Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

TỊNH XÁ NGỌC PHƯƠNG VỚI CÁC PHONG TRÀO ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC


Tịnh xá Ngọc Phương gắn liền với tên tuổi Ni sư Huỳnh Liên, người đứng đầu hệ phái Ni giới Khất sĩ Việt Nam, tọa lạc tại 498/1 đường Lê Quang Định - Phường 1. Năm 1958, Ni trưởng Huỳnh Liên đứng ra xây dựng Tịnh xá, nay là trụ sở Trung ương của hơn 100 ngôi Tịnh xá ở khắp miền Trung và Nam Việt Nam. Lúc đầu Ngọc Phương là một am nhỏ hình bát giác, năm 1972 được xây dựng lại thành ba khu nhà hai tầng, trên khuôn viên khoảng 2.500m 2 . 

Chính điện tịnh xá ở lầu một khu nhà giữa. Tầng trệt là giảng đường, nơi diễn ra nhiều cuộc hội thảo, mít tinh của các phong trào đấu tranh yêu nước. Từ những năm 1960, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước cảnh đau thương mất mát của đồng bào, Tổ quốc, Ni trưởng Huỳnh Liên đã tích cực vận động chư ni, tín đồ đấu tranh giành độc lập, tự do. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Tịnh xá Ngọc Phương là cơ sở cách mạng tiếp tế vật dụng, thuốc men, lương thực… cho Ban Kinh tài, Ban Văn nghệ Tây Nam bộ, Ban An ninh liên quận 4, mật khu Long An, chiến khu D… Đây cũng là nơi hội họp của Quận ủy liên quận 4, Ban An ninh liên quận 4 - nơi che dấu nhiều cán bộ cách mạng. Nhiều phong trào đấu tranh công khai như phong trào phụ nữ đòi quyền sống, Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình, phong trào dân tộc tự quyết, Ủy ban cải thiện chế độ lao tù… thường xuyên hội họp tại đây. Phong trào sinh viên học sinh cũng xem Tịnh xá là căn cứ địa tổ chức các cuộc biểu tình. Do vậy, tịnh xá Ngọc Phương được mệnh danh là “tổng hành dinh của các cuộc xuống đường”.
Từ 1970 - 1975, các cuộc biểu tình của Ni giới Khất sĩ liên tục nổ ra đòi thả tù chính trị, chống bắt lính, đòi tự do dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Paris… Gây được tiếng vang lớn là lần Ni trưởng Huỳnh Liên phối hợp với đồng bào Công giáo tố cáo chính sách thâm độc của Mỹ nhân sự có mặt của Thượng nghị sĩ Mac Govern tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, cuộc tuyệt thực cả tuần lễ trước Dinh Độc Lập, biểu tình ngồi ở ngã Bảy suốt ba ngày đêm, tham gia ngày “Ký giả đi ăn mày”… Nhận thấy những nữ tu áo vàng ở Tịnh xá Ngọc Phương là lực lượng nguy hiểm, ngày 27/10/1974 chính quyền Sài Gòn đã cho cảnh sát giăng dây kẽm gai quanh Tịnh xá, đặt hàng rào ngựa sắt trên đoạn đường Lê Quang Định để bao vây. Dù vậy các ni cô vẫn thoát ra ngoài, kết hợp cùng chư ni ở những Tịnh xá khác biểu tình đòi giải tỏa hàng rào này. Dư luận trong cũng như ngoài nước đều lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nhân quyền nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn bất chấp. Cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tịnh xá mới được giải tỏa… 

Năm 2004, Tịnh xá cho xây mới khu lưu trú dành cho các ni sinh các tỉnh về tu học. Tịnh xá Ngọc Phương đã được công nhận là di tích lịch sử theo Quyết định số 2754-QĐ/BT ngày 15/10/1994.
HUYỀN TRÂN (Sưu tầm và biên soạn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét