Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

ĐÌNH AN NHƠN DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CẤP THÀNH PHỐ


Tọa lạc tại số 72/999 Bến đò Khu phố 6 - đường Lê Đức Thọ - Phường 17, Đình An Nhơn được lập từ 1802, do Tổng Trấn Gia Định Thành - Đại tướng Đoan Hùng và Quận công Nguyễn Văn Trương cho phép dựng tại xã An Nhơn xưa. Ngày 29/4 Âm lịch (1852), Tự Đức đã ban Sắc phong. 

Xưa Đình có diện tích 6.000m2 với trên 30 cây sao. Nay diện tích Đình đã bị thu hẹp, còn độ 1.000m 2 và không còn cây sao nào nữa. Đình An Nhơn thờ Nam Hải Tứ vị Thánh Vương, nguyên là Dương Thái Hậu và 3 nàng công chúa Trung Hoa đời Nam Tống bị nhà Nguyên soán ngôi đã nhảy xuống biển Nam Hải tự trẫm. Xác trôi dạt vào cửa Càn (Nghệ An). Nhân dân vớt được tấu trình với triều đình, Vua Trần Thánh Tông phái khâm sai cử hành tang lễ trọng thể. Nhân dân lập đền thờ thường gọi là “Đền thờ Đức Thánh Mẫu”. Từ đó bốn vị hiển linh, phò trợ quan quân nhà Trần thắng nhiều trận, đuổi giặc Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi. Vua Trần sắc phong “Nam Hải Đại Càn Thánh Nương”.
Đình còn thờ ông Trần Xuân Hòa - Phó tướng của Nguyễn Tri Phương, trấn đồn Chí Hòa. Khi Chí Hòa thất thủ, ông tự tử. Nhân dân Gò Vấp yêu mến người anh hùng nghĩa sĩ này nên đã thờ ông tại Đình. Năm 1852, Đình được trùng tu lần thứ nhất. Năm 1945, toàn dân kháng chiến, ngôi đình là trụ sở của lực lượng Thanh niên tiền phong và là trạm giao liên giữa hai xã An Nhơn - An Phú Đông, đồng thời là cơ sở cách mạng suốt thời kỳ kháng chiến. 

Hàng năm, lễ Vía Thần ngày 13/3 Âm lịch, lễ Kỳ Yên ngày 15/8 Âm lịch, tín đồ cúng vái rất đông. Ngày 19/5/2005, Đình đã tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.
BM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét