Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Ẩm thực xứ Tây Đô

Đến Cần Thơ, sau chuyến dã ngoại bằng tàu du lịch hoặc ghe chèo, hay đi xe đạp ngắm cảnh xinh tươi của những xóm làng, vườn tược, bờ bãi ven sông rạch, du khách không thể bỏ qua thú vui ẩm thực của đất Tây Đô “gạo trắng nước trong”.

Quận trung tâm Ninh Kiều hẳn là nơi tập trung các địa điểm ẩm thực với đầy đủ các món ngon đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam bộ, có thể kể: lẩu mắm, lẩu chua, ốc bươu hấp sả, cá tai tượng chiên xù, cá lóc nướng trui, lươn um, rắn bông súng nướng lèo, rùa rang muối, chuột quay lu, cá rô kho tộ…
Phần lớn các nhà hàng, quán ăn khang trang, sạch đẹp ở dọc theo bến Ninh Kiều hoặc khu vực Bãi Cát, Chợ Mới và cồn Khương, đường Nguyễn Văn Cừ với giá cả phải chăng.
Cá lóc nướng trui
Ở xứ sở của cá đồng, cá tươi sử dụng không hết nên người ta phải làm mắm – cách dự trữ và bảo quản nguồn thủy sản dồi dào này. Rồi từ mắm người ta chế biến rất nhiều món ăn đặc sắc.Những năm gần đây, lẩu mắm được coi là một trong những món ăn tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, riêng Cần Thơ có thể nói là nơi phổ biến lẩu mắm từ rất sớm. Mắm cá lóc, cá sặc, cá rô, cá linh, cá trèn thường được sử dụng để làm nước lẩu. Đây là công đoạn quan trọng nhất của món lẩu mắm. Mắm ngon được cho vào nồi nước đun sôi liu riu cho ra chất ngọt, sau đó lược bỏ xương và cặn và tiếp tục nấu sôi. Cuối cùng là sả bằm, sả cắt khúc, đường, bột ngọt cho vào nồi.
Bún mắm
Lẩu mắm gần như dung nạp hầu hết các loại “mồi” đồng: cá ngát, cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc, cá chạch, lươn, ốc, tép, cá lòng tong, cá linh… Bên cạnh đó là sự phong phú của các loại rau ăn kèm: khổ qua, đậu bắp, bông súng, cải xanh, rau muống, mồng tơi, cù nèo, rau nhúc, bắp chuối, giá sống, tần ô, rau trai, đọt choại… Tùy theo ý thích, người ta nhúng mồi và rau vào nồi lẩu mắm đang sôi liu riu, ăn với bún hoặc cơm…
Rau ăn bún mắm hết sức phong phú
Bên cạnh món lẩu mắm có phần cầu kỳ trong cách chế biến thì ốc bươu luộc sả là món tiêu biểu và dễ tìm kiếm nhất nơi thôn dã. Chỉ cần nhờ một vài chú bé nhà quê chịu khó ra mương vườn, ao, vũng, mé ruộng nước mò hoặc vớt chừng hơn tiếng đồng hồ, có thể kiếm được vài ký ốc tươi. Ốc bươu phải ngâm nước vo gạo chừng tiếng đồng hồ để sạch nhớt, muốn nhanh hơn thì ngâm với nước ấm pha chút giấm chua. Kiếm lá sả, lá ổi hoặc lá bưởi khoảng nạm tay; lấy nửa chén cơm mẻ dầm ớt hiểm, nêm muối, đường, bột ngọt… tán nhuyễn làm chất chấm. Bắc nồi nước vừa sôi, bớt lửa rồi cho ốc đã rửa sạch vào (chỉ cần nước sâm sấp, vừa khuất mình ốc).
Cuối cùng cho lá sả, lá ổi… vào, đậy nắp chặt và xóc nhẹ vài cái cho đều. Khoảng mười phút sau giở nắp ra, nếu thấy ốc đã “hé mày” là ăn được. Ốc bươu chấm cơm mẻ, mềm mềm, giòn giòn, cay cay, beo béo, ngòn ngọt…, nhâm nhi với chén rượu thì thật tuyệt!
Ốc bươu trộn gỏi bắp chuối, rau răm
Ốc bươu còn được chế biến nhiều kiểu hấp hèm, nướng tiêu, hấp gừng, luộc sả, trộn gỏi bắp chuối, rau răm… và có trong thực đơn từ quán bình dân cho tới nhà hàng đặc sản.
Có lẽ, câu ca dao Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về không chừng có phần nào yếu tố ẩm thực trong đó.


LONG TUYỀN/DNSGCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét