Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

Hưng Long anh hùng lưu xanh mãi
Rạch Già trang sử nhớ muôn đời
    Hưng Long là xã phía Nam huyện Bình Chánh, là xã vốn rất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Xã có diện tích là 1273 ha, nằm dọc theo con sông Cần Giuộc từ Đông sang Tây, có vị trí quan trọng của khu vực Tây Nam Thành Phố. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hưng Long đã anh dũng đứng lên chống giặc ngoại xâm, có nhiều đóng góp về nhân tài và vật lực cho công cuộc giải phóng đất nước. Với những thành tích to lớn đó, năm 1994 Hưng Long vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
   Điểm hình trong kháng chiến chống Pháp, Rạch Già - Hưng Long là "Căn cứ lõm" của vùng đất liên xã Hưng Long, An Phú Tây, Tân Quý Tây và Qui Đức. Toàn xã lúc bấy giờ có hơn 200 ha địa hình cây dừa nước, bần, bình bát với nhiều ô rô, cỏ dại khác; nhất là khu vực sông Quán Cơm, Rạch Già giáp xã An Phú Tây và Tân Quý Tây. Những năm 1946 – 1948, Hưng Long thuộc huyện Cần Giuộc (Tỉnh Chợ Lớn); là một địa bàn thuận lợi cho lực lượng cách mạng quân khu, liên xã đứng chân. Đó là cán bộ dân quân, chính Đảng của Tỉnh, Huyện (bị lộ) về đây tạm ở, chờ dự hội nghị hoặc họp hội...Có thể nói Hưng Long vào những năm đầu kháng chiến, là cơ sở tiền tiêu đứng chân cho việc tập kết cán bộ Việt Minh đi về căn cứ "Rừng Sác", "Vườn Thơm" và ngược lại. Giữa năm 1946, bộ đội Quản Cân đã đánh xóa đồn giặc Pháp tại ấp 1, giải phóng cho xã, tạo tiền đề cho các lực lượng cách mạng ta (yên tâm), về đây đứng chân và được nhân dân nơi đây luôn cưu mang hết lòng vì cách mạng. 
   Chủ trương của Pháp lúc bấy giờ là "Đánh nhanh thắng nhanh" bị thất bại vì Việt Minh ngày càng lớn mạnh; giặc Pháp quay sang bình định lấn chiến đồng bằng Bắc Bộ, ở Nam Bộ chúng tập trung đánh mạnh vàocác vùng (độc lập) trọng điểm của ta. Tại tỉnh Chợ Lớn ngày 15/4/1948, giặc Pháp mở cuộc tấn công qui mô cấp trung đoàn vào "Căn cứ Vườn Thơm" nhưng bị thua đau.
   Sau khi bị ta đánh xóa đồn ấp 1, nhân dân Hưng Long trên danh nghĩa được giải phóng; nhưng thực tế giặc vẫn tập trung lực lượng ngày đêm đánh phá; các lõm căn cứ của ta ngày càng thu hẹp dần và sau đó rút sâu vào Rạch Sậy (ấp 5) và Quán Cơm (ấp 6), thế đứng chân của ta bị dồn ép ở khu vực Rạch Già – Hưng Long.
   Về phía giặc, chúng rất cay cú vì thừa biết rằng lõm căn cứ Rạch Già - HưngLong là nơi tập trung nhiều lực lượng cán bộ Việt Minh; chúng quyết tâm càn quét tiêu diệt lực lượng cách mạng để đóng đồn ở đây, khống chế mọi hoạt động của ta.
  Rạng 7 giờ sáng ngày 4/5/1948, Pháp điều động 2 tiểu đoàn bộ binh (phần lớn là lính Âu – Phi) và huy động nhiều trung đội lính ở các bót Bình Chánh, Bình Điền, Cần Giuộc, Qui Đức, Long Thượng và trên sông Quán Cơm chúng cho nhiều canô tới lui tới án ngữ.
  Giặc mở cuộc càn bằng 3 mũi: Cánh thứ nhất từ xã Phong Đước và An Phú, Tỉnh lộ 50 (nay là Quốc lộ) đi qua; Cánh thứ hai từ ấp 2 và 3 Hưng Long, Hương lộ 11 đổ vào. Hai mũi này giặc hành quân chậm, vừa nổ súng vừa xét hỏi bắt dân và tạo thành vòng vây tiến lần đến Rạch Già (ấp 6). Mũi thứ ba từ Bình Điền vào đến xã An Phú Tây (gần mục tiêu), nằm yên phục kích. Bên ta gồm: Dân quân Hộ 17, Quận 8, Quân nhu Quân khu 7, Ban công tác Thành, Đoàn thể Mặt trận huyện Cần Giuộc và cùng phần lớn nhân dân chạy giặc Tây... vì quá ít vũ khí ta không thể chủ động đối phó, tưởng giặc đi bố bình thường, ta lần lượt rút về ấp 6 Rạch Già tránh giặc. 
  
Cổng Khu di tích lịch sử Rạch Già
 
 
Đình Hậu Mỹ 
 
Đền thờ Rạch Già
 
 
Toàn cảnh Khu di tích Rạch Già
 
 
Một đoạn sông Quán Cơm
  
Một góc căn cứ lõm Rạch Già
 
Đến 11 giờ trưa, 3 cánh quân của giặc vừa bắn phá vừa khép lại đội hình chữ "O", nổ súng quyết liệt áp đảo ta. Sau đó, chúng cho nhiều đại đội địch áp sát hai bên bờ sông Rạch Già; đồng thời cho một đơn vị lính ác ôn dùng lựu đạn và súng tiểu liên lục soát dưới lòng rạch, nước ròng đang cạn sát. Hai bọn lính, cả dưới sông lẫn trên bờ vào nhà dân thi nhau lùng sục...chẳng những chúng ném lựu đạn, nổ súng giết người dưới rạch; mà ngay ở nhà dân ai bị quần áo ướt hoặc dính bùn cũng bắn tại chỗ. Tại cầu Rạch Già giặc bắt trói khoảng 40 đồng bào ta rồi xả súng giết! Trên khu vực Rạch già (ấp 6 Hưng Long), giặc Pháp đã thảm sát khoảng 200 người thuộc quân dân, chính, Đảng của ta nói trên; sau đó 14 giờ chiều giặc còn bắt đi 100 người (đa số là thanh niên) để làm xâu (lao công) xây dựng bót "Quán cơm". 
   Qua trận càn Huyện ủy Cần Giuộc có gởi thư đến chia buồn xã Hưng Long và chính quyền Mặt trận xã tổ chức Lễ truy điệu chung cho các đồng chí, đồng bào đã hy sinh tại Rạch Già ngày 5/4/1948. Từ đây ngày 26/3 Âm lịch là ngày giỗ hội của nhiều gia đình, đồng bào ở vùng đất liên xã này. 
   Để ghi nhớ công ơn những đồng bào chiến sĩ đã hy sinh tại Rạch Già – Hưng Long, năm 2002 dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện quyết định xây dựng Khu di tích lịch sử Rạch Già. Quần thể khu di tích Rạch Già, bao gồm Đền tưởng niệm và đình Hậu Mỹ. Trong đền tưởng niệm, có ghi câu đối :"Trọn dạ với dân hồn thiêng sông núi, hết lòng vì nước nghĩa lớn còn lưu". Ngày nay, hằng năm cứ vào ngày 26/3 âm lịch, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện cùng toàn thể ban ngành đoàn thể, nhân dân trong xã tổ chức giỗ hội để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đây. Với giá trị lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng Khu di tích tưởng niệm Rạch Già (Hưng Long) được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Thành phố theo quyết định số 4344/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/11/2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét