Không rõ tự bao giờ, ở Làng Ngái (xã Hương Ngải, Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội) đã hình thành những phiên chợ độc đáo trước và sau tết âm lịch.
Mỗi năm chợ chỉ họp một lần và chỉ chuyên bán mua một mặt hàng, nó đã trở thành một nét văn hóa truyền thống “đến hẹn lại lên” của ngôi làng cổ nàyTên gọi chung là Chợ Ngái. Tùy theo từng phiên, chợ sẽ được gọi ghép thêm tên của mặt hàng. Theo thời gian, có 5 phiên sau: Chợ Ngái Vàng Mã, Chợ Ngái Lá Dong, Chợ Ngái Hàng Cam, Chợ Ngái Hàng Cá và Chợ Ngái Hàng Gà.
Trong đó, phải kể đến 2 phiên chợ vẫn được coi là sôi động nhất.
1- Chợ Ngái Lá Dong
Chợ họp vào 21 tháng Chạp hàng năm với mặt hàng đặc biệt đó là lá dong để gói bánh chưng ngày Tết. Kẻ mua người bán rất đông. Những bó lá dong và giang ống được mở tung ra. Người ta cân nhắc xem nhà định gói bao nhiêu cân gạo bánh để chọn mua lá dong và mua giang làm lạt. Họ chọn ra những ống giang “bánh tẻ” ưng ý nhất rồi gõ gõ vào ống cho chúng phát ra những âm thanh nghe như đàn t'rưng, qua những âm thanh ấy mà người mua biết chọn ống nào cho được lạt dẻo, tốt...
“Chợ Ngái Lá Dong” họp từ sáng sớm đến khoảng 9, 10 giờ thì tan và ai nấy lại vội vàng tấp nập làm nốt những công việc đồng áng, cố gắng thu gọn công việc sớm để ăn tết cho ngon. Nhiều năm rét muộn, chợ họp lúc còn mưa phùn gió bấc mà vẫn đông vui.
Chợ hôm nay vẫn họp tại nơi sơ khai của nó ở Ngã ba làng. Lá dong xanh, ống giang tươi và củi đun từ nhiều nơi trong làng, ngoài xã vẫn ùn ùn kéo về. Chợ nay tấp nập hơn xưa do sự đa dạng về phương tiện đi lại và chủng loại mặt hàng…
Xưa người dân mang đến chợ những gánh củi gộc tre rễ khô tua tủa. Thứ này đun bánh rất đượm lửa, luôn mang lại không khí nồng ấm suốt đêm luộc bánh. Nay mặt hàng củi bán được thay bằng củi bạch đàn, củi gỗ thải, than tổ ong...
Đi chợ chủ yếu vẫn là các bà, các chị nhưng người mua, kẻ bán hôm nay có vẻ thoáng hơn, ít so đo hơn xưa. Những học sinh sinh viên, những người con xa quê lập nghiệp về nghỉ tết sớm, rủ nhau ra chơi chợ, khiến cho không khí xuân tràn ngập chợ quê.
2- Chợ Ngái Hàng Cá
Chợ cá họp vào ngày mùng 3 Tết và năm nào cũng vậy, chật cứng người mua kẻ bán. Cá đủ loại được thả trong những chiếc thuyền con làm bằng tôn hoặc những chiếc thúng đan bằng tre đã được trát sơn ta rất kỹ.
Người bán ngồi thành từng dãy, quần áo xắn cao, luôn tươi cười mời chào mặc cho thời tiết rét buốt. Người mua thì cũng đủ kiểu. Người có tiền mua những con cá to: Chép, Mè, Quả, Trắm; người ít tiền mua mớ cá Diếc, cá Rô…
Chợ còn có cả dãy hàng rau, chủ yếu là các loại rau sống ăn kèm hay rau nấu với cá, nhiều nhất vẫn là rau cần . Vào tháng 10 âm lịch khi mưa rào đã dứt, mùa màng thu hoạch xong, người ta tổ chức tát ao và cấy rau cần. Rau cần cấy ở ao bùn luôn tươi tốt và hương vị thơm ngon, đăc trưng của miền quê Bắc bộ. Những cọng rau cần non, trắng phau, trộn bún ăn với cá rán hoặc cá nướng chấm tương… thật ngon!
Chợ Ngái Hàng Cá cũng chỉ họp trong khoảng thời gian rất ngắn, tầm hai tiếng đồng hồ là tan, nếu ai đi chậm thì vác rổ về không. Vì thế người đi bán và người mua đều cố gắng đến chợ từ sớm. Ngày xưa cá được xâu qua mang bởi chiếc lạt giang dẻo và chắc, những người chợ về một tay xách rau, một tay xách cá, tỏa về các xóm nói cười ríu rít. Và chỉ một lát sau, cả làng cùng thơm nức mùi cá rán, cá nướng…
Xưa làng còn nhiều ao đầm nên dịp này làng lại rộn ràng tát ao bắt cá. Từ thập niên 90 đến nay ao đầm bị thu hẹp, nguồn cá tự nhiên giảm đi rõ rệt. Cá tươi chủ yếu hôm nay được đánh bắt từ những trang trại nuôi cá thả chuyên nghiệp từ các nơi chuyển về.
Chợ Cá họp vào ngày mùng 3 tết, có lẽ vì sau mấy ngày tết ngây ngất rượu thịt, bánh trái… Mua cân cá về làm lễ Tạ Cụ cúng tổ tiên, đồng thời cũng là cách để cải thiện hương vị, “đổi bữa” cho các cụ và con cháu ngày xuân.
Trong bữa cơm cá đầu năm, mỗi một gia đình có một cách chế biến cá khác nhau để hợp khẩu vị với thành viên của mình. Thông thường mâm cỗ Tạ Cụ có đủ cả cá rán, cá nướng, cá luộc, hoặc hấp… nhưng hôm nay khi ăn, các gia đình thường thêm nồi lẩu cá. Trong tiết trời lành lạnh, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cỗ có nồi lẩu cá sôi sung sục, ai không thấy náo nức không khí gia đình?
Mỗi làng quê thường có những chợ nho nhỏ “tự sản tự tiêu” và mang đặc tính vùng miền. Những phiên Chợ Ngái ở xứ Đoài dịp Tết hàng năm, thật sự là những mảng màu lạ và đẹp cho bức tranh đa sắc Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét