Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Giữ câu hát ống cổ xưa

Đôi nam nữ đứng cách nhau hàng chục mét, nhưng nhờ có dụng cụ đặc biệt nên họ vẫn nghe rõ mồn một tiếng hát của nhau. Nghệ thuật hát ống độc đáo này đã được khôi phục ở thôn Hậu (Tân Yên, Bắc Giang).

 Kết nối đam mê
Đường về thôn Hậu, xã Liên Chung (Tân Yên, Bắc Giang) nằm sâu trong những con ngõ nhỏ góc làng, chúng tôi tìm đến câu lạc bộ (CLB) hát ống, hát ví của xã vào đúng dịp làng có hội, mọi người kéo nhau đi nghe hát trong không khí náo nức. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đài (72 tuổi ở thôn Hậu) người đã tham gia hát ví, hát ống khi còn ở tuổi thiếu thời cũng là một trong những người có công sưu tầm, khôi phục vốn văn hoá quý giá này.
Ông nói: “Không nhớ rõ hát ống hát ví có tự bao giờ, nhưng chỉ nhớ rằng khi tôi còn rất nhỏ đã được nghe các cụ cao niên trong làng hát vào mỗi dịp hội làng. Khi tôi lên 16 tuổi, tôi được ông nội truyền dạy và còn nhớ cho đến ngày nay”.
Hình thức hát ống giao duyên của đôi nam nữ.
Hình thức hát ống giao duyên của đôi nam nữ.
Nghệ thuật hát ống, hát ví khá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ bởi loại hình sinh hoạt này đã vắng bóng từ lâu. Mãi cho đến tháng 4.2012, môn nghệ thuật này mới được phục dựng và ngân vang trở lại. Ông Ngô Văn Nguyên – Chủ nhiệm CLB Hát ống, hát ví Liên Chung phấn khởi nói: Quá trình phục dựng điệu hát này cũng vất vả. Ban đầu vài ba thành viên lớn tuổi tập hợp nhau lại, sau dần kết nối thêm nhiều người đam mê ca hát. Cho đến nay CLB hát ví, hát ống đã có 31 thành viên. Thời điểm nhộn nhịp nhất vào tháng 3 âm lịch, sau khi đón tết, các lễ hội được tổ chức, có các đơn vị mời chúng tôi đến để giao lưu, khi thì tổ chức hội thi… Bên cạnh đó, CLB đã không ngừng sưu tầm những bài hát cổ, phân loại và truyền dạy cho hội viên”.
Ông Nguyên vui vẻ “khoe” thành tích: Sau 1 năm phục dựng, CLB đã đi diễn khắp nơi, đặc biệt các hội thi văn hóa các dân tộc miền bắc đều có giải, dù không cao nhưng đó là sự động viên tinh thần, niềm tự hào cho bà con xã Liên Chung.
Dụng cụ độc đáo
Nói đến nghệ thuật độc đáo này, ông Đài cho biết: Hát ống về hình thức vẫn là hát ví nhưng hai bên hát thông qua một dụng cụ là hai chiếc ống bằng tre có đường kính từ 7-10cm, dài chừng 15-20cm thông hai đầu, một đầu được bịt bằng da ếch, liên kết hai ống với nhau bởi một sợi dây tơ tằm buộc vào hai chiếc kim khâu. Tuỳ thuộc vào cự ly hát mà sợi dây dài hay ngắn, thường là từ 60 - 70 sải tay. Khi hát, âm thanh làm các màng da ếch rung lên, tín hiệu âm thanh truyền qua sợi dây tới đầu ống bên kia, người nghe dù đứng xa hàng chục mét vẫn nghe rõ tựa như phát ra từ loa nhỏ.
“Việc bảo tồn hát ví vẫn được một số người dân nơi đây lưu truyền, khôi phục thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng như liên hoan văn nghệ quần chúng, các buổi đi cấy, đi cày, câu hát ru mà các bà, các mẹ thường hát cho con cháu nghe...”.
Lý giải cho sự ra đời của nghệ thuật này, ông Đài cho rằng: Ngày trước, thời các cụ “nam nữ thụ thụ bất thân”, dù có thương nhớ nhau cũng chỉ bày tỏ qua lời ca, câu hát. Do vậy, các cụ đã sáng tạo ra môn nghệ thuật hát ống để có thể truyền nhau những tiếng hát giao duyên, hát đối nam – nữ… gửi gắm tâm tư, tình cảm yêu thương.
Người con trai hỏi: “Hỏi cô thắt cái bao xanh/Có về làng Hậu quê anh thì về/Làng Hậu có gốc cây đề/Có sông tắm mát có nghề làm ăn”. Người con gái đáp: “Thương anh em cũng muốn về/Chỉ e vụng dại bạn chê, người cười/Thương nhau chín bỏ làm mười/Thế gian cứ nhại ai cười mặc ai”.
Chị Nguyễn Thị Lộc - thành viên CLB Hát ống, hát ví xã Liên Chung háo hức nói: “Tôi là người làng bên, năm 18 tuổi về nhà chồng thì được chính cụ Nguyễn Thị Lược- mẹ chồng tôi truyền dạy. Khi biết xã có chính sách khôi phục lại nét văn hóa cổ xưa này tôi tham gia ngay, cho đến nay CLB đã đi diễn khắp nơi. Đi hát thế này chúng tôi không có kinh phí, nhưng chị em ai cũng phấn khởi. Giao lưu với bạn nghề, học hỏi thêm kinh nghiệm cũng như văn hóa của các đội bạn giúp chúng tôi hiểu hơn về văn hóa truyền thống của quê hương”.
Ông Dương Minh Hiểu - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết: "Khó khăn lớn nhất là hình thức nghệ thuật này đã bị mai một cách đây khoảng hai chục năm, những nghệ nhân có tâm huyết hiện nay không còn nhiều, kinh phí hoạt động của CLB hạn hẹp. Tới đây, chúng tôi dự định sẽ đưa hát ví, hát ống vào các trường học trong xã để giới thiệu cho thế hệ trẻ biết và trân trọng một giá trị văn hóa, tinh thần của quê hương".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét