Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Phục dâu sát đất!


(iHay) Trời sinh lá dâu không chỉ dành riêng cho con tằm, mà còn giúp bà nội trợ khéo vun vén nên bao món ngon.

.
Nghề dệt lụa, vải của dân ta đã có từ lâu đời, nổi danh với lụa Hà Đông, Quảng Nam, Lãnh Mỹ A của An Giang. Một thời, khắp ba miền đều có những nương dâu bạt ngàn. Thế nhưng, đa phần người ta chăm dâu chủ yếu để vừa miệng tằm.
Dâu tươi, dâu tốt
Cây dâu giàu vị thuốc Nam - Ảnh: Tạ Tri
Mặt khác, kinh nghiệm và tín ngưỡng dân gian vẫn coi trọng cây dâu. Họ thường lấy nhánh dâu nhỏ, tiện ra làm xâu chuỗi đeo tay cho trẻ em ngủ ngon giấc - không bị ma quỷ quấy phá - ít đổ mồ hôi trộm.
Chủ một nhà hàng nướng ở quận 3, TP.HCM, vẫn cho trồng chậu dâu trước cửa, mong “trừ tà”, việc làm ăn suông sẻ.
Thấy những chiếc lá non mơn mởn phe phẩy và biết giống cây này rất mạnh, nên người viết bày anh hái lá ăn kèm với các món thịt nướng. Ban đầu, anh có vẻ tiếc nuối. Song khi trông mấy lát thịt heo rừng lai nướng muối ớt, “núp” trong vườn dâu quá dễ thương anh lại... động lòng!
Dâu tươi, dâu tốt
Dâu tơ “ru” heo rừng lai - Ảnh: Tạ Tri
Cuốn nhanh mỗi lát thịt trong chiếc lá dâu tơ, rồi nhai chầm chậm, sẽ nghe thêm ngọt bùi!
Dường như, người miền Nam không biết nhiều món ngon từ lá dâu bằng người miền Trung. Có thể, do được thiên nhiêu ưu đãi nên họ có quá nhiều rau cỏ non mướt để chọn lựa. Tiếc thay, có người quên bẵng đi gốc dâu sum suê gần thành cổ thụ bên hông nhà.
“Mần răng mà hoang phí rứa!”, biết chuyện một chị bạn gốc Huế trách. Chị líu lo kể rằng, khi em trai chị bị nóng sốt hoặc chị học hành căng thẳng, “mạ” (mẹ) thường nấu canh rau thập toàn với ít tép đất giã hoặc hến cồn cho ăn. Món này khá giống canh tập tàng Nam bộ, gồm nhiều loại rau dại: lá dâu, lá lốt, rau sam, bù ngót... Như “có phép tiên”, người bệnh thì bớt sốt, học trò chìm vào giấc ngủ thật sâu. Ăn thường, có hôm chị sém trễ học, vì bị dâu “vật”, nắng rát đọt cau mà mí mắt chị mở nổi mới... nửa con!
Nếu dùng đọt non cây dâu mang luộc, chấm với mắm cái hoặc các món kho thì công dụng cũng tương tự.
Đồng thời, các món “môn đăng hộ đối” khác là nhộng tằm xào, thịt heo hoặc vịt, gà quay cuốn lá dâu chấm với nước xốt pha từ tương mặn, mù tạt, mè rang sơ giã nhuyễn hoặc tương mặn cùng cà chua hấp, giầm ớt hiểm xanh. Dâu xanh không những hạn chế sự ớn ngấy của món ăn giàu đạm, lắm chất béo mà còn cung cấp nhiều khoáng tố và chất xơ giúp cân bằng dinh dưỡng hơn.
Tạm gát chuyện ăn ngon mặc đẹp, phải công nhận sức cống hiến của con tằm - lá dâu thật đáng nể! Ngàn đời, tằm vẫn nợ dâu, còn dâu lại nợ đất với tình người. Đến đây, mối quan hệ tương hỗ ở nghĩa rộng dần hé mở. Tạm hiểu, người phố thị nợ bác nông phu công lao làm ra hạt gạo. Người trí thức nợ đất nước những đóng góp đáng kể... Cứ noi gương dâu mà cố góp sức cho đồng bào mình!
Tạ Tri

Lạ miệng gà nướng lá dâu tằm

(iHay) Món ngon Hà Nội cổ này từng được Vân Đài, nữ thi sĩ Việt Nam đầu tiên trong làng Thơ mới mô tả trong cuốn sách nấu ăn “Làm bếp giỏi” của bà.


Lạ miệng gà nướng lá dâu tằm cho ngày cuối tuần
Một món ngon thuần Việt, lãng mạn và rất dễ thực hiện - Ảnh : Riamedia 
Nguyên liệu:
- Gà ta: 1,5 kg- Mỡ nước: 100 gr- Lá dâu non: 30 lá- Kẹp tre tươi: 15 chiếc- Hành khô: 4 củ- Gia vị: muối, đường, nước mắm, tiêu
Cách làm:
- Gà lọc bỏ xương, thái miếng vừa ăn, ướp gia vị tiêu, đường, muối, nước mắm, hành khô giã nhỏ trong 30 phút.
- Trụng sơ lá dâu trong nước sôi, để ráo.
- Trải lá dâu ra và gói miếng gà lại, chú ý gạt hết hành không cho bám vào thịt gà để tránh bị cháy.
- Kẹp gà đã gói vào que tre. Quạt hồng than hoa, cho kẹp gà vào nướng chín, vừa nướng vừa quết mỡ lên miếng gà gói lá dâu đến khi thịt chín thơm.
Bếp Gạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét