Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Người Hà Nhì ăn tết Hồ Sự Chà đầu năm

May mắn trong chuyến công tác cuối năm tại tỉnh Lai Châu, chúng tôi đã có dịp vui xuân mới với bà con Hà Nhì ở Mường Tè - miền biên viễn xa xôi của cực Bắc Tổ quốc.
Bà con Hà Nhì là một trong những tộc người thiểu số, sống tập trung tại Tây Bắc, nơi có lượng lớn nhất là ở tỉnh Lai Châu với khoảng hơn 13.000 người. Trong những năm đổi mới, nhiều nét văn hoá của người Hà Nhì vẫn được giữ nguyên, trong đó có tục ăn tết đầu năm - Hồ Sự Chà.
Người Hà Nhì ăn tết Hồ Sự Chà đầu năm
Bánh được gói trong lá chuối hơ lửa đã mềm, là món cúng tổ tiên đầu năm mới.
Người Hà Nhì ăn tết làm 2 lần, lần thứ nhất bắt đầu vào ngày con rồng đầu tiên của tháng con chuột; kéo dài trong 5 ngày và kết thúc vào ngày con khỉ (thường là vào tháng 11 dương lịch tức tháng 10 âm lịch). Trong lần ăn tết thứ nhất này nhà nào cũng chỉ mổ lợn và làm bánh giầy để cúng tổ tiên.
Lần ăn tết thứ hai bắt đầu vào ngày con rồng tiếp theo, khi ấy mới chính thức bước vào năm mới. Ở lần ăn tết thứ hai này, người Hà Nhì chỉ mổ gà và làm bánh trôi để cúng tổ tiên. Thời gian của lần ăn tết thứ 2 này kéo dài trong 3 ngày với nhiều lễ hội văn hoá truyền thống, những trò chơi dân gian và cũng là dịp trai - gái tâm tình, tìm bạn kết đôi, nên duyên vợ - chồng.
Trong Tết Hồ Sự Chà, bánh giầy là món không thể thiếu và cũng là lễ vật cúng tổ tiên vào đầu giờ sáng ngày Tết đầu tiên. Làm bánh giầy mất rất nhiều công đoạn, chủ yếu nhờ vào bàn tay dẻo dai, khéo léo của người phụ nữ Hà Nhì. Vì vậy, ngay từ khi con gà rừng chưa cất tiếng gáy le te báo sáng, các bà mẹ đã đánh thức con gái, con dâu dậy để giã bánh giầy, khắp bản vang lừng tiếng chày nhộn nhịp.
Sau lễ cúng bánh giầy, mọi người tập trung mổ lợn để ăn tết. Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó làm ăn được, mùa màng bội thu. Bởi thế những con lợn mổ tết thường là những con lợn đã được chủ nhà dày công chăm sóc trong cả năm qua, nhiều con nặng tới hơn 1 tạ.
Thịt lợn được chế biến thành nhiều món ăn trong ngày Tết của người Hà Nhì nhưng nhà nào cũng không thể thiếu món nộm thịt với vỏ của một loại cây rừng mà họ gọi là “Á Pé Khu Po”, vừa ngon vừa tăng cường sinh lực dẻo dai.
Đặc biệt, việc cúng tổ tiên trong ngày Tết của người Hà Nhì là do phụ nữ đảm nhiệm. Bàn thờ bên nội của người Hà Nhì được đặt ngay bên trên đầu giường ngủ của vợ chồng chủ nhà. Còn bàn thờ bên ngoại được đặt ở góc bếp. Bàn thờ chỉ là một chiếc giỏ đan bằng tre rất nhỏ hoặc 1 chiếc que cắm vào vách tường.
Không cứ người dân trong bản, kể cả người nơi khác đến với bà con trong dịp này đều được chào đón và có thể đến thăm, chúc tết, cùng nhau ăn uống và chúc tụng cho nhau một năm mới may mắn, mạnh khỏe.
Sau những ngày Tết đầu năm, người Hà Nhì lại đoàn kết bên nhau, cùng bộ đội biên phòng giữ gìn biên cương và xây dựng đời sống ngày một ấm no, hạnh phúc nơi biên ải xa xăm Tây Bắc của Tổ quốc !
Theo Dân Việt

Tết ngày rồng ở bản Hà Nhì

 

"Từ xa xưa, khi thần núi cho phép người Hà Nhì đến định cư ở xứ sở này thì Jé Khù Chà (tết mùa mưa) đã được phán phải trở thành dịp lễ hội trọng đại nhất trong năm của bản làng.
Người Hà Nhì chuẩn bị Jé Khù Chà trước 7 hôm, ăn uống trong 7 ngày, 7 đêm và ngày bắt đầu hành lễ phải là ngày con rồng" - bên bếp lửa sàn rừng rực cháy, già Pờ Hà Chí ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu kể.
Jé Khù Chà của đồng bào Hà Nhì được diễn ra vào tháng 7 âm lịch hàng năm khi mùa vụ đã được thu hoạch xong, nhà nhà rảnh rỗi và theo tiết trời cũng là bắt đầu vào mùa mưa. Ngày chính thức bắt đầu phải được cả cộng đồng thống nhất thông qua cuộc họp toàn bản và đương nhiên phải chọn ngày lò no (con rồng) để bắt đầu hành lễ.
Tết ngày rồng ở bản Hà Nhì
Phụ nữ Hà Nhì làm bánh giầy chuẩn bị cho Jé Khù Chà.
Buổi sớm tinh sương ngày con rồng đã được chọn, mỗi gia đình trong bản sẽ cử một đại diện khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhất đeo gùi mang 3 ống tre ra suối để lấy nước lộc. Nước đựng trong 3 ống tre không được để sánh ra ngoài, phải cẩn thận mang về đặt cạnh bàn thờ để dùng nấu đồ cúng tổ tiên.
Tiếp đó đại diện gia chủ sẽ vào rừng thiêng, đến vị trí thờ cúng chung của cả bản để dựng lán bày đồ cúng, trong khi đó ở nhà những người phụ nữ sẽ làm bánh giầy, chọn ra 9 cái ngon nhất dâng cúng tổ tiên. Sau làm bánh là mổ lợn để xem gan nhằm biết được điềm tốt, điềm xấu trong năm tới.
Người Hà Nhì cho rằng, nếu bộ gan lợn còn nguyên, không bị sứt, mật đầy, lá gan úp ở trên nhô cao, dây nối giữa hai lá gan tương đối thẳng thì đó là điềm báo hiệu một năm kế tiếp tốt lành, bội thu cho gia đình. Nếu gan lợn không được như ý, gia chủ sẽ chọn một ngày gần nhất mời thầy cúng về làm lễ hóa giải.
Trong Jé Khù Cha, nhà nào trong bản cũng dựng một cây xích đu ở gian bên phải. Cây đu được buộc hai dây lên xà nhà và buộc một miếng ván ở giữa để trẻ con vui chơi. Ở đầu bản dựng một cây đu lớn để tất cả mọi người sau khi làm lễ, ăn uống sẽ ra đó vui chơi.
Trong suốt 7 ngày diễn ra Jé Khù Chà, tất cả mọi người đều kiêng không đi nương, không làm bất cứ việc gì. Bởi theo đồng bào Hà Nhì, khi tiến hành cúng thần linh, cúng tổ tiên phải ở nhà, vui vẻ mới thể hiện sự thành tâm.
Theo Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét