(iHay) Đến với xứ Lạng (Lạng Sơn) bạn sẽ được thưởng thức món xôi cẩm đậm đà màu tím thủy chung, chứa đựng lòng mến khách.
.
Xôi cẩm xứ Lạng có màu tím nhờ nước luộc thứ lá gọi là lá cẩm, rộ nhất vào tháng tư tháng năm. Lá cẩm sau khi luộc sẽ được lấy nước đem ngâm với nếp qua một đêm.
Lá cẩm, thứ nguyên liệu chính để tạo màu tím thủy chung cho xôi |
Hạt nếp trắng tinh sau khi ngâm sẽ chuyển sang màu tím mà nhiều người thường đùa nhau đó là vì đã bị “thuốc tím” bám vào. Màu của xôi cẩm cũng chính là màu của hạt nếp sau khi được ngâm.
Đồ xôi xẩm cũng đơn giản như đồ xôi gấc, xôi đỗ. Khi đồ, để có thêm vị đậm đà bạn có thể cho vào một chút muối trắng, trộn đều, hoặc nạo thêm một ít cùi dừa trộn vào nếp để có vị béo. Nếu muốn, bạn cũng có thể dùng đỗ xanh bỏ vỏ đồ cùng xôi cẩm để tạo nên màu xanh và màu tím trên đĩa xôi.
Mùi hương bốc lên khi đồ xôi cẩm cũng rất đặc biệt so với mùi thơm của những loại xôi khác, có lẽ là vì hương lá cẩm thấm vào xôi.
Xôi cẩm có màu tím rất bắt mắt và rất dễ ăn. Một chút muối lạc ăn cùng xôi cẩm cũng rất tuyệt! |
Xôi cẩm rất dễ ăn. Chỉ cần một ít muối vừng hoặc muối lạc giã to là có thể có bữa ăn rất ngon miệng. Đặc biệt, xôi cẩm càng nhai kỹ thì vị ngọt càng đậm đà.
Nếu như xôi gấc thường được dùng trong các đám cưới thì xôi cẩm được người xứ Lạng dùng trong các bữa đón khách từ xa đến. Người xứ Lạng nói rằng xôi cẩm có màu tím, không chỉ là màu của thủy chung mà còn là màu thể hiện lòng mến khách.
Với những khách du lịch đi về trong ngày, xôi cẩm lại là món quà quê cho người ở nhà hoặc có thể mua một bó lá cẩm về nhà tự chế biến món xôi cho gia đình. Nếu có dịp lên tỉnh biên giới vùng đông bắc, bạn nhớ thưởng thức món xôi cẩm này nhé!
Bài, ảnh: Tuệ Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét