(iHay) Ấn tượng về thịt gà bắp lượng mỡ béo thanh đến bóng môi ngọt giọng, khác biệt hoàn toàn với gà công nghiệp thịt bở rệu, mỡ lạt lẫn tanh đến không chịu nổi.
Đó là giống gà ta, nuôi thả rong, được cho ăn bắp từ nhỏ đến khi bị... “khỏa thân”. Da gà vàng tự nhiên - không cần nhúng nước nghệ hoặc trà - vẫn căng bóng, lấm tấm mấy hạt mỡ cỡ hạt gạo tấm. Mới nhìn thôi, đã ngẹn ngào... cả suối nước bọt!
Chuyện gì cũng có đầu có... hẻm (đuôi) của nó. Cách nay gần 2 năm, trong một lần tham gia chương trình truyền hình nhân đạo ở vùng sâu thuộc Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi được một người mẹ tốt bụng đãi nồi cháo gà nêm thật nhiều hành lá. Mưa rừng tháng bảy lúc ấy, đổ tối trời tối đất. Nhóm chúng tôi vừa phải leo đèo để quay phim tái hiện cảnh cũ, vừa chạy trốn mưa mệt muốn đứt hơi và lạnh tê tái.
Nồi cháo gà cỡ 2 lít nước, dán mỡ vàng ánh, lấp lánh hành tươi, ngát thơm và hấp dẫn làm sao!
Lẽ thường, khi đói người ta ăn gì chẳng thấy ngon. Song điều ấn tượng của tôi về những miếng thịt gà hôm ấy là, chứa lượng mỡ béo thanh, bóng môi ngọt giọng. Nó khác biệt hoàn toàn với gà công nghiệp thịt bở rệu, mỡ lạt lẫn tanh đến không chịu nổi.
Hỏi ra mới biết, đó là giống gà tam hoàng được thả lang và cho ăn bắp đỏ. Và tôi chợt nghĩ, nếu nuôi gà ta theo mô hình này thì chất lượng thịt sẽ tuyệt vời hơn nhiều.
Gần đây, có dịp gặp một số chuyên gia gà, từ miền Đông, TP.HCM, họ đều công nhận gà ăn bắp ngon “số zách”! Cho nên, khát khao “đụng chạm” da thịt con gà sinh thái này thêm cháy bỏng! Nào ngờ, trời cao không phụ người... mê món lạ! Trong một lần đi rong về làng bưởi Tân Triều, dạo vườn chú Năm Huệ, được ngắm bưởi chùm, ăn bưởi hấp, xào... đủ kiểu. Nhờ tật... chuyện nhiều, con gái chú Năm mới cho hay: “Ở đây cũng có gà bắp. Tìm đông, kiếm tây chi cho thêm mệt vậy!” Được biết, nguồn gà này gia chủ thu mua từ các huyện Định Quán, Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai.
Vậy là hí hửng đặt hàng ngay, nhanh chân tìm chổ đủ ánh nắng chiều, để chụp lại khoảnh khắc “trần trụi” của cái con từng ước ao! Mùi mỡ gà thơm ngất ngát và thanh thoát. Nó nhởn nhơ đùa giỡn cùng mấy làn gió sông La Ngà mát rượi, lúc con nước lớn gần mấp mé bờ. Nó tra tấn... không thương tiếc khứu giác nhạy cảm của người cầm máy. Đúng là vật “ác nhơn”!
Vậy là hí hửng đặt hàng ngay, nhanh chân tìm chổ đủ ánh nắng chiều, để chụp lại khoảnh khắc “trần trụi” của cái con từng ước ao! Mùi mỡ gà thơm ngất ngát và thanh thoát. Nó nhởn nhơ đùa giỡn cùng mấy làn gió sông La Ngà mát rượi, lúc con nước lớn gần mấp mé bờ. Nó tra tấn... không thương tiếc khứu giác nhạy cảm của người cầm máy. Đúng là vật “ác nhơn”!
Gà nặng gần hai ký, mình luộc, còn bộ lòng và huyết gửi vào thố cháo đậu xanh bốc khói với nhiều khúc hành gốc trắng xanh và tiêu giã lấm chấm đen tỏa hương thơm la đà! Ban đầu, ngỡ năm đứa chúng tôi “xử” không hết còn gà mập mạp, nào ngờ lại thiếu! Bởi trước đó khoảng 2 giờ, chúng tôi đã ăn trưa căng bụng. Vốn thân quen, nên chúng tôi không ngại lau tay thật sạch, thong dong điều khiển “đội quân” năm ngón mới đúng điệu. Bởi ông bà ta từng dạy: “Thịt gà, cơm nếp, đàn bà, cả ba thứ ấy đều là dùng tay” (Thành ngữ)! Thú ăn bốc còn gợi nhớ thời ấu thơ lém lỉnh, hễ hôm nào mẹ nấu món gì ngon thì lẻn nhanh vào bốc vụng nhưng lại không biết cách chùi mép... “triệt để”.
Da gà khá dày, giòn sừn sựt lẫn beo béo càng ăn càng mê mẩn. Vị béo tạo cảm giác thanh ngọt nơi vòm họng, khiến những mảnh da gà bắp thêm... mong manh! Còn những sớ thịt gà màu trắng hơi đục, đó là điểm phân biệt rõ ràng giữa thịt gà ngon với gà công nghiệp (trắng phau). Chúng đầy đặn, bóng mỡ vàng tươi, mềm dẻo, ngọt bùi đến khó quên! Rau ăn kèm, chỉ là thân cây chuối hột non xắt mỏng, ngâm qua nước muối, rửa lại nước sạch. Dân dã vậy mà hấp dẫn “thấu trời”! Rau chuối giòn rào rạo lẫn ngọt thanh, “tiễn đưa chị” gà bắp béo thật mượt mà.
Lúc “sinh thời” gà thường nương náu trong mấy bụi chuối, khi bới hang giun tìm ổ mối, lúc tránh cái nắng oi bức hoặc lơ đễnh xòe cánh ngủ trưa. Nay cũng chuối “tống tiễn” gà cùng bầu rượu bưởi chân quê mới chứa chan tình nghĩa “xóm giềng”!
Hương vị rượu ngòn ngọt, chua chua có hậu the cay đặc trưng không lẫn vào đâu được, khiến thực khách thêm thèm ăn và giúp tiêu thực hiệu quả. Rượu được ủ từ nước cốt muối bưởi, loại vừa chín tới, và ít rượu nếp, khoảng 13-14 độ. Ướp lạnh hoặc rót vào cốc với nhiều viên đá nhỏ, như một dạng vang khai vị rất “bén” mồi. Song nếu bạn cứ uống tì tì suốt bữa ăn, có thể say lúc nào không hay.
Như đã nói, ăn gà bắp nghe nhạc rock Da vàng sẽ bị chỏi ngay! Nhạc Phạm Duy, với bài “Bà Mẹ Quê” sẽ sâu lắng hơn: “Vườn rau, vườn rau xanh ngát một màu/ Có đàn, có đàn gà con nương náu/ Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều/ Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu... Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy/ Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy... Bà bà mẹ quê, chân bước ra đời rồi xa...”
Thành quả nào cũng “trần ai lai khổ” mới có được. Con gà bắp muốn ngon thuyết phục phải nuôi thả rong suốt 5 - 6 tháng trời mới ăn được. Điều này, không khó với những đôi tay quen tần tảo. Song đa số họ còn thiếu niềm tin với các chủ hàng quán: chưa có cam kết tiêu thụ! Một lái gà giàu kinh nghiệm cánh miền Đông còn tư vấn thêm rằng, coi chừng ăn nhằm “gà ngô”. Đó là giống gà ta hoặc tam hoàng lai nuôi trang trại, được cho ăn thức ăn công nghiệp. Đến tháng cuối trước khi xuất chuồng, chủ sẽ “ép” gà ăn bắp cho thêm mập và da cũng vàng vàng. Mặt khác, hai cơn bão dịch bệnh H7N9 và H5N1 đang manh nha nổi lên ở Trung Quốc cũng như đã thẳng tay “vật chết” một số gà vịt nhỏ lẻ ở tỉnh Đồng Tháp và đàn chim én tại Ninh Thuận của nước ta, khiến không ít người nơm nớp lo sợ. Thêm một nguy cơ chóng vánh vỡ đàn gà bắp đáng quý, cánh miền Đông và Tây Nguyên, nếu gia chủ và bộ phận thú y địa phương không đẩy mạnh các biện pháp tiêm phòng kịp thời.
Một số người bạn “đạo” thịt gà ở TP.HCM còn dự đoán tình hình sẽ xấu hơn, vì gặp lúc giao mùa - nắng mưa bất chợt. Do vậy, họ tranh thủ rủ nhau đi “viếng” những điểm bán gà ngon, có giấy kiểm dịch, nhân dịp nghỉ lễ.
Tấn Tới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét