Gần chùa Tế Độ - Phường 11, bạn sẽ nhận ra tấm biển “Hồ Biểu Chánh - An Tất Viên”, diện tích 3.566 m 2 là nơi an nghỉ của nhà văn Hồ Biểu Chánh, cũng là nơi sinh sống của con cháu dòng họ Hồ , được gia đình tậu năm 1943. Theo bà Hồ Văn Vân Anh, hiện nay đã 90 tuổi - con gái của nhà văn kể lại, cha bà tên thật là Hồ Văn Trung, sinh năm 1885 tại làng Bình Thành - huyện Gò Công Tây - tỉnh Tiền Giang. Ông xuất thân từ gia đình nông dân, lúc nhỏ học chữ Nho, sau học chữ Pháp và bước vào nghiệp văn chương khá sớm, khi ra làm công chức thời Pháp. Sau khi về hưu (năm 1938), nhà văn Hồ Biểu Chánh có mua một miếng đất ở Phú Nhuận, ở tại đó cho đến khi qua đời (năm 1958) và được đưa về an táng ở An Tất Viên - Gò Vấp hiện nay.
Bà Hồ Văn Vân Anh là con gái và hiện duy nhất còn sống trong số 8 người con của nhà văn. Nhắc đến cha, bà luôn tự hào là thư ký ghi chép, sửa lỗi chính tả trong những tác phẩm của ông. Tổng cộng số tác phẩm của ông trên 70 quyển, hiện chỉ tái bản khoảng vài chục cuốn, số còn lại bị thất lạc do chiến tranh, thay đổi chỗ ở. Nhà xuất bản tổng hợp Tiền Giang là nơi tái bản trước nhất một số tác phẩm của nhà văn vào đầu thập niên 1990, gần đây là NXB Văn hóa - Sài Gòn, NXB Phụ nữ đã in lại. Bà Hồ Văn Ánh trong gian thờ nhà văn Hồ Biểu Chánh
Nhà văn Hồ Biểu Chánh thuở nhỏ là con nhà nghèo ở nông thôn, được ăn học và sau này ra làm công chức, ông có một cái nhìn thông cảm với số phận của những người nông dân, tá điền chịu cảnh bất công và được phản ảnh một phần nào trong các tác phẩm của ông, đề cao phẩm hạnh của người phụ nữ và các giá trị truyền thống, luân lý và đạo đức trong gia đình. Những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn xuất hiện khoảng đầu nửa thế kỷ XX, với lối hành văn mộc mạc, cách miêu tả bộc trực, sinh động qua các nhân vật đậm chất Nam Bộ, như: Nặng gánh can thường, Đoạn tình, Cay đắng mùi đời, Ngọn cỏ gió đùa, Tơ hồng vương vấn, Đóa hoa tàn… Đề cao tính nhân văn trong tác phẩm của ông, một số đã được biên kịch và dựng thành phim như: Con nhà nghèo, Nợ đời, Chúa Tàu Kim Quy…
Năm 2003, Hồ Biểu Chánh - An Tất Viên, trong đó có nhà thờ và phần mộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh đã được Sở VHTT lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích. Như vậy, ở Phường 11- Gò Vấp, ngoài Chùa Nhựt Quang có nghĩa trang của giới nghệ sĩ sân khấu, Hồ Biểu Chánh - An Tất Viên cũng là nơi an nghỉ khá nên thơ, có hoa lá và cây cảnh chung quanh phần mộ của cụ Hồ Biểu Chánh - một nhà văn tiêu biểu của Nam Bộ đầu thế kỷ XX.
Kim Dung
|
Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014
Thờ tự nhà văn Hồ Biểu Chánh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét