Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Đình Phú Lạc

Đình Phú Lạc tọa lạc E7/177 Ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Thành Phố Hồ Chí Minh; Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuậtcấp Thành phố theo Quyết định số 3267/QĐ-UBND ngày 27/7/2007.
  Đình Phú Lạc có sắc phong của vua Tự Đức năm 1852. Sắc phong hiện vẫn còn lưu giữ tại đình, đây là điểm nổi bậc của đình Phú Lạc so với các ngôi đình khác.
  Ngôi đình quay về hướng Đông Nam, bốn phía là ruộng, kênh, rạch, tổng diện tích của đình khoảng 3700 m2. Các công trình kiến trúc của đình gồm có: Tiền điện, Chính điện, Trung điện, Võ ca, nhà hậu, nhà túc, miếu Ngũ hành, Miếu thờ Thần Hổ, Bệ thờ Thần Nông, Miếu Cậu.
  Đình còn lưu giữ chức văn Kỳ Yên năm 1852 cho biết đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Bùi Tá Hán, Lương Văn Chánh, Trần Thắng Tài.
 Đình Phú Lạc là nơi thờ các vị thần mà dân làng Phú Lạc tôn kính, chính yếu tố đó đã thắt chặt tình đoàn kết, tính cộng đồng làng xã. Đây là nơi qui tụ dân làng qua hoạt động tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa, qua những sự kiện trọng đại của làng xã những kỷ niệm về quê hương đất nước xuất phát từ đây.  
 Đình Phú Lạc là ngôi đình còn giữ được kiến trúc Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đây là kiến trúc gỗ mái lợp ngói, công trình xây dựng nằm giữa khu đất rộng, đặc biệt đình còn tọa lạc cạnh sông rạch, rất thuận tiện cho việc đi lại bằng ghe của cư dân khi đến đình, đây là nét đặc thù của người
 
 
 
 

dân Nam Bộ khi chọn địa điểm xây đình. Đình Phú Lạc thể hiện kiểu kiến trúc Nam Bộ thuần khiết, không bị ảnh hưởng bởi phong cách và vật liệu xây dựng Âu Châu.   
  Đình còn lưu giữ khá đầy đủ hệ thống đồ vật thờ cúng và hệ thống các ngôi miếu nhỏ trong sân, thể hiện tín ngưỡng dân gian đặc thù của cư dân người Việt thời kỳ đi mở đất lập thôn làng. 
 Tín ngưỡng đình Phú Lạc là tín ngưỡng dân gian của thôn làng người Việt tại Nam Bộ. Đình là nơi thờ thần Thành Hoàng của làng, biểu tượng của khát vọng của cộng đồng dân cư về một đời sống chung, yên bình, ấm no và phát triển. 
  Hiện tại, các di vật, cổ vật không còn nhiều nhưng đình Phú Lạc cũng còn lưu giữ một số di vật có giá trị: Sắc phong của vua Tự Đức năm 1852, Chánh văn lễ Kỳ Yên, 2 đôi hạc, 4 bức hoàng phi, 2 bàn thờ gỗ, tượng bạch mã, chiêng, mõ, trống, 2 lỗ bộ, các bao lam chạm khắc trên cột. 
  Lễ hội tại đình Phú Lạc có đủ các lễ: Túc yết, thỉnh sanh, đoàn cả. Lễ chính diễn ra trong năm là lễ Kỳ Yên vào hai ngày 16-17/2 âm lịch. Ngoài ra đình còn các ngày lễ như: Ngày 16/12 âm lịch cúng Tiên Sư, ngày 25/12 âm lịch cúng Chạm Miễu, ngày 16/3 âm lịch cúng Bà, ngày 12/10 âm lịch cúng Thần Nông.  
  Đình Phú Lạc xứng đáng được bảo vệ, khôi phục nhằm bảo tồn cho đời sau một cơ sở văn hóa dân tộc truyền thống đặc trưng của người Nam Bộ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét