Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

CĂN CỨ HỐ BẦN - MỘT ĐIỂM SON TRONG LỊCH SỬ ĐẤU TRANHCÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN QUẬN 6

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở làng Phú Định (nay thuộc phường 10 quận 6 và phường 16 quận 8) đã xuất hiện nhiều lò gạch ngói của người Hoa. Họ lấy đất để làm gạch ngói, dần dà vùng đất này (xưa kia là ruộng đất) đã biến thành một vùng chứa nước thênh thang rộng gần 50 hecta. Rồi trải qua hàng chục năm nữa, hồ nước được phù sa bồi đấp dần dần lấp cạn, cây cỏ mọc um tùm mà nhiều nhất là cây bần, từ đó mang tên Hố Bần. Đến năm 1920, hầu hết vùng này lại được cấy lúa, còn bần và lác thì chỉ được trồng theo bờ ranh của mỗi phần ruộng.
 
          Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Trung Huyện thuộc tỉnh Chợ Lớn thành lập chính quyền cách mạng, bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Nhưng chưa đầy một tháng, ngày 23/9/1945, quân đội thực dân Pháp được sự bao che của quân Anh bắt đầu chiếm lại các cơ sở, chính quyền và đồn bót trong nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại Quận 6 (một phần của Trung Huyện lúc bấy giờ, chúng đã xây dựng một hệ thống đồn bót theo hình vòng cung để bao vây và kìm kẹp nhân dân trong vùng. Từ hệ thống đồn bót này, chúng thường xuyên mở nhiều cuộc hành quân lớn nhỏ nhằm truy quét các cơ sở cách mạng ra khỏi vùng này. Do quận 6 có một vị trí rất quan trọng - cửa ngõ Tây Nam thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, từ nội thành ra chiến khu và ngược lại, nên được Thành ủy quan tâm đưa một số cán bộ cốt cán về trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo phong trào tại đây như đồng chí Trịnh Đình Trọng, Trần bạch Đằng, Liễu Châu. Đồng chí Liễu Châu trực tiếp tại hộ 16 (nay là quận 6).
 
          Trước tình hình càn quét, ruồng bố của địch, vào khoảng tháng 8/1946, Chi bộ hộ 16 đã đề ra chủ trương “bám trụ giữ đất giành dân” quyết định xây dựng Hố Bần thuộc hộ 16 thành căn cứ địa cho các hộ 12, hộ 14 đến tạm trú để tránh sự ruồng bố của địch lúc ban ngày. Để thực hiện quyết định này, Chi bộ hộ 16 đã vận động bà con nông dân không đốn cây bừa bãi trong Hố, nhất là cây bần và cây lác. Được sự đồng tình và ủng hộ của một số bà con nông dân đang canh tác trong vùng, đến năm 1947, Hố Bần đã trở thành một rừng bần và lác, tạo thành một khu căn cứ kháng chiến vô cùng hiểm trở, cùng với khu vực Hố Bần thuộc hộ 17 (nay là quận 8) hình thành một khu vực liên hoàn làm căn cứ đứng chân cho các cơ quan Khu và liên hộ. Hai đội vũ trang của Khu thường xuyên cơ động bảo vệ khu căn cứ Hố Bần, làm nhiệm vụ chống càn, phục kích, tập kích, diệt địch trong vùng, lập nhiều thành tích trong các trận đánh Rạch Năng, bót Bình Đông, bót Cây Dương, Nhà thương Phú Lâm.
 
          Về phía địch, chúng dò biết khu căn cứ Hố Bần là nơi tạm đóng của lực lượng cách mạng và là nơi xuất phát của lực lượng vũ trang cách mạng trong tấn công chúng, nên địch thường xuyên mở những cuộc hành quân lớn nhỏ với mục đích càn quét và đẩy lực lượng vũ trang kháng chiến ra khỏi vùng ven thành phố. Đầu năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc hành quân tương đối qui mô đánh vào khu căn cứ Hố Bần, khi chúng tiến đến xóm Rạch Năng - ranh khu căn cứ Hố Bần, lực lượng du kích khu căn cứ Hố Bần đã đánh trả quyết liệt, bắn chết 01 tên và làm bị thương một số tên khác. Tháng 4/1947, địch lại huy động lực lượng đóng ở các đồn bót từ Phú Lâm đến Bình Đông, Rạch Cát bao vây khu căn cứ Hố Bần, lực lượng của ta đã chiến đấu ác liệt với chúng và mở được vòng vây thoát ra ngoài. Tháng 10/1947, bọn công an và cảnh sát bót Bình Đông mở một cuộc đột kích vào Vàm Hố Lớn, đi sâu vào khu căn cứ Hố Bần. Lực lượng vũ trang bảo vệ căn cứ biết được tin trước, bố trí lực lượng phục kích chúng tại đầu Vàm. Khi chúng kéo đến, lực lượng vũ trang của ta nổ súng, bọn đi đầu hoảng hốt, hỗn loạn tháo chạy về bót đem theo một số tên bị thương. Tháng 8/1948, bọn công an và cảnh sát bót Bình Đông lại mở một cuộc đột kích vào Vàm Hố Lớn. Tuy bị bất ngờ, nhưng lực lượng vũ trang của ta vẫn chống cự mãnh liệt, làm bị thương một số tên, về phía ta, 01 du kích đã hy sinh.
 
          Với vị trí là khu căn cứ kháng chiến ở vùng ven Tây Nam thành phố; Khu căn cứ Hố Bần đã có những đóng góp không nhỏ vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Hố Bần lại được sử dụng vào khoảng năm 1960, lúc này khu căn cứ Hố Bần không chỉ là nơi xuất phát của lực lượng vũ trang quận 6 trong tiến công vào các đồn bót của địch ngay tại địa bàn quận 6 mà Hố Bần còn cùng với Phong Đước, rạch Bà Tàng, khu Cầu Sập, Vàm Nước Lên, rạch Lồng Đèn… tạo thành vùng căn cứ các quận vùng ven (quận 6, quận 7, quận 8), đóng vai trò bàn đạp phía Nam và Tây Nam thành phố để lực lượng vũ trang của ta thọc sâu vào nội đô, thể hiện rõ nhất trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng thành phố Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4/1975.
 
          Có thể nói, khu căn cứ Hố Bần đã trở thành một địa danh thân thương của những cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những gia đình cách mạng cơ sở đã từng sống, chiến đấu tại địa bàn quận 6 trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam và là một điểm son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân quận 6.
 
          Theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ đã sống, chiến đấu tại khu căn cứ Hố Bần, công trình xây dựng Bia tưởng niệm tại căn cứ Hố Bần đã được Đảng bộ, chính quyền quận 6 khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 23/2/2005 và hoàn thành vào ngày 18/4/2005 do Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư xây lấp 1,8 tỷ đồng. Công trình có tổng diện tích là 2.500 m, trong đó khu lễ đài, sân hành lễ là 618 m, vườn hoa trung tâm là 170 m2 , lối giao thông nội bộ là 412 m2 , vỉa hè là 570 m2 và cây xanh thảm cỏ là 1.300 m2.
 
          Kể từ khi, công trình Bia tưởng niệm Hố Bần được đưa vào sử dụng đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao hơn nữa công tác giáo dục truyền thống cách mạng của cha ông đối với thế hệ trẻ quận 6 cũng như giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống cách mạng và lịch sử văn hóa của địa phương.
 
                                                                                                     Hoàng Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét