Bên cạnh chính tên Thăng Long, Hà Nội thời xa xưa còn có tên gọi là Kẻ Chợ - hàm ý chỉ kinh thành là thị trường lớn nhất nước ta, nơi hội tụ của các ngành nghề và nơi tập trung nhiều chợ lớn nhỏ, với mật độ chợ dày đặc nhất ở Khu phố cổ.
Chợ Hà Nội cổ xuất hiện từ rất sớm, vào năm 1035, khi vua nhà Lý “mở chợ Tây nhai với hành lang dài” (quãng chợ Ngọc Hà hiện tại). Từ thế kỉ XVII – XVIII, mạng lưới chợ Thăng Long đã phát triển mạnh mẽ. Vì là nơi đô hội, tụ tập đông người nên mật độ chợ ở đây dày đặc hơn các nơi khác. Trong rất nhiều các khu chợ đã hình thành, tồn tại và phát triển suốt chiều dài lịch sử thành Thăng Long, chợ Châu Long là một trong những khu chợ đặc biệt, bày bán vô số những món ăn bản địa – những món ngon đặc trưng của Hà Nội mà bất cứ ai cũng không nên một lần bỏ lỡ như phở bò, bánh cuốn, bún chả, bánh chưng…
Chợ Châu Long nằm trong khu vực hồ Trúc Bạch, với diện tích hơn hai nghìn mét vuông, phía Bắc giáp phố Chùa Châu Long, phía Nam giáp phố Nguyễn Trường Tộ, phía Đông giáp phố Châu Long và phía Tây giáp phố Trấn Vũ.
Xưa kia, khu đất nơi có chợ Châu Long chỉ là một bãi đất bỏ không, nhân dân quanh vùng tự lấy làm nơi họp chợ cóc nên gọi là Bãi chợ Châu Long...Cái xóm do dân tự lập từ “Bãi chợ Châu Long” ấy đổi tên thành “Xóm chợ Châu Long”.
Xóm chợ Châu Long có hơn 50 số nhà, kinh doanh đủ các mặt hàng, từ tiệm cho thuê xích lô, xe tay, xe bò; đến tiệm lò rèn; hàng thợ thiếc; hàng xén; hàng vải; hàng giò chả; thịt; gà… nhưng đông nhất là các quán ăn ven mặt đường.
Năm 1950, ông chủ chợ Châu Long làm đơn xin phép và được nhà nước bảo hộ cho làm chợ tạm, mỗi gian được phép lợp tranh tre nứa lá. Trước khi Thủ đô giải phóng, một phần đất của Bãi chợ Châu Long bị cắt ra cho câu lạc bộ nhà máy đèn sử dụng. Những năm sau giải phóng, câu lạc bộ nhà máy đèn giải tỏa, từ đây, chợ Châu Long mới được hoàn toàn yên vị. Năm 1955, nhà nước tiến hành xây chợ. Lúc mới xây xong, trong chợ bán đủ loại mặt hàng: thực phẩm, thịt cá, rau đậu, vải vóc, len dạ. Chợ Châu Long sầm uất nhất trong khoảng thời gian này.
Năm 1976, chợ được sửa chữa lại, lợp ngói mới nhưng chưa xây tường bao. Đến năm 1984, khi tiến hành sửa chữa lần hai, chợ mới được xây tường gạch bao quanh. Năm 1998, chợ Châu Long được sửa chữa lần thứ ba...
Hiện nay, chợ Châu Long vẫn còn hàng trăm hộ kinh doanh nhỏ lẻ, việc buôn bán tương đối ổn định với các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm. Hàng ăn ở chợ Châu Long có tiếng, với đủ thức ngon đất Hà thành. Vừa qua, ẩm thực trong chợ Châu Long đã được một Tạp chí du lịch của Anh “điểm danh” trong danh sách “Những thánh địa ẩm thực trên thế giới”.
Được biết, UBND thành phố Hà Nội cũng chủ trương tiến hành xây dựng chợ Châu Long thành Trung tâm thương mại Châu Long. Như vậy, cũng như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… một ngày không xa, chợ Châu Long sẽ không còn. Nhưng như một chứng nhân lịch sử, đã từng cùng nhân dân Thủ đô chứng kiến biết bao đổi thay của mảnh đất “ngàn năm văn hiến”, chợ Châu Long sẽ mãi in sâu trong tiềm thức của những người dân đã từng sống và từng gắn bó với khu chợ, cũng như những người con Hà thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét