Đồng ruộng Nhà Bè trong tương lai không xa nữa sẽ biến hết thành đô thị, khu công nghiệp, mảng xanh đẹp và hiện đại, nhưng mấy ai còn nhớ hồi đầu thế kỷ trước, trên chục ngàn hecta ruộng lúa mùa Nhà Bè còn rộng rã tiếng hò, vào mùa cấy, khoảng tháng 6 âm lịch. Đó là bản sắc văn hóa của nguời dân Nhà Bè, tuy không thể phục hồi vì quy luật phát triển xã ội, nhưng phải đáng ghi nhớ và trân trọng.
* Bối cảnh :
Đáng tiếc khi tôi bắt đầu sưu tầm câu hò Nhà Bè ở nửa đầu thế kỷ 20, thì các giọng hò tiêu biểu, các thầy hò, các trùm vạn đã quá cố khá nhiều. Bà mười On ở Mương Chuối, bà Sáu Ưng ở P. Phú Mỹ . . tiêu biểu giọng hò nữ, nếu còn sống đã trên dưới 100 tuổi. Cùng thời 2 bà trên có 2 cây hò nam tiêu biểu là ông Sáu Trọng và ông Mười Đen, cũng khuất núi, Ông Tám Tao trùm van cũng không còn, thầy hò Hoàng Tân Dân giờ không biết ở đâu để liên lạc. Hiện chỉ còn bà Năm Thàng 93 tuổi và bà Chín Xuyến 85 tuổi cùng ở P. Phú Mỹ còn khỏe mạnh, các cây hò nữ duới 80 tuổi ở Long Thới, Hiệp Phước còn khá nhiều, nhưng không tiêu biểu lắm.
Đầu thế kỷ 20, ruộng Nhà Bè tập trung trong tay các địa chủ ở Tân Thuận Đông, Phú Mỹ, Long Kiển, Phước Long, Phú Xuân, Nhơn Đức, Long Thới . . Người nhiều nhất có trên 300 mẫu, ít nhất cũng vài chục mẫu. họ phát canh thu tô cho mỗi tá điền chừng năm ba mẫu, chỉ giữ lại trên dưới 10 mẫu làm ruộng hương hỏa. Do ruộng Nhà Bè chỉ độc canh một vụ lúa mùa, nên vào mùa cấy, kéo dài trong hai tháng 6 – 7 âm lịch tạo ra cuộc khủng khoảng lao động trầm trọng. ta thử làm bài toán, mỗi người cấy 1 công ruộng ngày (người giỏi cấy 2 công/ngày) thì 10.000 ha ruộng Nhà Bè cần 100.000 công cấy chưa kể công nhổ, bó mạ, ném mạ) trong hai tháng bình quân mỗi ngày cần gần 1.700 thợ cấy. Tuy nhiên do thời vụ gieo mà không phân bổ đồng đều, nên cỏ, ngày mạ tới lứa phải nhổ rất nhiều, và nhu cầu thợ cấy tăng đột xuất.
Thuở ban đầu, một tá điền có năm ba mẫu ruộng, vớI 5 lao động không thể cấy kịp trong một ngày, nên họ cấy dần công, theo kiểu mạ của anh lứa trước, tôi kéo cả nhà tôi sang cấy giùm, đến lượt tôi cả nhà anh giúp lại. Nhưng đến đầu thế kỷ 20, ruộng Nhà Bè, khai phá lên 10.000 mẫu, nhu cầu sản xuất lớn hơn tạo ra quan hệ sản xuất mới. Dịch vụ cấy ra đời, tất nhiên phải có thầu dịch vụ, thời đó gọi là trùm vạn. Không nên hiểu Trùm vạn theo nghĩa xấu là “cò” như hiện nay, mà chính quan hệ sản xuất đặc biệt này phát sinh ra văn hóa hò cấy. Trước hết trùm vạn phải là ngườI có mối quan hệ tốt trong xã hội, biết chữ nghĩa và tính toán sổ sách. Trùm vạn liên hệ chủ ruộng cấy vào ngày nào và gọI thợ cấy, nhưng để hấp dẫn thợ cấy cho mình hơn các vạn cấy khác, nhiều trùm vạn phải mướn thầy hò về dạy thợ cấy mình, ông Hoàng Tân Dân là một thầy hò nổi tiếng.
3 giờ sáng, trùm vạn đốt đuốc, thổi tù và đánh thức thợ cấy, thợ cấy tập hợp chừng năm đến bảy chục ngườI hầu hết là nữ, đi bộ 5 – 7 cây số từ Phú Xuân xuống Long Thới, hoặc nguợc lại, để đến ruộng cấy. Thợ cấy bấy giờ mặc toàn áo dài đen, đầu quấn khăn và đội nón lá, khi xuống ruộng, họ gấp đôi 2 vạt áo dài nhét vào lưng quần, đồng thời xắn ống quần tới gối. Được hỏi “tại sao đi cấy phảI ăn mặc lượt thượt rồi xăn vén?”, bà Chín Xuyến (Truơng Thị Xuyến) nói “Thời ấy phụ nữ rất giữ gìn ý tứ, không chỉ đi cấy, mà mua gánh bán bưng ngoài chợ đều mặc áo dài, khi cấy ngườI phụ nữ phải chổng mông, vạt áo dài che mông để không thô tục, chỉ đến đầu thập niên 1960, phụ nữ mớI mặc áo bà ba đi cấy”.
Thợ cấy dàn hàng ngang, năm bảy chục ngườI phủ kín chiều ngang thửa ruộng, cấy thụt lùi về phía sau, mỗI người cấy 4 hàng, riêng hò nam và hò nữ được cấy 2 hàng, vì bận suy nghĩa câu hò đối đáp nên năng suất hơi kém. Thông thường, hò nam là những tay tài tử, ham vui tình nguyện cấy cặp vớI hò nữ, không lấy tiền công của trùm vạn. Không khí cấy như ngày hội, nhiều thanh niên không biết hò, mặc pijama mới, đứng đầy trên bờ ruộng nghe hò, hoặc chọn ngườI đẹp để tỏ tình. Ông Tư Đắc, ngườI đánh xe ngựa, sẳn sàng bỏ cuốc xe để dừng trên bờ nghe hò. Ông Hai Kính, dân anh chị ở trường đua Phú Thọ, bịt răng vàng, đeo cà rá đỏ ngón tay, xâm tay rồng rắn, bao xe ngựa từ Q.11 xuống Nhà Bè nghe hò. Bà Chín Xuyến tâm sự “sắp đến mùa cấy nôn nao không chịu được, còn qua mùa cấy bần thần như kẻ thất tình”. Phần lớn chủ ruộng không thích hò cấy, vì những câu đốI đáp hay, bất ngờ, các thợ cấy khác đều ngừng tay nghễnh cổ lắng nghe, nhưng họ không thể cưỡng lạI nét văn hóa đặc sắc này.
* Lãng mãn :
Có thể chia câu hò Nhà Bè làm 2 giai đoạn: Trước năm 1920, các câu hò thường trích từ các câu trong tuồng hát bội, chứa nhiều điển tích, tâm sự kín đáo, ý tứ, thí dụ: NgồI buồn xem tuồng Ngũ Vân Thiệu, vợ thương chồng nên lịu địu lụy mình, hò ơ….Chàng ơi! Hễ nhơn tử lưu danh, đấng anh hùng tử sanh chung chịu, hò ơ…Chữ chung tình mình đừng xa ơ ơ…
Một cội sung huyên, viễn tiền hậu kế, thiếp hỏi thăm chàng lan huệ mấy bông? Hò ơ… Hai sợi song đường ở nhà đồng dây hay chít mối. Hò ơ… Chiếc thuyền lương phạn đưa qua khỏi dòng sông chưa hở chàng?. Ơ ơ..
Thập ngoạc hoài thai tam niên giáo đỏ, bạc mạng này hồi thuở nhỏ thiếp không gặp chàng. Hò ơ…Ngày hôm nay lớn khôn, em thì chưa chồng, anh thì có vợ. Hò ơ…Làm sao gá nghĩa dơn vàng với nhau? Ơ ơ…
Nguyệt lạc ô đề Xuân mãn thu qua, Đông đà lập chí, đạo phu thê này em quý bằng non. Hò ơ…Gái như ai, gái như em trung trinh liệt nữ. Hò ơ…Giữ tấm lòng son chờ chàng ơ ơ…
Nhưng, sau năm 1920, các câu hò được cải cách mạnh mẽ từ chỗ kín đáo sang bộc bạch trữ trình :
Trông cảnh cùng sầu, em ngồi chong ngọn đèn dầu bi thiết, em nặng gánh tương tư nào chàng có biết hay không? Hò ơ… Canh một, canh hai, canh ba, em quá thương chàng, không an giấc điệp. Hò ơ…Canh tư, canh năm em nghe con chim kêu thương, con gà gáy sáng, mà em phải chịu trăm đắng nghìn cay, bớ chàng ơ ơ…
Đêm khuya em nghe tiếng gió thổi, cây xào lá xạc, em ra ngoài nhìn luồng mây bạc với bóng trắng xiêu. Hò ơ….Em thấy cảnh thảm đạm thê hương, nhớ chàng cùng người thương trong lốI lúa xanh, hai ta thề non hẹn biển. Hò ơ….Giờ đây nghe giọng gió rĩ rả tiếng trìu hiu ma em thảm sầu ơ ơ.
Em xa anh rồi vào chốn phòng loan ngũ mười đêm, đêm nào cũng mớ kêu bớ bạn chung tình. Hò ơ…Má em khoát màng loan kêu hỏi. Hò ơ…Con ngủ một mình mà kêu ai ơ ơ…
Bước vô phòng loan tay san gối phụng, chàng ôi em quá tưởng chàng nên chong đèn lụng tiêm hao. Hò ơ…Ai xui khiến chi vầy, nam nam nhứt xứ, nữ nhứt phương, tình yêu thương rời rã. Hò ơ…Chàng ôi! Em mong loan phụng hòa mình sắc cầm hảo hiệp, chung sống với nhau mới phi tình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét