“…Mái đình xưa làng Việt
Thanh thanh một góc trời
Những thăng trầm thời gian đã ghi tạc hình dáng
Nét chạm trổ phượng long uốn lượn tựa mây sóng…”
Những câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường khiến ta hình dung ngay đến hình ảnh mái đình, ngôi chùa với nét chạm trổ rồng, phượng. Hình ảnh thiêng liêng ấy đã đi sâu vào tiềm thức của người Việt, để rồi nó trở thành nét văn hóa độc đáo. Đó là những nơi linh thiêng, tôn nghiêm, nơi mà con người ta hay tìm đến để tạ ơn khi được chuyện vui, để cầu xin khi gặp chuyện buồn… Nó đã trở thành một nét truyền thống văn hóa Việt.
Tôi vô cùng tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Chánh anh hùng, nơi có lịch sử truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất. Nói đến Bình Chánh thì không một người dân nào ở Bình Chánh quê tôi lại không biết đình Tân Túc - một di tích không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn là di tích lịch sử.
VỀ LỊCH SỬ -ĐỊA LÝ: Đình Tân Túc là một trong những di tích cổ xưa nhất trên địa bàn huyện Bình Chánh, đình có diện tích khoảng 4000 mét vuông, tọa lạc ở khu phố 2, đường Nguyễn Hữu Trí, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, là một trong những biểu tượng văn hóa lâu đời về tín ngưỡng, tôn giáo và lịch sử.
Đình được xây dựng năm 1836, tại đây còn lưu truyền về quá trình thành lập làng và sự ra đời của Đình Tân Túc. Vào đầu thế kỷ XVIII nơi đây hãy còn rất là hoang sơ, nhưng đã có những người dân từ đàng ngoài đến khai hoang lập ấp. Vùng đất này còn hoang vu, lầy lội, có rất nhiều loài rắn độc, thú dữ. Cư dân ở đây đi lại chủ yếu là bằng thuyền ghe trên các con sông rạch. Lưu dân dựng lán trại làm “ngôi nhà chung” để trú ngụ, khai hoang lập ấp.
Sống giữa thiên nhiên hoang vu đầy rủi ro và chết chóc nên người dân nơi đây rất tin tưởng vào tâm linh, vào lực lượng siêu nhiên. Vì thế họ thờ thần mây, mưa, sấm chớp, thờ ông Lép Đép, bà La Đa ở “ngôi nhà chung”. Ngôi nhà chung vừa là nơi ở của dân làng, nơi dừng chân của khách phương xa dừng chân ghé trọ và cũng là chỗ linh thiêng để thờ cúng các vị thần tự nhiên. Cư dân ngày càng đông thêm, đất đai khai khẩn ngày càng được mở rộng, làng xóm được tạo dựng ngày càng đông đúc. Lúc này, ngôi nhà chung trở thành đình như bao đình ở Nam Bộ.
Theo đề nghị của dân làng nơi đây, ngày 29/11/1852 vua Tự Đức chính thức sắc phong “Thần Thành Hoàng bổn cảnh” cho những người mở đất lập làng. Đến năm 1993, Đình được nhân dân đóng góp trùng tu khá to và đẹp. Như vậy, điểm nổi bậc của đình Tân Túc là thờ“những người mở đất lập làng” và những vị thần siêu nhiên, khác với nhiều đình ở Nam Bộ là thờ một vị thần cụ thể.
VỀ KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT: Đình là ngôi nhà vuông có bốn cột cái gọi là tứ trụ. Loại nhà này có kiến trúc mở rộng ra 4 mặt xung quanh và ở giữa là nơi thờ tự. Các cột kèo gỗ được chạm khắc rất tinh xảo, tường gạch màu vàng đậm, mái ngói âm dương xen kẻ nhau tạo một cảm giác huyền bí và linh thiêng. Cây đòn nóc trên mái đình được khắc chìm hình bát quái. Bờ nóc mái trang trí tượng lưỡng long triều nhật….
Trong chánh điện nổi bật nhất vẫn là Thần Thành Hoàng bổn cảnh hai bên là tả và hữu ban. Cả ba bàn đều có khánh thờ, chạm rồng quanh cửa, sơn son thiếp vàng, bên trong có mão ngũ sắc đựng trong khánh. Hai bàn thờ tiền và hậu hiền bố trí hai bên tường nội thất chánh điện. Cạnh đó là tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Ngay giữa cửa vào chánh điện có bàn hương án thờ Hội Đồng.
Cùng với giá trị kiến trúc nghệ thuật, đình Tân Túc còn lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếmnhư: hạt cưỡi qui, phèn la, chiên, trống, đao, kiếm, bộ lỗ bằng đồng, 2 bộ liễn…và các câu đối nổi rất nghệ thuật.
Đều khác biệt ở đình đó là kiến trúc, được xây dựng theo sự tinh tế của người dân cổ xưa, vật liệu là những cây gỗ, gạch, đá thô sơ nhưng nó đã làm toát lên vẻ đẹp tự nhiên của đình. Dù nó mộc mạc, đơn giản, nhìn bề ngoài nó rất cũ kĩ nhưng nó đã tác động đến tâm linh và ý nghĩ của mỗi người khi một lần đến thăm đình.
VỀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược:ngày 11/6/1930, đình Tân Túc được chọn là điểm tập kết của hơn 1.500 nhân dân của 3 xã Tân Túc, Tân Nhựt, Bình Chánh đấu tranh đòi giảm thuế, chia lại công điền, chống bắt phu... đây cũng là nơi tập hợp lực lựơng nổi dậy cướp chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945; nơi họp của Xứ ủy Nam Bộ, nơi đặt trụ sở của Ủy ban kháng chiến hành chính xã Tân Túc; là địa điểm đóng quân của Đại đội Tân Túc thuộc bộ đội Chợ Đệm và các chiến sĩ Quốc vệ đội. Nơi tập kết cung cấp lương thực, thực phẩm cho Mặt trận Chợ Đệm.
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước: Đình Tân Túc là nơi duy trì hộp thư bí mật của” Chi bộ Đảng cơ sở, là địa điểm hợp pháp để thông tin liên lạc, là chỗ dựa của lực lượng du kích xã xuất phát tiêu diệt các đồn bót của địch.
Du khách đến tham quan đình
Với giá trị lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng và những giá trị văn hóa, đình Tân Túc được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Thành phố theo quyết định số 325/2003/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
GIÁ TRỊ VĂN HÓA - TINH THẦN: Năm tháng đã tạo cho đình một bề dày lịch sử cùng những văn hóa mang đậm nét bản sắc dân tộc. Ngôi đình như một nhân chứng sống, chứng kiến cảnh đất nước bị loạn chiến tranh chết chóc, ngày nay lại chứng kiến sự đổi mới từng ngày, từng bước đi lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dù đình có bị dòng thời gian bào mòn đôi chút nhưng cho đến nay đình Tân Túc vẫn đẹp lạ thường - đẹp trong con mắt của những người dân Việt quê tôi, mãi mãi nhớ đến công lao của cha ông ta ngày xưa. Giờ đây khi nghĩ đến ngôi đình cổ xưa ấy chúng ta càng hiểu rõ hơn rằng: cha ông ta ngày trước cũng như chúng ta ngày nay, chưa bao giờ quên đi cội nguồn dân tộc, luôn thờ phụng tổ tiên, tín ngưỡng tôn giáo. Đình Tân Túc đã đi vào lòng người với những hình ảnh tốt đẹp nhất, đáng kính nhất.
Với phương châm “việc gì khó có thanh niên”, chúng ta hãy tìm hiểu và giới thiệu cho người thân, bạn bè của mình biết thêm những nét đẹp văn hóa lịch sử của đình Tân Túc. Những nén hương thành tâm với làn khói nghi ngút sẽ làm cho đình Tân Túc mãi trở thành một biểu tượng của tâm linh, một di tích lịch sử văn hóa đáng tự hào không chỉ của quê hương Bình Chánh thân yêu mà là niềm tự hào của tất cả những người dân thành phố.
Để kết thúc bài nói của mình, tôi xin mượn đoạn cuối trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường.
“Ơi vút cong mái đình
Ơi nước non ân tình
Hồn Việt Nam như thế
... thuở bình minh”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét