Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Đà Nẵng xưa trong mắt một đại tá thủy quân Pháp

Trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, họ đã có nhiều quốc thư ngoại giao đề nghị nhà Nguyễn mở cửa thông thương.
Một trong những nỗ lực đó là năm 1824, một chiến dịch do Nam tước Yves Hyacinthe Potentien de Bougainville chỉ huy, ông là một đại tá thủy quân, con của một nhà hàng hải trứ danh tổ chức với mục đích “để neo cao lá cờ của chúng ta ở Viễn Đông và để giao cho chúa Nam Kỳ một bức thư của vua và các lễ vật” (1). Phái đoàn này gồm có 2 chiếc tàu được đặt dưới quyền điều khiển của Bougainville: chiếc Thétis có 44 đại bác và 320 thủy quân chỉ; thuyền buồm Espérance trang bị mạnh đến 20 pháo nặng ngắn trên cầu tàu và 120 thủy quân dưới quyền chỉ huy của Đại úy thuyền buồm Nourquer du Camper.
Thétis là một trong hai chiến thuyền tiêu biểu nhất về kỹ thuật và kích thước của Hải quân Pháp lúc bấy giờ. TRONG ẢNH: Mô hình pháo hạm Thétis được trưng bày tại Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Rochefort, Pháp. Ảnh: V.H
Thétis là một trong hai chiến thuyền tiêu biểu nhất về kỹ thuật và kích thước của Hải quân Pháp lúc bấy giờ. TRONG ẢNH: Mô hình pháo hạm Thétis được trưng bày tại Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Rochefort, Pháp. Ảnh: V.H
Trước đó, năm 1821, J.B. Chaigneau cùng với tàu Le Larose đến với tư cách Lãnh sự Pháp tại Đại Nam (quốc hiệu nước ta dưới triều vua Minh Mạng - ĐNCT), được vua Minh Mạng tiếp đúng theo nghi thức ngoại giao. Chaigneau trình  bức thư của vua Louis XVIII trong đó đề nghị thiết lập giao thương. Vua Minh Mạng phúc đáp là muốn quan hệ phải thuân theo luật lệ Đại Nam. Nhưng rồi sự việc cũng chẳng đi đến đâu.
Thétis và Espérance, sau gần một năm ghé nhiều nơi khác nhau, đã đến Đà Nẵng vào ngày 12-1-1825. Lúc bấy giờ, Bougainville không thể gặp được Chaigneau làm trung gian (lãnh sự) để trình quốc thư vì Chaigneau đã đưa cả gia đình mình rời Huế vào tháng 12-1824 vào Sài Gòn để đi Singapore, nhằm tránh một kết cục bi thảm có thể xảy ra khi vua Minh Mạng cho rằng: “Chaigneau vốn là bề tôi của mình lại tự tiện kết giao ước với chính phủ nước ngoài và làm đại diện cho chính phủ Pháp”. Bởi vậy, bá tước Bougainville xin phép được đi cùng một số sĩ quan để trực tiếp vào kinh thành trình quốc thư lên vua Minh Mạng.
Và, trong khi chờ đợi như vậy (từ 12 đến 20-1-1825), Bougainville và các thủy thủ đi dạo chơi các nơi của Đà Nẵng. Một số nội dung nhận xét về Đà Nẵng lúc bấy giờ đã được Bougainville viết trong cuốn “Nhật ký hành trình vòng quanh thế giới của 2 tàu Thétis và Espérance”. Bác sĩ Guillion đã trích dịch một đoạn nhận xét của Bougainville trong thời gian 2 tàu này ở Đà Nẵng trên tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH - Những người bạn của Cố đô Huế) như sau:
“Trong khi chờ đợi trả lời, những người Pháp đi thăm lạch, các vùng lân cận, núi thạch non nước là vấn đề làm cho tất cả các du khách tò mò. Bougainville không cùng quan điểm với Horsburgh cho rằng lạch Đà Nẵng là một trong những loại lạch lớn và đẹp nhất thế giới, ông chỉ thấy phần nào thôi.
Còn cái làng Đà Nẵng nằm trên bờ biển ở cửa vào sông Hội An, phía bờ bên phải có dựng một pháo đài do người kỹ sư Pháp làm, có tường, đòn và hào khô.
Dân chúng đón tiếp nồng nhiệt đoàn thủy thủ, người Pháp được người An Nam xem như những đồng minh cũ. Toàn thể thủy thủ chiếc Thétis có thể lên bờ đi lại mua lương thực, câu cá, săn bắn. Ông Bougainville không bỏ qua cơ hội để nói về loài khỉ đẹp Tiên Sa có bộ lông xám, chân đỏ” (2).
Như vậy, trong con mắt của Bougainville, Đà Nẵng lúc bấy giờ có 3 địa điểm mà những ai đến đây không thể bỏ qua là: dạo sông Cổ Cò, ghé Ngũ Hành Sơn; làng Đà Nẵng (tức trung tâm phố cảng Đà Nẵng gồm Hải Châu, Nại Hiên…); núi Sơn Trà với nhiều động vật quý hiếm như loài khỉ đẹp Tiên Sa có bộ lông xám, chân đỏ.
Đồng thời, Đà Nẵng lúc bấy giờ được xem là một trong những nơi có lạch lớn và đẹp nhất thế giới. Lạch ở đây theo Bougainville và Horsburgh và những người du lịch, chính là đoạn từ sông Hàn nối tiếp sông Cổ Cò chảy về Hội An. Điều này cho thấy rằng, ít nhất vào đầu thế kỷ XIX, Đà Nẵng không những dần nổi lên thay thế vị trí cảng Hội An về thương mại mà còn nổi tiếng là một nơi không thể không đến của các nhà du hành trên thế giới khi ghé nước Đại Nam, đồng thời giữ một vai trò trọng yếu trong việc phòng thủ kinh thành Huế ở phía Nam.
Sau khi nhận được thư, tuy chẳng có gì bảo đảm và đáp ứng theo yêu cầu, nhưng vua Nguyễn trấn an rằng, rất muốn thấy được các tàu Pháp vào các cảng An Nam với điều kiện tuân thủ đúng luật lệ của vương quốc. Hai chiếc tàu nói trên rời vịnh Đà Nẵng ngày 17-2-1825 để trở về Brest ngày 24-6-1826, sau khi đã ghé thăm Anambus, Sourabaya, Sydney, Valparaiso và Rio de Janero.
VÕ HÀ

(1), (2). Guillion, Cuộc hành trình của Bougainville đến Đà Nẵng tháng Giêng - Hai 1825, BAVH, Tập 4, NXB Thuận Hóa, tr.295.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét