Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Khu Di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò

Nhắc đến Việt Nam, phải chăng mọi người đều nghĩ rằng đây là đất nước “rừng vàng biển bạc”? Vâng! Quả đúng như vậy. Đất nước thân yêu của chúng ta được thiên nhiên ưu đãi nên từ Bắc tới Nam đến đâu đều có thể du ngoạn, thưởng thức một danh lam thắng cảnh, một di tích lịch sử. Nhưng riêng tôi thì Khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò là một trong những di tích lịch sử có giá trị lớn khi nó mang một ý nghĩa quan trọng đối với huyện Bình Chánh quê tôi.
   Khu di tích Láng Le - Bàu Cò tọa lạc tại ấp 1 xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 138/2003/QĐ-UB ngày 05/8/2003.
   Láng Le - Bàu Cò là nơi diễn ra trận chống càn bảo vệ căn cứ kháng chiến và lực lượng võ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Láng Le - Bàu Cò (Tân Nhựt) thuộc căn cứ Vườn Thơm. Nơi đây xóm làng được thành lập bên cạnh những con sông và kênh rạch chằng chịt. Láng Le - Bàu Cò nằm trong cánh đồng bưng biền rộng lớn, tự nhiên đã tạo ra những “cái láng”, “cái bàu” nước có rất nhiều tôm, cua, cá. Đất lành chim đậu, nhiều loài chim như: cò, le le, vịt trời, cúm núm, trích, cồng cộc, cuốc, đa đa, đỏ nách, diệc... tìm đến cư trú, kiếm ăn. Do đó, nhân dân Tân Nhựt có câu:
                Láng, bàu mênh mông mặt nước
                 Le le, vịt nước tìm về rất đông
                Dừa nước, rừng tràm che cách mạng
                Bụi lau, cỏ lác, nối Vườn Thơm
                                                (Cao Mạnh Tú)
 
 
 
 
 
 
    Từ đó, người dân nơi đây đặt tên cho vùng đất này với cái tên rất chân phương, mộc mạc, gần gũi “Láng Le - Bàu Cò”. Láng Le - Bàu Cò có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ để đi vào trung tâm căn cứ địa Vườn Thơm và cũng là cửa ngõ tấn công vào đầu não địch ở Sài Gòn. Bản thân Láng Le - Bàu Cò đã là vị trí tiếp cận. Do có vị trí đặc biệt quan trọng của khu căn cứ Vườn Thơm, Láng Le - Bàu Cò là nơi diễn ra những trận quyết chiến giữa lực lượng ta quyết tâm bảo vệ căn cứ và địch quyết tâm loại trừ bàn đạp mà từ đó uy hiếp đầu não chúng.
   Địa danh Láng Le - Bàu Cò đã đi vào lịch sử oai hùng chống xâm lược của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, bằng thắng lợi của cuộc chống càn anh dũng, mưu trí diệt địch, bảo vệ dân, bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy Chợ Lớn (tại Đình Tân Túc - Thị trấn Tân Túc) và Ủy ban kháng chiến hành chánh thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. 
   Rạng sáng ngày 15/4/1948, thực dân Pháp với 3.000 quân, chủ yếu là lực lượng ứng chiến Âu Phi với 24 xe lội nước loại nhẹ, 04 tàu đổ bộ đầu bằng, được máy bay và pháo binh yểm trợ đã đồng loạt từ nhiều hướng với nhiều mũi tấn công, bao vây vùng Láng Le - Bàu cò. 
   Lực lượng ta gồm 4 đại đội của Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh; 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 306 Phạm Hồng Thái; một bộ phận của Trung đoàn 312 cùng các bộ phận vũ trang của Vệ quốc đội; Công an Sài Gòn - Chợ Lớn; dân quân, du kích tập trung của Trung huyện (huyện Bình Chánh). 
   Sau hơn nửa ngày chiến đấu với giặc để bảo toàn lực lượng và bảo vệ nhân dân vùng Tam Tân tản cư, ta quyết định tấn công về hướng rạch Lươn Sâu (cách khu di tích 100m) của Kênh Xáng và gò chợ Trịnh Khánh An. Tại đây, các lực lượng ta tập trung mọi hỏa lực và đồng loạt xung phong dũng mãnh, đánh giáp lá cà với địch, máu loan đỏ cả rạch Lươn Sâu. Ta đã tiêu diệt gọn đại đội Miên, mở được đường tiến, đưa 3.000 dân Tam Tân cùng toàn bộ lực lượng võ trang, dân quân du kích vượt Kênh Xáng sang đất Tân Bửu (nay là xã Tân Bửu - huyện Bến Lức, Tỉnh Long An) vào rừng tràm Bà Vụ an toàn. 
   Trong trận Láng Le - Bàu Cò, ta đã tiêu diệt gần 300 tên địch, bắt sống 30 lính đánh thuê, phá hủy 05 xe nhà binh, thu 01 máy thông tin liên lạc cùng 85 khẩu súng các loại.  
   Trong trận chiến đấu ác liệt không cân sức này, về phía ta có 87 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh (hy sinh tại chỗ là 52, sau đó có thêm 35 chiến sĩ nữa nằm xuống tại Quân y xá II, Đức Huệ) và 17 đồng chí mất tích. Trong đó có nhiều đồng chí hy sinh khi tuổi còn rất trẻ như liệt sĩ Nguyễn Văn Hạo - Tiểu đoàn trưởng Chi đội 15; liệt sĩ Nguyễn Văn Keo - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Ký Con thuộc Trung đoàn Phạm Hồng Thái... con kênh Lươn Sâu đỏ ngầu máu giặc, sau này nhân dân còn gọi là “Rạch Máu”.
ven đô lúc bấy giờ. Tờ truyền tin cơ quan thông tin của tỉnh Chợ Lớn số ra ngày 23/4/1948, viết: “Đó là trận đánh để trả lời cho thực dân Pháp biết Vệ quốc đoàn lúc nào cũng đủ điều kiện nếu cần đánh chính quy khi thình lình đối đầu quân cướp Pháp”. Sau này ở Nam Bộ có câu:   Cùng với những trận đánh vang dội trên chiến trường Nam Bộ lúc bấy giờ như trận La Ngà, trận Tầm Vu, trận Láng Le - Bàu Cò đã góp phần cổ vũ tinh thần của quân dân ta trên khắp chiến trường. Đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng đánh giá trận Láng Le - Bàu Cò là trận chống càn kiểu mẫu cấp trung đoàn ở ngay địa bàn
                                    “Trận Láng Le, Tây khóc ngất
                                    Trận Tầm Vu, Tây mất cát nông”
   Chiến thắng Láng Le – Bàu Cò là một mốc son sáng chói trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn nói chung và nhân dân Vườn Thơm - Trung Huyện nói riêng. Tự hào với truyền thống Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh, nên Nhà thơ Trần Trí Trung trong bài thơ “Trận Láng Le, Bàu Cò” có đoạn:
 
Trận càn lớn nhất Đông Dương
Láng Le anh dũng kiên cường đánh Tây
Hiệp đồng tác chiến đều tay
Cánh Phạm Hồng Thái với hai tiểu đoàn
Nguyễn An Ninh dạ sắt son
Tung bốn đại đội, một đoàn nữ binh
Trời rung chuyển, quỷ thần kinh
Ngàn thu Trung Huyện sử xanh ghi đời.
                                                       (Trích Việt Nam Thi sử hùng ca)
    Ngày 19/6/1948, nhân kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh khích lệ các tướng lĩnh, khen ngợi nhiều đơn vị, trong đó Người biểu dương nhiều đơn vị ở Khu 7 và Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, trong đó có các lực lượng vũ trang tại Vườn Thơm.
     Ngày 14/10/1966, Mỹ - Ngụy huy động Tiểu đoàn 30 Biệt động quân càn vào Láng Le để tiêu diệt Đại đội 2 Tiểu đoàn 6 Bình Tân. Sau hơn ba giờ chiến đấu ác liệc, ta tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 30 Biệt động quân, diệt 154 tên, bắt sống 61 tên (sau khi giáo dục, ta thả tại chổ), thu được 3 súng cối 60 ly, 7 trung liên, 29 R.16, 17 R.15, sau đó du kích và nhân dân thu lượm thêm 39 súng các loại. Về phía ta, có 2 chiến sĩ hy sinh (chiến sĩ Nguyễn Văn Luận hy sinh tại chổ và 1 bị thương, trên đường chuyển đi điều trị hy sinh), dân chết 9 người, bị thương 4 người, 46 căn nhà bị thiêu rụi.
    Cũng trên mảnh đất Láng Le – Bàu Cò thuộc căn cứ Vườn Thơm 47 năm về trước Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh và nhân dân Vườn Thơm lập chiến công trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để rồi 17 năm sau cũng tại nơi đây Đại đội 2 Tiểu đoàn 6 Bình Tân nối tiếp chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sau chiến thắng Láng Le- Bàu Cò, cái tên Láng Le - Bàu Cò từ đây trở thành nỗi khiếp sợ đối với bọn đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai phản dân hại nước.
“Láng Le đi dễ khó về
Đi vô thì có, đi về thì không”
    Để ghi nhớ công ơn của các lớp cha anh cùng đồng bào đã hy sinh anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tại Láng Le - Bàu Cò, từ năm 1988, Huyện ủy Bình Chánh đã đề ra chương trình phục hồi di tích Láng Le - Bàu Cò với các công trình: rạch Lươn Sâu (làm tượng trưng), tượng đài, bia ghi công các liệt sĩ thời chống Pháp và Mỹ, nhà trưng bài truyền thống, công viên sinh hoạt văn hoá với diện tích trên 01ha./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét