Cộng đồng dân cư sinh sống trên vùng đất Củ Chi đa số theo tín ngưỡng dân gian, ngoài ra còn theo các tôn giáo khác như Phật giáo, Công giáo , Tin lành…., tuy xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau nhưng khi tụ cư về đây đã cùng đoàn kết, hòa hợp chung sức chung lòng đánh địch, chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương. Mỗi nhác cuốc khoét sâu vào lòng đất trong những đêm lặng thầm đào địa đạo là chất chứa trong đó cả một tấm lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc, một tình cảm tha thiết với quê hương, làng xóm, cùng nỗi đau khôn cùng trước cảnh nước mất, nhà tan. Trải qua hai cuộc kháng chiến, mảnh đất Củ Chi đã để lại nhiều di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật văn hóa gắn bó với thời gian, là cái nôi truyền dạy cho các cháu về tinh thần yêu nước của nhân dân Củ Chi:
1. Di tích lịch sử địa đạo Bến Dược:
Di tích địa đạo Bến Dược còn gọi là Khu di tích lịch sử văn hóa địa đạo Củ Chi, thuộc địa bàn ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Khu di tích nằm ở tận cùng về phía Bắc của huyện Củ Chi, Tây Bắc giáp với sông Sài Gòn, Đông Bắc giáp ấp Phú Lợi, Tây Nam giáp ấp Lộc Thuận, Lộc Hưng (Trảng Bàng) và Đông Nam giáp ấp Phú Hòa, cách Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km về hướng Tây Bắc.
Năm 1961, địa đạo chỉ là những đường hầm ngầm sâu trong lòng đất, kéo dài vài chục thước… cốt tránh địch hơn là đối phó. Năm 1962, khi cuộc chiến chống đế quốc Mỹ bước sang giai đoạn quyết liệt, đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc này là bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định chỉ thị thành lập Ban chỉ đạo xây căn cứ và công trình lấy ngày thành lập Đảng (3 tháng 2) khởi công. Địa đạo được xây dựng theo kinh nghiệm từ trước, cứ khoảng 16m tạo một giếng đường kính 0,6m, sâu 3m khi giáp mí thì lấp miệng. Từ đáy giếng dùng cuốc chim khoét sâu tạo địa đạo có chiều ngang 50cm, cao 80cm. Địa đạo gồm các ngóc ngách theo thế vừa chiến đấu, vừa tiếp nối từ hầm này sang hầm khác thành một thế liên hoàn được tính toán hết sức khoa học. Do có nhiều ngỏ ngách, nhiều đoạn giao nhau hoặc song song nên địa đạo kéo dài trên 100 cây số, có đoạn hẹp, rộng có khi phải trườn vào và có chốt an toàn phòng khi địch sử dụng hợi cay hoặc bơm nước độc xuống địa đạo…. Miệng địa đạo là một cấu trúc đặc biệt, rất tinh vi thường lẫn lộn trong bụi rậm, gò mối, nấp hầm vừa vặn một người chui, lỗ thông hơi tạo đường xiên núp trong các bụi rậm khó phát hiện. Điểm nổi bật của khu địa đạo là các hầm đều âm trong lòng đất. Những căn hầm cho văn phòng, y tế, cơ yếu, hậu cần, văn nghệ, bếp hoàng cầm….
Ngày 29/4/1979 địa đạo Phú Hiệp, Phú Mỹ Hưng được Bộ Văn hóa – Thông tin đặc cách cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 54/VH-QĐ.
2. Di tích lịch sử địa đạo Bến Đình:
Khu di tích lịch sử địa đạo Bến Đình thuộc ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, nằm về phía Bắc thị trấn Củ Chi, giáp với sông Sài Gòn và tỉnh lộ 15, cách Trung tâm thành phố 55km. Phía Bắc giáp với xã An Nhơn Tây, phía Nam giáp xã Phú Hòa Đông, phía Tây giáp xã Phạm Văn Cội và phía Đông giáp sông Sài Gòn.
Trong cuộc kháng chiến, do địch tập trung đánh phá càn quét địa bàn Củ Chi rất gay gắt nên căn cứ Huyện ủy không cố định, phải di chuyển nhiều nơi. Từ năm 1964 - 1967, Nhuận Đức là một trong 6 xã giải phóng phía bắc có hệ thống địa đạo hoàn chỉnh liên hoàn giữa các ấp, Bến Đình – xã Nhuận Đức có địa thế rất thuận lợi với khu rừng trích trải dài trên hàng trăm hecta, lại là vùng đồi cao rắn chắc tiếp giáp sông Sài Gòn, khi có địch càn quét có thể di chuyển lực lượng về phía sông trú lui an toàn. Từ đó địa đạo Bến Đình chính thức trở thành khu căn cứ ổn định, vững chắc và an toàn của huyện ủy.
Khu địa đạo căn cứ huyện ủy bao gồm các hạng mục công trình : Hầm bảo vệ, Hầm C25, Hầm văn công, Hầm y tế, Hầm lương thực, Hầm bí thư huyện ủy, hầm bếp Hoàng Cầm…
Ngày 15/2/2004 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đã ký Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT xếp hạng Di tích quốc gia cho căn cứ địa đạo Bến Đình.
3. Đình Cây Sộp:
Đình Cây Sộp tọa lạc tại ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Từ chợ Bến Thành theo đường Cách mạng tháng 8, Quốc lộ 22 đến ngã năm Thị trấn Củ Chi – tại chân cầu vượt rẽ phải theo đường Nguyễn Văn Khạ vào khoảng 5km rẻ trái là đến di tích.
Đình Cây Sộp (còn gọi là đình Vĩnh An Tây) được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX của thôn Vĩnh An Tây, huyện Bình Long, Phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Đình thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh (Vị Thần bảo hộ của làng). Ngày 29 tháng 11 năm 1852 âm lịch, đình được Vua Tự Đức ban tặng Sắc phong. Đình với tư cách là một thiết chế văn hóa cơ sở, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của nhân dân trong vùng. Tuy bị chiến tranh tàn phá, ngôi đình không còn nguyên trạng như xưa, nhưng đình Cây Sộp vẫn giữ được giá trị văn hóa phi vật thể. Vào ngày rằm tháng 2 âm lịch hàng năm, đình tổ chức lễ hội Kỳ yên nhằm tưởng nhớ những người có công với nước, ngoài ra lễ hội còn đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân.
Ngày 30/11/2006 Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 5513/QĐ-UBND xếp hạng đình Cây Sộp là một di tích lịch sử cấp thành phố.
4. Đình Xóm Huế:
Đình Xóm Huế tọa lạc tại ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Đình có vị trí cách trung tâm thành phố 30km, theo Quốc lộ 22 từ Sài Gòn lên Củ Chi đến km thứ 19 khu vực ấp Xóm Huế, rẻ trái vào đường Quốc Thạnh, hơn 1km là đến di tích.
Đình Xóm Huế được xây dựng vào năm 1841, mái lợp lá, vách gỗ. Đình thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh (Vị thần bảo hộ của làng). Đình tọa lạc trên một gò cao, hình chữ nhật, quay về hướng Đông. Đình xây theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, có ba nóc nối liển nhau hình chữ tam. Phía trước là Tiền điện và là nơi tiếp khách mới xây dựng năm 1990. Bờ mái trên nhà Tiền điện trang trí lưỡng Long chầy Nhật An Hội. Hai bên có 2 rồng chầu ra phía Nam Bắc. Dưới bờ nóc mái là chữ Đình Tân An Hội. Bốn cột bê tông nhà Tiền điện được khảm sành sứ. Hai cột gian giữa có 2 rồng chầu vào cuốn thư “Thần Ân Phản Tế”. Ngoài hàng ba, hai bên vách đối diện nhau có thờ bài vị, một bên là Thủy Long Thần Nữ, một bên là Mộc Trụ Thọ Thần.
Ngày 30/11/2006, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 5511/QĐ-UBND xếp hạng Đình Xóm Huế là một di tích kiến trúc nghệ thuật.
5. Chùa Linh Sơn:
Chùa Linh Sơn tọa lạc tại ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Từ trung tâm thành phố theo đường Quốc lộ 22 đến huyện Hóc Môn, theo đường Tỉnh lộ 15 qua cầu Xáng đến địa phận Củ Chi, xuôi về hướng bắc qua ngã tư Tân Quy khoảng 3km sẽ gặp ngôi chùa Linh Sơn Cổ Tự.
Chùa được khởi sự xây dựng vào năm 1806, khi Hòa thượng Bửu Tịnh Phổ Tế, đời 35 thuộc dòng Lâm tế trên đường chu du hành đạo dừng chân tại khu rừng cây cao bóng mát dựng lên một am nhỏ, mái lợp tranh, xung quanh xây tường đất, thỉnh phật từ nơi khác về thờ tự. (đó là khu rừng chùa ấp Phú Lợi ngày nay)
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhà chùa là nơi đùm bọc, che chở cho nhiều thanh niên chống không đi lính cho giặc, giúp đỡ cho nhiều cán bộ cách mạng mỗi khi ghé qua chùa trên đường đi công tác. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chùa là cơ sở cách mạng, nơi ẩn náu một số cán bộ giao liên, công tác Thành. Chùa Linh Sơn còn lưu lại những giá trị kiến trúc nghệ thuật gồm: Cột gỗ, kèo, trính, rui, mè… Trong chùa có nhiều hiện vật bằng gỗ: tượng, bao lam, liễng, ghế thờ, trống, mõ…được điêu khắc chạm lộng công phu có giá trị nghệ thuật độc đáo, mang tính hiện thực và đã được dân gian hóa.
Chùa Linh Sơn được Ủy ban nhân dân thành phố ký Quyết định số 4347/QĐ-UBND ngày 13/10/2008 công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét