I. TÊN GỌI: Mộ ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên
II. ĐỊA CHỈ: Khu phố 1 đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thọ Hòa quận Tân Phú thành phố Hồ Chí Minh.
III. NHÂN VẬT SỰ KIỆN:
* Địa danh Phú Thọ Hòa:
Ngược dòng thời gian, ta thấy Phú Thọ Hòa là vùng chuyển tiếp giữa nội thành và ngoại thành, mà hằng trăm năm qua người ta đã khẳng định đây là vùng đất quân sự có nhiều chiến lũy phòng thủ chống quân xâm lược: như Lũy Ông Dầm, Lũy Bán Bích, Lũy Chí Hòa…các di tích lịch sử như kho bom Phú Thọ, địa đạo Phú Thọ Hòa. Gắn với địa danh và sự kiện lịch sử, cư dân ở đây thấm nhuần được ý chí chiến đấu của cha ông ngày trước, hưởng ứng và tích cực tham gia nhiều phong trào yêu nước như: “Thiên địa hội”, “Hội kín Nguyễn An Ninh”, tham gia kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân ở đây luôn sẵn sàng theo Đảng đứng lên chống lại áp bức bất công của chế độ phong kiến, bọn cường hào ác bá, bọn thực dân đế quốc và tay sai bán nước.
Trên mảnh đất Phú Thọ Hòa năm 1938 có một ngôi mộ danh nhân Nguyễn Quý Anh góp phần làm thêm phong phú lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương Tân Phú.
Lịch sử Gia tộc họ Nguyễn, ông Nguyễn Thông là một nhà thơ yêu nước Nam Bộ, đỗ cử nhân 1849, từng giữ chức Viên cảnh Tư nghiệp Quốc Tử Giám, đốc học Vĩnh Long, khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ, cụ ra Phan Thiết ẩn dật. Ông Nguyễn Thông có vợ họ Ngô, cháu cụ Tùng Châu Lễ bộ Ninh Hòa Quân công, ông bà có 03 người con, người con lớn là Trọng Lợi (Trọng Cảnh), ông Nguyễn Quý Anh là con út trong nhà (xem thêm lý lịch di tích).
* Tiểu sử ông Nguyễn Quý Anh (1881-1938)
Nguyễn Quý Anh (tự Nhực Khanh) hiệu Thành Ấm, sinh ngày 15/09/1881 (Tân Tỵ) quê gốc Kỳ Xuyên-Tân Thạnh-Tân An là người con út của cụ Nguyễn Thông.
Lúc còn nhỏ đến năm 1904 ông ở Bình Định và được tiếp xúc các nhà cách mạng Duy Tân như:Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…do vậy ông bỏ ngề khoa cử cùng một số bạn bè đồng chí hướng sáng lập ra: Liên Thành Thư Xã, Liên Thành Hương Quán và Dục Thanh Học Hiệu tại Phan Thiết.
Tháng 09/1910 đến 02/1911, Nguyễn Quý Anh là người trực tiếp giúp đỡ thầy Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh), khi thầy đến dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết). Tháng 03/1911, ông Nguyễn Quý Anh lập gia đình với bà Lý Thu Liên ở Chợ Lớn và giữ chức quản lý phân cuộc Liên Thành Chợ Lớn. Tại đây, ông Nguyễn Quý Anh lại một lần nữa có điều kiện giúp thầy Nguyễn Tất Thành trươc khi xuất ngoại đi tìm đường cứu nước. Trường Dục Thanh do cụ Nguyễn Trọng Lội phụ trách. Năm 1917, công ty Liên Thành dời trụ sở vào Chợ Lớn, ông Nguyễn Quý Anh được đại hội cổ đông của công ty bầu làm Đổng lý Hội đồng quản trị sau đó kiêm chức Tổng lý của công ty Liên Thành đến năm 1920.
Từ năm 1922-1935 ông Nguyễn Quý Anh đưa các con qua Pháp chăm lo con cái học hành.
Năm 1936, về nước và được bầu lại làm Hội trưởng Hội đồng quản trị Công ty Liên Thành.
Ngày 12/09/1938 ông mất tại Sài Gòn, khi đó ông 58 tuổi.
Ông Nguyễn Quý Anh và vợ là bà Lý Thu Liên sinh được 06 người con gồm 04 trai, 02 gái. Trong đó, người con trai thứ hai là Nguyễn Minh Duệ-người tham gia quản lý công ty tiếp tục có những đóng góp ủng hộ kháng chiến, ông Duệ đã tham gia kháng chiến chống Pháp hy sinh trong một lần vận chuyển vũ khí từ Thái Lan qua Campuchia về Việt Nam, ông được phong tặng liệt sĩ. Người bạn, người đồng nghiệp là Hồ Tá Bang đã chia buồn sự mất mát khi ông Nguyễn Quý Anh qua đời bằng lời minh khắc trên bia mộ.
“ Nước sông Kỳ Xuyên trổ nhà đại tộc
Hán học ngày xưa một nhà un đúc
Âu hóa ngày nay tìm nguồn đến gốc
Một nhánh Linh Xuân đầy sân Lan Ngọc
Không mất hãy còn ngàn thu nên phúc”
Khi mất, ông được an táng tại địa điểm hiện nay vào năm 1938. Văn bia mộ ông được nhà yêu nước Hồ Tá Bang soạn viết. Năm 1954 bà Lý Thu Liên – vợ ông đã qua đời và được chôn cất cạnh ngôi mộ ông hiện nay thuộc phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Quý Anh là một nhà yêu nước cùng thời với các sĩ phu: Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tá Bang, Ngô Đức Kế, Trần Đình Phiên, Huỳnh Đình Điển…ông đã có nhiều cống hiến cho công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.
Khi nói về nhân vật Nguyễn Quý Anh, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ghi: “Ngôi mộ cổ ở Tân Bình không chỉ là di tích của riêng con cháu ông Nguyễn Quý Anh mà còn là di tích lịch sử có liên quan đến các tổ chức Cách mạng và liên quan đến Bác Hồ”; “Năm 1985 đồng chí Nguyễn văn Linh và các đồng chí : Trần Văn Trà, Tô Ký, Phạm Văn Chiêu…có cả Ban nghiên cứu lịch sử Đảng đã đến viếng mộ”.
V. KIẾN TRÚC VÀ BÀI TRÍ:
Gia đình cụ Nguyễn Quý Anh là gia đình thuộc loại danh giá nổi tiếng ở Chợ Lớn. Do vậy, việc lo mai táng xây mộ cho cụ ông và cụ bà được con cháu lo toan tươm tất. Ngôi mộ tọa lạc trên khu đất gia tộc họ Nguyễn, phía Tây Bắc giáp đường Thoại Ngọc Hầu (Hương Lộ 2 cũ), phía Bắc giáp đường Nguyễn Sơn, mộ hướng Đông Nam và là mộ song táng. Mộ nằm trong khuôn viên rộng lớn với diện tích độ 30m x 40m có tường rào bằng gạch bao quanh cao 2m3 và trên tường gạch có hàng rào kẽm gai cao khoảng 1m, cổng vào nhà mộ là cửa sắt cũ đã rỉ sét. Nhà mộ và mộ nằm ở góc phải khuôn viên đất được xây thêm nhà mồ và chung quanh trồng nhiều cây ăn trái, nhà mồ hình bát giác cao khoảng 9m, dài 8m, rộng 8m, nền 0,8m có rào sắt bao bọc chung quanh, trên tường đính nhiều hoa văn trang trí, vào nhà mộ có chừa lối đi qua bậc tam cấp, hai bên cửa là 2 cột đá, đỉnh nhà mồ đính hoa sen theo phong cách Phật giáo, 8 bờ mái góc với đầu đao mang dáng dấp đuôi rồng, ngoài cửa vào chính còn có 2 cửa phụ và 8 cửa sổ bao quanh ngôi mộ. Chất liệu xây nhà mồ là xi măng, đá rửa, sắt, cửa đi vào hình vòm diềm mái cong, mái lợp ngói vẩy cá đầu bằng.
Nhà mồ gồm hai phần bên dưới chứa quan, quách, bên trên nhỏ hơn có chức năng thông gió giải nhiệt cho trần vừa cách điệu trang trí.
Trước nhà mồ khoảng 3,8m có lư hương bằng xi măng, có đường kính trên 0,40m, cao 0,77m, lư hương hình trụ lục giác được điều chỉnh tiết diện từ chân đế, thân và bầu lư. Các trụ bê tông quanh ngôi nhà mồ, mỗi trụ có đường kính 0,33m, cao 0,55m, khoảng cách ngôi mộ đến các trụ 1,60m, trụ bê tông được trang trí theo dạng côn lăng trụ, mở rộng ở chân đế, trên đầu mỗi trụ trước đây được đặt chậu bông để trang trí, nền chung quanh ngôi mồ phía ngoài lát đá chẻ.
Lan can trang trí bằng hoa văn đúc sẵn in hình chữ Thọ cách điệu, chữ Thọ còn được thể hiện ở các chi tiết khác như ở cửa sổ hình vòm chung quanh nhà mồ. Trên trần có bóng đèn trang trí theo dạng hình bát giác có khoét lỗ thông gió.
Trong nhà mồ nổi bật là hai ngôi mộ đặt song song, đó là mộ ông Nguyễn Quý Anh và mộ bà Lý Thu Liên, mộ bằng đá cẩm thạch được mài bóng láng các mặt. Mỗi mộ dài 2,48m, ngang 1,08m, cao 1,015m hai mộ cách nhau 1,10m, trên nắp mỗi ngôi mộ có khắc 03 hoa văn hình tròn, thành mộ ốp đá cẩm thạch, đá có chạm khắc ốp viền xung quanh như những chiếc đai ôm cứng cho phần mộ. Vòng tường lăng mộ có 8 cạnh tạo thành 8 mặt tường, mỗi cạnh mặt có 01 khung cửa sổ sắt hình vòm có trang trí chữ Thọ cách điệu hình tròn ở giữa.
Phía sau 2 mộ xây một bàn hương án bằng đá mài, trên bàn hương án đặt một lư hương và bình hoa cùng bài vị thờ bà họ Lý, kích thước 0,40x0,60m. Trên bài vị khắc chữ “Nơi an giấc nghìn thu của bà Lý Thu Liên sinh năm 1888, qua đời ngày 02 tháng 05 năm Giáp Ngọ (02/06/1954) tại Chợ Lớn”. Trên vách tường sau có gắn một tấm bia đá cẩm thạch cao 1,80m, ngang 1,20m khắc chữ Quốc ngữ ghi lại thân thế và công đức người quá cố.
VI. CÁC DI VẬT-CỔ VẬT TRONG DI TÍCH:
- Di vật-cổ vật tại mộ danh nhân Nguyễn Quý Anh và Lý Thu Liên:
- 01 bệ thờ bằng đá
- 02 bia đá
- 02 nấm mộ có các tác phẩm điêu khắc
- Kiến trúc nhà mồ
- 02 lư hương bằng đá
- 01 bình bông bằng đá
VII. CÁC HÌNH THỨC SINH HOẠT VĂN HÓA:
Hằng năm vào ngày 12 tháng 09 năm Dương Lịch – ngày giỗ ông Nguyễn Quý Anh và ngày 02 tháng 05 âm lịch – ngày giỗ của bà Lý Thu Liên, gia tộc họ Nguyễn tập trung tổ chức tại nhà từ đường họ Nguyễn tại số 201 đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận I, thành phố Hồ Chí Minh và viếng mộ thấp hương tại ngôi mộ trên.
Đây là dịp các thế hệ con cháu gặp nhau và ôn lại gia thế của họ Nguyễn qua đó tình cảm, sự đoàn kết trong gia tộc tiếp tục được duy trì và gắn bó chặt chẽ.
VIII. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH:
Mộ danh nhân Nguyễn Quý Anh và mộ bà Lý Thu Liên có những giá trị về nghệ thuật kiến trúc, về lịch sử, về nhu cầu tín ngưỡng dân gian-một nét văn hóa không thể thiếu của người Việt-trong đó nổi bật về giá trị lịch sử cách mạng.
Về giá trị kiến trúc, ngôi mộ còn lưu giữ kiến trúc xen kẻ kiến trúc phương Tây, đỉnh nhà mồ đính hoa sen theo phong cách Phật giáo.
Về giá trị lịch sử, năm 1910-1911 Bác Hồ đã có thời gian dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết) nơi ông Nguyễn Quý Anh là Hiệu trưởng. Khi vào Sài Gòn-Chợ Lớn, trước khi xuất dương tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành ở tại số 1-2-3 đường Quai Testarad – nơi đặt trụ sở của công ty Liên Thành do Nguyễn Quý Anh trực tiếp phụ trách (nay là số 5 đường Châu Văn Liêm, Q5, địa điểm xếp hạng di tích quốc gia)
Về tín ngưỡng dân gian, việc xây mộ, chôn cất và thờ cúng người quá cố…một mặt phản ánh sự biểu hiện tình cảm “cây có cội suối có nguồn” của những người đang sống trong dòng họ với người đã khuất, mặt khác sự tồn tại hiện hữu của ngôi mộ còn là bức tranh trực quan phản ánh sinh động về hoạt động tín ngưỡng dân gian-một yếu tố không thể thiếu trong đời sống tâm linh trước đây và hiện nay của một bộ phận không nhỏ cư dân tại thành phố.
Dương Vân Hà
(Nguồn tư liệu: lý lịch di tích mộ ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét