Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Di tích Đình hòa Thạnh

I. TÊN GỌI:
            Di tích có tên gọi là Đình Hòa Thạnh - cơ sở cách mạng của hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
II. ĐỊA CHỈ:
            Di tích tọa lạc tại số 396 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.
III. LỊCH SỬ DI TÍCH:
            1. Vài nét về địa danh Hòa Thạnh:
            Tham khảo qua các tài liệu "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức và"Địa bạ triều Nguyễn" của tác giả Nguyễn Đình Đầu thì không thấy nhắc đến địa danh thôn Hòa Thạnh.
            Đọc qua tài liệu "Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân quận Tân Bình"  thấy viết như sau:
            Năm 1900, xã Phú Thọ Hòa thuộc tổng Dương Hòa Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.
            Năm 1940, xã Phú Thọ Hòa thuộc tổng Dương Hòa Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.
            Năm 1945, tỉnh Tân Bình giải thể, tổng Dương Hòa Thượng được tách ra khỏi quận Gò Vấp và được nâng lên thành quận Tân Bình.
            Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh lập quận Tân Bình thuộc tỉnh Gia Định gồm có 6 xã là: Phú Nhuận, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Hòa, Phú Thọ Hòa, Bình Hưng Hòa, Vinh Lộc.
            Năm 1963, chính quyền Mỹ - Diệm tách đôi xã Phú Thọ Hòa thành lập thêm xã Tân Phú. Trong xã Phú Thọ Hòa lúc này có các ấp: Lộc Hòa, Hòa Thạnh, Phú Trung, Tân Thới Hòa.
            Sau năm 1975, đình tọa lạc tại Hương lộ 14, phường 19, quận Tân Bình.
            Năm 2003 quận Tân Bình được tách đôi và thành lập thêm quận Tân Phú theo Nghị định 130/2003 NĐ-CP của Chính phủ.
            2. Lịch sử xây dựng đình Hòa Thạnh:
            Theo truyền thống và phong tục, khi cộng đồng dân cư lập xóm làng ở vùng đất mới được ổn định và có điều kiện kinh tế nhất định họ thường dựng đình, miếu để thờ phụng vị thần ở vùng đất mới được luôn phò trợ cho họ có cuộc sống bình yên. Vị thần được thờ chính trong đình được quần chúng nhân dân gọi là Thần Thành Hoàng bổn cảnh, bên cạnh đó còn thờ các vị tiền hiền, hậu hiền (người có công khai khẩn ruộng đất lập nên xóm làng và người có công trong việc phát triển cơ nghiệp của làng). Đồng thời đình còn được dùng làm nơi duy trì hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian khác...
            Đình Hòa Thạnh về tính chất cũng giống như bao ngôi đình làng Nam Bộ, vừa là nơi tín ngưỡng dân gian (thờ Thần Thành Hoàng), vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong thôn làng (nơi giải quyết các việc của làng, tổ chức lễ cúng Kỳ yên, nơi sinh hoạt văn hóa). Những yếu tố chung này đã gắn kết mọi người lại với nhau cùng nhau xây dựng quê hương đất nước ngày càng tốt đẹp.
            Qua tìm hiểu thực tế thì không có tư liệu nào nói đến năm thành lập của ngôi đình. Theo các vị bô lão (trên 80 tuổi) cư ngụ tại phường Hòa Thạnh cho biết: "đình xây dựng lên từ rất lâu, thời cha ông họ đã thấy nhắc đến rồi, cha ông của các cụ đã đến cúng viếng Thần đình vào những dịp lễ Kỳ yên hàng năm". Nên   những người nghiên cứu cho rằng đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX.
            Các vị bô lão còn cho biết khi mới thành lập đình tọa lạc cách vị trí hiện nay khoảng 200m, là ngôi đình vách ván mái lá đơn sơ. Người dân trong ấp cho rằng ngôi đình tọa lạc tại đây không thuận tiện cho việc cúng bái, một số khác thì cho rằng phần ngự trị tại đây không linh thiên cho lắm nên khi ngôi đình xuống cấp họ quyết định xây dựng lại ngôi đình tại khu rừng mây tre (vị trí đình tọa lạc ngày nay).
            Hiện nay trước đình còn một cây đa to có tuổi thọ đã hơn trăm năm và đây cũng là minh chứng cho sự tồn tại lâu dài của ngôi đình.
            3. Đình Hòa Thạnh trong truyền thống đấu tranh của dân tộc:
            - Trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)
            Trong cuộc Cách mạng tháng Tám, đình Hòa Thạnh đã chứng kiến bao thanh niên trai tráng tập hợp ở đây rèn luyện tập dợt quân sự để cùng đồng bào cả nước đánh Nhật, đuổi Pháp giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Ông Trịnh Hồng Cẩm (còn gọi là ông Chín Cẩm) là người đã tích cực vận động các thanh niên trong thôn đến đình nghe tuyên truyền lý tưởng của Đảng, từ đây thanh niên và quần và quần chúng tham gia các cuộc biểu tình đưa ra yêu sách với quân thù. Ông Chín Cẩm được cử làm trưởng đoàn, cùng hoạt động với ông còn có Ông Võ Văn Đinh (còn gọi là Ông Tư Đinh) làm phó đoàn và ban Quí tế của hội đình gồm các thành viên như: Ông Huỳnh Văn Ngai (tự Hai Ngai) - người phụ trách đội Âm công (hội Âm công trên danh nghĩa là tổ chức tương thân, tương trợ bà con trong lúc hoạn nạn nhưng thực chất là những tổ chức cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng để tuyên truyền giác ngộ và tập hợp quần chúng đấu tranh chống kẻ thù chung), Ông Võ Văn Bắc (tự là Sáu Hét) - hội phó, Ông Bùi Văn Gia (tự Chín Gia), Ông Võ Văn Mùi - thành viên của hội đình. Các đồng chí lãnh đạo quần chúng nhân dân ấp Hòa Thạnh đánh giặc trên khắp nẻo đường, đồn bót của quân Nhật bằng những vũ khi thô sơ như gậy gộc, tầm vông vát nhọn, dao găm...với tinh thần anh dũng quả cảm đã làm cho quân Nhật thất kinh hồn vía. Đáng nhớ nhất là trận tập kích vào bót Cầu Tham Lương đồng chí Võ Văn Mùi đã hy sinh. Nhân dân thôn Hòa Thạnh đã đưa thi hài chiến sĩ cảm tử Võ Văn Mùi truy điệu tại đình Hòa Thạnh.
            Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời làm cho lòng dân vô cùng phấn khởi, khí thế cách mạng trong cán bộ lên cao. Tuy nhiên, nước nhà độc lập chưa tròn 30 ngày thì giặc Pháp theo chân quân đồng minh Anh nổ súng đánh chiếm một số cơ sở quan trọng của chính quyền cách mạng tại Sài Gòn.
            Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã ra lời kêu gọi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đứng lên chiến đấu bao vây địch trong thành phố tạo điều kiện cho các địa phương và các tỉnh có điều kiện chuẩn bị kháng chiến.
            Thời gian này các cơ sở Đảng ở Tân Bình được củng cố lại một cách nhanh chóng. Chị bộ xã Phú Thọ Hòa do đồng chí Nguyễn Văn Tiểng làm Bí thư đã lấy đình Hòa Thạnh làm nơi hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp.
            Tại đình Hòa Thạnh ban kháng chiến xã Phú Thọ Hòa được thành lập dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Tiểng, đồng chí Huỳnh Văn Ngai tiếp tục hoạt động trong đội Âm công, đồng chí Sáu Hét - ủy viên tài chính và kinh tế, đồng chí Chín Gia - ủy viên thông tin liên lạc. Lúc này ông Chín Cẩm đã chuyển sang hoạt động với bộ đội Huỳnh Văn Trí (Mười Trí). Các đồng chí trong ban kháng chiến vận động thanh niên trong ấp thành lập đội quân du kích, đội quân tự vệ đánh địch theo chủ trương giữ chân địch trong nội thành để các khu vực ngoại thành đủ thời gian chuẩn bị lực lượng. Các đội quân còn tham gia các trận đánh của lực lượng cách mạng Tân Bình như: đánh vào nhà việc Phú Thọ Hòa, đồn Bình Thới, đồn Phú Lâm, bót Cầu Tham Lương. Nhưng lực lượng của địch quá đông, lại được trang bị vũ khí hiện đại nên ta đã không giữ chân địch trong thành phố như thời gian đã dự kiến. Thực dân Pháp tràn ra các khu ngoại thành đánh vào các cơ sở cách mạng của ta. Trước tình hình đó Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (20/12/1946).
            Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác và Trung ương Đảng, quần chúng nhân dân nô nức tham gia: nam nữ thanh niên tòng quân gia nhập lực lượng vũ trang, các bà, các mẹ tham gia phong trào "Hủ gạo nuôi quân", "Con gà kháng chiến".
            Ở ấp Hòa Thạnh, bà Nguyễn Thị Dị (thường gọi là Sáu Dị) là người trực tiếp làm công tác vận động bà con trong ấp đóng góp gạo, muối, thực phẩm tiếp tế cho các bộ đội dừng chân tại đình, hay các bộ đội trú ẩn trong các bụi rậm gần đình. Những khi các khu căn cứ Bình Lý, khu căn cứ An Phú Đông có nhu cầu được tiếp tế nuôi quân, bà Sáu và các đồng chí trong Hội đình đều đáp ứng đầy đủ.
            Đình Hòa Thạnh lại được chọn làm điểm hoạt động cách mạng, có những lý do sau:
            Đình tọa lạc ở nơi tách biệt với khu dân cư, bao quanh đình là rừng mây, rừng tre - trúc tạo điều kiện trú ẩn tốt cho các cán bộ khi đến hoạt động tại đây.
            Ban Quí tế của đình là những người đứng trong hàng ngũ cách mạng, tin tưởng vào đường lối của Đảng. Họ tham gia đấu tranh với tất cả lòng yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào. Bên cạnh việc chăm lo cúng bái Thần Thành Hoàng để dân ấp được bình yên, các vị còn tham gia hoạt động công khai trong các hội Âm công, Tương tế...
            Đình là nơi thường xuyên diễn ra các lễ hội bà con khắp nơi đổ về chiêm bái rất đông, điều đó giúp cho việc đi lại hoạt động của các đồng chí dễ dàng hơn. Các đồng chí hoạt động cách mạng có thể hòa vào dòng người chiêm bái để vào đình nhận nhiệm vụ, nhận tiếp tế.
            - Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975)
            Sau 9 năm kháng chiến ròng rã, quân ta đã làm cho thực dân Pháp phải ngồi vào bàn ký hiệp định Genever. Giờ đây, đất nước ta tạm thời chia ra làm hai miền, miền Bắc hoàn toàn độc lập, miền Nam vẫn do Pháp quản lý, sau hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Sang đến năm 1955, đế quốc Mỹ ngang nhiên xâm lược nước ta, vừa đặt chân vào nước ta đế quốc Mỹ đã đưa ra hàng loạt âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, tìm và tiêu diệt những người Cộng sản. Chúng đã dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài phát xít - lê máy chém đi khắp miền Nam chặt đầu những người theo cách mạng - hòng làm cho nhân dân ta khiếp sợ mà quy phục chúng. Nhưng sự tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ đã làm cho bao gia đình phải chia lìa, tan tác, bao cảnh đau thương mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Nhân dân vô cùng căm phẫn, họ một lòng đi theo cách mạng, đi theo sự dẫn dắt của Đảng để trả thù nhà, đền nợ nước. Khắp nơi tinh thần kháng chiến của quần chúng lên rất cao. Trước tình hình đó Đảng bộ tại các xã, ấp hoạt động ngày càng linh hoạt khéo léo hơn để tránh "tay mắt" của địch ở khắp nơi.
            Đình Hòa Thạnh tiếp tục là cơ sở hoạt động cách mạng. Vào năm 1960, đình là nơi Bí thư xã Phú Thọ Hòa - Nguyễn Văn Tiểng kết nạp Đảng cho sáu đồng chí đã có công tác tốt trong kháng chiến chống Pháp và tích cực tham gia trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ gồm:
            - Võ Thị Bầy (tức Năm Bầy) - người cùng bà Nguyễn Thị Dị (Sáu Dị) làm công tác vận động sự ủng hộ của quần chúng tiếp tế cho cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
            - Trương Văn Bân (tức Chín Bân) - người có công tập hợp thanh niên trong ấp Hòa Thạnh chế tạo những quả lựu đạn bằng "khí đá" đuổi bọn lính tay sai của Mỹ đang đóng ở bót gần đình. Chỉ với mấy quả lựu đạn tự chế ông đã làm cho chúng thất kinh hồn vía, bỏ chạy toán loạn không dám đến đóng tại đây nữa.
            - Trịnh Văn Đặc (tức Ba Ôn) - người tham gia chế lựu đạn cùng ông Chín Bân.
            - Trần Văn Nuôi
            - Bảy Tào
            - Chín Mẫm
            Các đồng chí mới kết nạp Đảng rất phấn khởi, nhiệt tình dẫn dắt quần chúng nhân dân đấu tranh cách mạng theo đường lối đúng đắn của Đảng đã đề ra.
            Sau năm 1960, đồng chí Nguyễn Văn Tiểng chuyển công tác sang địa phương khác. Đồng chí Hồ Văn Sạt (Tư Râu) được cử làm bí thư xã Phú Thọ Hòa.
            Đồng chí Hồ Văn Sạt không thường xuyên hoạt động tại đình Hòa Thạnh. Các đồng chí đã được kết nạp Đảng và các đồng chí trong ban Quí tế đình Hòa Thạnh vẫn tiếp tục công tác theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Tiểng.
            Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí Nguyễn Văn Tiểng bố trí đình Hòa Thạnh là địa điểm tập kết thanh niên trong ấp Hòa Thạnh cùng với chủ lực ta từ Bình Long xuống thành phố tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Kế hoạch là vậy, nhưng trên đường chuyển quân xuống nơi tập kết bộ đội Bình Long đã phải chiến đấu đánh địch tại đường Thạch Lam (ngay trường Đồng Khởi ngày nay). Trong trận đánh này quân ta đã tiêu diệt được hơn chục tên giặc nhưng tổn thất về phía quân ta cũng không nhỏ.
            Các hoạt động cách mạng của ban Quí tế đình Hòa Thạnh khiến cho đế quốc Mỹ để ý nghi ngờ, chúng tiến hành rà soát đình ngày càng gắt gao hơn. Tuy nhiên các thành viên trong hội đình không hề nao núng mà vẫn ra sức che chở, nuôi dấu các chiến sĩ cách mạng. Nhờ sự đùm bọc của hội đình và bà con trong ấp các chiến sĩ đã đào ba căn hầm trong khu rừng mây, rừng tre để việc hoạt động liên lạc được liên tục, thuận lợi.
IV. KHẢO TẢ DI TÍCH:
            Đình Hòa Thạnh tọa lạc trên một khu đất tộng 1000m2, mặt tiền hướng ra đường Lũy Bán Bích. Cổng đình xây theo kiểu tam quan. Bên phải sân đình có cây đa to phủ bóng mát và góp phần làm tăng tính linh thiêng cho ngôi đình. Trước mặt tiền đình đặt một lư hương lớn bằng xi măng. Án ngữ ngay trước mặt tiền đình là bức bình phong thần Hổ, trấn giữ bình yên cho ngôi đình.
            Dưới gốc đa ở sân đình có ba miếu nhỏ đơn sơ: miếu Thần nông, miếu chiến sĩ trận vong, miếu cô hồn.
            Thành phần kiến trúc của đình nắm trên hai trục song song, gồm một trục chính và một trục phụ.
            Trục chính gồm: tiền điện - trung điện, chính điện, hậu điện.
            Trục phụ gồm: miếu ngũ hành, nhà túc, nhà bếp.
            Tiền điện và trung điện là khu nhà ba gian, tấm lợp mái bằng xi măng, nóc mái trang trí tượng gốm "lưỡng long tranh châu". Toàn bộ mái được chống đỡ bằng bốn cột bê tông chạm rồng mây rực rỡ. Trung điện nằm ở phần nối nhau của hai mái nhà tiền điện và chính điện.
            Chính điện xây theo dạng nhà tứ trụ, mái lợp ngói âm dương. các xà, kèo, đòn tay làm bằng gỗ, cột làm bằng bê tông. Đỡ lấy toàn bộ phần mái chính điện là bốn cột bê tông chạm rồng - mây trong tư thế vươn lên mạnh mẽ.
            Sự phân bố kiến trúc: mái tiền điện cao, đủ ánh sáng, đến trung điện thấp hơn làm cho không gian bên trong chính điện âm u hơn. Chính yếu tố này tạo nên vẻ u tịch huyền bí nơi thần ngự trị.
            Bày trí bên trong tiền điện và chính điện:
            Tiền điện đặt bàn thờ "Hùng Vương quốc tổ" hướng vào đình. Hai bên bàn thờ bày tàn lọng, lỗ bộ và các đồ tự khí.
            Trung điện đặt bàn thờ hội đồng nội, trên bàn thờ có đặt tượng Bác Hồ. Hai bên bày tàn lọng, lỗ bộ và cặp hạc đứng trên lưng rùa.
            Tiếp vào trong là khám thờ Thành Hoàng bổn cảnh, trong khám thờ có một bài vị bằng gỗ chạm chìm chữ Hán đại tự "Thần" sơn nhũ vàng. Xung quanh khám thờ chạm thủng đề tài lưỡng long triều nguyệt, mai điểu. Trước khám thờ là bàn hương lớn đặt trước khám thờ. Hai bên bày tàn lọng, trước bàn hương treo các phướn bằng nhung đỏ thêu long phụng rất đẹp.
            Cùng với bệ thờ Thần còn có các bàn thờ Hữu ban, Tả ban, Tiên sư, Quan Công. Tượng Tiên sư, Quan Công bằng thạch cao, trong tư thế đứng trên bệ thờ. Phía trên bệ thờ có hai bức hoành phi chạm chìm chữ hán với nội dung ca ngợi tài năng, đức độ của hai vị:
                        " Vạn thế sư biểu"
                        " Trọng nghĩa thiên thu"
            Hậu đình thờ Tiền hiền, Hậu hiền, Định phúc Táo quân, Tiêu diện. Bệ thờ được xây dựng đơn giản, sơn hai sắc màu đỏ vàng. Đây chính là nơi đã diễn ra buổi kết nạp Đảng cho các đồng chí cách mạng đã nói ở phần trên.
            Miếu ngũ hành nằm bên trái đình có diện tích khoảng 30m2. Trước miếu treo phướn đỏ thêu kim tuyến rồng phụng rất sặc sỡ. Trong miếu bệ thờ ốp gạch men, trên bệ có tủ kính đặt tượng năm vị ngũ hành nương nương bằng thạch cao. Các vị nương nương, đầu đội mão, thần mặc áo choàng. Nét mặt phúc hậu, hiền hòa như gần gũi lắng nghe tâm sự của bà con bá tánh đến cúng viếng nơi đây.
            Sau miếu là khu nhà túc xây dựng rất đơn giản, tường gạch, mái tôn. Nhà túc là nơi nấu nướng đãi khách vào mỗi dịp lễ kỳ yên.
            Nhìn chung đình Hòa Thạnh đã được xây mới nhưng các gian nhà bên trong vẫn giữ được nét kiến trúc của những ngôi đình Nam bộ thường thấy: nhà tứ trụ.
            Quang cảnh quanh đình hiện nay đã khác trước rất nhiều, nơi rừng mây giờ đã là khu thổ cư. Khu đất trống bên phải đình đã xây dựng ngôi trường tiểu học Khai Trí.
VI. CÁC HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH:
            Ngày nay những hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ đã không còn nữa. Tại đình chỉ còn lại những đồ thờ cúng trong đình như:
            Trống, mõ, chiêng, lỗ bộ, cặp hạc bằng gỗ, tượng bạch mã bằng xi măng, tượng xích thố bằng xi măng; bàn thờ (hội đồng nội) bằng gỗ, chạm trổ chim và hoa lá.
VII. CÁC HÌNH THÚC SINH HOẠT VĂN HÓA - LỄ HỘI:
            Hằng năm tại đình thường có các ngày tế lễ như:
            Ngày 10 tháng 3 âm lịch: giỗ tổ Hùng Vương
            Ngày 24 tháng 6 âm lịch: ngày vía Quan Công
            Ngày 17,18 tháng 8 âm lịch: ngày vía Ngũ Hành
            Ngày 16,17 tháng 11 âm lịch: lễ Kỳ yên.
            Lễ Kỳ Yên là lớn nhất tại đình. bá tánh khắp nơi nô nức kéo đến cúng viếng rất đông. lễ vật dâng cúng thường là heo quay, trà bánh hương hoa.
VIII. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH:
            Đình Hòa Thạnh có từ những năm cuối thế kỷ XIX, trong quá trình tồn tại đình để lại những giá trị tiêu biểu:
            - Đình là cơ sở tín ngưỡng dân gian của quần chúng nhân dân địa phương, nơi lưu giữ quan niệm nhận thức của người xưa về thế giới tự nhiên, nơi tưởng nhớ những người có công khái phá, mở đất lập làng.
            - Trong thời kháng chiến chống Pháp, đình là nơi chi bộ xã Phú Thọ Hòa tập hợp lực lượng thanh niên trong ấp Hòa Thạnh nhất tề đứng lên đuổi Nhật đánh Pháp, nơi hoạt động cách mạng công khai của các đội Âm công, Tương tế, nơi tiếp tế lương thực nuôi quân tại các khu căn cứ Bình Lý, khu căn cứ An Phú Đông.
            - Thời chống Mỹ đình là cơ sở của cách mạng nơi kết nạp Đảng cho các đồng chí đã có tinh thần đấu tranh quả cảm tích cực trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, nơi bám trụ của du kích xã và là địa điểm tập trung lực lượng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968.
            Đình Hòa Thạnh là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ, là địa điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh của địa phương nơi đây.
            Lễ hội Kỳ yên hàng năm không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, lễ hội còn là ngày để bá tánh đến đây hướng về cội nguồn tưởng nhớ những người có công với đất nước, những người đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược vì hòa bình độc lập tự do thống nhất của Tổ quốc.

                                                         Dương Vân Hà
Nguồn: lý lịch di tích Đình Hòa Thạnh của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét