(Dân trí) - “Ngày xưa bà con dân làng có nhiều tài sản quý giá lắm, nhưng vì thương nhớ người chết nên đã chia cho người chết gần hết rồi...”.
Với người Bahnar ở đại
ngàn Tây Nguyên, khi có người thân chết, những người còn sống hàng
ngày vẫn lo cơm ăn, nước uống cho người đã khuất; chia tài sản cho họ
với suy nghĩ “mình thương nó thì nó mới thương mình”.
Người Bahnar quan niệm
rằng, chết chưa phải là hết, chết chỉ là cuộc hành trình giải thoát mọi
đau khổ trần ai để đi đến một thế giới mới - thế giới cực lạc. Và để đi
đến thế giới đó, người chết phải cần có “thời gian” và tài sản để sử
dụng. Chính vì vậy, người còn sống luôn lo chu toàn cho người chết cho
đến khi làm lễ bỏ mã, để chấm dứt toàn bộ mối quan hệ ràng buộc giữa
người chết với người sống.
Già làng Đinh HMưng
(làng Mơ H’ra, xã Kon Lơng Khơng, Kbang, Gia Lai) chia sẻ: “Nó (người
đã khuất - PV) cũng như mình vậy, cũng phải có tài sản để dành lúc ốm
đau, phải có dụng cụ để sản xuất và dùng hàng ngày. Mình yêu thương nó
thì nó mới yêu thương mình”.
Vì lẽ đó, khi gia đình
nào có người chết, người còn sống sau khi lo hậu sự sẽ tiến hành chia
tài sản cho “con ma”. Tất cả tài sản của “con ma” lúc còn sống sẽ được
người thân chia cho như chiêng, ghè, bát, nồi, rìu… Những thứ này sẽ
được người thân chôn xuống đất hoặc treo lên nhà mả của người đã khuất.
Già làng Đinh HMưng bên những tài sản mà sau này khi ông mất đi, ông sẽ được chia
Sau khi chia tài sản để
“con ma” sử dụng, hàng ngày người thân sẽ thay phiên nhau mang cơm,
nước ra nhà mả để cúng và đốt lửa cho người nằm dưới mồ. Sau đó, họ sẽ
ngồi cả tiếng, thậm chí nửa ngày trời để khóc thương, để kể cho người đã
khuất nghe tất cả mọi chuyện xảy ra trong làng, trong gia đình mình, từ
chuyện làm rẫy đến ăn uống trong gia đình. Cứ như vậy, việc cúng cơm,
nước và các cuộc trò chuyện giữa người thân với “con ma” sẽ diễn ra hàng
ngày cho đến khi gia đình chuẩn bị được đồ vật để làm lễ bỏ mả.
“Mình cho người chết
tài sản thì mai mốt mình cũng phải chết đi, lúc đó người còn sống họ
cũng sẽ cho lại mình như vậy”, già HMưng giải thích.
Một ngôi mộ với những tài sản được chia
Tình cảm của họ đối với
“con ma” không chỉ dừng lại ở việc chia tài sản, cúng cơm, trò chuyện
với người đã khuất. Mà suốt những ngày, tháng sau đó, người thân trong
gia đình luôn cố gắng làm lụng vất vả, nuôi bò, heo và trồng nhiều lúa,
nhiều mì… tạc tượng nhà mồ, để chuẩn bị cho lễ bỏ mả, giúp người đã
khuất có hàng trang đi về thế giới cực lạc.
Khi những thứ này đã có
đủ để cho toàn bộ dân làng đến ăn uống, tham gia lễ bỏ mả trong vòng 3
ngày 2 đêm, người thân sẽ tổ chức lễ bỏ mả với mục đích tiễn đưa người
chết về thế giới cực lạc, nơi có ông, bà tổ tiên đang cư ngụ. Khi lễ bỏ
mả kết thúc cũng là lúc người sống và người chết đã chấm dứt các mối
quan hệ ràng buộc. Từ nay, người sống không còn phải cúng cơm, nước, đốt
lửa hay nói chuyện với “con ma” nữa. Ngôi nhà mả sẽ không còn ai đến
thăm nom nữa.
Ông Đinh DRừng (54
tuổi, Trưởng ban công tác mặt trận làng Mơ H’ra, xã Kon Lơng Khơng) cho
biết: “Ngày xưa bà con dân làng có nhiều tài san quý giá lắm, nhưng vì
thương nhớ người chết nên đã chia cho người chết gần hết rồi. Chính vì
vậy, ngày nay nhiều người xấu ham lợi đã đào trộm mả lên để lấy những
tài sản này”.
Thiên Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét