Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Duyên thầm Kon Tum

TTCT - Phải lần thứ hai trở lại Kon Tum trong vòng chưa đến hai tháng chúng tôi mới thật sự hiểu được đôi chút về thành phố cuối cùng của Tây nguyên (theo quốc lộ 14). Kon Tum có thể là nơi “quá cảnh” cho bạn nghỉ lại, khám phá và đi tiếp!
Nhà thờ gỗ - Ảnh: Kim Duy
Buổi sáng đi bộ lòng vòng trên những con đường thưa thớt xe cộ trong tiết trời mát dịu của mùa hè, nhìn dải mây trắng là đà lưng chừng núi, bên dưới là dòng sông Đăk Bla, cảm giác Kon Tum như cô gái thật dịu dàng, dễ thương. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là với một thành phố nhỏ, dân cư không đông, nhưng đặc biệt Kon Tum có rất nhiều nhà thờ (do người theo đạo Công giáo chiếm đa số).
Trên con đường chính Nguyễn Huệ có hai nhà thờ lớn rất đẹp là Tân Hương và Nhà thờ gỗ. Nhà thờ Tân Hương có đầu tiên ở Kon Tum, lấy tên làng Tân Hương là làng người Kinh đầu tiên được thành lập ở đây vào năm 1826, nằm trải dọc theo dòng sông Đăk Bla.
Nhà thờ gỗ được xây dựng vào năm 1913, có kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn người Ba Na. Sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây nguyên tạo nên vẻ độc đáo mà gần như bất cứ ai đến Kon Tum đều không thể bỏ qua.
Băng qua đường, đối diện Nhà thờ gỗ là tu viện Hội Dòng Ảnh Phép lạ, đi bộ khoảng 400m là đến tòa giám mục Kon Tum nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Được xây dựng từ năm 1935, tòa giám mục có kiến trúc tương tự nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn.
Tôi đã đến đây hai lần vào mùa sứ rụng lá để ngắm tòa giám mục mang vẻ đẹp cổ kính của châu Âu và mùa sứ xanh lá để cảm nhận một vẻ đẹp khác nữa.
Hồ Măng Đen - Ảnh: Kim Duy
Người hướng dẫn cho biết từ Tết Nguyên đán đến trước mùa mưa, hàng sứ “cùi” đó mới chính là mùa đẹp nhất. Trong tòa giám mục có phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum. Có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn.
Cạnh tòa giám mục có nhà thờ Phương Nghĩa, kiến trúc đơn giản nhưng ấm áp. Buổi chiều các em học sinh đi học về ghé lại, múc gàu nước giếng rửa mặt rồi… uống, có em ngồi lại trầm ngâm trên ghế đá. Một khung cảnh thật bình yên!
Chúng tôi dành trọn một ngày để đi Măng Đen, cách trung tâm thành phố khoảng 60km. Kon Tum bây giờ không còn là “ngõ cụt” ở Tây nguyên nhờ con đường 24 chạy đến Quảng Ngãi. Trên con đường đèo hẹp quanh co, những chiếc xe khách làm nhiệm vụ đưa Kon Tum đến gần hơn với đồng bằng miền Trung.
Chúng tôi dừng lại chụp hình con sông Đăk Long chia thành hai nhánh hình chữ V, một đổ về Trường Sơn Đông và một về Trường Sơn Tây. Trên dòng chảy mạn Trường Sơn Tây, sông  Đăk Long cùng với nhiều dòng suối nữa hợp lưu tạo thành sông Đăk Bla.
Làng Kon Ktu - Ảnh: Kim Duy
Chúng tôi chạy xe lòng vòng trong các khu nghỉ mát, những con đường bêtông ngoằn ngoèo, những ngôi biệt thự thấp thoáng. Hàng cây mimosa lá trắng xanh ánh lên trong nắng, vài con ngựa quẩn quanh… mọi thứ gần như hoàn chỉnh, nhưng vẫn cho những du khách phương Nam cảm giác thiếu vắng gì đó.
Chùa Khánh Lâm đang thi công trên khu đất rộng 10ha, dự định của thầy trụ trì đây sẽ là tu viện và trung tâm hành hương của tín đồ Phật giáo.
Nếu không lên 126 bậc cấp ở phía trước thì chạy xe một mạch lên chùa từ con đường phía sau. Hai bên đường là rừng sim và mua. Vào tháng 6 nơi đây ngập tràn một màu tím.
Buổi trưa chúng tôi ngồi ăn cơm giữa rừng. Đúng ngọ nhưng nhiệt độ chừng 26-280C. Tiếng ve sầu inh ỏi, nhìn quanh chỉ thấy mây trời và thông. Khí hậu mát mẻ, cơm gạo mới, không cần nhiều món cao sang mỹ vị vẫn thấy rất ngon. Không hiểu sao bạn chợt nói mỗi người trong đời nên ít nhất một lần đến Măng Đen.
KIM DUY

Kon Tum xinh đẹp và mơ màng

(iHay) Khác hẳn đôi mắt dữ dội giữa buổi chiều cao nguyên ở Buôn Mê Thuột hay vẻ xô bồ giàu có của Pleiku,  thành phố Kon Tum chỉ là một góc rất bé, rất hiền, rất chậm chạp , y  như khi cầm một nắm đất đỏ trong tay, người ta ngửi thấy mùi thơm dịu từ sắc màu rất dữ dội đó.



Đường lên Kon Tum, vài mảng cao su trút sạch lá… 

Chiều mưa nhỏ dưới mái nhà thờ

Dòng sông Đak Bla vắt ngang và uốn mình quanh thành phố nhỏ. Ở Kon Tum, buổi chiều phủ nhẹ chút sương mù. Cao nguyên bắt đầu co người trước cơn rét nhỏ vì độ cao nhưng không vì thế mất đi chút sắc màu dữ dội đặc trưng của bất cứ nơi đâu trên dải đất núi cao vút này.
Sông Đak Bla đúng là không phải một kiểu tình ca sến rện như hồ Xuân Hương của Đà Lạt, nó ào ào kiểu thác khi mùa lũ về, rồi lại lững chững ngái ngủ khi mùa nước cạn. Dù thế nào, người đến Kon Tum cũng cần phải dành ra những khoảng thời gian tĩnh lặng để ngắm nhìn Đak Bla. Nó là khởi đầu của một hành trình dài và thú vị biết chừng nào.
Thành phố này biết nhắc nhở du khách bằng cảm xúc của tình yêu. Dù không phải là nơi đầy những con đường lá me bay hay ghế đá hững hờ, Kon Tum có những khoảnh khắc nhỏ xíu khiến người ta như ngã vào tình yêu lúc nào chẳng hay.
Đó là buổi chiều mưa ở Tòa tổng giám mục hay nhà Thờ Gỗ, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những khoảnh khắc rất tĩnh lặng bên vườn hoa được trồng ngăn nắp. Không khí mát dịu hoà vào cuộc trò chuyện của giáo dân trẻ đến học hoặc rủ nhau đi chơi quanh nhà thờ.
Nhà Thờ Gỗ trong trung tâm thành phố Kon Tum
Khác với sự uy nghiêm lừng lững của các nhà thờ nơi khác, cả hai công trình kiến trúc tôn giáo kiểu Pháp này đều khiêm cung và tinh tế, tỏa ra vẻ đẹp rất hòa hợp với núi rừng cao nguyên. Màu gỗ tô thẫm đen khiến cả sự cầu kì của những nét chạm khắc trên gỗ trở nên giản dị một cách nổi bật trên nền của cả không gian rợp cây xanh xung quanh các nhà thờ. Đây là hai nơi rất đặc biệt mà dường như bất cứ ai cũng nhớ khi ghé lại thành phố nhỏ này.
Khi ấy, cơn mưa nhỏ khẽ khàng tuôn mình xuống những thớ gỗ đen giòn chịu sương gió, Kon Tum chìm vào buổi chiều vương đầy lãng mạn.
Mắt cao nguyên dưới mái nhà rông
Nếu là một người mê ngắm nhìn, chỉ cần một chiếc xe máy, đi xa khỏi thành phố hơn chục km, bạn đã nhìn thấy từ vị trí cao những ngôi nhà rông khổng lồ thấp thoáng đây đó trên triền đồi quanh co.
Nhà rông là biểu hiện rực rỡ và đồ sộ nhất cho nét đẹp của các dân tộc sinh sống gần thành phố này. Cộng đồng của họ rộng lớn, sống trải dài trong những buôn làng xen kẽ gần các con lộ lớn dẫn vào phố. Cuộc sống của họ biến động nhiều khi đô thị xuất hiện ở giữa núi rừng như vậy.
Nhưng Kon Tom là đô thị rất đặc biệt, với sự hòa hợp khác hẳn với nét lạ lẫm và tách biệt của cư dân rừng núi trong Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) hay Pleiku (Gia Lai). Làng dân tộc ở đây hiện diện nhẹ nhàng như hơi thở tất yếu của đời sống. Họ vẫn mặc những trang phục quen thuộc, cày cấy và chăn nuôi theo cách riêng của cộng đồng.
Mỗi làng đều dành ra nhiều ngày công lao động để xây mái nhà rông giữ yên cho làng. Nhà rông cao lênh khênh, mái lá lợp đầy công phu, cột nhà là thân cây cổ thụ to lớn. Nhà rông giữ linh hồn của làng được bình an. Nhà rông là chốn tự hào tiếp khách và truyền đi câu chuyện hồn cốt của người già để lại.
Nhà rông Kon Klor chỉ cách thành phố Kon Tum 2km là biểu tượng rất đẹp của nơi này
Sẽ thú vị lắm nếu bạn thấy ở đuôi dòng Đak Bla đoạn dẫn vào thành phố là nhiều mái nhà rông thấp thoáng xen kẽ nhau. Mỗi ngôi nhà khổng lồ đó đứng ở đầu làng, chỉ đi thêm vài bước chân, bạn gặp ngay đám trẻ nghịch ngợm hoặc người già đóng khố cười rất hiền lành. Có thể bạn sẽ tìm thấy mắt cao nguyên, trong ánh nhìn hoang dã, rực rỡ, kiêu hãnh và chứa đầy những khoảng trời đó.
Quanh co cao nguyên dã quỳ
Không bao giờ là thừa để bắt đầu nhiều ngày lái xe máy ở Kon Tum. Chỉ cần đi đến một bùng binh nhỏ, nhìn thấy các mũi tên: Sa Thầy, Măng Đen, Ngọc Hồi, và chọn ngay một cái tên bạn thích, bạn sẽ chẳng hối tiếc vì bất cứ chặng đường nào mình sẽ đi.
Dã quỳ sẽ làm người ta nhớ nhung, mê man và rồi yêu Kon Tum mất… 
Con đường đến các huyện ở Kon Tum không phải là một thử thách kiểu lên cao nguyên lái xe xuyên núi xuyên rừng. Đó đơn giản là các con đường với cây xanh rợp bóng, bình nguyên bao la và những đoạn đèo bé hùng vĩ.
Đường đến Sa Thầy chứa những đoạn thảo nguyên cỏ thấp le te và mơ màng trong nắng lạnh. Đường lên Măng Đen quanh co và buốt giá hơn theo từng khúc độ cao. Ngọc Hồi là con đường rất đẹp, cảnh quan thay đổi liên tục.
Cuối năm, khi hoa dã quỳ nở vàng hết các ngõ ngách của tàng cây xanh, Kon Tum rùng mình một cái hoá nên lộng lẫy và đẹp đến nhức nhối.
 Đường lên Sa Thầy, một ngày mưa rất nhẹ và hơi lạnh chỉ êm êm
Có những người đến tìm Kon Tum vào mùa dã quỳ nở, có người thèm ngắm mưa bên mái Nhà Thờ Gỗ, nhưng ai đến đây rồi cũng nhớ dòng Đakbla chảy hoài màu đất đỏ và mái nhà rông như nấm nhỏ giữa trời xanh bao la.
Kon Tum xinh đẹp, và lúc nào cũng mơ màng…

Để đến Kon Tum, bạn có thể bắt xe khách từ bến xe Miền Đông từ TP.HCM lúc chiều tối và đến Kon Tum khoảng 7 giờ sáng hôm sau, quãng đường 589km.
Ở trung tâm thành phố, bạn dễ dàng thuê được xe máy từ một số nhà cho thuê xe nằm ngay sau lưng khách sạn Indochina, và từ đây bắt đầu chuyến du ngoạn của mình.
Mùa đẹp nhất của Kon Tum có lẽ là mùa dã quỳ nở, khoảng tháng 11 và 12, các con đường vàng rực và không khí dịu lạnh, không gắt gỏng như mùa hè hay mưa liên miên giữa mùa mưa.

Phượt ký của Khải Đơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét