Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Những miền hải sản


Sản vật của biển, dọc chiều dài đất nước nơi nào chẳng có, song một số vùng miền lại có những đặc sản rất nổi tiếng mà người sành ăn không thể bỏ qua.

Tôm hùm Nha Trang, cua vua Sa Huỳnh
Việt Nam có nhiều món hải sản được xưng vương, xưng đế. Điển hình như giống cua vua Huỳnh đế, đặc sản lừng danh của vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Cua Huỳnh đế thường rộ vào mùa Xuân (tháng 12 đến tháng 3 Âm lịch), ôm đầy gạch và bụng trứng đỏ hồng căng mọng. Món cua Huỳnh Đế được chế biến đơn giản: hấp, chấm với muối tiêu ớt xanh hoặc xóc với muối tỏi. Cũng có thể làm món rang me, rang tỏi hay nướng, nhưng để đỡ bất tiện vì chiếc mai dày cộm, cua thường được chặt đôi, phần thịt vì thế bị mất nước nên giảm mất độ thơm ngon. Người dân vùng Sa Huỳnh còn lóc thịt cua, phi hành thơm và nấu cháo. Tô cháo cua vua ngon lành, giàu đạm nhờ thịt cua trắng phau, lớp trứng gạch hồng và ánh màu vàng ươm của gạch cua xào, vừa bắt mắt, vừa thơm phức rất dễ ghiền.
 
Tôm vua thì phải kể đến tôm hùm Nha Trang, một thương hiệu nổi tiếng vượt ngoài biên giới. Đối diện với con tôm xanh óng, gạch đóng một dọc vàng ươm ở sống lưng cũng đủ để mường tượng ra vị béo ngùi béo ngậy của món hải sản thượng hạng này. Món đơn giản nhất là tôm hùm nướng, dùng với muối tiêu chanh. “Tây” hơn thì nướng phô mai, xốt bơ hay nấu xúp ăn. Có thời người Nha Trang phải nhịn miệng để “đãi khách nhiều tiền”, nhưng nay thì tôm hùm được nuôi nhân rộng, món ngon cũng vì thế mà phổ biến hơn.
Nếu muốn ăn ngán thì phải lặn lội ra vùng Quảng Ninh mới đúng điệu. Con ngán Hạ Long to hơn con nghêu, có nơi còn gọi là con vọp. Món này trở thành đặc sản không chỉ vì độ béo, thịt ngọt mà còn do cách thưởng thức rất đặc biệt của người dân nơi này: trụng qua nước sôi rồi bóc lấy thịt dằm trong rượu trắng. Rượu ngán khi uống nóng sẽ cảm nhận hương vị biển thật đậm đà.
 
Sò huyết Ô Loan, mực trứng Phan Thiết
Sò huyết bấy lâu nay “chết tên” với đầm Ô Loan, nhờ chất lượng thịt thuộc hàng thượng hạng. Thưởng sò huyết tự chế ngay tại đầm cũng là cái thú của nhiều du khách phương xa. Con sò vừa cào được còn tươi rói, rửa sạch và tách ngang, ăn sống với muối tiêu chanh, thịt béo và chắc là món khoái khẩu của rất nhiều người. Người “yếu bụng” thì chỉ cần một lò than hồng, nướng cho sò dậy mùi thơm phức, thịt ăn hơi dai mà vẫn béo, còn sò huyết cháy tỏi thì "đưa cay" cả ngày vẫn thòm thèm.
 
Mực thì vùng nào cũng có, nhưng chọn mực trứng bằng lóng tay hay ăn… răng mực thì phải về Phan Thiết. Loại mực trứng dài tầm ngón tay, nhỏ con mà chất lượng. Cách chế biến thì cực kỳ đơn giản, ngon nhất là hấp chín chấm nước mắm gừng, mà phải là loại nước mắm nhĩ Phan Thiết mặn mòi ngọt hậu, hoặc chiên giòn ăn với rau răm, tương ớt. Vị béo của trứng mực nhờ lớp da giòn bên ngoài kéo lại nên ăn bùi miệng, chẳng biết ngán, xứng đáng là món cao lương mỹ vị trong làng hải sản. Riêng loài mực lớn, người dân Phan Thiết còn không bỏ sót thứ gì, kể cả răng. Răng lớn thì dành để luộc, loại vừa vừa thì ướp rồi xiên vào que để nướng hoặc xào lăn. Có người hỏi cái thứ răng ấy như cồi cứng, nhai trệu trạo, ngon ở điểm nào? Thế mà cái ngon, theo dân địa phương lý giải, lại nằm ở sự cứng cỏi, lạo xạo ấy. Bẻ một miếng bánh tráng nướng xúc răng mực thì không chỉ ngon miệng mà còn… vui tai, bởi tiếng nhai bánh tráng rôm rốp hòa với chất sừn sựt, giòn giòn của răng mực.
 
Giấm nuốc Huế
Nếu đến Huế thì hãy thử một lần ăn sứa kiểu Huế, được định danh bằng cái tên lạ lùng: giấm nuốc. Nuốc Huế thành đặc sản, đơn thuần vì con nuốc xứ này tuy nhỏ chỉ bằng nửa trái chanh nhưng đầy đặn, dày và giòn, còn gọi là sứa chén. Nuốc tươi thường phải ngâm với lá ổi cho giòn. Một tô giấm nuốc hấp dẫn trước hết phải có đầy đủ sắc màu. Màu xanh mướt của nhiều thứ rau sống, màu cam sóng sánh của chén nước dùng làm từ tôm kho đánh lên sền sệt, màu vàng chả cua thơm lừng, sắc trắng tinh tươm của bún và ánh xanh trong vắt từ nuốc tươi. Cho đến bây giờ, vì sao người Huế gọi sứa là nuốc và một món ăn không có chút giấm nào là “giấm nuốc” thì vẫn chưa có lời giải. Chỉ biết rằng giấm nuốc là “tuyệt chiêu” mùa hè của ẩm thực Huế.
 
Bài và ảnh: HIỂN DANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét