Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Kinh nghiệm phượt cung đường Pù Luông ở Thanh Hóa

Pù Luông với những thửa ruộng bậc thang, núi rừng hoang sơ cùng nếp nhà giản dị nép mình bên sườn đồi từ lâu đã là miền đất hứa của các phượt thủ thích khám phá.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách thành phố Thanh Hoá khoảng 130 km về phía Tây Bắc, thuộc địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước. Vẻ đẹp Pù Luông với nhiều nét hoang sơ, ẩn hiện trong sương tựa như vườn treo trên cao luôn chờ đón du khách đến thưởng ngoạn.
Thời gian
Thời điểm tuyệt nhất để đến thăm Pù Luông là khoảng tháng 6 và tháng 10, khi lúa rộ lên chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang bên sườn đồi, điểm tô cho thảm xanh Pù Luông nét vẻ trù phú, yên bình và thơ mộng. Ngoài ra, bạn có thể đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm để thư giãn cùng không gian mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ ở một số bản vùng cao.
Di chuyển
Từ Hà Nội, bạn có thể đi xe máy tới bản Lác, Mai Châu rồi tiếp tục đi theo hướng Co Lương, rẽ đường 15C chạy dọc sông Mã để tới khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
10382074-668695523178588-75996-5501-2148
Một khúc tay cua trên đường phượt. Ảnh: Nguyễn Thành Hoan.
Nếu xuất phát từ thành phố Thanh Hóa, ngược lên phía Tây Bắc, men theo đường mòn Hồ Chí Minh, rẽ phải ở thị trấn Cẩm Thủy, bạn sẽ gặp đường 15C tại thị trấn Cành Nàng, sau đó đi khoảng 10 km nữa là tới chân núi Pù.
Lưu trú
Trên hành trình phượt Pù Luông, du khách có thể nghỉ ngơi trong các ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của người Thái, Mường ở Bản Lác, bản Com Poọng, Hòa Bình hoặc ngay tại vùng lõi Pù Luông ở các bản Đông Điểng, Kho Mường, bản Nủa, bản Kịt 1, Cao Hoong… Chi phí một đêm khoảng 40.000 - 50.000 đồng một khách.
Đặc sản nên thử
Dịch vụ ăn uống ở Pù Luông thường được đặt tại nhà sàn nơi cả đoàn đến lưu trú. Chủ nhà sẽ thiết khách những món ăn mang đậm phong vị của núi rừng như gà đồi, ốc khỉ, măng chua, măng đắng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, vịt suối nướng, lợn rừng quay…
10352998-539098359531914-90391-2390-3919
Những món ăn mang màu sắc của núi rừng luôn làm hài lòng du khách. Ảnh: Dũng Mộc.
- Canh đắng được nấu từ một loại lá đắng trên rừng cùng lòng và tiết gà. Khi ăn vị đắng ngắt tê tê nơi cổ họng khiến nhiều khách đường xa phải nhắm mắt, rùng mình. Tuy nhiên, đọng lại nơi đầu lưỡi là vị ngọt thanh rất mát và lạ miệng.
- Gà thả đồi, vịt cỏ thả suối nên thịt rất chắc và thơm, được chế biến thành nhiều món như luộc, quay, nướng, xào măng, hấp lá rừng… sau đó bày lên cỗ lá.
- Người Thái ở Pù Luông còn có món rượu cần cay nồng là đặc sản không thể thiếu trong mỗi bữa cơm đậm nghĩa tình. Rượu cần được làm từ men sắn và nước suối nên hương vị rất đậm đà và đặc biệt. 
Điểm tham quan, khám phá
- Từ Đông Điểng chinh phục đỉnh Pù Luông cao trên 1.700m là trải nghiệm chỉ dành riêng cho những du khách ưa mạo hiểm. Từ trên đỉnh cao Pù Luông nhìn dưới bạn sẽ thu vào tầm mắt trọn vẹn phong cảnh ngoạn mục của thung lũng dưới chân núi.
- Đừng bỏ qua hành trình thượng sơn lên Son – Bá – Mười, chốn thâm sơn cùng cốc có những trẻ em và người già chỉ biết nơi đây là cả thế giới. Bạn phải trải qua các bản Nủa, Trình, Hin, Bố cùng những đoạn đường núi dốc dựng thẳng đứng rất vất vả mới đến được chốn bình yên đẹp như tranh vẽ này.
hi-1399-1406259317.jpg
Ruộng bậc thang là một "đặc sản" trong hành trình khám phá. Ảnh: Dũng Mộc.
- Với nhiều du khách nước ngoài, Kho Mường là điểm xuất phát lý tưởng cho những chuyến trekking xuyên Pù Luông. Đến với bản Kho Mường, ngoài cảnh quan, địa thế hùng vĩ, du khách được khám phá hang động với những nhũ đá huyền kỳ. Từ bản Kho Mường có thể đi theo tuyến 4 bản Mường là Bản Pốn – Thành Công – Cao Hoong – Bản Kịt để khám phá nét đặc trưng văn hóa, hoặc men theo đường mòn nối Kho Mường tới Bản Ươi – Phố Đoàn để đến bản Quắn, nơi có những nếp nhà bình yên, giản dị.
10351959-539092936199123-61545-2902-9997
Ghi dấu chân ở dốc vào Kho Mường. Ảnh: Dũng Mộc.
- Một địa danh không thể bỏ qua khi đến Pù Luông là thác nước bản Hiêu. Trên đường từ thị trấn Phố Đoàn vào bản, du khách có thể bắt gặp rất nhiều guồng nước đặc trưng của người Thái. Qua cầu treo, vượt qua con dốc trên đồi đất bạn sẽ phải ồ lên thích thú khi bắt gặp thác nước bản Hiêu đang reo vui tuôn chảy.
- Nếu đi vào thứ 5 hoặc chủ nhật, hãy đến chơi chợ phiên Phố Đòn, nơi trao đổi mua bán những sản vật vùng cao rất thú vị của đất và người với các mặt hàng tự cung tự cấp như thổ cẩm, rượu cần, rau rừng, côn trùng, hoa quả tươi...
- Ngoài ra, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người Thái, người Mường, hòa mình vào cuộc sống của bản cao, thưởng thức những điệu múa sạp, múa xòe, hát lượn và "say" cùng những điệu Khặp Thái uyển chuyển, mê hồn.
Vật dụng mang theo
Để có chuyến đi hoàn hảo, du khách nên chuẩn bị một số vật dụng chủ yếu như dây thừng, dây dù để buộc lốp khi gặp đường trơn trượt, trang phục dài tay màu tối, mũ mềm, giày đi rừng, vớ chống vắt, đèn pin, áo mưa, ống nhòm, lều trại, thuốc chống vắt, muỗi, thuốc trị côn trùng để khám phá rừng.
Lưu ý
- Nên kiểm tra theo dõi thời tiết trước chuyến đi vài ngày để tránh mưa rừng.
- Cần bơm xăng đầy trước khi vào Pù Luông.
- Nếu không liên hệ đặt nhà nghỉ trước được, bạn có thể đến nơi rồi mới hỏi thuê. Tuy nhiên, nếu chẳng may lỡ bước cũng có thể xin ngủ nhờ tại bất kỳ nhà dân nào mà không cảm thấy phiền, bởi đôi khi họ còn cảm thấy ngại vì sàn nhà không đủ lớn để chứa cả đoàn của bạn.
Lê Thương

Yên bình bản làng Pù Luông

(iHay) Những bản làng nằm yên bình trong các thung lũng, bốn bề được bao bọc bởi rừng nguyên sinh xanh thẫm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (nằm giữa hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang là điểm đến hấp dẫn đối với những du khách ưa khám phá, đặc biệt là những du khách ngoại quốc.


Pù Luông - điểm đến hấp dẫn của du khách ngoại quốc 1 
“Hơn cả sự mong đợi”
Sau hơn một giờ đồng hồ chạy xe máy từ thị trấn Cành Nàng, H.Bá Thước, chúng tôi có mặt tại bản Hiêu (xã Cổ Lũng, H.Bá Thước), vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Trên con đường quanh co men dưới chân dãy Pù Luông, từng tốp khách du lịch người châu Âu đang trở về những căn nhà sàn trong bản sau một ngày đi bộ khám phá núi rừng.
Dòng thác Hiêu vào mùa khô giờ như một con suối nhỏ được người dân trong bản ngăn đôi chia nước về hai ngả để tưới cho những thửa ruộng bậc thang. Rất nhanh, sương chiều giăng kín len vào các ô cửa nhà sàn khiến cái lạnh của chiều đông ở chốn rừng núi thâm u thêm tê buốt.
Bên ánh lửa hồng giữa căn nhà sàn của anh Hà Văn Tùng, ở bản Hiêu, vợ chồng John Brown (quốc tịch Anh) phấn kích kể lại những trải nghiệm dưới chân dãy Pù Luông. “Quá thú vị”, “hơn cả sự mong đợi”, “khác quá xa hình dung”..., John Brown thốt lên. 
“Chúng tôi đã từng qua nhiều điểm du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Mộc Châu, Sa Pa, Mai Châu… nhưng không một nơi nào như Pù Luông. Ở đây, chúng tôi được nghe cả tiếng thở của bầy trâu, tiếng vịt kêu bên khe suối vào mỗi buổi sơm mai. Và đặc biệt là được hòa vào với nếp sống bình lặng của những cư dân sinh sống giữa rừng già… Tuyệtt!”, John Brown nói.
 Pù Luông - điểm đến hấp dẫn của du khách ngoại quốc 3
Những bản làng yên bình trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông
Còn theo anh Lê Quốc Dũng, hướng dẫn viên du lịch cho một công ty có trụ sở tại Hà Nội, thường đưa khách tới Pù Luông, hầu hết khách du lịch ngoại quốc khi đến đây đều tỏ ra thích thú khi được cảm nhận rõ nhất vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, sống cùng những phong tục và nếp sinh hoạt của người dân bản địa.
Cũng theo anh Dũng, chính cuộc sống tự cung tự cấp của người dân trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã mang lại cho du khách một loại hình du lịch đặc sắc với giá cả phải chăng, mà hiếm nơi nào có được. Bình quân mỗi đêm lưu trú tại nhà dân trong bản chỉ mất khoảng từ 40.000 - 60.000 đồng/người; một bữa ăn với những sản vật địa phương như vịt Cổ Lũng, cơm lam, sắn lùi, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, ốc núi, cua đá… cũng chỉ khoảng 50.000 đồng/suất.
Vừa bảo tồn vừa tạo sinh kế cho người dân
“Mỗi tháng tôi đưa khoảng từ 3 - 4 đoàn khách từ Hà Nội vào đây. Đến Pù Luông mùa nào cũng đẹp, nhưng du khách đến đông nhất thường là vào tháng 3, tháng 4, tháng 10, tháng 11, khi lúa chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang quanh các bản Hiêu, Son, Bá, Mười trong vùng lõi của Pù Luông. Du khách nước ngoài rất mê sự hoang sơ ở nơi đây. Cái họ cần nhất khi lưu trú tại những nơi như thế là vệ sinh an toàn thực phẩm và nơi ở phải có các công trình vệ sinh sạch sẽ”, anh Dũng nói.
Pù Luông - điểm đến hấp dẫn của du khách ngoại quốc 4
Pù Luông - điểm đến hấp dẫn của du khách ngoại quốc 5
Pù Luông - điểm đến hấp dẫn của du khách ngoại quốc 6
Pù Luông - điểm đến hấp dẫn của du khách ngoại quốc 8
Du khách châu Âu trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa trong những ngôi nhà sàn - Ảnh: Ngọc Minh 
Ông Lê Thế Sự, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Pù Luông, cho biết những năm gần đây nhiều du khách châu Âu đã chọn Pù Luông làm nơi khám phá khi tới Việt Nam. Lượng khách ổn định và tăng đều qua từng năm. Theo thống kê năm 2014, khu bảo tồn này đón khoảng 4.000 lượt khách du lịch tham quan, trong đó có tới hơn 3.500 du khách quốc tế, chủ yếu mang các quốc tịch Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Bỉ, Hà Lan, Đức, Ý, Thụy Sỹ. Qua các dịch vụ lưu trú và ăn uống, nhiều hộ dân trong vùng lõi của khu bảo tồn đã có nguồn thu ổn định.
Những năm gần đây, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho những hộ dân tham gia làm du lịch, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ bà con đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh phục vụ du khách; hỗ trợ người dân khung dệt cùng vật liệu để sản xuất các mặt hàng lưu niệm bán cho du khách.
“Chính sự hỗ trợ mang tính sinh kế của chúng tôi đã giúp người dân có thêm thu nhập và chính họ đã tích cực tham gia cùng bảo vệ sự nguyên vẹn của Pù Luông như bảo vệ chính cuộc sống của mình. Và chỉ có sự nguyên vẹn của Pù Luông mới hấp dẫn được du khách tìm đến tham quan, khám phá”, ông Sự nói.

- Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có diện tích 17.662 ha nằm trên khu vực rừng núi đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền Bắc với 3 kiểu rừng chính là rừng rậm  trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi và các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi.
Theo “điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa” của Viện Sinh thái công bố năm 2013, khu bảo tồn này hiện có 1.542 loài thực vật và 908 loài động vật, trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm được xếp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như: thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, voọc xám, báo gấm, sơn dương, gấu đen châu Á, cầy vằn bắc...
Không chỉ đa dạng về các loài động thực vật, hệ sinh thái mà Pù Luông còn hấp dẫn bởi cảnh quan mang đặc trưng của tây bắc Việt Nam với những ruộng bậc thang và các làng bản dân tộc ít người ven suối.
Nơi đây có thác nước bản Hiêu hùng vĩ quanh năm không bao giờ cạn nước cùng hệ thống hang động kỳ thú, trong đó hang Kho Mường là một trong những hang động đẹp nhất ở Pù Luông. Hang Kho Mường có chiều dài khoảng 2,5 km dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pồn thuộc xã Lũng Cao xuống Cổ Lũng. Nơi đây còn là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, bởi vậy nó còn được người dân gọi là hang dơi…
Ngọc Minh

Pù Luông - du lịch giá rẻ, nhiều thử thách

  • 2
Mùa vàng không chỉ có ở Mù Cang Chải, Sa Pa hay Hoàng Su Phì, mà còn một nơi cũng không kém phần rực rỡ nhưng ít người biết đến. Đó là Pù Luông.
Tháng 5 - 6 và tháng 9 - 10: Thời điểm đẹp nhất để đến Pù Luông
Pù Luông - tên một khu bảo tồn quốc gia thuộc hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Những người thích “lang thang” hay đến Pù Luông để thưởng thức hương vị núi rừng hoang sơ, chưa bị khai thác du lịch, để tận hưởng những ruộng bậc thang xen kẽ trong khu vực rừng nguyên sinh. 
Pu Luong - du lich gia re, nhieu thu thach hinh anh
Lúa chín ở Pù Luông.
Tới đây, bạn nên chọn hai thời điểm đẹp nhất trong năm: Tháng 5 - 6 hoặc tháng 9 - 10. Tháng 5 - 6 là thời điểm bắt đầu vụ lúa mới, cánh đồng lúa xanh đan xen với những đồng lúa vàng, tận hưởng không khí mát mẻ giữa mùa hè hay những làn sương nhẹ lững lờ trôi trong sáng sớm. Tháng 9 - 10 là thời điểm lúa chín rộ nhất, vùng núi yên bình bỗng trở nên rực rỡ, trù phú, dường như được thiên nhiên phủ lên một màu vàng ruộm hấp dẫn.
Để đến Pù Luông nên đi bằng xe máy, vì những con đường vào bản hẹp và rất chênh vênh, chỉ đủ để hai xe máy tránh nhau, ô tô không thể đi được. Bởi vậy, Pù Luông được nhắc đến như một địa điểm du lịch bụi giá rẻ và nhiều thử thách.
Có hai con đường để tới Pù Luông. Cách thứ nhất là đi qua Mai Châu, bản Lác, tới QL15C rồi hỏi đường rẽ vào Pù Luông. Cách thứ hai là đi từ Thanh Hóa, qua Cẩm Thủy rồi rẽ vào QL15C để tới Pù Luông. Vì có hai đường tiếp cận từ hai phía như vậy, nên khi đi Pù Luông, các bạn trẻ thường đi một đường và về một đường, bởi trên đường đi có rất nhiều điểm tham quan để ghé qua. Nếu có thời gian, hãy ghé vào suối cá thần Cẩm Thủy; Hoặc khi về đến Vân Đình, hãy ghé vào Quan Sơn nếu đang là mùa sen vì Quan Sơn là một hồ sen rất đẹp.
Cung đường thử thách
Thời gian dự tính cho chuyến “đi bụi” Pù Luông khá ngắn ngày, thông thường chỉ mất 2 - 3 ngày. Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội vào 18h30 tối thứ 6, đi Mai Châu, ăn tối tại Lương Sơn và nghỉ ở nhà sàn ở Bản Lác - một địa chỉ du lịch nổi tiếng, nằm trong thung lũng Mai Châu, cách Hà Nội khoảng 140 km. Đoàn chúng tôi nối đuôi nhau, rồng rắn uốn lượn theo những con đường ở dốc Cun, đèo Thung Khe. Nếu nhìn từ phía sau, cả đoàn trông giống một con rắn đốm đỏ đang trườn. 
Pu Luong - du lich gia re, nhieu thu thach hinh anh
Thung lũng Kho Mường.
Chúng tôi tới bản Lác đúng nửa đêm. Nếu bạn cùng nhóm đi đông và đi buổi tối cần tuân thủ nghiêm ngặt một số quy định khi đi đường như phân công người dẫn đoàn, chịu trách nhiệm dẫn đường và duy trì vận tốc ổn định của đoàn và người chốt đoàn để đảm bảo không ai bị tụt lại. Cùng đó, phải mặc áo phản quang, dán băng dính phản quang vào ba lô, mũ hoặc xe, trang bị bảo hộ và đi cách nhau 20m đủ khoảng cách an toàn để xử lí kịp thời khi gặp trường hợp nguy hiểm.
Ngày thứ hai của cuộc hành trình, bạn sẽ có cơ hội đón bình minh tại bản Lác, ăn cháo gà, đi dạo quanh cánh đồng ngoài làng và săn ảnh. Sau đó, bạn đừng quên đổ đầy bình xăng trước khi lên đường đi Pù Luông.
Cung đường trong ngày thứ hai sẽ là: Bản Lác - QL15C - Suối Poong - Kho Mường - Phố Đoàn - bản Nủa- bản Cao Hong - bản Kịt. Sau khi vượt qua những con đường đất và suối đá gồ ghề, điểm dừng chân buổi trưa sẽ là Kho Mường, tại nhà bác Hà Đình Nếch, bao quanh là cánh đồng lúa vàng óng.
Trên đường đi Phố Đoàn, đừng quên rẽ vào thác nước bản Hiêu. Chúng ta sẽ gặp chiếc cầu treo cùng với những guồng nước đặc trưng của người Thái. Đường vào bản Kịt thực sự là thử thách cho những tay lái lụa, với con đường hẹp, dốc; đôi khi dựng đứng, dốc lên dốc xuống liên tục, chiếc cầu có khi chỉ là một thân cây ngả ra. Bản Kịt là một bản vùng sâu, vùng xa, sâu trong khu bảo tồn Pù Luông. Lúa tại bản Kịt nằm xen lẫn trong núi, khi nắng chiếu xiên, tạo thành các tia sáng, khiến người ta có cảm giác cảnh vừa thực, vừa mơ.
Một điểm lưu ý khi tới bản Kịt, sau gần hai ngày rong ruổi trên những con “ngựa sắt”, bạn nhớ chuẩn bị lương thực đủ cho cả đoàn bởi buổi tối tại bản Kịt rất khó để tìm mua đồ ăn cũng như thực phẩm.
Vào ngày thứ ba, bạn nên trở về theo cung đường bản Kịt - Phố Đoàn - Cẩm Thủy - đường HCM - Vân Đình - Hà Nội. Từ Phố Đoàn về đến Hà Nội, cung đường lại dễ đi, lưu lượng giao thông thấp. Con đường rộng, vắng, núi đá xung qua lởm chởm với nhiều hình thù thú vị. Đây có thể coi là thời gian thư giãn nhất trong suốt hành trình…
Theo Dương Quỳnh Anh / Báo Giao Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét