Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Mướp “đỉa” đeo món ngon...


iHay) Trong “chuyến đò quê hương” của mỗi người, hình ảnh cầu ao có giàn mướp hương mát rượi - rập rờn ong bướm, cùng bụi tre già liêu xiêu xõa tóc... như chốn bình yên tuyệt đẹp. Nơi đó, vẳng nghe lời mẹ ru ngọt hơn mía lùi, đủ đầy món ngon chân quê. Tất nhiên, mướp “đỉa” phải kể đầu tiên!

Ăn... ác nhơn!

“Bầu em non nè anh! Lấy đi!" - "Xúi dại, ở tù chết! Tôi cần mướp đỉa" - "Chiều anh luôn!”...Bốn giờ rưỡi sáng, theo chân anh Quốc Việt đi chợ P.5, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang nghe mấy câu đối đáp nhau giữa khách và chị hàng chợ thiệt thú vị. 

Có bà cụ lụm khụm bên mớ rau đắng đất, nhúm dền hương non mướt chờ khách mối... Mua những loại rau này anh Việt luôn trả cao gấp 2 - 3 lần so với giá thường (cùng loại). 

 
Mướp đỉa và nhiều loại rau củ khác chấm kho quẹt ngon mê ly


Trái mướp nụ lúc lớn hơn ngón tay cái vẫn cong queo, da mốc (phấn trắng) xanh tựa con đỉa trâu, nên dân gian quen gọi là mướp “đỉa”. Ăn mướp “đỉa” có hơi ác, nhưng thời điểm này vị mướp mới “ngọt ngất”, ăn là ghiền! 

Chứng tỏ một kiểu ăn khôn của dân Nam bộ, thời thừa mứa sản vật. Mặt khác khi hái nhanh mướp non, sẽ giúp mướp mẹ tranh thủ sinh mướp nụ. Càng ngon! Nhà vườn thêm cơ hội tích góp “đồng mốt, đồng hai”.
Ngon thổn thức

Ngày hè oi bức, một số văn nghệ sĩ và doanh nhân thường về quán Tạ Hiền, gần chùa Vĩnh Tràng, TP.Mỹ Tho xì xụp món canh tập tàng với nhiều loại rau dại: dền hương, đọt choại, bù ngót... mướp “đỉa”, thêm ít tép tươi. Món canh bình dị, dễ ăn dễ nấu và dễ cảm!

Bởi trong ký ức, không ít người từng húp lấy húp để tô canh tương tự do mẹ, chị... nấu ngày mưa bão hay thủa cơ hàn. Mùi rau ngay ngáy quyện trong làn khói mỏng đã “chở” người ăn về chốn xưa, có dáng mẹ lưng còng, tay run run hái từng nhúm rau má, cải trời... trong chiều gió bấc hoặc trưa hè gắt nắng!
Một phiên bản khác của canh tập tàng mướp “đỉa” là nấu với trứng vịt bắc thảo. Mùi hương của trứng rất hợp tông với mùi rau dại. Đồng thời vị trứng lại béo bùi. Gặp lúc nắng mưa thất thường, húp tô canh này với ít tiêu sọ giã, trán rịn mồ hôi - vừa sướng thần khẩu vừa “đuổi” cảm hiệu quả.
Mặt khác, nhịp sống phố thị luôn vội vã. Còn cánh mày râu thường “ngậm đắng nuốt cay” (cà phê, bia...) nên thường nghe... nóng trong người. Một bữa ăn có nhiều rau xanh như nắng hạn gặp mưa to, phần nào giúp gan giải độc. Nhờ vậy người ăn nghe mát lòng mát dạ vô cùng.

Đồng thời, mướp “đỉa” còn đeo nhiều món hấp dẫn khác.
Mướp đỉa “hỏi cưới” bò cỏ
Mướp hương được xếp hàng vua trong các loại mướp, ngoài vị ngọt đậm còn có mùi thơm quyến rũ. Và chỉ có loại mướp “đỉa” của giống này mới xứng đôi với bò cỏ tơ cùng các món xào, gỏi...

Bò cỏ là giống bò ta nhỏ con, thường được thả rong, cho thịt ngọt thơm đặc trưng.

Gặp đầu bếp giỏi canh lửa, món bò cỏ xào mướp “đỉa” chỉ vừa chín tới. Quá lửa, lượng Viatamin nhóm B, C cùng các khoáng tố vi lượng bổ ích trong mướp non sẽ bị bay hơi. Còn thịt bò sẽ dai. Món này thơm nức mũi và ngọt tuyệt vời. Chan muỗng nước xào ăn kèm với bún, rưới chút nước tương thôi cũng đủ mê ly.
 
Gỏi mướp đỉa bò cỏ ăn bằng mắt thôi
đã làm cổ họng đánh ực thành tiếng


Với ai thích nhâm nhi, món gỏi mướp “đỉa” sẽ hợp hơn. Dĩa gỏi lấp lánh sắc màu: xanh non của mướp “đỉa” phối cùng trắng tươi và tím sẫm của ít bắp cải, điểm xuyết màu đỏ hồng của trứng luộc... Vị gỏi chua thanh lẫn beo béo. Sợ thiếu bạn hiền sẽ bớt ngon!

Bên cạnh đó, mướp “đỉa” còn rất thiết thực với phái đẹp.
Thuốc ngoài giàn
Cái hay của y thực Việt là ăn ngon thay vì uống những chén thuốc đắng nghét. Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc nam giỏi ở Gò Vấp, TP.HCM, bật mí: Mướp “đỉa” là một trong những rau đậu độc đáo giúp các bà phi triều Nguyễn đẹp da, giải độc hiệu quả. Ông Viên còn khuyên khi chế biến, nên giữ cả lớp phấn trên vỏ trái và giữ luôn cuốn mướp sẽ càng nên thuốc.

Về nguy cơ nhiễm độc, BS Lương Lễ Hoàng giải thích rõ hơn trong bài “Mặt trước, mặt sau”, Thuốc Đắng Giã Tật, tập 2, trang 34 - 37. Cụ thể: “Với cuộc sống đầy dãy mầm bệnh ngoại lai: vi trùng, siêu vi, ký sinh, khói xăng dầu, khói thuốc lá, tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt, hóa chất gia dụng, chất bảo quản trong thực phẩm công nghệ..., cơ thể đương nhiên không thể tránh khỏi hậu quả bị nhiễm độc thường xuyên. Chính vì thế, hệ thống kháng bệnh phải làm việc liên tục ngày đêm với mục đích giảm thiểu tối đa lượng độc chất sao cho hàm lượng tích lũy đừng vượt quá mức độ có thể sinh bệnh...”.
 
Nên giữ cả lớp phấn bên ngoài vỏ mướp sẽ tốt hơn 

Và muốn hệ thống này khỏe mạnh thì cơ thể phải dung nạp đầy đủ về chất và lượng hai thành phần “hầu như chỉ được cung ứng từ thực phẩm: Sinh tố, như tiền sinh tố A, sinh tố E, C, D... và khoáng tố, như selen, kẽm, magnesium, vanadium...”.

Còn dược sĩ Bùi Kim Tùng ghi: “Quả mướp có tính thanh nhiệt, nhuận tràng, chống dị ứng, thông sữa... Quả mướp non nấu chín lấy nước dùng cho người đau dạ dày để thấp nhiệt (dư acid). Chất nhày lót thành dạ dày làm dịu đau và chóng lành vết loét... Người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy mãn tính hãy kiêng mướp.” (theo Món Ăn Bài Thuốc, tập 3, trang 171 - 173).

Ngoài ra, theo đông y, gần như tất cả các bộ phận của giây mướp hương đều là thuốc. Đơn cử, lá chữa viêm họng, ho hen kéo dài, bằng cách: rửa sạch ít lá, giã nhõ với ít muối, vắt lấy nước uống. Thân dây mướp (lấy từ mặt đất trở lên khoảng 1m) chữa viêm xoang mũi, bằng cách: đốt tồn tính, tán mịn, uống mỗi lần 10g với ít rượu trắng...
Tiếc rằng, giống mướp hương ở miền Trung và Tây Nam bộ đang hiếm dần. Do nhà vườn chuộng trồng những giống mướp mới cho năng suất cao hơn, mặc dù chất lượng kém hơn.
Bài, ảnhTấn Tới


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét