Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Đình Chí Hoà

Đình Chí Hòa toạ lạc tại số 475/77 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Đình Chí Hòa trước kia có tên gọi là đình Hòa Hưng. Theo tập quán thường lấy tên làng đặt tên mình. Trong bản sắc phong chép lại tại đình thấy ghi: "...Khả gia tặng Quảng Hậu Chánh trực Hựu thiên Đôn ngưng chi thần chuẩn Bình Dương huyện, Hòa Hưng thôn, y cựu phụng sự ... "
Trước khi có làng Hòa Hưng, nơi này là thôn Tân Hưng. Đến năm 1836, thôn Tân Hưng đổi thành thôn Hòa Hưng. Lúc này thôn Hòa Hưng thuộc tổng Bình Chánh Thượng với tổng số dân là 438 người.
Đến năm 1910, làng Hòa Hưng lại thuộc tổng Dương Hòa Thượng, tỉnh Gia Định. Địa danh Chí Hòa nằm trong thôn Hòa Hưng trong đó có đại đồn Chí Hòa.
Trước kia, đình có cây đa to, gốc đến 3 người ôm, rễ phụ mọc tua tủa từ thân xuống, trẻ nhỏ thường tụ tập chơi đùa, không khí nhộn nhịp vào những ngày có trống chầu vọng lên báo tin đoàn hát lưu diễn về đình phục vụ. Năm 1980, cây đa bị đốn, cảnh quan đình bị thay đổi.
Đình có diện tích trên một mẫu, nay thu hẹp dần do bị lấn chiếm. Chính vì sự xâm phạm này, đình Chí Hòa co cụm lại, nét đặc thù của đình Nam bộ vơi đi giá trị như hậu sở phải dời qua nằm cùng đông lang.
Đình xây trên nền cao 5 tấc, lợp ngói âm dương, đầu đao đính đuôi rồng, trên nóc có tượng lưỡng long tranh câu bằng gốm xanh quí hiếm. Trước võ ca có hai bàn thờ: Bàn đặt sát tường có tượng Thần Hổ uy nghi, bên trên có phù điêu chạm thanh long theo:
Hổ cứ sơn lâm phù xã tắc
Long du nguyệt điện tráng sơn hà
Cạnh có bàn thờ với tượng Thần Nông bằng thạch cao. Nhìn từ ngoài thấy rõ 3 phần: võ ca, chánh điện và Đông - Tây lang. Nội thất của chánh điện và qui cấu trúc với bộ cột gỗ quí có đường kính 30cm, cao từ 4 đến 7m giàn thành bộ khung chịu lực của mái đình. Bộ vì kèo với kỹ thuật xây dựng chêm, nêm hết sức tinh vi. Ngoài ra các bao lam với nghệ thuật chạm thủng hình tứ linh hoặc mai, lan, cúc, trúc bố trí hỗ trợ vừa cách điệu vừa chịu lực cho bộ vì kèo và cột. Các bộ liễn treo trên cột phía trong chứa các nội dung văn tự qua bộ chữ Hán cẩn xà cừ rất quí, cộng thêm các bức hoành treo trước võ qui, đông và tây lang đều có niên đại trên 100 năm. Còn phải kể đến những vật quí hiếm như 2 bộ lỗ bộ đầu bịt đồng, cán gỗ mun; ngựa thần; cặp hạc; bộ bát bửu; chiêng trống; bộ tàn lọng; áo mão; cân đai; võng điều và long xa đều là vật vô giá được bố trí trong chánh điện theo đúng cung cách thờ cúng. Nhưng quí nhất vẫn là hộp gỗ mun thân tròn đầu vuông, dài 4 tấc, trong đó có đựng bản sắc phong của vua Tự Đức phong cho đình. Bản sắc phong chỉ được mang ra khỏi hộp khi có đại lễ. Bàn thờ Phúc Thần hay vị Thành Hoàng bổn cảnh đặt trịnh trọng ngay chánh điện, bàn thờ tả và hữu ban ở hai bên. Đối diện nhau có 2 bàn thờ: Phước Đức chánh thần (Thần Đất) và Đông Trù tư mệnh (Táo Quân). Cạnh có bàn thờ Ngũ Hành nương nương.
Đông lang kích thước hẹp, sử dụng như nhà kho. Tây lang rộng hơn, bố trí 2 bàn thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền. Bàn Hậu Hiền ghi danh sách một số vị quá vãng có công xây dựng đình. Hầu hết các bàn thờ bài trí "đông bình, tây quả", giữa hương án, lư đồng. Tất cả hiện vật thờ cúng thuộc quí hiếm.
Tại đình có bộ liễn xưa do các học trò của cụ Võ Trường Toản tặng đình. Bức liễn cẩn 2 câu lưu danh như sau:
Phiên âm:
"Sanh tiền giáo dưỡng đắc nhân vô tử như hữu tử
Một hậu lưu danh tại thế, tuy vong giã bất vong"
Tạm dịch:
"Lúc sống, dạy dỗ được người, dầu không con cũng như có con.
Khi qua đời, tuy đã mất nhưng tiếng tăm vẫn còn tại thế"
Đôi liễn bằng gỗ quí nhưng do không bảo quản kỹ nên năm 1980, liễn mục, gãy. Những năm 1975 - 1985, đình Chí Hòa gần như bị khoán trắng cho một ông từ. Đến năm 1986, Ban trị sự thành lập, đình được quan tâm nhiều hơn.
Lễ Kỳ Yên tại Đình Chí HoàLễ Kỳ yên được lập lại với các nghi thức cúng tế đầy đủ như lễ Túc - Yết, Đoàn Cả (Đàn cả - Chánh lễ), Xây Chầu ...
Lễ Túc - Yết tổ chức vào sáng sớm, có xe hoa và lân cùng long xa đi rước sắc thần. Sắc đựng trong hộp gỗ phủ vải điều đưa lên long xa, hai bên có học trò lễ hộ giá. Sau lễ Kỳ yên, sắc được mang về an vị tại từ đường của một vị tiền hiền gần chợ Vườn Chuối.
Ngày chánh lễ, theo tập quán diễn ra giữa đêm (ngày 16 tháng Hai âm lịch). Lễ này tế heo sống với nghi thức chánh tế, bồi tế, đông hiến Tây hiến tựu vị dâng rượu, lễ vật, đọc văn tế.
Kế đó là lễ "Xây Chầu" tức khai tràng cho tuồng hát nhằm mục đích diễn tả tình tự ý nghĩa âm dương hòa hợp, cầu an - lạc, phú quí ... Theo đó hát cho Thần Thưởng lãm nên sân khấu quay vào chánh điện.
Đình Chí Hòa có những hoạt động đáng ghi nhớ như phong trào yêu nước tự phát xảy ra vào năm 1915 - 1917 tại đình gọi là Thiên - Địa Hội. Một nhóm thanh niên khu Hòa Hưng hưởng ứng chống bọn thực dân Pháp. Họ sử dụng đình Chí Hòa, biến nơi đây làm điểm tập hợp luyện tập võ thuật, rồi dùng chánh điện làm nơi ăn thề, kêu gọi thần chứng giám. Sự kiện này xảy ra trong thời gian ngắn bởi bọn tề làng hay tin tìm vây bắt một số hội viên. Mãi đến năm 1945, đình Chí Hòa lại sôi động do phong trào Thanh Niên Tiền Phong nổi lên rầm rộ khắp nơi. Ngày 25/8/1945, các thanh niên kéo đến tụ tập tại đình, dùng giáo mác, gậy gộc xông ra đường chặn đánh giặc Pháp và tay sai. Ngoài ra tại đình, dưới bệ sân khấu có hầm bí mật được lực lượng Thanh niên Tiền phong sử dụng trong một thời gian.
Đình Chí Hòa tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 16 và 17 tháng Hai âm lịch hàng năm. Là một đình cổ, mọi nghi thức cúng bái được thực hiện nghiêm túc nên trong ngày đại lễ, khách thập phương kéo đến cúng bái như trẩy hội.
Đình được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận theo quyết định số 1460 - QĐ/VH ký ngày 28/6/1996.
Theo www.cinet.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét