1. Tên gọi: Mộ cổ Ông Lý Tường Quang và Bà Nguyễn Thị Lâu.
2. Địa chỉ: Khu phố 1, đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.
3. Kiến trúc và bài trí:
Nhìn tổng thể, 2 ngôi mộ quay về hướng Đông, nằm song song và cách nhau chừng 1,8m. Mộ tọa lạc trên diện tích đất khoảng trên 200m2.
* Mộ cụ Lý Tường Quang:
Kiến trúc mộ cụ Lý Tường Quang là dạng kiến trúc Nhà mộ với các công trình liên hoàn gồm: tường bao phía trước cùng cổng mộ, sân trước nhà mộ, phía trước có gắn bia mộ, phía sau có bình phong và văn bia ghi tiểu sử.
Kể từ ngày cụ Lý mất, ngôi mộ được gia đình lập và bảo vệ đến nay đã tồn tại 111 năm (1896-2007).
* Mộ cụ bà Nguyễn Thị Lâu:
Mộ cụ bà Nguyễn Thị Lâu nằm song song và cách mộ cụ Lý Tường Quang 1,8m. Mộ gồm các bộ phận: tường bao mộ; sân mộ; bia trước mộ, nấm mộ, bia sau mộ.
So với ngôi mộ bề thế, vững chắc của người chồng là cụ Lý Tường Quang thì ngôi mộ của phu nhân Nguyễn Thị Lâu có phần khiêm tốn hơn, mộ không làm mái che, bia mộ làm nhỏ gọn hơn. Tuy nhiên, từ cấu trúc đến tạo hình, ngôi mộ đã để lại những giá trị cao về nghệ thuật chạm khắc đá mộ chí ở vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn những thập niên đầu thế kỷ XX.
4. Các di vật – cổ vật trong di tích:
* Di vật – cổ vật tại mộ cụ Lý Tường Quang:
- 01 bệ thờ bằng đá
- 02 ghế đá
- 02 tượng người bằng đá
- 02 bia đá ( bia trước mộ và bia đầu mộ có chữ Hán)
- 01 bệ thờ bằng đá
- Nấm mộ có các tác phẩm điêu khắc đá
- Kiến trúc nhà mộ
* Di vật – cổ vật tại mộ cụ Nguyễn Thị Lâu
- 02 bàn đá hình chữ nhật
- 02 đôn bằng đá
- 02 bia mộ chữ hán
- Nấm mộ có các tác phẩm chạm khắc đá
5. Các hình thức sinh hoạt văn hóa:
Hàng năm, ngày 30 tháng 3 âm lịch, gia tộc họ Lý tập trung tổ chức đám giỗ tại nhà từ đường họ Lý số 292 đường Hải Thượng Lãn Ông và tổ chức viếng mộ, thắp hương tại 2 ngôi mộ trên.
Đây là dịp các thế hệ con cháu gặp nhau và ôn lại gia thế của họ Lý, qua đó tình cảm, sự đoàn kết trong gia tộc tiếp tục được duy trì và gắn bó chặt chẽ.
6. Giá trị của di tích:
Mộ cụ Lý Tường Quang có niên đại 111 năm, mộ cụ Nguyễn Thị Lâu đã 89 năm. Cả 2 ngôi mộ có những giá trị về nghệ thuật kiến trúc, về lịch sử, về nhu cầu tín ngưỡng dân gian – một nét văn hóa không thể thiếu của cộng đồng văn hóa Việt – Hoa. Trong đó nổi bật là giá trị về lịch sử kiến trúc.
Về giá trị kiến trúc, 2 ngôi mộ là nơi lưu giữ ghề chạm khắc đá thủ công truyền thống của người Việt Nam.
Trong loại hình kiến trúc mộ cổ, 2 ngôi mộ trên là một trong số những ngôi mộ tiêu biểu còn lại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Về giá trị lịch sử: thông qua tiểu sử nhân vật, thông qua bia mộ và các tác phẩm chữ Hán khắc tại mộ được lưu giữ, bảo vệ đến nay giúp công tác nghiên cứu khoa học có thêm tư liệu về: địa danh hành chánh; về tình hình khai thác đất đai; về những tên đất, tên làng truyền thống ở vùng Phú Thọ xưa trong quá trình phát triển của vùng đất Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh.
Về tín ngưỡng dân gian: việc xây mộ, chôn cất và thờ cúng người quá cố…một mặt phản ánh sự biểu hiện tình cảm “cây có cội, suối có nguồn” của những người đang sống trong dòng họ với người đã khuất; mặt khác sự tồn tại hiện hữu của 2 ngôi mộ cổ còn là bức tranh trực quan phản ánh sinh động về hoạt động tín ngưỡng dân gian – một yếu tố không thể thiếu trong đời sống tâm linh trước đây và hiện nay của một bộ phận không nhỏ cư dân tại thành phố.
7. Tình trạng bảo quản di tích:
Ngôi mộ cổ của ông Lý Tường Quang và bà Nguyễn Thị Lâu hiện nay được gia tộc bảo vệ tốt, các thành phần của ngôi mộ cổ hầu như con nguyên vẹn.
Dương Vân Hà
(Nguồn: Lý Lịch di tích kiến trúc nghệ thuật Mộ cổ Ông Lý Tường Quang và Bà Nguyễn Thị Lâu của Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét