tổng số sản phẩm đánh bắt được. Anh chàng ngư dân nhỏ nhất của chuyến đi này tên là Nhí sau mẻ te đầu tiên thăm dò chọn đi ngày. Phụng-chọn đi chuyến. Chuyến này, te vô toàn ruốc Bông lau, thân ruốc lớn, trắng hồng. lẫn trong đụn là những chú cá dứa, tôm sắt, tôm giang, tôm bạc...

< Đã xuống xong càng te và đang cài lưới.

Đang là mùa biển êm nên cả vùng biển ghe tàu thả lưới, ghe cào, ghe te ruốc xuôi ngược thật nhộn nhịp. Điện thoại di động đã phủ sóng ra tận ngoài biển nên ngư dân liên lạc hỏi chuyện trúng thất để lái ghe di chuyển ngược nước hay cắt ngang dòng chảy tìm luồng đánh trúng thật dễ. Một từ mà ngư dân khi hỏi thăm nhau thường dùng cũng thật “ngồ ngộ”. Đó là từ “đồ”. “Đồ từ sáng tới giờ khá không ? Có đồ nhiều không” ? “Cũng khá! Nhưng cá dứa nhiều quá”. “Sáng giờ đẩy 3 mẻ ngược nước khúc cống 16 coi bộ dính tạp nhiều quá”.

Hoá ra từ này là để chỉ loại hải sản chính của chiếc ghe, chiếc tàu nào đó? Nếu là ghe cào thì “đồ” chủ lực sẽ là tôm sắt, tôm thẻ, tôm giang. Còn ghe đi te ruốc thì “đồ” chính là con ruốc. Những hải sản khác chỉ là phụ thêm mà thôi. Tuỳ theo chiều đẩy mà cứ khoảng 10-15 phút thì kéo tùng lên để “xả đồ”. Mỗi mẻ chí ít cũng được non 2 ký ruốc, trúng thì hơn 5 kg.

Trời trưa đứng bóng, chúng tôi cùng 3 ngư phủ ăn bữa cơm trưa đạm bạc trên biển. Nồi cơm đã được vợ của Huy chuẩn bị trước vào sáng sớm cùng với dĩa khô cá rô phi được chiên sẵn. Hôm nay có 2 vị khách là tôi và quay phim Tìa Lâm Huy nên những chú tôm sắt, tôm giang, tôm thẻ cũng được luộc lên để đãi khách. Giữa biển, trời trưa nắng, ghe vẫn chạy, thi thoảng Nhí, Phụng hoặc Huy lại buông chén để kéo tùng - xả ruốc. Đang ăn đấy nhưng vẫn làm đấy…

< Ngư phủ Nhí với mẻ te đâu tiên.

Con nước chuẩn bị lớn. Huy quyết định về bến để phơi ruốc cho kịp nắng. Công đoạn lên hai càng te lúc này mới thật sự là vất vả và nguy hiểm hơn khi xuống. Không chỉ cần đến sức mạnh của thể lực mà các ngư phủ còn phải thật khéo léo mới có thể đưa 2 càng te khổng lồ này lên được trên ghe. Khi này, 2 đầu càng te đã xả lưới và được cột vào 2 trái bóng nhựa… Nhí và phụng mỗi người một bên để canh ghì cho 2 càng te đi thẳng… Huy cầm lái ở phía sau nhắp ga cho chiếc ghe nhóng lên phía trước từng đợt, từng đợt để hất ngược 2 càng te về phía sau cho đến khi 2 càng te lọt vào ngàm giữ ở phía sau lái. Đây đúng không phải là công việc dành cho những người không có cơ bắp và sức lực như tôi…

Huy cũng quyết định cân luôn số ruốc của một ghe bạn khoảng hơn 100kg với giá 10.000đồng/kg. Hôm nay đánh cũng trúng khá nên chiếc ghe này quyết định ở lại đẩy thêm con nước lớn. Như vậy kể như đã gần xong một ngày lao động. Nhí ngồi ở mũi ghe vô tư đùa nghịch với 2 chú rẹm. Nước lớn, chiếc ghe vô rạch Giồng Đồn. Những người phụ nữ ở nhà đã chuẩn bị xong bãi để phơi ruốc cho được nắng. Một ngày trên biển đã qua. Hôm sau, chiếc ghe và những ngư phủ lại tiếp tục ra biển.

Phạ đáy trên cửa Mỹ Thanh

Sách Gia định thành thông chí của tác gia Trịnh Hoài Đức ghi chép về Mỹ Thanh hải môn xưa như sau: “rộng 10 dặm, khi nước lên sâu 12 thước ta, nước ròng sâu 4 thước ta. Bờ phía tây có thủ sở... thổ sản ở đây là thuốc lá, dưa quả và phơi tôm khô”.  Đây cũng chính là lý do mà chúng tôi dành ra một ngày tìm hiểu về những sản vật đã làm nên danh tiếng của vùng cửa biển này.

< Phụng và Nhí ở mũi ghe bắt đầu lên càng te.

Với nghề đáy, nước ròng thì bắt đầu cài đáy, đến khi nước chuẩn bị những lớn thì dỡ đáy, từ nghề nghiệp là phạ đáy. Những hàng đáy đóng ở trên sông gọi là đáy chỉ. Cá tôm vào hàng đáy chỉ thì đủ loại. Thế nhưng trước khi phân loại thành quả thì việc dọn rác, giũ đáy là công việc nặng nhọc nhất. Chính vì vậy mà một chủ đáy nếu gia đình ít người thì luôn có những bạn đáy đi cùng để phụ giúp. Từ việc cài đáy, lên đáy, giặt đáy cho đến việc lên cá và lựa cá. Nghề hạ bạc này luôn đòi hỏi những thân hình lực lưỡng tràn đầy thể lực. Những công việc nặng nhọc nhất gánh đàn ông đã làm xong, còn những công việc đòi hỏi sự tỷ mỷ, nhẹ nhàng và khéo tay, nhanh nhẹn được dành cho các chị, các em, đó là phân loại cá, tép, tôm… ra riêng từng loại, cân hàng.v.v.

Trò chuyện cùng tôi sau một chiều đáy vào một buổi trưa tháng 5/2012, ngư phủ An, một bạn đáy vui vẻ nói:
- Nghề này sống được anh à! Trung bình một tháng em đi khoảng 25-30 chiều đáy. Một chiều là 100 ngàn. Nuôi vợ con được. Lúc rảnh thì làm thêm mấy chuyện khác nữa.

Hoá ra  một “chiều” là một chiều con nước lên đáy, xuống đáy. Người đi bạn sẽ làm những công việc như: lặn xuống những cọc đáy để cài đáy, kiểm tra mành lưới… chiều lên đáy thì làm ngược lại nhưng cực hơn nhiều vì còn dọn rác, lựa cá, tôm và cuối cùng là gánh sản phẩm về sân.

Nghề đáy ngày nay trúng nhất có lẽ chỉ còn ở vùng cửa Mỹ Thanh với những hàng đáy thuộc làng chài Mỏ Ó. Dù vậy nếu so với những ngày trước thì đã kém hẳn. Những lão ngư dân cựu trào vẫn còn nhớ như in những ngày xưa, khi mà mỗi chiều đáy, một miệng đáy lên được cả trăm ký tôm cá. Bác Nguyễn Văn Heo, năm nay đã 71 tuổi và tự hào là người đã có 3 đời làm nghề đáy kể rằng:


< Cân cá, tôm ở làng chài Mỏ Ó.

- Nghề đáy ngày xưa tính trúng thất bằng “chảo”, tức là chảo gang lớn để luộc tôm đó. Mỗi miệng đáy ở xứ này mà mỗi chiều lên chỉ có 2-3 chảo thì kể như thất! Còn trung bình thì phải từ 5 đến 7 chảo. Một chảo tôm như vậy sau khi phơi khô thì cân được khoảng 18 ký tôm khô. Bán chủ yếu lên miệt Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho và miệt ngoài chớ dân ở đây ăn gì hết.

Hoá ra vậy! Thành thử hỏi sao xưa kia vùng cửa sông này không nổi tiếng với con tôm khô.

Nghề nào cũng vậy! Ắt có lúc thịnh, lúc suy. Dân cư đông đúc, ghe tàu thêm đông, nhiều kiểu đánh bắt hiện đại và tinh vi hơn thì những phương thức đánh bắt truyền thống giảm sút sản lượng và hiệu quả cũng là điều dễ hiểu.

Làng chài Mỏ Ó giờ đã là bến tập trung những ghe tàu đánh bắt nhiều kích cỡ. Tàu lớn đánh lưới khơi, tàu đánh cá gộc, tàu cào, tàu lưới đủ cả. Gặp đúng con nước tàu về bến, hẳn khách phương xa ắt choáng ngợp trước sự náo nhiệt của những bến nước, của đầy ắp cá tôm. Cả làng chài náo nhiệt như một ngày hội.

Cho đến nay, biển được ví như “Bạc” vẫn đúng. Biển vẫn đem đến cho những ngư phủ niềm vui tràn đầy khi lên mẻ lưới trúng, biển hiền hoà nhưng cũng có khi khắc nghiệt với con người. Biển đòi hỏi những người ra biển phải có một thể lực sung mãn, tinh thần vững vàng, sẵn sàng đương đầu với bão giông bất chợt.

Chuyến phiêu du của chúng tôi ở làng chài Mỏ Ó kết thúc khi trời đã ngả về chiều. Khi những hạt nắng ươm rải khắp những giàn liếp, đượm thêm cho những sấp cá khô những sắc màu tươi tắn.

Giếng Ngự, mộ Hoàng Cô và con Cọp cuối cùng...

Từ câu chuỵện mà chú Sáu Tòng đã kể lại cùng chúng tôi ở Lăng Ông Mỹ Thanh, chúng tôi quyết định phải đến thăm Giếng Ngự, tương truyền đây là giếng nước do chính Chúa Nguyễn Ánh dùng gươm đào tìm mạch nước ngầm khi bị dồn đến đường cùng.

Giếng Ngự, mộ Hoàng Cô

Huyền sử của vùng đất này kể rằng: Chúa Nguyễn Ánh thời còn “ba chìm bảy nổi” đã cùng đoàn tùy tùng nhiều lần phải vào Nam để tìm sinh lộ. Trong một lần buộc phải lui ra phía biển hòng tìm đường ra Côn Lôn, Phú Quốc. Khi cả đoàn vừa đến được cửa sông Mỹ Thanh thì hết lương thực và nước uống.

Cả vùng rừng rậm, những nổng cát chạy dài... mùa khô chỉ toàn là nước mặn. Chống gươm trên bãi, ngửa mặt lên trời chúa buông lời cảm thán: “Nếu khí số nhà Nguyễn chưa tận thì xin trời hãy cho chúng tôi một giếng nước ngọt”.

Rồi Chúa dùng thanh gươm mang theo bên mình để đào vào lòng bãi cát. Lạ lùng thay, nước ngọt đã rịn ra từ lòng đất và cứ thế chảy mãi, cứu sống cả đoàn người. Cái giếng nước ấy người dân vùng này gọi là Giếng Ngự. Những năm trước và cho đến mãi gần đây, giếng nước này vẫn là giếng nước ngọt duy nhất cung cấp nước ngọt cho cư dân vùng giồng Mù u và xóm chài Mỹ Thanh, xóm phủ Yết ở cách đó hơn 1km. Bên cái giếng bây giờ đã được mở rộng, chú Bảy Linh nói:

< Giếng Ngự toàn cảnh.

- Hồi trước thì cái giếng này ngọt quanh năm. Coi như là mãn mùa... nhưng vài năm gần đây xung quanh có nhiều người làm vuông nuôi tôm cả trong cả ngoài con giồng này nên coi bộ có mọi vô nhiều. Với lại cái nổng cát xưa giờ cũng gần hết nên mùa nắng nước mặn cũng lừng vô giếng chút ít.

Chú Sáu Tòng thì hào hứng nhắc chuyện xưa:

- Hồi nhỏ tui cũng không ít lần lén lội xuống cái giếng này để ra mấy cái miệng giếng! Hồi đó ít nhất ở dưới có 3 miệng nước đẩy nước ngọt lên... mát lạnh cả chân.

Tôi hỏi: “Vậy là hồi xưa chỉ cần qua giếng Ngự là đã ra tới biển”? Ừ! Vừa phụp xuống qua giồng Mù U là đã nhìn thấy biển. Biển ở kế bên chớ không phải như bây giờ rừng đã phủ bít hết rồi.

Cũng theo lời truyền khẩu qua nhiều thế hệ ở vùng này thì trong đoàn người theo Nguyễn Ánh chạy nạn có một đoàn tuỳ tùng, gồm cả vương tôn, phi tần, võ tướng. Do giông bão nên một trong những chiếc thuyền này trôi giạt vào cửa sông Mỹ Thanh. Trên chiếc thuyền có một vị võ tướng, một vài quân lính theo hộ vệ Công chúa Mỹ Thanh cùng một người cô của Chúa Nguyễn Ánh. Nhóm người này dừng lại ở đây, một đồn luỹ cũng được thiết lập ở nơi đây với dấu tích là địa danh Giồng Đồn. Đây chính là khu vực ngay dưới chân cầu Mỹ Thanh ở phía Vĩnh Châu. Tiếc rằng theo dòi bồi-lở của dòng sông, những tảng đá hộc, đá ong... những mảnh vỡ của tô, dĩa, chén.v.v. đã theo dòng thời gian mà trôi theo dòng chảy của dòng Mỹ Thanh!? Duy nhất chỉ còn lưu lại dấu tích là cái địa danh “Giồng Đồn” mà cư dân ở đây ai cũng rành.

< Tác giả trò chuyện cùng ông Triệu Vinh Quang quanh bài vè con cọp tại vườn sao cổ thụ Hải Phước An Tự.

Lại kể tiếp chuyện xưa: Do không hợp phong thổ lại ăn uống thiếu thốn nên Công chúa Mỹ Thanh, cùng người cô của Nguyễn Ánh, rồi cả viên võ tướng cũng lần lượt mắc bạo bệnh rồi mất và được chôn cất tại đây...

Khi binh Tây Sơn kéo đến truy kích khiến đoàn người buộc phải bỏ trốn. Ngôi mộ của vị công nương này được giao cho một người Hoa tên là Yết trông nom. Đến khi thống nhất được giang san, lên ngôi vua với Đế hiệu Gia Long, nhớ nghĩa xưa, nhà vua đã ban thưởng cho chú Yết rất hậu, phong cho làm tri phủ (tri phủ hàm), được quyền thu hưởng hoa lợi từ tất cả các cơ sở đánh cá suốt dọc dài theo bãi biển, tính từ vàm Mỹ Thanh ra đến cửa biển. Tên của Phủ Yết còn được đặt cho dải giồng cát nơi chú Yết đã ở. Giồng cát này ngày nay vẫn còn nhưng đã lọt thỏm vào giữa dải rừng ngập mặn Mỹ Thanh.

Ngôi mộ của vị công nương xấu số cũng được xây dựng lại. Ngày nay, dấu tích một Hoàng Cô vẫn còn ở Xâm Pha, hàng năm vẫn có khá đông người đến viếng bái vào tiết Thanh Minh. Chỉ tiếc rằng câu trả lời cho câu hỏi: Ai là người thật sự nằm dưới nấm mộ kia thì vẫn chưa có được lời giải đáp. Dòng thời gian vô tình vẫn hằng ngày tiếp tục bào mòn đi dấu tích của ngôi mộ cổ.

Chúng tôi đã có dịp trao đổi cùng Tiến sĩ sử học Mai Thanh Sơn - Viện Khoa học- Xã hội Việt Nam quanh những truyền thuyết này. Ông khẳng định:

- Những câu chuyện về truyền thuyết luôn ẩn chứa những gì rất bí hiểm nhưng cũng lại rất đời thường. Nó đời thường ở chỗ: Nó luôn có tác dụng rất lớn đối với cộng đồng cư dân tại chỗ. Bởi vì truyền thuyết luôn là những câu chuyện đẹp. Nó mang lại cho người ta niềm tự hào, thể hiện lòng tự trọng, mang lại cho cộng đồng cư dân nơi ấy một niềm tin nhất định. Và trên hết, truyền thuyết có tính cấu kết cộng đồng rất lớn. Tôi hình dung câu chuyện ở Mỹ Thanh, Vĩnh Châu hay cả ở những vùng đất khác cũng thế thôi! Nó đều có những lý do nhất định để cho những truyền thuyết nảy nở và phát triển và có tác động lại cộng đồng.

Có thể nói tác động lớn nhất làm làm giàu thêm vốn văn hoá cho những người ở đây. Đây là điều không thể phủ nhận. Tác dụng thứ hai là với những truyền thuyết như thế thì người dân tự xây dựng nên một bề giày truyền thống-cố kết họ lại với nhau. Câu chuyện về Giếng Ngự, mộ Hoàng Cô... có thể có ai đó nói rằng đó không phải là Giếng Ngự? Nó chỉ là một cái giếng dân gian mà ai đó huyền thoại nó lên? Chuyện đó cũng chẳng sao cả nếu như người dân ở đây cứ tin... và nó làm cho mọi người ở đây tự trọng hơn, tự hào hơn đối với quê hương.

Một câu hỏi khác cũng khá thú vị cho những nhà sử học là trong quá trình ghi hình những thước phim, chúng tôi được biết thêm một ngôi mộ cổ khác, nằm cách mộ Hoàng Cô khoảng gần 1 km tính theo đường chim bay. Ngôi mộ này có quy mô nhỏ hơn mộ Hoàng Cô nhưng còn khá nguyên vẹn, chỉ tiếc là đá ong trong quá trình phong hoá đã hoàn toàn không còn giữ lại được bất kỳ nét chữ nào trên bia mộ còn khá nguyên vẹn, khiến cho việc truy tìm tung tích của người nằm dưới ngôi mộ này trở nên cực kỳ khó khăn đối với những người lãng du như chúng tôi. Chúng tôi cũng được biết thêm rằng, cả hai ngôi mộ cổ này đều đã là mục tiêu của bọn đào mộ trộm tìm báu vật vào những năm 70 của thế kỷ XX. Đây phải chăng là nguyên nhân khiến cho mộ Hoàng Cô đã bị tàn phá? Chú Lâm Tấn Quang (71 tuổi) ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải vẫn nhớ như in về bọn đào mộ trộm năm nào và đây cũng là câu chuyện mà nhiều người dân ở vùng này rành rẽ đến cả tên người ‘’cầm đầu ‘’ năm đó:

- Năm đó giải phóng đâu 1-2 năm rồi à! Đêm đó cũng cỡ 11- 12 giờ đêm. Tui đang nằm trong nhà thì nghe tiếng đào đất hậm hịch, hậm hịch... Tui ra thấy có tới 4 người lận. Tui hỏi: mấy ông làm gì đây? Mấy ông đào làm gì? Thì mấy ổng liền rủ mình đào đồ, kiếm đồ chia! Tui nói hông! Mấy ông đào thì tui hổng cản nhưng mà cái chuyện này theo hiểu biết của tui thì cái mộ này sau nhà nước cũng sẽ tầm thôi! Giờ mấy ông muốn đào thì mấy ông làm biên bản, ký tên vô đó rồi mấy ông muốn làm gì thì làm. Đặng sau này nhà nước có xuống sưu tra, kiếm hỏi... mộ này ai đào thì tui đưa biên bản này ra! Tới đó thì mấy ổng hổng dám đào luôn và đi luôn từ đó đến giờ. Hàng năm, tui vẫn tảo mộ, thanh  minh cho người ta. Mộ nằm trên đất của mình mà.

Phước Hải An Tự và chuyện con cọp cuối cùng ở Vĩnh Châu

< Nghiên cứu sinh Huỳnh Vũ Lam đang cố gắng tìm lại dấu tích văn tự trên bia mộ Hoàng Cô.

Đến vùng đất này, thiết nghĩ cũng cần đến thăm Phước Hải An Tự, một ngôi chùa Việt cổ ở giồng Vàm Sát xưa, tức là khu vực xã Lạc Hoà ngày nay. Đến đây, ta sẽ được nghe câu chuyện về con cọp cuối cùng ở Giồng Sát, xứ Vĩnh Châu, về một thời khó khăn, cực nhọc của những người khai phá vùng đất mới.

Tính đến nay, Phước Hải An Tự đã trải hơn 160 năm với 6 đời trụ trì. Đây có thể xem là một ngôi chùa do người Việt lập nên có niên đại lâu đời nhất ở vùng này. Ngay từ khi mới lập chùa cho đến nay, các vị sự trụ trì chùa đã cho trồng rất nhiều cây sao, vừa để tạo bóng mát, vừa để lấy gỗ xây dựng.

Khi xưa, dưới những tán lá sao rợp mát, mái ngói rêu phong của Hải Phước An Tự là khung cảnh cổ kính, nên thơ. Hiện nay, ngôi chùa dù đang được xây dựng lại nhưng khung cảnh vẫn không khác xưa là mấy. Có chăng chỉ là toà tháp vươn cao khỏi những tán lá sao. Lên đỉnh tháp, cả một vùng rộng lớn của Xâm Pha, Giồng Mù U, Hồ Bể đều nằm trong tầm mắt. Biển vẫn thật gần.

Chuyện về cặp tượng ông Cọp được đặt ở toà tháp này cũng đã cho chúng ta ngày hôm nay biết được những gian khó của người mở đất ngày xưa. Rồi chuyện kể về con cọp cuối cùng ở Giồng Sát đến nay vẫn được lưu truyền qua một bài vè con Cọp khá ngộ nghĩnh mà hiện nay, chỉ còn vài người cao niên ở xứ này con nhớ. Đó là vào thời điểm năm 1927, khi vùng này vẫn còn hoang vu với những dải rừng sác rậm rạp. Những chuyện xưa, tích cũ ở xứ Vàm Sát xưa thì nay chắc chỉ có ông Triệu Vinh Quang (73 tuổi) là còn nhớ khá nhiều. Dưới tán vườn cây sao cổ thụ ông vui vẻ đọc để tôi chép lại bài vè Con Cọp* và chuyện ông Tà Sết.

< Toàn cảnh Xâm Pha và vườn sao cổ thụ nhìn từ đỉnh tháp chùa Hải Phước An.

Theo đó thì vùng này còn khá nhiều rắn, rít, ở mé ven biển Vĩnh Hải xưa có một người tên là Sết có tài bắt rắn và trị rắn cắn. Người ta nói rằng cái lưỡi của ông Sết đen từ ngoài vào tới trong. Khi bị rắn độc cắn, ông chỉ cần lè lưỡi liếm vào vết rắn cắn là nọc độc tiêu ngay. Chú Quang kể rằng chính ông Sết đã qua khu vực Chùa Hải Phước để bắt 1 con rắn hổ mây lớn mà theo người trước kể lại thì ông chỉ ôm được khúc đuôi con rắn này mang về vì con rắn đã chui kịp vào trong một hốc cây lâm vồ lớn nên ông Sết ôm đuôi kéo ra không nổi bèn chặt lấy khúc đuôi. Còn rắn hổ mây ngày sau bò ra chết ngoài trảng. Nó lớn tới mức phải 5-6 người khiêng mới nổi. Địa danh Trà Sết chính là tên của ông.

Dòng thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”. Mới đó thôi nhưng đã có câu chuyện vụt trở thành quá khứ. Nhưng vẫn có những câu chuyện vẫn còn như nguyên vẹn trong tâm thức của nhiều người qua những câu ca dao, bài vè truyền khẩu. Đó chính là sức sống mãnh liệt của dòng văn hoá dân gian khi ghi lại nhưng dấu ấn về con người, về quê hương, xứ sở. Quanh vấn đề này, T.S Mai Thanh Sơn chia sẻ cùng tôi:

- Người ta sống không chỉ bằng ăn-uống, mặc-ở, đi lại mà còn sống vì niềm tin nữa. Khi niềm tin ấy nhân sức mạnh của con người lên thì rõ ràng là nó đã trở thành sức mạnh vật chất. Giúp con người vượt qua những gian khó. Tôi nhận thấy rằng ở vùng cửa sông Mỹ Thanh và cả những vùng cửa sông tây Nam bộ trước đây vốn là vùng rừng ngập mặn... rừng liền rừng vốn gắn với câu “rừng thiêng nước độc” mà. Có rất nhiều câu chuyện, truyền thuyết về ông hổ, cá sấu, rắn rết ở những khu rừng ấy với bao bí hiểm, nhưng cũng chính là nơi cung cấp nguồn sống cho cư dân. Thông thường, người ta thường linh thiêng hoá nó!

Và để chế ngự được những thế lực vừa hư ảo, vừa có thực đó thì người ta cũng phải tìm được sức mạnh tinh thần của chính mình. Và đôi khi những truyền thuyết, những huyền thoại được xây dựng nên từ đó. Và điều quan trọng là nhờ nó mà người ta trở nên mạnh mẽ hơn trước thiên nhiên hay ít nhất... cũng có thể thích ứng được với thiên nhiên, từ đó mới duy trì được cuộc sống của cộng đồng và tồn tại cho đến bây giờ. Tuyền thuyết bao giờ cũng được xây dựng trên nền tảng của sự thật và nếu như nó không có lý do thực tế thì nó cũng vẫn tồn tại với lý do về mặt tinh thần. Làm sao đó để tạo được sức mạnh giúp con người vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.

Qua chuyến phiêu du này chúng tôi nghiệm ra rằng: có đi mới hiểu, có đi mới thấy, để rồi mới thấy yêu quê hương, yêu đất nước mình hơn. Để thấy quê mình quá đẹp, quá đáng yêu. Kể sao cho hết chuyện? Mỹ Thanh mênh mang vẫn còn ẩn dấu bao điều kỳ thú đang chờ người khám phá.

Hãy đi để thấy rằng mỗi con sông, mỗi tên làng, tên đất đều gắn liền với những huyền sử hào hùng của những lớp người xưa đi mở cõi.


Vè con Cọp ở làng Vàm Sát

Trải xem trong tổng Thạnh Hưng
Tại làng Vàm Sát có thôn Lạc Hoà
Trước là có phố có nhà
Lại thêm chùa phật, chùa bà rất linh
Tổng, làng dân sự an ninh
Cao Mên, Chệt Khách thái bình an cư
Kể từ năm tỵ tháng tư
Tại chùa Hải Phước ông sư trên chùa
Đang khi gõ mõ vẽ bùa
Nghe la có cọp chạy ùa ra coi
Kẻ thì sách mác cầm roi
Ông sư miệng niệm nam mô
Ngài là ông chúa đừng hô um sùm
....
Có chệt Mã Xiêm
Tay cầm cu liêm
Giựt gài móng lay..
Sơn lâm nổi giận trở quày
Vố cho một vố thẹo trầy huyên thuyên
Mã xiêm thất vía ngả nghiêng
Anh em xúm lại mà khiêng Xiêm về
Tưởng là xiêm đã có nghề
Hay đâu xiêm lại nhà quê quá đời.
Vợ con la khóc kêu trời
Chuyến này mày chết hết đời Xiêm ơi

 Bảy Cụt chưa rõ khúc nôi
Còn đang uống rượu loi thoi nhậm nhầy
Nghe la có cọp tới đây
Mau mau bước xuống mời ngài đi tu
Chấp tay cúi lạy chổng khu
Xin ông thương lão đạo tu bạn cùng
Ai ngờ đến lúc cơn khùng
Lại gần ông cọp anh hùng mới khen
Tưởng là ông cọp làm quen
Hay  đâu ông lại chen vô cấu quào
Bảy Cụt hoảng hốt té nhào…

Tả ngạn Mỹ Thanh và con rạch Tổng Cán

Khi đọc những tài liệu về một dòng sông, chúng ta thường bắt gặp hai từ: tả ngạn và hữu ngạn. Tả là bên trái, đối lập với bên phải. Còn trên một dòng sông, tả ngạn là bờ sông bên phía tay trái, ngược lại với bên phải-hữu ngạn của con sông.
Góc nhìn và cách gọi này theo hướng dòng nước chảy từ trên nguồn xuống. Phải chăng bắt đầu từ một quan niệm có tính chất luân lý: Tất cả đều bắt đầu từ nguồn cội!? Theo ranh giới địa lý hiện nay thì hầu như toàn bộ huyện Trần Đề nằm ở tả ngạn sông Mỹ Thanh.

Sách Dư địa chí Sóc Trăng năm 1904, trong phần Sông Rạch tự nhiên có đoạn viết: “Miền hạ lưu sông Mỹ Thanh có hai con rạch khá quan trọng chảy vào, đó là rạch Tầm Vu thông sang Ba Xuyên ở phía trên và rạch Tổng Cán chảy từ nam lên bắc trên độ dài 15km. Còn có rạch Gòi và rạch Cô Ảo? chảy vào khoảng giữa cửa sông Mỹ Thanh”.

Tấm bản đồ cũ và... ông Tà Mơn

< Bản đồ nông nghiệp Sóc Trăng năm 1891.

Chuyến phiêu du khám phá vùng đất tả ngạn Mỹ Thanh của chúng tôi bắt đầu từ con rạch Tổng Cán. Dựa trên tấm bản đồ được vẽ vào năm 1891 thì đây là một con rạch khá lớn.

Địa danh ghi trên tấm bản đồ này ghi theo phiên âm là Tong cane cùng một điểm tròn đánh dấu vị trí của khu dân cư... Dùng bản đồ cũ có cái lợi là chúng tôi có thể dễ dàng so sánh và cảm nhận được sự thay đổi của những vùng đất mà chúng ta đặt chân đến.

Điều thú vị đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy ở đây là ở tấm bảng tên chiếc cầu bắc qua đầu con rạch đề tên là cầu Trà Mơn? Trong khi với người địa phương thì lại gọi là rạch Tà Mơn.

Còn ở Dư địa chí Sóc Trăng năm 1904 và trên cả bản đồ in cùng năm lại không hề ghi nhận những địa danh này? Lời giải đáp đã có ngay từ vị thượng toạ trụ trì ngôi chùa Sê rây Ta Mơn cổ kính nằm ngay đầu con rạch. Thượng toạ Trần Văn Tha (th.s Phật học) bắt đầu bằng câu chuyện cổ tích về 3 anh em đã có công khai phá vùng đất này. Người anh lớn có tên là Pích, người em có tên là Nôn và người em út có tên là Mơn. Mỗi người bỏ công sức khai phá một vùng đất hoang, tạo lập nên 3 vùng đất mà những địa danh vẫn còn gắn liền với tên của họ cho đến tận ngày nay.

- Trong 3 anh em thì ông Mơn không có con cái nên sau khi mất, ông đã hiến toàn bộ đất đai của ông cho bổn sóc để dựng nên ngôi chùa này. Chính để nhớ công ơn của người đã khai phá đất nên bà con Khmer ở đây dùng tên ông để gọi tên ngôi chùa. Vì ngôi chùa nằm ngay trên con rạch nên dân gian vẫn dùng luôn tên này để gọi con rạch. Ngày trước thực ra vùng đất này rất thấp, nhiều lung bàu...

Như vậy, có thể tạm khẳng định rằng: con rạch mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là rạch Tà Mơn có tên chữ trên bản đồ hành chính là rạch Tổng Cán!? Ngày trước, con rạch như một ranh giới tự nhiên phân chia rõ rệt hai vùng đất: một bên là phèn mặn nặng cùng với những cánh rừng thấp ngập nước - một bên là những vùng đất thuộc.

... đến “Thần nông lắt” ở Liêu Tú

Ngắm những cánh đồng lúa dọc theo hai bờ con rạch Tổng Cán đang lên xanh, hẳn ít ai biết rằng cũng chỉ mới gần đây thôi-vào những năm 80 của thế kỷ trước, chuyện làm ra hạt lúa của nhà nông nơi đây không phải là dễ. Đồng Tổng Cán, giồng Chac ngày xưa vốn là đồng cầm trâu, nhiễm phèn, mặn nặng... vốn chỉ có cỏ Năn là chủ yếu, cánh đồng chỉ làm được 1 vụ lúa mùa nhờ nước trời là chính.

< Tác giả trò chuyện cùng Thượng toạ Trần Văn Tha (th.s Phật học), trụ trì ngôi chùa Sê rây Ta Mơn.

Qua quá trình tìm tòi của mình, vị thượng toạ trụ trì chùa Sê rây Ta Mơn cũng cung cấp cho chúng tôi một thông tin khá thú vị về một kinh nghiệm sản xuất của cư dân nơi đây khi xưa là: “Muốn xuống giống, bắt đầu một vụ lúa chính thức thì bà con mình luôn để ý xem lá cây Giá đã xuống màu đỏ rực chưa. Nếu là cây Giá xuống màu đồng loạt thì có thể yên tâm xuống giống vì lúc này mùa mưa đã chính thức bắt đầu, ít phải lo lắng vì hạn bà chằng”.

Làm lúa ngày xưa cực khổ là vậy, nhưng vì đồng rộng mênh mông, lúa làm khi ấy “lấy diện tích để bù năng suất” nên nhà nào cũng không phải lo lắng nhiều chuyện thiếu lúa, thiếu gạo... Còn thức ăn thì cá, tép dưới sông lúc nào cũng sẵn nên khỏi phải lo.

Ông Đinh Thiên Cần - Nguyên Bí thư xã Liêu Tú những 80 của thế kỷ XX nhớ lại một thời bắt đầu chuyển qua làm lúa tăng vụ ở xứ này:

- Những năm đó lúa ở vùng này làm chỉ cần 14-15 giạ là kể như trúng rồi đó. Vậy mà năm 82-83 tụi tui làm “thần nông lắt”... tính như bây giờ phải trên 4 tấn. Giống gì hả? Ai biết là giống gì... chỉ biết nó là lúa thần nông, rồi được mấy nhà nông đi “lắt” từng bông, từng bông về làm giống. Chính từ cái “thần nông lắt” này mà phong trào thuỷ lợi để làm lúa tăng vụ ở vùng này phát triển mạnh.

Những đồng tiền cổ ở Tổng Cán...

Ở gần cuối con rạch là một khu dân cư khá sầm uất - đó chính là ấp Tổng Cán. Tổng Cán nằm trên một con giồng và tên dân giã mà người vùng này vẫn gọi là xóm Phố với phố Trên, phố Giữa và phố Dưới. Hẳn đây là một khu dân cư được hình thành từ khá sớm trong quá trình khai phá vùng đất này vì hôm nay, chúng tôi tìm đến ông Tám Sển (Quách Văn Sển (65 tuổi)) - một cư dân cố cựu ở vùng này và cũng là người đã đào được 1 hũ tiền cổ cũng ở trên con giồng này, đoạn giồng cạnh bên Long Thuyền Tự. Hũ tiền đựng những xâu tiền có niên hiệu Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Câu chuyện mà ông Tám kể đã giúp chúng tôi hình dung rõ nét hơn một khung cảnh đặc thù của vùng tả ngạn Mỹ Thanh thời mà người xưa bắt đầu đến khai phá đất, lập làng...

< Liêu Tú ngày mùa (chụp năm 2011).

- Hồi xưa lúc tui còn nhỏ xíu thì con đường chạy trên con giồng này không nằm ở đây. Nó nằm chệch ra mé ngoài một chút. Dọc theo con đường lúc đó tui đi học ở trường làng thì cứ khoảng năm chục-một trăm mét là có một cây xoài lớn mà mấy lão tiền bối trồng để người qua lại có bóng mát nghỉ chân. Vùng này hồi đó nghe nói có cọp nhưng tới thời của tui... những năm 40 đó... thì tui hết thấy. Nhưng heo rừng và khỉ thì tui gặp hoài.

... và con rạch của hoa sen

Rạch Tà Mơn vào những năm 2004-2006 có lẽ là một trong những cảnh đẹp của làng quê Sóc Trăng thanh bình. Xem lại những bức  ảnh chụp tại rạch Tà Mơn vào đầu năm 2006 mà tôi đã có dịp đi cùng nhóm bạn đã khiến nhiều người ngây ngất.


< Rạch Tà Mơn.

Con rạch với bạt ngàn hoa sen chen lẫn các rặng dừa, bần, dừa nước khiến cho phong cảnh ở đây nên thơ vô cùng. Vậy nhưng ở thời điểm mà chúng tôi có mặt thì thật tiếc, con rạch vừa được nạo vét trước đó hơn 2 tháng nên những bờ sen chưa thể mọc lại kịp. Chuyến rong ruổi theo con rạch Tổng Cán của chúng để tìm những đám sen của ngày xưa đã có kết thúc thật thú vị khi gặp bà Trần Thị Mỹ Lệ (năm Lệ). Qua câu chuyện của chính bà Lệ và những đám sen hồng ở đầu rạch Tổng Cán.

- Cũng nhờ sen không đó. Chỉ với vạt sen cặp bờ rạch này với gần 1 công rưỡi sen ở miếng lung trước nhà mà nuôi 3 đứa con ăn học thành người đó! Chỉ có ngó sen thôi đó. Đứa lớn bây giờ làm kế toán ở Sóc Trăng, thằng con trai thứ 2 đang học năm tư đại học, còn nhỏ út năm nay cũng thi đại học.

- Nhắm em nó thì đậu không hả dì? Tôi hỏi:
- Chưa có kết quả, nhưng năm học rồi là học sinh giỏi của Trường Lịch Hội Thượng à nghen!


< Phong cảnh rạch Tà Mơn năm 2006.

Quanh chuyện cây sen, ngó sen, củ sen, bà Lệ còn hào hứng kể cùng tôi chuyện từng là “người mẫu chụp hình” với hoa sen bên con rạch này. Quãng năm 2004-2005, có 3 ông “chụp hình” mang một mớ áo dài vô đây nhờ dì Lệ chèo xuồng, hái sen... ôi đủ thứ hết để chụp hình. Tiếc là những tấm ảnh ấy các con của bà Lệ đã cất hết ở đâu đó nên tôi không được chiêm ngưỡng chúng.

Đến giờ này thì bà Năm Lệ chẳng còn nhớ nổi tên của 3 ông thợ “chụp hình” vì thời gian đã non cả chục năm rồi còn gì? Nhưng tôi tin chắc một điều rằng khi ấy hẳn bà Lệ sắc sảo lắm và những đoá sen trải dài dọc theo rạch Tà Mơn đã tạo nên một khung cảnh nên thơ lắm!? Nếu không vậy thì làm gì có chuyện những nghệ sĩ nhiếp ảnh phải lặn lội xuống tận đây để sáng tác chứ?

Rạch Gòi - Lịch Hội Thượng và những ngôi chùa...

Từ ngã ba Tài Văn, xuôi theo Tỉnh lộ 8, dọc theo kênh Tiếp Nhựt  khoảng 15-16 Km là đến một thị trấn khá sầm uất nằm ở tả ngạn Mỹ Thanh - đó là thị trấn Lịch Hội Thượng. Vốn là một khu dân cư sầm uất từ xưa, không ít người đã ví von: “Cái chợ ba dấu nặng này trước giờ luôn là điểm trung tâm của chiếc đòn gánh-gánh cả hai bờ tả - hữu Mỹ Thanh”.

Rạch Gòi - Lịch Hội Thượng

Cho đến tận hôm nay, vẫn còn rất nhiều người gọi thị trấn Lịch Hội Thượng bằng một tên xưa cũ - chợ Gòi.

Địa danh này bắt nguồn bởi một từ gốc Khmer: Prék Koi do đọc trại ra âm tiếng Việt - rạch Gòi hoặc từ cách phiên âm tiếng Pháp. Cuối thế kỷ 19, địa danh gốc này đã được ghi nhận trên bản đồ của chính quyền thực dân Pháp.

< 3 làng “Lịch Hội Thượng-Hạ-Trung” trên bản đồ ST năm 1889.

Còn với những người Hoa đã sinh sống ở đây từ xa xưa thì Lịch Hội Thượng lại có tên gọi mà phiên âm Hán Việt là: pha lễ bán. Cụm từ này dùng để chỉ hình thế của vùng đất này là cao ráo nhưng không bằng phẳng; phân nửa là rừng. Phải chăng đây chính là hình thế đất giồng? Dù tên có gì thì vẫn cần phải khẳng định rằng: nơi đây đã là một trung tâm buôn bán - trao đổi hàng hoá có từ lâu đời và vẫn phát triển cho đến tận hôm nay. Và cũng trên vùng đất này, cộng đồng 3 dân tộc: Kinh - Hoa - Khmer đã sống cộng cư từ lâu và cùng nhau khai khẩn vùng đất này.

Lịch Hội Thượng xưa thuộc tổng Định Mỹ với trên 5.000 dân, vốn là hai làng Lịch Hội Trung và Lịch Hội Thượng hợp lại và đây là một khu dân cư quan trọng. Còn Dư địa chí Sóc Trăng năm 1936 thì ghi nhận Rạch Gòi là 1 trong 13 trung tâm thương mại của tỉnh Sóc Trăng được xây dựng bên cạnh con rạch cùng tên: “Chợ Rạch Gòi được chuyển thành trung tâm thị tứ loại 3 theo Nghị định ngày 13/8/1925, là một khu dân cư khá quan trọng nằm ở đông - nam tỉnh Sóc Trăng... Hồi đầu thế kỷ XX, Rạch Gòi đã có 787 dân đăng tịch, đa số là người Khmer và người Hoa, liên thông với con đường hàng tổng dài 14 km”.

< Tác giả trò chuyện cùng A.Kiệt, A.Ánh và A.Phước bên hông chợ Lịch Hội Thượng.

Có một thực tế là mặc dù không có vai trò quan trọng về thương mại nếu chỉ nhìn ở góc độ hàng hoá chính yếu của Sóc Trăng khi ấy là lúa gạo, nhưng chợ Rạch Gòi đã là một trung tâm buôn bán - trao đổi hàng hoá nhu yếu phẩm thiết yếu của cả một vùng đất rộng lớn hai bên bờ sông Mỹ Thanh bởi khi xưa, giao thông chủ yếu của cư dân trong vùng này vẫn là đường thuỷ chứ không phải là đường bộ như bây giờ... vai trò ấy vẫn giữ vững cho đến ngày nay.

Ông Hồ Xuân Vĩnh (65 tuổi), chủ tiệm bánh Đức Phát cho biết rằng tiệm bánh của ông đã có từ 3 đời nay, chuyên làm đủ các loại bánh, mứt như: thèo lèo, bánh pía, bánh trung thu.v.v… Từ thời những năm 40 của thế kỷ XX và cả sau đình chiến năm 1954, tiệm Đức Phát luôn là tiệm bán buôn cả sỉ và lẻ cho các tiệm nhỏ từ vàm Dù, Vàm Lẻo, chợ Giồng Chùa, Lạc Hoà (của Vĩnh Châu) và bên tả ngạn là suốt từ chợ Bãi Giá (Long Phú) cho đến Tài Văn (Mỹ Xuyên). Mức độ buôn bán hầu như cứ giữ nguyên và có phần phát triển mạnh lên sau khi được tách ra thành huyện Trần Đề.

Ông Nguyễn Đại Lượng, Nguyên Bí thư thị trấn Lịch Hội Thượng những năm 80 của thế kỷ XX thì ví von hơn: “Chợ Gòi dù nằm bên tả ngạn Mỹ Thanh nhưng lại có vai trò như là phần giữa của một cái đòn gánh - gánh cả hai bờ Mỹ Thanh vì ngày trước, hệ thống đường xá nào được như bây giờ. Đi chợ Gòi với một phần các xã vùng sâu của huyện Vĩnh Châu là thuận tiện hơn cả.


< Một ngôi nhà xưa ở chợ Lịch Hội Thượng.

Những góc phố cũ mái ngói âm dương cổ kính chen lẫn những căn nhà mới xây tươi mới vươn cao, chen lẫn những mảng rêu phong dọc mái hiên tựa như dấu ấn thời gian vẫn còn khắc ghi đậm trong câu ví von của không ít người nơi đây mà tôi chép lại: “cái chợ ba dấu nặng này trước giờ luôn là điểm trung tâm của chiếc đòn gánh - gánh cả hai bờ tả - hữu Mỹ Thanh”!

Chợ Gòi - Lịch Hội Thượng giờ đang chuyển mình trong một vị thế mới, là thị tứ trung tâm của huyện ven biển Trần Đề với thế mạnh kinh tế chủ lực là nuôi trồng thuỷ sản và khai thác biển. Chợ Gòi cũ giờ đã quá tải và đang rất cần khoác lên mình một chiếc áo mới tương xứng. Ngồi trò chuyện bên góc Chợ Gòi với anh Ánh, anh Kiệt, anh Phước... những người đang buôn bán và làm việc ở chợ Lịch Hội Thương, tôi chợt nhận thấy chuyện xây chợ, phát triển chợ sao cho đẹp, cho thuận tiện bán buôn đang là điểm tương đồng của cả người dân và Nhà nước. Anh Lý Tuấn Kiệt-chủ tiệm vàng Tuấn Kiệt, người đăng ký cả 4 gian ki-ốt ngay đầu nhà lồng chợ mới đang trong quá trình xây dựng cho biết:


< Chú Ba Hưng đang kể chuyện cũ ở Lịch Hội Thượng.

- Làm cái nhà lồng chợ mới này thì Nhà nước làm “chủ xị”, còn những người kinh doanh có nhu cầu thì góp vốn để xây chợ, tất cả đều thông qua họp dân, bàn bạc các thứ hết. Từ góp ý cho thiết kế, góp ý việc xây dựng, giám sát.v.v... rồi phân chia thời gian và các đợt góp vốn. Nói chung là... “hợp tác vui vẻ”!

 ... và những ngôi chùa chứng tích chiến tranh

Trong chiến tranh chống Mỹ, chợ Lịch Hội Thượng vốn là một chợ trung tâm quận. Chính vậy nên những vùng ven, vùng lân cận quận lỵ thường xuyên bị Mỹ, Nguỵ chà đi - sát lại hòng đánh bật lực lượng du kích, bộ đội địa phương bám dân, bám đất dọc hai bờ tả - hữu Mỹ Thanh. Đặc biệt là vào những 60 của thế kỷ XX. Nghe chú Ba Hưng (74 tuổi - nguyên Huyện uỷ viên huyện Lịch Hội Thượng) kể chuyện chiến trường ác liệt, rồi những trận đánh năm xưa mới cảm thấy khâm phục lớp cha anh của một thời bom đạn ác liệt nhưng oai hùng thủa nào.


< Chùa Prêk Chat ngày nay.

Trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1968, Mỹ - Nguỵ thường xuyên rải chất độc hoá học làm rụng lá cây dọc theo những cánh rừng hai bên bờ Mỹ Thanh. Chính vì vậy mà bộ đội, du kích cũng phải di động, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Rồi bọn biệt kích khét tiếng do tên Mương chỉ huy thường xuyên đột kích, rồi lính bảo an ở Phân khu Bảo An đóng ngay vàm Bãi Giá kềm siết và chà đi sát lại. Chỉ cần nghe tin “Việt Cộng đi” là bọn bảo an bố trí bao đánh. Ngay cả Tiểu đoàn địa phương quân của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn khi hoạt động ở vùng này.

- Cái vùng đó là vùng chiến lược, cửa ngõ của tỉnh đổ ra biển mà! Đời sống của mình lúc đó thì thôi... thiệt gian khổ. Được một cái là lực lượng của mình cỡ tụi tui lúc đó đều còn trẻ... cỡ 27-28 và lớn lắm là 30 tuổi. Còn nhiều anh em du kích đa phần từ 20 tới 25. Do đó, tất cả những khó khăn, tất cả những bom đạn, tất cả chuyện thiếu cơm ăn, thiếu áo mặc tụi tui đều vượt qua được.

Chuyện bom đạn ì đùng và khủng khiếp như thế nào thì lớp trẻ ngày nay chỉ thấy... trên phim... nhưng đến vùng đất này thì chỉ cần đến thăm 2 ngôi chùa là Prêk Chat ở Giồng Chát và Long Thiền Tự ở Tổng Cán thì sẽ cảm nhận ngay được cái “tàn bạo, khốc liệt” của chiến tranh được ngay. Riêng tôi thì lại nghĩ “Nếu đã chiến tranh thì cửa phật cũng không chừa”?


< Chú Thạch Chuốt - nhân chứng của vụ thảm sát.

Chùa Prêk Chat ngày nay đã được xây dựng lại mới và thật đẹp trong quang cảnh rộng rãi của làng quê thanh bình, nhưng trong khuôn viên chùa - Bia chứng tích chiến tranh vẫn ghi rõ: “Ngày 08/5/1965, chính quyền Mỹ, Nguỵ đã dùng máy bay ném bom thảm sát, giết và làm bị thương trên 300 thường dân vô tội (đa số là người già, phụ nữ và trẻ em) ở các xã Lịch Hội Thượng, Liêu Tú thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Đây là những tội ác dã man do bọn Mỹ, Nguỵ gây ra sau những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam Việt Nam”.

Chú Thạch Chuốt (65 tuổi), một nhân chứng của vụ thảm sát năm ấy, giờ cất nhà ngay cạnh chùa kể lại:

- Khi ấy tôi cũng đang tu tập ở chùa này. Vệt bom trải dài từ Tổng Cán vắt sang đây. Sa-La của chùa cũng trúng một trái. Sau đợt bom, tui cùng những vị sư ở đây và những người khác nhào đi cứu thương, tìm kiếm và khâm liệm những người chết dọc dải giồng này. Cảnh tượng khi đó thảm lắm... nhà sập, nhà cháy, người chết rồi tiếng kêu khóc làm người ta phải ám ảnh cả một thời gian dài.

Cũng hứng trọn một trái bom trong tháng 5 ấy là Long Thiền Tự nằm ở cuối rạch Tổng Cán. Chánh điện ngôi chùa này hứng trọn trái bom nên sập hoàn toàn. Hố bom ngày xưa giờ đã được lấp và trên chính hố bom ấy, một Lâm Tì Ni đã được dựng lên hẳn như một ước nguyện cho hoà bình, an lạc.

< Cô Diệu Hương và tác giả (trái) trong chính điện Long Thiền Tự.

Thế nhưng điểm đặc biệt nhất của Long Thiền Tự chúng tôi chỉ được biết khi cô Diệu Hương dẫn chúng tôi vào gian chính điện hiện tại và chỉ cho xem những pho tượng gỗ. Tất cả các pho tượng đều mang trên mình dấu tích của chiến tranh. Cô cho biết: tượng 18 vị La Hán do bằng sành nên đều vỡ nát, chỉ còn lại 21 pho tượng gỗ dù bị hư hỏng nhưng đều đã được phục hồi và tu sửa lại. Đó là những tiên ông, hộ pháp, phật Di Lặc, Văn Thù... rồi Phật Tổ đều mang dấu tích... đó có thể một vạt gỗ ở cánh tay bị mảnh dom vạt bay mất nay còn dấu chắp vá, đó có thể là thanh gươm gãy, chú voi gãy ngà, gãy vòi.v.v. Vậy nhưng gương mặt của tất cả vẫn như đang nở nụ cười hiền từ, như tha thứ cho những kẻ đã gây nên cảnh bom đạn tang thương, như khuyên nhủ con người hãy tránh xa chiến tranh, hướng đến một tương lai chan hoà tình nhân ái.

Đất và người trên Cánh đồng Năn.

Trên suốt tuyến tả ngạn Mỹ Thanh bây giờ, ai cũng có thể du ngoạn cảnh bằng xe hơi, xe máy... xem những vuông tôm với cánh quạt chạy rào rào, tới mùa thì máy gặt đập chạy ầm ì trên ruộng... nhưng nếu không phải người ở đây thì ít ai biết rằng, mới cách đây quãng hơn chục năm-xa lắm là chưa tới 20 năm, vùng đất này nổi danh với tên gọi là cánh Đồng Năn.

Nhìn những cánh đồng lúa xanh tươi đang thời con gái mượt mà, những con lộ nhựa, lộ Dal chạy qua những thôn, xóm sầm uất... mấy ai ngờ được ngày xưa, vùng đất này đã phèn lại còn nhiễm mặn nặng nên trên những cánh đồng nhìn đâu cũng là Năn !? Năn ở đây toàn là Năn Bộp, cọng lớn như chiếc đũa. Qua mùa hạn thì năn kết củ, nấu ăn bùi bùi, ngòn ngọt...


< Đồng Năn những năm 1980.

Đồng Năn ngày trước rộng hơn 5.000 ha, bao gồm khu cửa biển Mỏ Ó và cả một dải dọc theo tả ngạn sông Mỹ Thanh dài hơn 10 cây số, trải dài từ xã Liêu Tú, Lịch Hội Thượng đến tận Trung Bình. Đồng Năn ngày trước thuộc huyện Long Phú, ngày nay nằm ở huyện Trần Đề.

Từ một vùng đất đầy năn, lác... Đồng Năn giờ đây đã đổi thay diện mạo, trở thành cánh đồng nuôi tôm công nghiệp có một không hai của cả nước, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng.

Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, đất nước ta gặp bao khó khăn vì lệnh cấm vận của những thế lực thù địch... một trong muôn vàn khó khăn, vất vả ấy là thiếu lương thực. Để giải quyết khó khăn này, tuyến đê ngăn mặn Long Phú-Tiếp Nhựt dài hơn 50km bắt đầu từ xã Song Phụng chạy dài tới tận Tổng Cán đã được xây dựng; những tuyến kênh thủy lợi ở các địa phương cũng được thi công. Và trong khoảng thời gian 1981-1982, Đảng bộ và nhân dân huyện Long Phú đã mở nhiều đợt “chinh phục” Đồng Năn để trồng lúa. Câu khẩu hiệu của ngày ấy mang đậm quyết tâm của lòng dân-ý Đảng : “Giải phóng cánh Đồng Năn”.

< Cánh Đồng Năn hôm nay.

Về Đồng Năn hôm nay, muốn hỏi chuyện xưa không thể quên những con người giờ như là những trang sách lưu đậm nét dấu ấn của một thời hừng hực khí thế “Giải phóng cánh Đồng Năn”! Đó là 2 lão nông cố cựu Sáu Khởi (Đặng Văn Khởi - 56 tuổi) và Ba Tiềm (Võ Văn Tiềm-58 tuổi). Muốn tìm ông Sáu thì dễ lắm-cứ đến đầu lộ Mỏ Ó-đến ngay cống 6 Quế 2 hỏi nhà là ai cũng biết.

Ông Sáu Khởi giờ đã chuyển qua canh tác tôm nước lợ, nhưng ngày nay mấy ai biết về một quãng thời gian dài ông là một trong những người đầu tiên hết mình vì cây lúa trên cánh Đồng Năn. Những câu chuyện mà hai lão nông “cố cựu” ở vùng đất này đã giúp chúng tôi tái hiện lại khá trọn vẹn khung cảnh của những cuộc tiến quân “Giải phóng cánh Đồng Năn” ngày ấy. Ông Sáu kể chuyện xưa thời mới bắt đầu làm lúa mà bọn tôi chỉ nghe không thôi, cũng đã dội ngược trong khi ông thì vừa cười vừa nói:

< Những đứa trẻ ở cánh Đồng Năn những năm 1980.

- Quãng mấy năm 80 đó thì ai muốn làm bao nhiêu thì làm. Cứ vô Đồng Năm vác theo mấy cái cây để dành cặm ranh. Lội cho đã để lựa... cúi xuống nếm thử miếng nước, nó mà ba chè thì tiếp tục đi chỗ khác. Thấy ưng bụng chỗ nào thì cặm... Cứ đi mà cặm tới. Còn làm lúa hả? Đất ở đây cày thì lên phèn nên chỉ mướn người ta phát, một năm có khi phải phát 2-3 lần rồi vác bả đó đi rải đều khắp ruộng, đợi nó mục xuống thì đi mua mạ về cấy chớ ở đây đâu có gieo mạ được. Muốn cấy, phải đi xuống tuốt dưới ấp Bưng Lức cũng phải 15 cây số mua mạ. Ngặt là người ta cũng cấy nên phải đợi người ta cấy xong có dư mạ thì mới bán cho mình. Mua được một ghe mạ đem về kể như mừng lắm rồi. Một bó mạ đem về đây thôi thì quá cực. Tới bờ kênh thì phải khiêng, phải gánh từ bó đem vô đồng của mình. Có khi mình cấy xong thì vài bữa là nó muốn trổ bông rồi... vì mạ quá già. Mà xướng một cái là... hễ cấy chỗ này hổng êm thì bỏ... đi kiếm chỗ khác cấy nữa...

< Văn nghệ trên công trường đào kênh ở cánh Đồng Năn những năm 1980.

Tôi hỏi: 1 công khi đó mình kiếm được cỡ bao nhiêu giạ lúa?

Lão nông Ba Tiềm chen vào: 5-7 giạ là cùng. Trúng nhứt thì cũng hổng tới 15 giạ! Ông Sáu bổ sung: 15 giạ thì phải đợi tới mấy năm sau mới có, khi thời kỳ làm thần nông đỏ rồi đó! lúc đầu mình làm keo trắng, keo đỏ, ba thiệt đó... thiệt cỡ nào cũng đi tiêu hết.

Hai lão nông bật cười sảng khoái.

Ông Sáu Khởi tâm sự: Thời đó cũng đeo dữ dằn lắm. Đảng viên mà! Mần biển bao nhiêu đổ hết vô cây lúa. Có lúc tôi làm tới hơn 60 công đất mà cuối cùng kêu công cắt vô “cắt chia hai’’ người ta còn hổng cắt. Tới năm 88 thì kể như nghỉ luôn.

< Ông Sáu Khởi (bên phải) và Ông Ba Tiềm cùng tác giả ở Cống Sáu Quế 1.

Tới năm 88-89 là ở đây mình đã bắt đầu cấp đất rồi. Tới lúc đó thì cây lúa kể như là dứt, mình vận động bà con mình chuyển sang làm con tôm. Mà lúc đó chủ yếu là nuôi tự nhiên. Khổ nỗi lúc đó cá, tép còn rất dồi dào nhưng giá cá thì quá thấp. Hồi đó tui bán 500-600 ký cá kèo mà sắm chưa được 1 chỉ vàng.

Hai lão nông dẫn chúng tôi đến Cống Sáu Quế 1-cái cống đầu tiên đánh dấu quá trình khai phá cánh Đồng Năn, chứng tích của những ngày tháng gian nan, nhưng hào hùng của những ngày đầu vỡ đất. Con đê ngăn mặn ngày trước vẫn còn lại vài dấu tích vì ngày nay, hầu như tuyến đường Nam sông Hậu đã nằm hẳn trên con đê này. Lão nông Ba Tiềm và Sáu Khởi hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những ngày làm thủy lợi khai phá cánh Đồng Năn.

Thời đó đi làm thuỷ lợi bà con mình còn dùng từ “đi công tác’’. Thông thường 1 năm có 2 đợt. Hầu như nhà nào nhà nấy đều có ít nhất 2 cây leng? 1 cây leng ống và 1 cây leng bản. Leng bản để dành cạy, dỡ lớp trên mặt, leng ống dùng để đào đất mềm ở dưới... Thời đó chỉ cần cán bộ ấp mang chiếc loa cuốn bằng tôn đi phát loa thông báo ngày ra quân làm thuỷ lợi là tới buổi đó là bà con mình tập trung để đi liền.

< Anh Bảy Nam (bên phải) và Trần Văn Cứ trò chuyện cùng tác giả về quá trình làm Cống Sáu Quế 1.

Lão nông Sáu Khởi nói vẻ như tiếc nuối khi nhìn chúng tôi cùng với máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm vác trên vai lỉnh kỉnh: Thời đó mà có quay phim như vậy giờ thì đẹp lắm, vui lắm... Người đông như hội... trải dài trên cả một cánh đồng dài 1-2 cây số. Rồi băng, cờ, khẩu hiệu... văn nghệ hát, hò sôi nổi...

Đứng trên đỉnh cao của cống Sáu Quế, nhìn Đồng Năn bây giờ trải dài mút tầm mắt là những vuông tôm công nghiệp; những căn nhà ngói đỏ... chúng tôi không còn nhận ra Đồng Năn ngày trước!? Anh Bảy Nam (Quách Văn Nam-G.Đ Sở NN&PT nông thôn Sóc Trăng) bồi hồi nhớ lại thời mà những người đi cắm cọc tiêu để đào kênh phải phát chấp, vẹt, lau sậy để phóng tuyến... tất cả vẫn còn như in trong tâm trí những người cán bộ thủy lợi của một thời gian khó ấy.

Khi khởi công cống Sáu Quế 1 tôi là một cán bộ thuỷ lợi mới ra trường. Vì là vùng nền cát nên móng cống không thể dùng cừ tràm để đóng được. Phần kế thi công theo kỹ thuật cừ bản đuôi cá được đóng phía trước và phía sau để ngăn cát. Hồi mình đi học thì chưa có học kỹ thuật này. Thành ra tất cả anh em đều xắn tay nhảy xuống làm, mà đóng. Lúc ấy tất cả đều bằng tay, thủ công hết. Cừ bản bề rộng khoảng 2 tấc, dầy 1 tấc, cưa thành cái đuôi cá rồi ghép lại rất khó khăn... mà vùng đó đâu có nước ngọt nên phải xài nước giếng trộn bê-tông, nấu nướng, tắm giặt...

< Bãi biển Mỏ Ó những năm 1980.

Anh Trần Văn Cứ (Trưởng Trạm Quản lý Thuỷ nông huyện Trần Đề) - một trong những người của “Cống Sáu Quế 1’’ bổ sung: Tất cả đều phải kéo nước, gánh nước từ trên đoạn đường từ giồng Bà Vĩnh về đến điểm thi công. Khối lượng bê tông là rất lớn nên anh em phải gánh nước dự trữ, gánh nhiều ngày để trữ trong phuy, trong bồn... Ròng rã hơn nửa năm như vậy đó!

Gọi là Đồng Năn nhưng bây giờ đến đây, tìm một cọng Năn Bộp sao thật khó quá... có còn chăng là vài đám Năn Chỉ, xen lẫn vài bụi Năn Bộp ở mấy miếng bìa, chéo ven đường. Tất thảy đều đã là những vuông tôm công nghiệp... Đường điện, điện thoại giăng mắc khắp đồng. Ban đêm, đèn điện sáng trưng, lấp lánh trên cánh đồng như đêm hội hoa đăng.

Đi chơi Mỏ Ó và Bãi Hội Bình

Đến vùng đất tả ngạn Mỹ Thanh, nếu chưa đến Mỏ Ó, khám phá Bãi Hội Bình (tên quen thuộc là Bãi Giá), rồi thăm Cảng cá Trần Đề... thì kể như chưa trọn vẹn.

< Ông Bảy Khói (bên trái) và tác giả ở bãi Mỏ Ó ngày trước nay đã là dải rừng bần dày đặc.

Mỏ Ó là tên chỉ dải đất cuối cùng của Bãi Hội Bình nhô ra biển, có thể xem đây là điểm mốc giao nhau trên đất liền của cửa sông Mỹ Thanh và dòng Hậu Giang trước khi đổ nước ra Biển Đông. Đứng bên xóm chài Mỹ Thanh nhìn qua... mỏm đất này có hình thù nhọn như mỏ của một con ó đang mổ ra phía biển nên được mọi người đặt cho cái tên Mỏ Ó.

Ông Đăng Ngọc Chói-một người kỳ cựu ở đây dẫn chúng tôi đi thăm lại dấu tích bãi cát ngày xưa mà nay chỉ còn hình ảnh sót lại của một nồng cát với những chùm hoa muống biển. Bãi cát ngày xưa nay đã là một dải rừng bần mênh mông chạy dài từ Mỏ Ó đến tận Bãi Giá. Một dự án du lịch sinh thái cũng đã được khởi động ở vùng rừng ngập nước ở cửa sông này.

Xóm chài Mỏ Ó ngày trước nằm ở ngay đầu doi, trải dài tới đầu Bãi Hội Bình khi ấy là cả một dài cát dài hơn 3km. Sau trận sóng thần năm 1992, những cư dân ở đây được di dời vào 2 tuyến khu dân cư mới ở phía trong đê mà tuyến 1 nằm ở mé trong với bến cá hiện giờ khá sầm uất... còn tuyến 2 thì lại ở mé ngoài Giồng Bà Vĩnh với nghề canh tác rẫy: trồng đậu phộng, trồng dưa hấu, trồng bắp tuỳ theo mùa.

< Xóm Mỏ Ó những năm 1980.

Chúng tôi tin rằng rồi đây, Mỏ Ó sẽ đẹp, sẽ trù phú hơn ngày xưa nhiều bởi những con người nơi đây vẫn luôn mang trong mình tình yêu quê hương mãnh liệt. Ông Bảy Chói (Đăng Ngọc Chói-65 tuổi) ở ấp Mỏ Ó khi trò chuyện cùng chúng tôi đã giới thiệu về mảnh đất này qua bài thơ có tên Mỏ Ó* của nhà thơ Diệp Vũ, (sáng tác vào khoảng nhưng năm 80 của thế kỷ XX) mà theo ông Bảy thì “chưa có bài thơ, bài ca, bài báo nào viết về Mỏ Ó có thể qua được bài thơ này’’. Tôi trích ra đây vài câu thơ đầu:

Mỏ Ó! cái tên nghe ngồ ngộ.
Ở nơi đây có nhiều ó lắm chăng?
Câu trả lời không ai biết nguồn căn...
Tên Mỏ Ó đặt nên từ muôn thủa.
Ở một nơi xa xôi và cách trở.
Cửa Mỹ Thanh gió thổi bốn mùa.
Nơi sóng vỗ bờ nhiều tôm cá,
Ngày cuối cùng quân giặc chịu thua.
Tôi trở lại với trời xanh bãi cát,
Những hàng rau muống biển xanh tươi.
Những đoàn thuyền ra khơi đánh bắt
Sóng chiều lên Mỏ Ó reo cười...
.....

< Lên cá ở xóm ấp Mỏ Ó.

Từ Mỏ Ó, ngược theo đường Nam Sông Hậu về Cảng cá Trần Đề là xóm chài Bãi Giá ở ngay đầu bìa rừng. Thật đẹp và nên thơ khi trên những chiếc ghe, tàu đi biển... những cô gái thoăn thoắt đôi tay vá lưới. Những gò má thiếu nữ ửng hồng, e thẹn trước ống kính máy ảnh, máy quay phim. Bãi Giá đẹp, Bãi Giá thật nên thơ, nên cũng không lạ khi đây là điểm đến để vẽ tranh, tìm cảm hứng sáng tác thường xuyên của những hoạ sĩ và văn nghệ sĩ.

Điểm đến cuối cùng trên tuyến tả ngạn Mỹ Thanh mà chúng tôi ghé là Cảng cá Trần Đề - một điểm nhấn về phát triển kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng trên tuyến đường Nam Sông Hậu. Cuộc trò chuyện với Giám đốc Cảng cá, Trần Văn Chiểu đã mang đến cho chúng tôi nhiều thông tin thú vị khi anh ví von về địa thế của Cảng cá Trần Đề hiện tại đảm bảo đủ “thiên thời-địa lợi-nhân hoà”:

Đường Nam Sông Hậu đã mở xong thì giao thông hoàn toàn nối liền bến cảng với các trung tâm chế biến hàng thuỷ sản. An ninh, trật tự ở đây thì khỏi chê-rất an toàn cho các tàu cá cặp bờ lên hàng. Dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đảm bảo. Trung bình 1 tháng có hơn 250 tàu cá lớn, nhỏ cập bến lên hàng cũng đủ thấy tiềm năng của Cảng cá Trần Đề. Chưa tính tới vị trí của cảng với vùng khai thác biển Tây Nam là rất thuận tiện.

Chuyến phiêu du tả ngạn Mỹ Thanh của chúng tôi kết thúc bằng một bữa tiệc do Hảo - một “thổ địa” ở cảng cá chiêu đãi với lời giới thiệu: Đến Trần Đề mà chưa ăn con cá này thì cứ kể như là chưa đến. Đó là con cá Xạo. Cá xạo ngon phải là con cá “trân’’-nghĩa là khi bẻ phần vi đuôi của con cá thì nó chỉ cong gập lại chứ không gãy. Đó mới lá con cá xạo ngon nhất. Cá xạo hôm nay được làm 2 món phổ thông nhất ở đây là... rang muối và nấu xá pấu. Sơn - Đầu bếp Quán Quốc Việt lý giải với chúng tôi là:

< Cảng Trần Đề hôm nay.

Cá xạo thịt ngọt, lành... Ăn no bụng cũng không sao. Cá này rang muối thì để lại đầy đủ vị ngọt, thơm của thịt cá. Ăn kèm với rau thơm, bún, bánh tráng thì có thể thay cơm mà không lo “chọt bụng”. Còn nấu với xá pấu thì mang “âm hưởng’’ của người Hoa vì vừa chế biến nhanh, vị ngọt đậm đà cùng mùi thơm của thịt cá sẽ cho thực khách một cảm giác hơi khó tả...

Nếu một ngày nào đó, ta cảm thấy những bức tường vuông vức trong căn phòng máy lạnh trở nên chật hẹp, ta cần những không gian thoáng đãng với mây trời, với gió biển... hãy dành chút thời gian đến với Đồng Năn, đến với Mỏ Ó, Bãi Giá... ghé chơi Cảng cá Trần Đề. Tin rằng - bạn sẽ thấy thêm yêu con người cùng khung cảnh thiên nhiên hoà quyện sau mỗi chuyến phiêu du.
Du lịch, GO! - Theo Tuyên Giáo Sóc Trăng, internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét