Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

TRUNG DŨNG TƯỚNG QUÂN TÔNG ĐẢN

Còn như nói đường đường chính chính đem quân vào nước người, đến không ai địch nổi, về không ai dám đuổi theo, thì phải kể đến đệ nhất võ công là trận đánh vào Châu Ung, Châu Liêm. Từ đây, nước Tàu không dám coi thường nước ta, cho nên, mọi cống phẩm cho đến thư từ, họ không dám chê trách, vì chỉ sợ sinh ra hiềm khích lôi thôi". Ngô Thì Sĩ (Việt sử tiêu án).
TÔNG ĐẢN
“Ta đánh nhau với Trung Hoa nhiều phen. Xưa thì có (Lý) Nam Đế trở về trước, gần thì có Ngô Tiên Chúa đánh trận Bạch Đằng, Lê Đại Hành đánh trận Lãng Sơn, Trần Nhân Tông đánh đuổi được Toa-đô, Thoát-hoan... v.v. Đó là niềm hãnh diện của nước ta, nhưng tất cả do giặc tự dấn thân đến, ta bất đắc dĩ mà phải ứng chiến đấy thôi. Còn như nói đường đường chính chính đem quân vào nước người, đến không ai địch nổi, về không ai dám đuổi theo, thì phải kể đến đệ nhất võ công là trận đánh vào Châu Ung, Châu Liêm. Từ đây, nước Tàu không dám coi thường nước ta, cho nên, mọi cống phẩm cho đến thư từ, họ không dám chê trách, vì chỉ sợ sinh ra hiềm khích lôi thôi". Ngô Thì Sĩ (Việt sử tiêu án).
Danh tướng có công lớn trong trận tấn công vào Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm cuối năm 1075, đầu năm 1076 là Tông Đản. Tuy nhiên, người đời vẫn quen gọi là Tôn Đản. Lí do chính yếu có lẽ là vì lệ kị húy thời Nguyễn. Vua triều Nguyễn (Thiệu Trị : 1841 - 1847) tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, cho nên, tất cả những nhân vật lịch sử trước đó có tên hoặc hiệu hay tự là Tông đều phải đổi thành Tôn. Tông Đản là một trong những tù trưởng nổi tiếng, người dân tộc Tày. Ông sống cùng thời với Lý Thường Kiệt, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa rõ năm sinh, năm mất cũng như quê quán cụ thể của ông. Cuối năm 1075, thực hiện chủ trương tiên phát chế nhân (chủ động xuất quân ra trước để khống chế mọi hoạt động của đối phương), đại binh của triều Lý do Lý Thường Kiệt cầm đầu đã tràn sang Trung Quốc, tiêu diệt ba căn cứ quân sự nguy hiểm của nhà Tống ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm. Đây là cuộc tấn công hết sức táo bạo, do đó, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những nguy hại lớn đối với vận mệnh quốc gia. Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm lại ở cách biệt nhau, cho nên, vai trò độc lập chỉ huy tác chiến của các tướng lĩnh trong trận này là rất quan trọng. Và, Lý Thường Kiệt đã tin cậy mà trao phó nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Châu Ung cho Tông Đản, còn đánh vào Châu Khâm và Châu Liêm thì do đích thân Lý Thường Kiệt đảm trách.
 
Trong ba căn cứ nói trên, Châu Ung ở cách xa biên giới Đại Việt hơn cả. Châu Ung có thành trì kiên cố, quân số đông, lương thực dồi dào, vũ khí đầy đủ. Nếu không nắm vững nghệ thuật đánh thành thì rất dễ có khả năng bị sa lầy ở Châu Ung, mà sa lầy ở Châu Ung thì tình hình sẽ chuyển biến theo chiều hướng hết sức bất lợi cho Đại Việt. ông Đản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tin cậy ủy thác của chủ tướng là Lý Thường Kiệt và của quân dân Đại Việt lúc bấy giờ. Sử liệu về Tông Đản hưa cho phép dựng lại toàn bộ sự nghiệp lớn của ông, bởi vậy, chúng tôi chỉ xin trích giới thiệu ở đây vài ghi chép của bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 3) :
"Từ khi lên nắm quyền (Tể Tướng), Vương An Thạch thường có ý lập công ở ngoài biên giới nhà Tống. Quan giữ chức Tri Châu của Châu Ung là Tiêu Chú đón biết ý đó của (Vương) An Thạch, liền dâng thư nói rằng, Giao Châu (chỉ nước ta - NKT) tuy đã giữ đúng lệ triều cống nhưng thực ra thì vẫn ăn ở hai lòng, nay nếu bỏ lỡ, không đánh chiếm lấy thì sau này chắc chắn sẽ phải nặng mối lo. Vua nhà Tống tin lời, bèn xuống chiếu cho Tiêu Chú đứng ra chuẩn bị sắp đặt việc này. Tiêu Chú lấy làm khó. May sao lúc đó có viên Độ Chi Phán Quan là Trầm Khởi dâng thư nói rằng, chẳng có lẽ nào lại không lấy được Giao Châu, cho nên, nhà Tống mới cho Trầm Khởi làm Tri Châu của Quế Châu (vùng gần với biên giới phía Bắc của nước ta - NKT). Khi đi, Trầm Khởi nhận lãnh ý của (Vương) An Thạch, cho nên, hắn thường quấy rối nước ta. Sau, Trầm Khởi (mắc tội nên) bị bãi chức, Lưu Di được cử đến thay. Hắn biên chép hết hộ tịch của dân ở các khe động, sắm sửa thuyền chiến, mưu sang lấn cướp nước ta. Nhà Tống ra lệnh nghiêm cấm các châu, huyện không được mua bán, trao đổi với ta. Vua ta đưa thư (kháng nghị) sang nhà Tống thì Lưu Di lại đem dìm hết các thư ấy đi, vì thế, vua ta giận lắm, sai Lý Thường Kiệt và Tông Đản (nguyên bản chép là Tôn Đản, từ đây, xin sửa là Tông Đản - NKT) thống lĩnh hơn mười vạn quân, chia đường sang đánh nhà Tống. Lý Thường Kiệt dẫn quân đến Châu Khâm và Châu Liêm, đánh phá được. Quân Tống bị giết trên tám ngàn tên. Tông Đản đem quân đi đánh Châu Ung. Quan Đô Giám của Quảng Tây (Trung Quốc - NKT) là Trương Thủ Tiết nghe tin, vội đem quân đến cứu, nhưng đội quân này bị (Lý) Thường Kiệt đón đánh tan tành ở cửa ải Côn Luân (Trung Quốc - NKT) , Trương Thủ Tiết bi chém tại trận.” (Tờ 35). “Tông Đản vây Châu Ung hơn bốn mươi ngày đêm. Quan giữ chức Tri Châu của Châu Ung là Tô Giám cứ đóng cửa thành để cố thủ. (Tông Đản) sai quan quân xếp từng bao đất sát theo chân thành để tạo ra những bậc thang mà leo lên. Thành liền bị hạ. Tô Giám bắt ba mươi sáu người nhà của hắn chết trước rồi đem xác vùi xuống hố. Xong, hắn nhảy vào lửa mà tự tử. Giặc trong thành cảm phục Tô Giám nên không chịu đầu hàng. Quan quân (của Tông Đản) giết và bắt sống hơn năm vạn tám ngàn người. Nếu cộng với số bị giết ở Châu Khâm và Châu Liêm thì tất cả phải tới mười vạn. Lý Thường Kiệt cùng chư tướng bắt tù binh ở ba châu dẫn về. Việc này đến tai vua Tống. Vua Tống truy tặng Tô Giám là Phụng Quốc Tiết Độ Sứ” (Tờ 37).
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 9-a) cho biết thêm rằng, ngoài chức được truy tặng nói trên, vua Tống còn ban cho Tô Giám tên thụy là Trung Dũng. Về sự kiện này, sử gia lỗi lạc thế kỉ XV là Ngô Sĩ Liên nói : “Nhà Tống ban cho Tô Giám tên thụy là Trung Dũng, như thế cũng đủ để ngầm nêu sự trung dũng của Lý Thường Kiệt vậy”.
Phát triển ý của Ngô Sĩ Liên, chúng ta cũng có thể nói tiếp rằng, khen Lý Thường Kiệt trung dũng cũng tức là gián tiếp khen Tông Đản trung dũng vậy. Lý Thường Kiệt và Tông Đản, cả hai đều đúng là anh hùng tương ngộ, họ gắn bó với nhau, cùng nhau làm nên sự nghiệp phi thường ở thế kỉ thứ XI. 
Danh tướng Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét