Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

DI TÍCH CHÙA CHÂU HƯNG

I/. KHÁI QUÁT:
Chùa Châu Hưng là cơ sở tôn giáo Phật giáo thuộc phái phật giáo Đại thừa, (hệ phái Bắc tông), thờ cúng hội đồng chư phật (bao gồm cả tôn giáo và tính ngưỡng dân gian).
Chùa Châu Hưng từng là cơ sở của Cách Mạng, là nơi nuôi dưỡng, tiếp tế lương thực, cung cấp tình hình địch và là điểm hội họp của cán bộ - chiến sĩ ta trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lượt.
Chùa Châu Hưng tọa lạc tại số 37, đường Cây Keo, khu phố 1, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; Chùa Châu Hưng được tạo lập năm 1844 với kết cấu đơn sơ , qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, Chùa được xây dựng mới hoàn toàn vào năm 2006 đến năm 2009 thì hoàn thành; với diện tích xây dựng  365 mét vuông trên tổng diện tích 5.796 mét vuông đất.
Chùa Châu Hưng là di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh  được xếp hạng di tích theo Quyết định số 3946/QĐ-UBND ngày 18/8/2011 của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Có nhiều hiện vật thờ cúng có giá trị nghệ thuật cao và nghi thức cúng tế (phi vật thể) mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tính ngưỡng dân gian Việt Nam và là địa chỉ cách mạng nỗi tiếng của Thủ Đức.
Hiện nay, Chùa Châu Hưng được Ban trị sự bảo quản, tôn tạo và phát huy tốt giá trị di tích, là nơi thể hiện sự tôn kính, khấn nguyện của nhân dân và là địa điểm tham quan của du khách.

II/. MỘT SỐ HÌNH ẢNH GIỚI THIỆU:
1/. Cổng Chùa :
 

2/. Kiến trúc ngoại cảnh
 
 
  
 

III/. HIỆN VẬT ĐƯỢC KIỂM KÊ: 14 pho tượng.
1/. Tượng Bà Chúa Xứ và hai cô hầu:
 

2/. Tượng Bồ Đề Đạt Ma:
 

3/. Tượng Thế Chí bồ tát, Tượng Phật Di Đà, Tượng Quán Thế âm bồ tát:
 

4/. Tượng Ngọc Hoàng: 04

5/. Tượng Bà Chúa Tiên:

6/. Tượng Địa Tạng vương bồ tát:

7/. Tượng La hán:

8/. Bài vị: 04

9/. Hoành phi: 01 “Châu Hưng Tự”
 

IV MỘT SỐ HIỆN VẬT KHÁC:
1/. Tượng thờ hiện hữu tại chính điện của chùa:
 
 

2/. Bao lam, liễn đối và Hoành phi trước chính điện: (mới làm sau này)
 

3/. Đại Hồng Chung, Trống:
 

4/. Bàn thờ Bồ Đề Đạt Ma và Tổ đường:
 

V/. CHÂN DUNG ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG VÀ CÁC NHÂN CHỨNG LỊCH SỮ:
 
 
 
 
 
 
Phòng Văn hóa - Thông tin quận Thủ Đức
Căn cứ Bình Phú và chùa Châu Hưng với những đóng góp cho cách mạng
  • Vài nét sơ lược về căn cứ Bình Phú:
        Theo địa bạ triều Nguyễn, làng Bình Phú thuộc tổng An Thủy Hạ (tỉnh Biên Hòa) là một trong những làng có nhiều ruộng nhất trong tổng (181 mẫu 10 thước 9 tấc- tương đương 89 ha 08). Năm 1958 làng Bình Phú đổi thành ấp Bình Phú.
        Căn cứ Bình Phú thuộc ấp Bình Phú là một trong những căn cứ du kích (hay còn gọi là “lõm du kích”, “ lõm chính trị”) của huyện Thủ Đức, được hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp nhằm tạo thế xen kẽ, thế “cài răng lược” giữa ta và địch. Lực lượng thường trực của ta tại đây chủ yếu là du kích ấp Bình Phú, du kích các ấp liền kề và một số cán bộ của xã Tam Bình. Năm 1964 có thêm lực lượng của đại đội 1 thuộc tiểu đoàn 3 Bắc Thủ Đức. Đến năm 1973, Đội 8 đặc công phân Khu 4 (Khu Sài Gòn- Gia Định), đồng chí Ngụy Hữu Mại làm đội trưởng, đã cử 6 cán bộ- chiến sĩ về ém quân.
          Căn cứ Bình Phú nằm ngay sát trung tâm thị trấn Thủ Đức, cách thị trấn Thủ Đức (nơi đặt trụ sở các cơ quan chỉ huy quân sự, cảnh sát của địch ở địa phương) chỉ khoảng 500-700 m theo đường chim bay. Xung quanh căn cứ bị bao bọc bởi các trục đường Quốc lộ, đường Liên tỉnh lộ và các đồn bót, các căn cứ quân sự của địch như: đường Quốc lộ 1A(Xa lộ Đại Hàn) nối Thủ Đức với Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Chánh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ; đường Quốc lộ 13 (từ Thủ Đức qua cầu Bình Triệu rồi chạy thẳng vào Sài Gòn) nối liền Thủ Đức với huyện Thuận An và huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Một số đồn bót căn cứ quân sự của địch bao vây căn cứ Bình Phú như: Bót Chuồng Trâu (Bót Mới), bót Gò Dưa, phân chi Khu cảnh sát Tam Bình, chi khu quân sự Thủ Đức, căn cứ Thủy quân Lục chiến (nay là căn cứ Quân đoàn 4 của ta),…
          Mặc dù quận Thủ Đức ngày nay có phần lớn diện tích đất liền nằm trên vùng gò, đồi cao, song Bình Phú và một vài nơi khác do ở vị trí ẩm thấp, gần sông Sài Gòn nên lại mang những đặc điểm, tính chất của vùng bưng biền, sông nước. Tại Bình Phú có một số con rạch chạy ngang qua như: rạch cầu Quan, rạch cầu Miếu, rạch Đỉa, rạch cầu ông Bông, rạch Trang Đúc, rạch Gò Dưa. Tất cả những con rạch này đều chịu ảnh hưởng của nước thủy triều sông Sài Gòn lên xuống hàng ngày, Ven các kênh rạch này có vô số dừa nước, bần, lau sậy, ô rô, cóc kèn,…mọc um tùm xen lẫn với những cánh đồng mía bạt ngàn của cư dân địa phương nên rất thuận lợi để bộ đội  và du kích của ta ém quân, trú quân trong suốt mấy chục năm đánh Pháp, đuổi Mỹ.
     Từ căn cứ Bình Phú, cán bộ- chiến sĩ ta có thể dễ dàng băng qua đường Quốc lộ 13 rồi vượt sông Sài Gòn để sang Chiến Khu An Phú Đông của tỉnh Gia Định, chúng ta cũng có thể băng qua xa Lộ Đại Hàn để sang căn cứ Bình Chiểu (căn cứ du kích của huyện Thủ Đức), rồi từ đây lên Dĩ An, Tân Uyên (Bình Dương) và chiến khu D.
       Trong thời kì kháng chiến, bộ đội và du kích của ta ở Bình Phú cũng đào những căn hầm bí mật để ẩn nấp phòng khi có địch đi ruồng bố, càn quét vào căn cứ, song do ở vị trí ẩm thấp, chỉ đào sâu xuống khoảng một mét đã có nước nên bộ đội, du kích ta phải dùng lu đụng nước loại lớn hoặc thùng phuy sắt chôn âm xuống để làm hầm bí mật, bên trên được ngụy trang bằng những đống củi, phân, tro…Tuy nhiên, do có địa hình quá lí tưởng để ém quân, cùng với đó là tấm lòng yêu thương, đùm bọc, sẵn sàng che giấu, tiếp tế cho cán bộ- chiến sĩ cách mạng của nhân dân Bình Phú nên lực lượng ta ở đây rất ít khi phải dùng đến những căn hầm bí mật chật hẹp, gò bó này. Phần lớn thời gian trong ngày quân ta ém quân trong những lùm dừa nước hoặc trong những cánh đồng mía ngút ngàn của dân. Tối đến, khi lực lượng địch đã rút hết về bót thì bộ đội, du kích ta lại phân tán, chia nhau đi móc nối với các gia đình cơ sở cách mạng hoặc tổ chức những  trận đánh tập kích vào các đồn bót, các căn cứ quân sự của địch.
         Qua tổng kết qua hai cuộc kháng chiến, chỉ tính riêng tại căn cứ Bình Phú đã xảy ra hàng trăm trận quyết chiến giữa ta và địch, khiến cho kẻ địch phải chịu nhiều tổn thất nặng nề. Tiêu biểu như trận chống càn tháng 3 năm 1966 của du kích địa phương phối hợp với đại đội 1 của tiểu đoàn 3 Bắc Thủ Đức, chống trả đợt càn quét của Lữ đoàn 96 Mỹ càn vào căn cứ Bình Phú. Kết quả, ta đã diệt gọn cả một đại đội Mỹ, bắn rơi hai chiếc máy bay trực thăng, thu 20 súng và nhiều đạn dược.
        Với những chiên thắng oanh liệt của ta tại căn cứ Bình Phú, sau ngày thống nhất đất nước, huyện Thủ Đức đã xây dựng một tượng đài mang tên
“TƯỢNG ĐÀI CHIẾN THẮNG CÁNH BẮC THỦ ĐỨC”.

·    Quá trình đóng góp Cách mạng của Chùa Châu Hưng :
Chùa Châu Hưng năm trong căn cứ Bình Phú, cách tượng đài chiến thắng cánh Bắc Thủ Đức khoảng 700 mét về hướng Đông – Nam và cách trục đường Tô Ngọc Vân là ấp Tam Hà, nơi có đại bộ phận cư dân là người miền Bắc theo đạo Thiên Chúa di cư vào Nam từ năm 1954 và được chính quyền Sài Gòn cũ bố trí ở xen kẻ với cư dân địa phương, nhằm tạo vành đai an toàn cho “Thủ đô Sài Gòn”, đồng thời ngặn chặn ảnh hưởng của cách mạng từ vùng căn cứ phát triển vào nội thành. Nhìn chung, đa số đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở đây đến lo chí thú làm ăn, không màng đến chuyện chính trị. Song bên cạnh đó cũng có một số kẻ chống đối Cách Mạng, trở thành tai mắt “của giặc”, có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của cơ sở Cách Mạng trong vùng căn cứ kháng chiến.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Châu Hưng từng là cơ sở của cách mạng, là nơi nuôi dưỡng, tiếp tế lương thực, cung cấp tình hình địch và là điểm hội họp của cán bộ - chiến sĩ ta. Bác Chín Mai (Nguyễn Văn Mai) là nguyên đội phó đội B công an huyện Thủ Đức hồi đó kể lại rằng: trong khoảng thời gian từ 1946 – 1954, đội B của bác do đồng chí Đặng Văn Bất (Mười Bất) làm đội trưởng ở 3 xã: Tam, Bình, An Bình,Tân Đông Hiệp. Mỗi khi về hoạt động ở địa bàn Tam Bình, đơn vị của của bác ban ngày ém quân trong các lùm mía của dân, tối đến lại vào chùa Châu Hưng và được thầy Tam Phải (Hòa Thượng Thích Thiện Chánh) cùng các sư cô trong chùa nấu cơm cho ăn. Ăn xong, đơn vị của bác lại đi làm nhiệm vụ diệt ác, trừ gian, đánh đồn bốt của giặc. Cũng có khi anh em bận đi làm nhiệm vụ đến nửa đêm mới ghé về chùa nhưng vẫn được nhà chùa nấu cơm cho ăn tử tế. Nếu có thông tin về tình hình địch như: hồi chiều chúng đi về hướng nào, có bao nhiêu tên, đã rút về hay chưa, trong vùng có những kẻ nào làm ác ôn, chỉ điểm cho giặc thì nhà chùa đều thông báo cho anh em được biết để tìm cách đối phó.… Chính nhờ những thông tin chính xác của nhà chùa và người dân nơi đây cung cấp mà đội B công an huyện Thủ Đức do đồng chí Mười Bất chỉ huy đã giáng cho địch những đòn thất điên bát đảo, hàng trăm tên địch đã phải đền tội. Bản thân đồng chí Đặng Văn Bất đã được công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Hiện nay trên địa bàn phường Linh Đông, quận Thủ Đức cũng có một ngôi trường tiểu học mang tên anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Bất.
 Những bài học về tinh thần dũng cảm của quân dân căn cứ Bình Phú và những đóng góp của chùa Châu Hưng cho cách mạng trong kháng chiến luôn  được các thế hệ trẻ Thủ Đức gìn giữ và phát huy trên mọi lĩnh vực công tác với mục tiêu xây dựng quận Thủ Đức ngày càng giàu đẹp- văn minh- Nghĩa tình xứng đáng là cửa ngõ của Thành phố anh hùng mang tên Bác kính yêu.
Hồng Thuý “ Nguồn: Nhà TT quận”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét