Không một phương tiện chiến tranh nào có thể vào đến vùng đất được xem là tử địa này bởi bao nhiêu trực thăng, xe tăng, binh lính đến đây đều gặp thiệt hại nặng nề và phải bỏ chạy để giữ thân. Nghe đến vùng đất có vẻ bí mật này, chúng tôi thực hiện một chuyến đi ngắn về nguồn để khám phá…
Người dẫn đoàn giữ bí mật, không tiết lộ điểm đến là đâu, mà chỉ nói đó là một khu căn cứ cách mạng giai đoạn 1960-1975 ngay tại vùng Đồng Tháp Mười thuộc đất Đồng Tháp. Xuất phát từ Cần Thơ, chúng tôi băng đường đồng sang thị xã Sa Đéc để tranh thủ ghé lại làng trồng hoa truyền thống gần một thế kỷ và nhà cổ Huỳnh Thủy Lê- ngôi nhà cổ nổi tiếng bởi liên quan đến chuyện tình không biên giới trong tiểu thuyết "Người tình" của nhà văn Pháp Marguerite Duras. Sau đó, chúng tôi qua phà Miễu Trắng- lối đi tắt ngang sông Tiền- để đến vùng tử địa của Đồng Tháp Mười.
Bãi ngù là sự sáng tạo rất đơn giản của các chiến sĩ nhưng đầy bí hiểm làm đối phương khiếp sợ.
Qua phà, chúng tôi trực chỉ con đường nhựa mới toanh, phẳng phiu rồi đi tiếp con đường làng đầy bờ sen ruộng lúa. Trước mắt chúng tôi là khu du lịch Xẻo Quýt. Thắc mắc vẫn chưa được giải đáp bởi lẽ các khu căn cứ đều gần giống nhau. Đâu cũng có hầm công sự, những mái nhà lá dùng làm nơi ở và làm việc, bếp nấu không khói… Thế thì có gì là bí mật? "Nhưng có đấy!"-hướng dẫn viên của đoàn vẫn giữ bí mật đến phút cuối. Ngồi trên xuồng ba lá, lách mình trên con rạch uốn khúc quanh khu di tích, chúng tôi không giấu nổi vẻ phấn khích bởi tò mò. Bao nhiêu là câu hỏi về tử địa của vùng này được đặt ra với cô gái chèo xuồng đội chiếc nón tai bèo và mặc bộ bà ba đen theo kiểu giao liên ngày xưa. Cô gái vẫn từ tốn: "Trước hết, quý khách cứ thưởng thức phong cảnh và hít thở không khí trong lành. Chút nữa, đoàn mình sẽ đi ngang bãi tử địa". Chúng tôi đành ngồi yên trên xuồng, lách mình qua rừng tràm. Những thân tràm to hơn một vòng tay ôm, mọc tự nhiên không theo hàng lối. Để giữ nguyên rừng tràm, con đường phải uốn lượn theo cây cối. Càng đi sâu, thảm thực vật càng dày đặc. Dây bòng bong xoắn xuýt mọc thành từng thảm lớn, giăng từ cây này sang cây khác, tạo nên những mảng xanh lớn, phủ kín cả khu rừng.
Xuồng cứ lách mình trôi mãi. Có những khúc ngoặt, khách phải dùng tay kéo đám cỏ hoặc cành cây để đưa xuồng về phía trước vì không chèo được. Khu rừng khá tĩnh mịch nên khi có xuồng chèo đến cũng làm đàn chim giật mình, bay tứ tán. Đang mơ màng chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy thơ mộng của con rạch, rừng tràm và những mảng xanh, bỗng cô gái chèo xuồng bảo: "Phía trước là bãi tử địa mà quý khách tìm!". Nghe vậy, nhiều người đứng phắt dậy, định nhảy lên bờ để tận mắt nhìn thấy vùng tử địa, khiến xuồng cứ không thôi chòng chành.
Dây bòng bong giăng kín lối đi, tạo những mảng xanh huyền bí trong rừng tràm Xẻo Quýt.
Tử địa chính là bãi ngù. Đó là một bãi đất trống, chỉ có cỏ dại, không có cây to. Trong điều kiện thiếu thốn về vũ khí, phương tiện, các chiến sĩ san phẳng một vùng rộng lớn xung quanh khu căn cứ, để cắm những cây ngù được làm từ cọc tràm hoặc thân cây, cao chừng 1,5 mét. Trên ngọn ngù cột một chùm lá chuối khô hoặc rơm, bên trong cài lựu đạn. Khi địch đổ bộ bằng trực thăng, xe tăng, những cây ngù sẽ phát nổ, gây thương vong. Các chiến sĩ ta thừa thắng xông lên, tạo ra những bãi ngù rộng lớn hơn. Nhờ bãi ngù này, khu căn cứ Xẻo Quýt không bị địch càn quét.
Sau khi kết thúc vòng tham quan bằng xuồng ba lá, chúng tôi lại cuốc bộ vào rừng để khám phá tiếp. Vòng vèo vài cây số xuyên rừng tràm, chúng tôi đến tháp canh cao khoảng 10 mét. Trèo lên đỉnh tháp, toàn cảnh bãi ngù hiện ra trước mắt. Trên cánh đồng cỏ như một thảo nguyên xanh um là những cây ngù mọc lên san sát. Trong gian khó, thiếu thốn, các chiến sĩ ta đã sáng tạo ra phương pháp đánh vào tâm lý của đối phương để chiến thắng khi không có sự cân sức về vũ khí, đạn dược.
Sau khi thỏa sức khám phá vùng tử địa, chúng tôi trở lại điểm dừng chân của khu di tích để thưởng lãm một Đồng Tháp Mười thu nhỏ với những ruộng sen hồng, cầu khỉ, cầu dừa và trải nghiệm đời sống dân dã của người dân miền sen này.
Bài, ảnh: Thanh Nhàn
Môi trường sinh thái ở Khu di tích lịch sử Xẻo Quýt rất đa dạng. Đó là khu rừng tràm lâu năm xen lẫn với khoảng 170 loài thực vật khác, như: gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng... Trong 75 ha của khu di tích, có khoảng 20 ha rừng tràm nguyên sinh. Có những cây từ thời lập căn cứ Xẻo Quýt vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn. Ngoài ra, Xẻo Quýt còn có khoảng 200 loài động vật hoang dã. Trong đó, có 13 loài quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam, như: trăn mốc, rắn hổ trâu, rùa hộp, rái cá, chim sả mỏ rộng…
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét